Cháu bà nội tội bà ngoại – Cô gái nào cũng phải chạnh lòng
Cháu bà nội nhưng chỉ tội bà ngoại, người ta nói thế đúng là chẳng sai tý nào các chị em nhỉ? Nghe mà cứ rưng rưng nước mắt. Mẹ ơi! Bà ngoại ơi!.
Mẹ vất vả nuôi dưỡng con gái, tới khi con lấy chồng tưởng thế là xong, hết nghĩa vụ. Ai ngờ khi con bầu bí, sinh nở một lần nữa lại phải phiền tới mẹ.
Vân sinh con đã được 6 tháng, lúc ở cữ chăm con thì không sao. Nhưng đến khi đi làm thì cô thật sự cảm thấy mệt mỏi vô cùng, đi làm cả ngày tối về chỉ muốn ngủ nhưng thằng cu con cứ khóc ầm ĩ. Lắm hôm ngái ngủ nghe con khóc Vân cứ bấu vào tay chồng.
- Anh, dậy pha sữa cho con đi.
- Em điên hả? Đó là việc của em mà, vợ với chả con…để yên cho anh ngủ mai còn đi làm.
- Anh làm thế em không làm à?
- Con là do em sinh, ở đó mà còn lắm lời nữa.
Nói rồi chồng Vân ôm gối xuống phòng khách ngủ, Vân chỉ biết cắn chặt rằng mà khóc. Biết lấy chồng khổ như này có khi Vân chẳng lấy làm gì. Và rồi Vân quyết định thuê ô sin, chứ cái cảnh vừa đi làm vất vả lại chăm con thì cô không trụ nổi. Ấy thế nhưng tìm mãi mà chẳng được người ưng ý, lúc này chồng Vân mới nói nhỏ.
- Hay em bảo mẹ em lên trông con cho vợ chồng mình đi. Thuê ô sin vừa tốn kém mà em không thấy toàn ô sin đánh đập trẻ nhỏ đấy à?
- Sao lại là mẹ em? Sao anh không mở lời với mẹ anh ấy. Cháu là cháu của bà nội mà.
Video đang HOT
- Cái gì mà bà nội với bà ngoại. Bà nào thì chẳng là bà, hơn nữa mẹ anh bận chăm con cho cái Hà ( em chồng Vân ) rồi. Mẹ thường bế cháu cho con gái mà, em cũng bảo mẹ em lên đi. Thế là vẹn cả đôi đường.
Không còn cách nào khác nên Vân đành nhờ mẹ lên chăm sóc thằng cu con hộ mình. Từ ngày có mẹ thì Vân khỏe hẳn ra, đêm con khóc Vân dỗ mãi không nín thì mẹ cô cũng bảo.
- Để đó em bế cho, mai con còn phải đi làm nên lo ngủ đi. Sáng mai mẹ ôm cháu ngủ ngày bù lại cũng được.
Mẹ nói thì nói thế nhưng mẹ làm gì có thời gian mà ngủ, sáng dậy mẹ còn dậy sớm nấu bữa sáng cho vợ chồng con gái. Pha sữa, pha bột cho cháu ăn, mà có phải là bón cái nó ăn ngay. Cứ phải làm đủ trò thì nó mới chịu há miệng, ăn cả tiếng mới được 2 thìa cháo. Rồi thì thay bỉm, tranh thủ cháu ngủ thì mẹ dọn nhà, giặt quần áo. Mẹ cứ làm quần quật như vậy đến thời gian nghỉ ngơi không có chứ đừng nói là ngủ bù. Cứ bảo bà nào cũng là bà nhưng việc khó khăn gì cũng đến tay bà ngoại hết cả.
Đến bữa ăn, cháu quấy khóc mẹ cũng buông đũa.
- Thôi, hai vợ chồng con ăn trước đi. Mẹ bế cháu tý mẹ ăn sau.
Mẹ chăm cho con cho cháu đến mức hàng xóm cứ xì xào.
