Châu Âu nhấn mạnh vai trò của công nghệ hạt nhân trong chuyển đổi năng lượng
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 21/3, khoảng 50 nhà lãnh đạo châu Âu và người đứng đầu các chính phủ đã tham dự hội nghị thượng đỉnh quốc tế về năng lượng hạt nhân do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tổ chức tại Brussels (Bỉ).
Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach, miền Nam Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Tham vọng chính trị của các quốc gia châu Âu là phát triển năng lượng hạt nhân để đạt được các mục tiêu về khí hậu, nhưng lĩnh vực này đang phải đối mặt với việc thiếu đầu tư, chi phí lớn và sự chậm trễ triển khai các dự án.
Phát biểu với các phóng viên trước thềm hội nghị, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol nhấn mạnh nếu không có sự hỗ trợ của năng lượng hạt nhân, chúng ta không có cơ hội đạt được các mục tiêu về khí hậu đúng thời hạn. Theo ông, năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng về mặt điện năng, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời, được hỗ trợ bởi năng lượng gió và thủy điện. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn cần năng lượng hạt nhân, đặc biệt là ở những quốc gia không có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo.
Đã có những quan ngại về an toàn đối với việc sử dụng năng lượng hạt nhân ở châu Âu, đặc biệt sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, khiến Đức phải đóng cửa ngay lập tức 6 nhà máy điện hạt nhân và dần dần ngừng hoạt động các lò phản ứng còn lại. Tuy nhiên, nhu cầu tìm giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga sau cuộc xung đột quân sự với Ukraine vào tháng 2/2022 và cam kết của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 đã làm sống lại mối quan tâm đến loại năng lượng này.
Mặc dù trên thế giới đã có 400 lò phản ứng sản xuất 370 gigawatt điện nhưng công suất này cần được tăng gấp đôi để đáp ứng những thách thức về môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho rằng công nghệ hạt nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Điều này thúc đẩy các quốc gia đưa ra các cam kết cụ thể về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và nhanh chóng triển khai các lò phản ứng tiên tiến.
Video đang HOT
Châu Âu cũng cần cải thiện năng lực của mình bằng cách khuyến khích các nhà khoa học phát triển và nghiên cứu để bắt kịp phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, ngân sách của Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euratom), cơ quan nghiên cứu chủ chốt của EU, đã bị cắt giảm 20% trong giai đoạn 2021 – 2025.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chung của EU, ông Bernard Magenhann, châu Âu đang mất đi các kỹ năng do tình trạng già hóa dân số trong lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực hạt nhân và cần đảm bảo thay thế các kỹ năng trong tương lai gần.
Ông Bernard Magenhann nhấn mạnh hiện nay châu Âu cần phải đào tạo những nhân tài mới, để tránh tình trạng khó khăn về thiếu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Đây là lần đầu tiên một cuộc họp cấp cao về năng lượng hạt nhân được tổ chức kể từ những năm 1950 và là sự khởi đầu của việc khai thác thương mại đối với năng lượng hạt nhân vì đây là một trong những giải pháp giúp giảm phát thải carbon trong bối cảnh gia tăng biến đổi khí hậu hiện nay.
IAEA nhấn mạnh tính minh bạch với Nhật Bản khi xả nước thải nhiễm xạ
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi hôm 12/3 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch trong việc xử lý và xả nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, sau khi nhà máy này bị phá hủy.
Giám đốc IAEA Yoshimasa Hayashi bắt tay với Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 12/3. Ảnh: The Columbian
Trong chuyến thăm Nhật Bản vào ngày 12/3, Giám đốc IAEA Rafael Grossi cũng ủng hộ việc tăng cường năng lực hạt nhân của Nhật Bản, xem đó là nguồn năng lượng sạch và ổn định.
Thảm họa động đất - sóng thần năm 2011 đã làm hỏng chức năng cung cấp điện và làm mát lò phản ứng của nhà máy Fukushima, gây ra ba đợt tan chảy và tích tụ một lượng lớn nước thải phóng xạ.
Sau hơn một thập kỷ, nhà máy bắt đầu xả nước sau khi xử lý đã làm sạch và pha loãng với một lượng lớn nước biển vào ngày 24/8/2023, quá trình này dự kiến sẽ mất nhiều thập kỷ.
Việc xả thải đã bị các nhóm đánh cá và các nước láng giềng phản đối, trong đó có Trung Quốc, nước đã cấm nhập khẩu tất cả thủy sản Nhật Bản ngay sau khi đợt xả thải bắt đầu.
Nhật Bản đã tìm kiếm sự trợ giúp của IAEA trong việc giám sát và đánh giá an toàn để xoa dịu những lo ngại.
Ông Grossi sẽ kiểm tra cơ sở xả thải và lấy mẫu vào ngày 13/3 sau cuộc gặp với người dân địa phương. Lần cuối cùng ông đến thăm nhà máy này là vào tháng 7/2023. Báo cáo toàn diện của IAEA sau đó kết luận rằng việc xả thải đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Ông Grossi nói với Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Ken Saito rằng "việc thể hiện tính minh bạch của quá trình này là rất quan trọng".
Người đứng đầu IAEA cũng đề xuất hỗ trợ kỹ thuật cho Nhật Bản để cải thiện nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa, đang tạm ngừng hoạt động ở vùng trung tâm phía bắc Niigata của Nhật Bản. Nhà máy này do cùng một công ty điều hành Fukushima Daiichi quản lý. Công ty và chính phủ Nhật Bản hiện đang muốn khởi động lại nhà máy này sớm.
IAEA sẽ cử một nhóm chuyên gia đến nhà máy vào cuối tháng này để hỗ trợ Công ty Điện lực Tokyo nhằm khôi phục hoạt động năng lượng hạt nhân càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, việc khôi phục hoạt động vẫn chưa chắc chắn vì cần có sự đồng ý từ cộng đồng địa phương.
Giám đốc IAEA cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa vào ngày 14/3 để thảo luận về hợp tác giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như tình hình ở Triều Tiên và Iran, cùng việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Nhật Bản cũng dự định hỗ trợ tài chính cho IAEA nhằm bảo vệ các nhà máy hạt nhân của Ukraine khỏi cuộc xung đột với Nga.
Trước đó, IAEA đã cam kết hợp tác với chính phủ Nhật Bản trong việc xử lý đất phóng xạ thải ra sau quá trình khử nhiễm trên khắp Fukushima.
Đất này đang được lưu giữ tại một cơ sở tạm thời ở Fukushima và kế hoạch tái chế nó để xây dựng đường sá và các công trình công cộng khác đang gặp phải sự phản đối. Chính phủ Nhật Bản đã hứa sẽ có kế hoạch xử lý cuối cùng vào năm 2045.
Mỹ sẽ 'hành động' nếu Iran không hợp tác với IAEA Ngày 7/3, Mỹ cho rằng nếu Iran tiếp tục không hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thì Washington có thể sẽ đưa ra những hành động mới. Bên trong cơ sở hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran của Iran 300km về phía nam. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Tại cuộc họp Hội đồng Thống đốc IAEA tại...