Châu Âu cấp tập tính kế đối phó thiếu hụt năng lượng vào mùa đông
Ngày 19/9, các chính phủ châu Âu đã vạch ra các biện pháp mới để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng có thể xảy ra trong mùa đông này khi nhập khẩu khí đốt từ Nga sụt giảm nghiêm trọng.
Đức cho biết họ đang hy vọng ký được hợp đồng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ UAE. Với việc đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt từ Nga đến Đức bị ngừng hoạt động, Đức đang lên kế hoạch xây dựng các cơ sở LNG mới để vận chuyển khí đốt. Trong khi đó, các đối tác châu Âu như Tây Ban Nha và Pháp cũng đang lên các kế hoạch dự phòng.
“Mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp. Lượng dự trữ ở Đức cao hơn và thời tiết cũng tốt hơn, chúng tôi có cơ hội trải qua mùa đông một cách thoải mái”, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nói sau khi tham quan một cơ sở LNG đang được xây dựng ở Lubmin, miền bắc nước Đức.
Đức đang lên kế hoạch xây dựng các cơ sở LNG mới để vận chuyển khí đốt (Ảnh: Reuters).
Theo người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng CRE của Pháp, xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Đức có thể bắt đầu vào ngày 10/10, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo hai nước sẽ giúp đỡ lẫn nhau về dòng điện và khí đốt.
Video đang HOT
Giám đốc CRE Emmanuelle Wargon cho biết, từ trước tới nay, khí đốt chỉ chảy từ Đức sang Pháp. Vì vậy, chúng tôi không có công cụ để đảo ngược dòng chảy và thậm chí không có phương pháp điều tiết giá cả.
Trong khi đó, theo bà Wargon, tập đoàn năng lượng Pháp EDF đang chạy để sửa chữa các lò phản ứng hạt nhân đã bị ăn mòn. Các biện pháp đặc biệt cho mùa đông này có thể bao gồm cắt điện cục bộ nếu mùa đông lạnh và kế hoạch của EDF bị trì hoãn. “Nhưng sẽ không có chuyện cắt khí đốt cho các hộ gia đình. Không bao giờ”, bà nói.
Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Reyes Maroto cũng cho biết việc bắt buộc những công ty thâm dụng năng lượng phải đóng cửa trong thời cao điểm tiêu thụ cũng là một lựa chọn trong mùa đông này nếu cần.
Bà cho biết các công ty sẽ được bồi thường tài chính, nhưng hiện chưa cần thiết phải đóng cửa như vậy.
Tại Phần Lan, nhà điều hành mạng lưới điện quốc gia Fingrid cũng đã cảnh báo người dân nên chuẩn bị với tình trạng mất điện.
Trong khi đó, nhà bán lẻ điện Phần Lan Karhu Voima Oy cho biết họ đã nộp đơn xin phá sản do giá điện tăng vọt.
Trước khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Nga là nhà cung cấp 40% lượng khí đốt cho Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, gần đây với lý do kỹ thuật và bảo trì, Nga đã giảm dần nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất, trước khi chính thức ngưng hoàn toàn từ ngày 3/9.
Tuy nhiên, dòng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Ukraine vẫn tiếp tục dù đã giảm đi nhiều do bị ảnh hưởng bởi chiến sự.
Việc thiếu hụt khí đốt từ Nga khiến các chính phủ châu Âu phải chật vật trong việc tìm ra nguồn năng lượng thay thế, đồng thời cảnh báo việc cắt điện có thể xảy ra, trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế.
Ngân hàng trung ương Đức cho biết nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang suy thoái và có khả năng tồi tệ hơn trong những tháng mùa đông khi lượng tiêu thụ khí đốt bị cắt giảm hoặc bị chia nhỏ.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ hạ tầng khí đốt châu Âu (Gas Infrastructure Europe), dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đã đạt 85,6%, trong đó dự trữ của Đức gần 90%.
“Các kho dự trữ đang được tiếp tục xây dựng thêm và dòng khí đốt từ Na Uy đang được tăng lên trong tuần này”, các nhà phân tích tại Energi Danmark cho biết.
Trong khi đó, nhập khẩu than nhiệt của châu Âu trong năm nay có thể đạt mức cao nhất trong 4 năm. Theo Noble Resources International Pte Ltd, nhập khẩu than nhiệt của châu Âu trong năm nay có thể tăng lên khoảng 100 triệu tấn, cao nhất kể từ năm 2017.
Quốc gia EU tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt Nga
Dữ liệu cho thấy lượng khí đốt Nga mà Tây Ban Nha nhập khẩu đã tăng gấp đôi trong tháng 8 vừa qua so với năm ngoái.
Tây Ban Nha tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu của Nga. Ảnh: Euractiv
Đài RT cho biết, khối lượng khí đốt Nga mà Tây Ban Nha nhập khẩu trong tháng 8 đã tăng 102,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu được công bố ngày 12/9 bởi công ty năng lượng Tây Ban Nha Enagas.
Báo cáo của Enagas nhấn mạnh rằng Madrid đã mua 4.505 gigawatt giờ (GWh) khí đốt từ Moskva so với 2.228 GWh vào tháng 8/2021. Trong khi đó, nhập khẩu từ Algeria, theo truyền thống là nhà cung cấp khí đốt chính cho Tây Ban Nha, giảm 34,8%.
Dữ liệu cũng cho thấy nhập khẩu khí đốt từ Mỹ chiếm 26,5% nguồn cung của Tây Ban Nha. Nga đứng thứ 5 trong số các nhà cung cấp chính của nước này (11,8%), sau Mỹ, Algeria, Nigeria và Pháp.
Tính tổng cộng trong 8 tháng đầu năm 2022, Tây Ban Nha đã mua 32.770 GWh khí đốt từ Nga, nhiều hơn 22,8% so với cùng kỳ của năm 2021.
Các nước EU gần đây đã tăng cường mua khí đốt để tích trữ cho mùa Đông. Hôm 9/9, các quốc gia thành viên Liên minh đã không đạt được đồng thuận về việc thiết lập giới hạn giá khí đốt của Nga nhằm mục đích xoa dịu giá năng lượng đang tăng vọt trong khu vực.
Giá khí đốt ở châu Âu sẽ cao đến mức nào sau khi Nga khóa van vô thời hạn? Các nhà phân tích dự đoán giá khí đốt ở châu Âu sẽ tăng lên mức kỷ lục trong tuần này, sau khi Nga đóng cửa đường ống dẫn khí quan trọng tới châu Âu. Ảnh: Getty Images Theo trang The Guardian (Anh), nhiều nhà phân tích cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu - vốn đã tăng gần 400% trong năm...