Châu Âu ‘đau đầu’ khi Huawei bị cấm
Việc mở rộng lệnh cấm của Mỹ nhằm vào Huawei khiến các nhà khai thác viễn thông châu Âu lo ngại do đã ký hợp đồng với hãng này.
Tuần trước, chính phủ Mỹ bổ sung 38 chi nhánh mới của Huawei vào “ danh sách đen” nhằm hạn chế công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip qua bên thứ ba. Các chuyên gia đánh giá, động thái này có thể gây nguy hiểm cho các mạng viễn thông chính tại châu Âu, khi làm tăng chi phí xây dựng, cũng như tạo ra sự chậm trễ trong việc triển khai 5G.
Kế hoạch tiến lên 5G bị ảnh hưởng nặng
Hầu hết nhà khai thác viễn thông tại châu Âu đang đối mặt với tình huống khó xử: nên duy trì hợp đồng 5G với Huawei trong tương lai, hay từ bỏ nhà cung cấp này và chọn giải pháp thay thế “an toàn” hơn.
Việc triển khai 5G tại châu Âu có thể chậm hơn nếu không có Huawei. Ảnh: Gizchina.
Các hạn chế của Mỹ đang khiến Huawei khó đáp ứng được việc triển khai nhanh hệ thống 5G, khiến các dự án về mạng di động thế hệ mới của châu Âu có nguy cơ bị chậm lại. Chỉ một số ít có động thái sớm, như tháng trước, chính phủ Anh lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei vào năm 2027.
Với những bất ổn xung quanh Huawei, các nhà khai thác viễn thông châu Âu đang đứng trước sự lựa chọn thay thế: Nokia của Phần Lan hay Ericsson của Thụy Điển. Tuy vậy, đến nay, nhiều quốc gia vẫn không muốn nghĩ đến viễn cảnh đẩy Huawei ra khỏi quy trình đấu thầu hợp đồng 5G, do lo ngại chi phí xây dựng mạng thế hệ mới tăng vọt.
Các chuyên gia đánh giá, trong thời gian chờ đợi, các nhà khai thác viễn thông sẽ có thêm thời gian xem xét liệu Huawei có thể tái cấu trúc chuỗi cung ứng của mình nhanh như thế nào. Đây cũng là thời gian để công ty Trung Quốc tìm đối tác sản xuất chip mới không có nguồn gốc Mỹ để phục vụ các nhà mạng châu Âu.
Janka Oertel, thành viên Viện nghiên cứu quan hệ đối ngoại của Hội đồng châu Âu, cho rằng các biện pháp cấm vận của Mỹ sẽ gây tác động lớn tới tất cả khách hàng của Huawei, trong đó có cả ở châu Âu. “Kho dự trữ của Huawei có thể cho phép công ty tiếp tục hoạt động trong vài tháng, cho đến khi các chính sách của Mỹ thay đổi”, Oertel nhận xét. “Nhưng nếu Huawei không thể cung cấp đủ sẽ tạo thành rủi ro kinh tế đáng kể cho khách hàng của họ”.
Hosuk Lee-Makiyama, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế châu Âu, cho rằng Huawei thậm chí có thể phải lựa chọn loại bớt đối tác 5G tại châu Âu khi nguồn cung linh kiện cạn kiệt.
“Huawei sẽ phải đưa ra quyết định giữ hợp đồng nào trong số các hợp đồng 5G đã ký để phục vụ trước”, ông Hosuk nhận định. “Huawei hiện cam kết cung cấp nửa triệu thiết bị viễn thông cho các nhà mạng Trung Quốc, khiến nguồn dự trữ vốn đã có hạn lại càng cạn kiệt sớm hơn”.
Video đang HOT
Huawei hiện diện khắp châu Âu
Châu Âu là một trong những khu vực có sự hiện diện đáng kể của Huawei. Chẳng hạn, theo thống kê của công ty nghiên cứu Strand, Deutsche Telekom – nhà cung cấp viễn thông lớn nhất châu Âu, hiện sử dụng linh kiện Huawei cho các hệ thống mạng đặt tại Áo, Croatia, Czech, Đức, Hà Lan và Ba Lan. Năm ngoái, Deutsche Telekom ký thỏa thuận với Huawei, trong đó yêu cầu công ty Trung Quốc trữ linh kiện trong trường hợp thiếu hụt.