- Mẹ của cái Vân mang tiếng ra trông cháu mà cứ như là ô sin, người ở ấy. Con Vân chẳng biết thương mẹ tý nào cả.
Rồi hàng xóm còn khuyên mẹ Vân, có tuổi rồi, sống được bao lâu nữa, có chăm con chăm cháu thì cũng phải thương lấy mình. Vậy nhưng mẹ Vân chẳng quan tâm, với bà lo cho con, bế cháu hộ con gái để con gái mình không vất vả là bà vui sướng nhất.
Nhìn mẹ gầy gò mà vẫn cõng cháu trên lưng, Vân thương mẹ vô cùng.
- Mẹ ơi, con xin lỗi…vì từ trước đến nay việc gì cũng phải nhờ đến tay mẹ.
Mẹ Vân nhìn con.
- Có sao đâu, ở nhà mẹ còn làm nhiều việc hơn ấy chứ?
Thế đấy, dù vất vả mẹ vẫn vì con vì cháu là trên hết. Con gái à, đôi khi chúng ta biến cha mẹ thành người giúp việc không công cho gia đình, nên nhớ phận làm con cháu thì không có nhiều thời gian ở bên bố mẹ nữa đâu.Hãy quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn nhé. Là con gái thì phải biết thương mẹ mình….
Theo Khoevadep
Cầu nối kỳ diệu
Con như đã hiện diện khắp nơi trong gia đình mình, trong trái tim, tình yêu và sự quan tâm của mọi người. Con thật sự là một chiếc cầu nối kỳ diệu, con yêu dấu ạ!
Người ta thường gọi một đứa trẻ là gì con nhỉ? Là thiên thần, là bông hoa, là hạnh phúc... nhiều lắm nhưng với mẹ, một đứa trẻ còn có thể trở thành một cầu nối, gắn kết những người thân yêu trong gia đình. Chính con cũng là một chiếc cầu nối diệu kỳ đấy, con biết không?
Để xem nhé, sau khi có con, mẹ ở nhà ông bà ngoại thường xuyên hơn. Mẹ ở đó suốt một tháng dưỡng thai. Đến khi đi làm lại, mẹ về nhà ông bà vào mỗi cuối tuần. Ngày nào không về, mẹ và bà ngoại cũng "tám" điện thoại hai lần. "Tám" quanh quẩn chỉ những chuyện ấy thôi con ạ, nào là mẹ khỏe không, mẹ ăn gì, con có hành mẹ không... thế mà nói mãi không biết chán.
Sau khi có con, mẹ về nhà ông bà ngoại để dưỡng thai. Ảnh minh hoạ
Từ ngày có con, bà ngoại cưng mẹ hẳn. Mỗi khi mẹ về, bà nấu món mẹ thích. Mỗi ngày đi làm về, bà mua thức ăn xế và trái cây cho mẹ. Bà không cho mẹ làm gì cả, chỉ có ăn, ngủ và xem ti-vi thôi. Bà mua cho mẹ nào sữa, nào đầm bầu...
Ông bà ngoại con sắp về hưu rồi, vậy mà còn đi làm ngày nào vẫn ráng lo cho mẹ và cậu Ba ngày ấy. Mẹ biếu tiền chẳng bao giờ ông bà nhận, cứ bảo để đấy về hưu tính. Mẹ thấy mình thật tệ, lớn bằng này, đi làm bao nhiêu năm mà chưa nuôi được ông bà ngày nào cả, lại còn làm ông bà lo lắng!
Mỗi khi mẹ nói thế, bà lại gạt đi. Bà bảo: "Mẹ con mà, ngại cái gì!". Có con rồi, mẹ mới thấy thương bà thật nhiều. Ngày xưa, bà cũng mang nặng đẻ đau. Mẹ cũng hành bà thai nghén, nôn lên nôn xuống. Bà nuôi mẹ bao năm cực khổ nhưng có phải lúc nào mẹ cũng ngoan và vâng lời đâu?
