Châu Âu và những vấn đề liên quan tới Quỹ Quốc phòng chung
Các thiết chế của Liên minh châu Âu (EU) trong tuần cuối tháng 2/2019 đã đạt được thỏa thuận một phần về Quỹ Quốc phòng châu Âu, song không có một quyết định nào được đưa ra về ngân sách của quỹ này.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo Romania, nước Chủ tịch luân phiên hiện tại của Liên minh châu Âu, sau cuộc họp ba bên (Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu) và một loạt cuộc họp kỹ thuật, Nghị viện và Hội đồng Liên minh châu Âu đã đạt được một thỏa thuận về Quỹ Quốc phòng châu Âu.
Sau khi đạt được thỏa thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen đã tuyên bố: “Đây là một bước tiến lớn để cụ thể hóa hợp tác châu Âu về quốc phòng. Quỹ sẽ cho phép các quốc gia thành viên thúc đẩy một nền công nghiệp quốc phòng mới, hùng mạnh và sáng tạo, đồng thời phát triển quyền tự chủ và lãnh đạo của châu Âu”.
Ý tưởng về một quỹ quốc phòng ban đầu đã được Ủy ban châu Âu đưa ra hồi tháng 11/2016 và được đưa vào “Sáng kiến hội nhập về an ninh và quốc phòng”.
Quỹ Quốc phòng châu Âu được chủ trương nhằm tài trợ các dự án nghiên cứu, phát triển, và hỗ trợ công nghiệp quốc phòng châu Âu. Theo kế hoạch, quỹ này sẽ nhận được khoảng 13 tỷ euro trong ngân sách dài hạn sắp tới của EU và tài trợ cho các dự án hợp tác nghiên cứu.
Video đang HOT
Nguồn ngân sách này sẽ dành 4,1 tỷ euro cho nghiên cứu và 8,9 tỷ euro để hỗ trợ các quốc gia thành viên phát triển các mô hình trang bị quân sự (20%) và đáp ứng về các yêu cầu thử nghiệm và nghiệm thu (80%).
Ngân sách cũng có thể bao gồm việc phát triển các hệ thống vũ khí mới, gồm máy bay không người lái của châu Âu, máy bay tiêm kích thế hệ mới và một xe tăng do Pháp và Đức sản xuất. Tuy nhiên, thỏa thuận chính trị sơ bộ này chưa bao gồm khoản ngân sách cuối cùng, vì kỳ ngân sách dài hạn tiếp theo của EU cần được Nghị viện châu Âu khóa mới phê chuẩn vào mùa Thu năm 2019.
Quỹ Quốc phòng châu Âu cũng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nhiều quốc gia tham gia. Cao ủy châu Âu về công nghiệp và thị trường nội địa, Elbieta Biekowska, cho biết: “Quỹ sẽ khuyến khích sự sáng tạo về công nghệ và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng để châu Âu được hưởng một nền tảng công nghệ cao, có khả năng phối hợp chung và trang bị trong các lĩnh vực như trí tuệ nhận tạo, phần mềm mã hóa, máy bay không người lái hay liên lạc vệ tinh”.
Các vấn đề đạo đức, đặc biệt liên quan tới nghiên cứu các vũ khí tự động và xuất khẩu vũ khí, đã dẫn tới tranh luận tại các cuộc thảo luận gần đây. Nhóm đảng Xanh và Liên minh Tự do châu Âu đã nhấn mạnh việc Quỹ Quốc phòng châu Âu không được tài trợ cho các hệ thống vũ khí giết người tự động (SALA), vốn được biết đến dưới cái tên “Robot giết người”.
Trong khi Liên hợp quốc đã không đạt được một sự nhất trí nào trong hơn 2 năm qua về vấn đề này, thì các quốc gia EU đã thống nhất về một định nghĩa chung.
Tuy nhiên, một số nghị sĩcủa Nghị viện châu Âu đã lấy làm tiếc vì không có một cuộc bỏ phiếu của Nghị viện về Quỹ Quốc phòng châu Âu. Reinhard Btikofer, phát ngôn viên của Nhóm đảng Xanh và Liên minh Tự do châu Âu, cho biết :”Tại Nghị viện châu Âu, nhóm đa số của những người cánh hữu đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với Hội đồng châu Âu về việc Quỹ Quốc phòng châu Âu sẽ cấp hàng tỷ euro cho công nghiệp quốc phòng và Nghị viện không được quyền can dự. Nhiều quan điểm của các nghị sĩ, vốn chiếm đa số trong Ủy ban công nghiệp, đã không được đếm xỉa tới”.
Một nguồn tin thân cận với các cuộc thương lượng về Quỹ Quốc phòng châu Âu tiết lộ với mạng tin Euractiv rằng Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu đã thảo luận về khả năng dùng Quỹ Quốc phòng châu Âu để trực tiếp chi trả cho các hoạt động vận động hành lang, song đã không thống nhất được về vấn đề này.
