Châu Âu “loay hoay” tìm giải pháp cho khủng hoảng người nhập cư
Những bước đi vừa qua của các nước EU được cho là chưa đủ để ngăn chặn dòng người nhập cư từ khu vực Trung Đông, Bắc Phi tới châu Âu thời gian tới.
Trong một nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo châu Âu thời gian qua, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/4 nhất trí tăng gấp 3 nguồn tài chính cho chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn trên biển Địa Trung Hải, thống nhất đưa ra nền tảng chung cho hành động quân sự chống lại những kẻ buôn lậu người.
Những bước đi này của các nước EU được cho là chưa đủ để ngăn chặn dòng người nhập cư từ khu vực Trung Đông, Bắc Phi tới châu Âu thời gian tới.
Các nước châu Âu quyết định tăng nguồn tài chính cho chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn trên biển Địa Trung Hải, lên 120 triệu euro. Ngoài tàu thuyền, các quốc gia cũng sẽ huy động thêm máy bay trực thăng cùng nhân sự tăng cường tuần tra trên biển Địa Trung Hải.
Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đang cứu những người nhập cư trái phép ở Địa Trung Hải (ảnh: AP)
Cao Ủy liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini được chỉ định xem xét những lựa chọn ngoại giao, cho phép quân đội của EU tấn công những chiếc thuyền buôn lậu người.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi- nước đang phải đối mặt hàng ngày với thảm kịch người nhập cư gọi đây là một bước tiến lớn , đồng thời kêu gọi Liên Hợp Quốc sớm đưa ra nghị quyết về vấn đề khủng hoảng người nhập cư.
Video đang HOT
Ông Renzi nói: “Italy đề nghị sự hỗ trợ của Pháp, Tây Ban Nha và Anh ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi hi vọng có thể đạt được một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong thời gian sớm nhất về cuộc khủng hoảng mà châu Âu đang phải đối mặt”.
Hội nghị thượng đỉnh về nhập cư của Liên minh châu Âu được tổ chức sau làn sóng di cư ồ ạt từ các nước châu Phi, đặc biệt là những quốc gia đang có xung đột như Libya, Syria đến châu Âu. Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) cho biết, có hơn 1.700 người thiệt mạng tại Địa Trung Hải năm nay khi cố gắng tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu. Tuy vậy, ngay cả những người lạc quan nhất cũng cho rằng, những đề xuất ” chậm trễ” đưa ra tại hội nghị hôm qua sẽ không hoàn toàn ngăn chặn làn sóng tới châu Âu qua Địa Trung Hải thời gian tới.
Malta – một nước thành viên nhỏ của EU cho rằng, hội nghị này không đưa ra những đề xuất nào mới, ngoài quyết tâm phá vỡ các mạng lưới buôn lậu. Các đề xuất tại hội nghị không đủ để ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu trong tương lai. Giới quan sát cũng cho rằng, nếu áp dụng hành động quân sự chống lại những kẻ buôn người sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, bất kì hành động quân sự nào cũng cần phải dựa vào luật pháp quốc tế, trong đó cần có một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hay của chính phủ đoàn kết ở Libya. Nhiều nước châu Âu thì cho rằng, châu Âu không nên phải gánh vác những trách nhiệm này. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh, châu Phi- nguồn gốc của vấn đề cũng cần phải có chung trách nhiệm.
Chính nội bộ các nước châu Âu cũng đối mặt với sự bất đồng trong việc chia sẻ gánh nặng người nhập cư. Các quốc gia như Đức, Thụy Điển, Pháp và Italy đang phải đối mặt với một lượng lớn đơn yêu cầu xin tị nạn, trong khi những quốc gia thành viên phía đông hoặc Ban Tích lại hầu như không có. 5 trong số 28 quốc gia thành viên đang xử lí gần 70% số người di cư đến châu Âu.
Thủ tướng Anh David Cameron gần đây tuyên bố, nước này không có kế hoạch để nhiều người di cư đến mà không có lí do thích hợp. Các tàu của Anh sẽ đưa những người di cư đến những nước an toàn gần nhất như Italy.
Bên cạnh việc giải quyết vấn đề người nhập cư, các nhà lãnh đạo EU cũng cho rằng, quốc tế cần phải tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya hiện nay- quốc gia có số lượng người di cư đông nhất tới châu Âu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết: “Mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nếu không có biện pháp nào được thực hiện. Nếu không giải quyết tình hình tại Libya những kẻ khủng bố sẽ từ nước này đến châu Âu. Vì vậy chúng ta cần phải hành động khẩn cấp. Không chỉ riêng châu Âu mà toàn bộ cộng đồng quốc tế cũng cần phải giúp Libya giải quyết khủng hoảng”.
Tổng thống Pháp cũng cho biết, EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở Malta với các nước châu Phi vào mùa hè này, để phối hợp những nỗ lực chung của hai châu lục giúp giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng một gia tăng trong thời gian gần đây./.
Phạm Hà Theo AP, Reuters
Theo_VOV
Ảnh cứu hộ vụ tàu lật tồi tệ nhất trên biển Địa Trung Hải
Một người sống sót mang quốc tịch Bangladesh kể rằng, khoảng 950 người ngồi trên tàu lúc nó chìm trên biển Địa Trung Hải vào sáng ngày 19/4.
Hải quân Italy đang nỗ lực tìm người sống sót và thi thể nạn nhân trong vụ chìm tàu chở người nhập cư trên biển Địa Trung Hải trong những thập niên qua. Lực lượng cứu hộ thấy 28 người còn sống và vớt 24 thi thể từ con tàu chở người nhập cư trái phép. Tàu khởi hành từ Libya.
Tàu có chiều dài 20 m, chìm cách bờ biển Libya khoảng 110 km. Một người sống sót cho biết, khoảng 700 ngồi trên tàu lúc sự cố xảy ra. Theo một nạn nhân mang quốc tịch Bangladesh, 950 người có thể đã chết, bao gồm hàng trăm người mà những kẻ buôn lậu nhốt trong thân tàu.
Theo lời nhân chứng, tàu lật khi những người nhập cư đổ dồn về một bên mạn nhằm thu hút sự chú ý của King Jacob, một tàu vận tải treo cờ Bồ Đào Nha, khi nó đi qua khu vực. Sự mất cân bằng trên tàu quá tải khiến nó lật ngay sau đó.
Nếu giới chức xác nhận thông tin về việc khoảng 950 người chết trong vụ tai nạn, đây sẽ là thảm kịch chìm tàu tồi tệ nhất trên biển Địa Trung Hải. Nó xảy ra một tuần sau sự cố khiến 400 người nhập cư khác thiệt mạng ở chính khu vực này. Vụ tai nạn nâng tổng số người nhập cư thiệt mạng trong năm nay lên 1.500 người..
Thông thường, các chuyến tàu chở người nhập cư từ châu Phi thường hướng tới Italy vì đây là đích gần nhất. Thủ tướng Italy, ông Matteo Renzi, kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu họp thượng đỉnh bất thường nhằm đối phó làn sóng di cư trái phép đang đổ về quốc gia này. Theo Renzi, Liên minh châu Âu (EU) cần phối hợp hành động sau thảm kịch ngày 19/4 ở vùng biển ngoài khơi Libya.
Theo Tri Thức
EU họp hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về vấn đề nhập cư Một nội dung được thảo luận là phá hủy các địa điểm, bến tàu mà các nhóm buôn người sử dụng để đưa người nhập cư trái phép sang châu Âu. Các nhà lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm nay (23/4) tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh bất thường để bàn về vấn đề nhập cư...