Có con rồi, mẹ mới thấy thương bà ngoại biết bao. Ảnh minh hoạ
Ông ngoại không hay biểu lộ tình cảm như bà nhưng mẹ biết ông cũng thương mẹ và yêu con nhiều lắm. Hôm trước, mẹ nhận kết quả xét nghiệm trong nước tiểu có đường và giấy hẹn làm tiếp một cuộc xét nghiệm máu để kiểm tra chính xác. Thế là ông cứ hối thúc mẹ đi xét nghiệm nhanh nhanh, dặn mẹ kiêng ăn ngọt, rồi bảo hay để ông dùng máy đo đường của bà để kiểm tra cho mẹ... Ông lo mẹ bị tiểu đường, ảnh hưởng sức khỏe và cả cháu gái bé bỏng.
Không chỉ có ông bà ngoại, ông bà nội cũng thương mẹ con mình không kém. Nhà ông bà nội ở tận ngoại thành. Từ ngày có thai, sức khỏe mẹ không tốt nên không thể về thăm ông bà thường xuyên như trước được. Thương con thương cháu, ông bà lặn lội lên thăm mẹ. Mẹ nhớ mãi một lần mẹ buột miệng bảo thèm sườn non sốt cà của bà nội làm. Vậy là một hôm chủ nhật, bà nội nấu món ấy rồi ông chở bà mang lên tận nơi cho mẹ.
Ngồi ăn sườn của bà nội, mẹ cảm động đến rưng rưng. Giờ đây, cứ mỗi lần nhìn món sườn non, mẹ lại nhớ đến cà-mên sườn của ông bà nội hôm ấy. Khoảng cách giữa con dâu và ba mẹ chồng tự lúc nào đã xóa nhòa.
Mẹ nhớ mãi món sườn bà nội làm rồi ông nội tận tay mang lên cho mẹ. Ảnh minh hoạ
À, thật thiếu sót nếu mẹ quên mất một nhân vật quan trọng: bố heo của con. Trước khi có con, bố mẹ rất hay cãi nhau nhưng từ ngày có con, "chiến tranh" giảm hẳn. Bố con giỏi lắm nhé, một mình cáng đáng việc nhà, nào giặt đồ, phơi đồ, ủi đồ, quét nhà, dọn cơm, pha sữa cho mẹ uống... Tóm lại, bố làm tất tần tật. Đêm nằm ngủ, bố đắp chăn, gãi lưng cho mẹ. Hôm nào trời nóng, bố lấy khăn ướt lau mình cho mẹ.
Mẹ chỉ cần nhõng nhẽo: "Anh ơi" một tiếng, bố con có mặt ngay. Bố chiều chuộng mẹ hết lòng. Có hôm bố đòi đi uống cà phê với bạn, tự dưng mẹ tủi thân vì ở nhà một mình nên khóc òa. Thế là bố con cuống quýt dỗ dành và ở nhà luôn. Mẹ quyết định phong cho bố con làm "Người chồng ưu tú" nếu bố có thể giữ vững phong độ này đến ngày con chào đời. Chắc chắn bố sẽ làm được thôi, phải không con yêu?
Nhờ có con, bố mẹ thêm yêu thương và nhường nhịn nhau. Ảnh minh họa
Con gái yêu dấu, con chỉ mới được năm tháng trong bụng mẹ thôi. Phải thêm một hành trình dài tương đương, con mới chính thức chào đời. Nhưng từ bao giờ, con như đã hiện diện khắp nơi trong gia đình mình, trong trái tim, tình yêu và sự quan tâm của mọi người dành cho nhau. Con thật sự là một chiếc cầu nối kỳ diệu, con yêu dấu ạ!
Hải Yến
Theo phunuonline.com.vn
Vợ em lười lắm! Đàn ông một việc đi làm kêu việc to. Phụ nữ nghìn việc không tên thì lại là chuyện nhỏ... Vợ than một chút thì lại nói ở nhà mỗi trông con làm gì đâu mà mệt. Đúng là đời... Tối, em trai sang nhà tôi. Nó nằm vật ra sofa vẻ mệt mỏi. Hỏi thì nó nói hai vợ chồng vừa gây...