Cùng với Deutsche Telekom, Telefónica của Tây Ban Nha và Orange của Pháp cũng phụ thuộc nhiều vào thiết bị mạng của Huawei. Tập đoàn viễn thông Vodafone của Anh dùng thiết bị Huawei ở các hệ thống mạng đặt tại Czech, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Hungary, Italy, Malta, Cyprus, Romania, Tây Ban Nha và Anh. Công ty này cho biết sẽ xem xét cách thức hoạt động của mình trong bối cảnh Huawei chịu sức ép từ các lệnh cấm của Mỹ.
Trong khi Mỹ công khai ngăn chặn Huawei, châu Âu có thái độ khá dè chừng. EU từng thông qua việc giảm sự phụ thuộc của các nhà mạng vào thiết bị viễn thông từ Trung Quốc, đặc biệt là hạ tầng 5G. Tuy nhiên, các quốc gia trong khối lại thực hiện theo cách khác nhau.
Bên cạnh Anh dự kiến cấm Huawei vào 2027, một số nước như Czech hay Ba Lan cũng hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của công ty Trung Quốc. Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ loại thiết bị của hãng viễn thông này trong thập kỷ tới. Đức và Tây Ban Nha hiện chưa có quan điểm rõ ràng.
Một số chính phủ khác thuộc EU lại hy vọng Joe Biden sẽ là Tổng thống tiếp theo của Mỹ và các lệnh cấm nhằm vào Huawei sẽ được nới lỏng. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến cáo, không có gì đảm bảo điều này sẽ xảy ra, nhất là khi Mỹ vẫn đang theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn.
Hiện các nhà khai thác viễn thông châu Âu vẫn phụ thuộc vào Huawei, đặc biệt là mạng 4G. Theo ước tính của Strand Consulting, Huawei đang có hợp đồng cung cấp thiết bị viễn thông ở hầu hết các quốc gia EU, trừ một số nước như Slovakia.
Nếu lệnh cấm của Mỹ khiến Huawei lâm vào thế khó, một số chuyên gia dự đoán châu Âu “có rất nhiều thứ sẽ mất”.
Cơ hội của Oppo trước Huawei
Trong khi Huawei chật vật đối mặt với doanh số sụt giảm thảm hại ở châu Âu, một tên tuổi Trung Quốc khác lại nhân cơ hội chiếm lĩnh thị trường này.
Theo South China Morning Post, chủ tịch Oppo khu vực Tây Âu Maggie Xue cho rằng thị trường châu Âu là khu vực công ty Trung Quốc có thể nhắm vào phân khúc cao cấp, làm bàn đạp để phát triển hơn trên thị trường quốc tế.
Theo Counterpoint, các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc chiếm đến 35% thị trường châu Âu quý II năm nay.
Trong đó, Huawei chiếm thị phần lớn nhất 16%, Oppo mới gia nhập thị trường với con số khiêm tốn hơn 3%.
Oppo không giấu tham vọng soán ngôi Huawei tại châu Âu. Ảnh: Ejinsight.
Cú ngã bất ngờ
Nếu như Oppo, Xiaomi trên đà tăng trưởng mạnh tại châu Âu với doanh số bán tăng lần lượt 41% và 55%, doanh số Huawei giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Với thông số kỹ thuật hấp dẫn cùng mức giá vừa phải, thiết bị Xiaomi và Oppo thu hút được người dùng tiềm năng từ Huawei", Abhilash Kumar, nhà phân tích của Counterpoint đánh giá.
Huawei nổi tiếng là hãng đi đầu về mạng di động 5G. Công ty bị Mỹ xem là mối đe dọa tới an ninh quốc gia và phải nằm trong "danh sách đen".