Việc thiếu minh bạch trong các hoạt động như vậy đã bị nhiều tổ chức phi chính phủ chỉ trích. Sau khi Mạng lưới châu Âu chống buôn bán vũ khí khiếu nại lên Thanh tra châu Âu, Ủy ban châu Âu sẽ công khai biên bản các cuộc tranh luận của nhóm tư vấn về nghiên cứu quân sự, vốn là nền tảng của Quỹ quốc phòng châu Âu.
Một loạt cuộc đàm phán vào tháng 1/2019 đã cho thấy những điểm bất đồng giữa Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên về các mục tiêu của Quỹ quốc phòng, vấn đề đạo đức, vấn đề giám sát, cũng như sự quản lý trực tiếp hay gián tiếp đối với Quỹ. Trong khi đó, Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã đạt được một thỏa thuận về phần lớn các điểm này.
Căn cứ vào thỏa thuận sơ bộ, một số điểm đã được bổ sung để làm rõ các tiêu chí của Quỹ Quốc phòng châu Âu. Thỏa thuận hiện đề ra điều kiện nghiêm ngặt đối với các dự án nghiên cứu chung, theo đó ít nhất có ba đơn vị tham gia từ ít nhất ba quốc gia thành viên.
Theo thỏa thuận hiện nay, các doanh nghiệp có trụ sở tại EU và không thuộc nước thứ ba được coi là hội đủ điều kiện tham gia dự án của Quỹ Quốc phòng châu Âu, trong khi đó các doanh nghiệp châu Âu có trụ sở ở nước thứ ba sẽ phải đứng ngoài dự án. Các doanh nghiệp đặt trụ sở ngoài châu Âu sẽ không được hưởng nguồn tài trợ nhưng có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu chung.
Trước mắt, không rõ những tiêu chí này có được áp dụng với Vương quốc Anh, vốn là cường quốc quân sự lớn nhất châu Âu, nhưng sẽ rời khỏi EU trong thời gian tới, hay không. Thỏa thuận sơ bộ hiện sẽ phải được các nghị sĩchâu Âu và Hội đồng châu Âu phê chuẩn, và một cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận này có thể sẽ diễn ra tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu vào tuần thứ 2 của tháng 4/2019.
Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận tại Nghị viện châu Âu đã nhấn mạnh: “Vấn đề là hiệp định vẫn chưa được xây dựng đầy đủ và EU cần phải chỉnh sửa văn bản ngay khi ngân sách dài hạn được phê chuẩn”./.
Theo TTXVN
EU đạt thỏa thuận sơ bộ về hạn chế phát thải từ xe tải
Ngày 19/2, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu - đại diện cho 28 nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) - đã ký một thỏa thuận mới về hạn chế lượng khí thải CO2 của các xe tải mới sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng.
Đo mức khí thải của xe ô tô tại Ludwigsburg, tây nam Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo thỏa thuận sơ bộ, lượng khí thải CO2 của các xe tải hạng nặng sẽ giảm 15% vào năm 2025 và giảm 30% vào năm 2030 so với mức quy định của năm 2019. Mức hạn chế khí thải này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của EU nhằm đạt được các mục tiêu cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, theo đó giảm ít nhất 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức của năm 1990.
Theo quy định, thỏa thuận này vẫn phải được Hội đồng châu Âu và các nghị sỹ châu Âu chính thức thông qua trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới.
Tuy nhiên, giới chỉ trích cho rằng mức hạn chế khí thải này là chưa đủ do áp lực từ Đức. Nghị sỹ Karima Delli, một thành viên trong Nghị viện châu Âu, tham gia các cuộc đàm phán, đã hoan nghênh thỏa thuận trên, song cho rằng EU có thể đề ra mục tiêu cắt giảm khí thải lớn hơn nếu không chịu tác động của các nước thành viên chủ chốt trong liên minh. Bà cho biết một số chính phủ trong EU, như Đức và một số nước ở Trung Âu, chỉ quan tâm tới lợi ích của ngành công nghiệp nước mình.
Cho đến nay, 180 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mới thực hiện cắt giảm 1/3 lượng khí thải CO2 cần thiết nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 1,5 độ C đến năm 2020.
Theo Minh Châu (TTXVN)
Chặng đường đàm phán khó khăn Với số phiếu không quá cách biệt so với các kết quả thăm dò trước đó, đảng Cải cách đối lập đã giành được số phiếu ủng hộ cao nhất, vượt qua đối thủ truyền thống là đảng Trung tâm cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội E-xtô-ni-a vừa qua. Các vấn đề về thuế, chi tiêu công và giáo dục tiếng...