Lệnh cấm của Tổng thống Trump giáng đòn nặng đến Huawei, khiến các thiết bị của hãng không thể truy cập vào dịch vụ của Mỹ như Gmail và YouTube, làm mất đi sự ưa chuộng của người dùng châu Âu với hãng di động Trung Quốc.
Oppo - công ty con của BBK Electronics - vốn được định hướng sản xuất smartphone giá rẻ, hiện tại cũng trở thành một trong những hãng sản xuất smartphone đứng đầu thế giới. Sản phẩm của hãng chiếm thị phần chủ yếu ở những vùng nông thôn Trung Quốc và các thị trường đang phát triển như Đông Nam Á.
Oppo không giấu ý định tiến vào các thị trường trung và cao cấp như châu Âu, nơi người tiêu dùng sẵn sàng chi cho những sản phẩm giá thành cao.
Đầu năm nay, công ty cho ra mắt mẫu smartphone cao cấp nhất từ trước đến giờ của mình Find X2 Pro. Mẫu di động có thể dùng mạng 5G được ra mắt ở châu Âu vào tháng 5 với giá khoảng 1.415 USD, tương đương iPhone 11 Pro của Apple và Galaxy S20 của Samsung.
Bị Mỹ cho vào danh sách đen, Huawei khó lòng phát triển trên trị trường quốc tế. Ảnh: Mashable.
Khó khăn chồng chất
Marta Pinto, Giám đốc nghiên cứu IDC nhận định Oppo có cơ hội gia nhập phân khúc cao cấp khi hiện tại Huawei không còn giữ được vị thế.
"Cho đến nay, Oppo đang ở vị trí rất thuận lợi khi còn có mặt ở nhiều quốc gia khác, không hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường châu Âu", ông Marta nhận định, đồng thời cho rằng công ty vẫn còn thời gian để tìm hiểu, xây dựng mạng lưới khách hàng tại châu Âu.
Trong tương lai, Oppo sẽ tập trung phát triển các mẫu điện thoại dùng 5G tại châu Âu. Đại diện hãng cho rằng việc phát triển 5G sẽ gặp nhiều trắc trở, nhưng đây sẽ là xu hướng tương lai.
Dù việc triển khai 5G tại châu Âu sẽ chậm hơn so với Trung Quốc, khả năng cũng chỉ mất 1-2 năm để Oppo bắt kịp với những tên tuổi đi trước trên thị trường.
Gần đây, Oppo cũng bắt tay với nhiều hãng lớn ở châu Âu như Orange, Vodafone, Deutsche Telekom và Telefonica để phân phối 5G.
Căng thẳng biên giới với Ấn Độ càng khiến cho các công ty Trung Quốc gặp khó khăn. Ảnh: WSJ.
Để tăng ảnh hưởng với người dùng châu Âu, Oppo thực hiện chiến dịch quảng cáo với câu lạc bộ bóng đá Barcelona. Công ty hiện không quá chú trọng doanh thu, mà tập trung phát triển nhận diện thương hiệu cho chiến lược phát triển lâu dài.
Đẩy mạnh phát triển ở châu Âu còn quan trọng bởi Oppo đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Huawei tại quê nhà.
Huawei nỗ lực tăng doanh số tại Trung Quốc vì những khó khăn trên thị trường quốc tế, dẫn đến việc doanh số bán nội địa của Oppo giảm 20% trong năm ngoái.
Ngoài ra, thị trường quốc tế cũng có nhiều thách thức mới khi căng thẳng Trung-Ấn xảy ra tại biên giới, khiến nhiều sản phẩm Trung Quốc bị tẩy chay. Oppo cũng không ngoại lệ, dù đây là hãng smartphone phổ biến thứ năm tại quốc gia này.
Điều gì trong lệnh cấm từ Mỹ có thể khiến smartphone Huawei biến khỏi thị trường Việc Huawei có được chip thay thế trên các thiết bị của mình sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa ban hành các hạn chế mới. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã sửa đổi lệnh cấm vào tháng 5/2020 nhằm ngăn Huawei sử dụng các chip do nước ngoài sản xuất được chế tạo bằng...