Châu Âu cầm cự được bao lâu nếu thiếu khí đốt của Nga?
Nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Italy, nước này có thể sẽ chỉ cầm cự được khoảng 15 ngày trước khi đối mặt với tình huống khẩn cấp. Không chỉ Italy, nhiều quốc gia châu Âu cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Tổng thống Vladimir Putin ký tên lên một đoạn đường ống khí đốt của Nga tại thành phố Vladivostok (Ảnh: AFP)
“Tại Italy, thị phần nhập khẩu khí đốt Nga khoảng 37%. Tại Đức, con số này thấp hơn một chút, khoảng 28%. Các công ty Đức vẫn có thể cung cấp khí đốt mà không cần tới Nga trong khoảng thời gian lâu hơn Italy một tuần”, RT dẫn lời chuyên gia phân tích Petr Pushkarev cho biết.
Báo La Stampa dự đoán nếu Nga dừng xuất khẩu khí đốt sang Italy, nước này có thể sẽ chỉ cầm cự được khoảng 15 ngày trước khi đối mặt với tình huống khẩn cấp. La Stampa đã đặt ra câu hỏi về quy mô phụ thuộc của châu Âu đối với khí đốt Nga và liệu Mỹ có thể thay thế Nga trong lĩnh vực này hay không.
Các câu hỏi trên được đưa ra sau vụ nổ xảy ra hôm 12/12 tại một nhà máy khí đốt ở Áo khiến 1 người thiệt mạng và 18 người khác bị thường. Vụ nổ này đã phá hủy nghiêm trọng hệ thống cung cấp khí đốt cho châu Âu.
So với Đức và Italy, các nước châu Âu khác còn phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung khí đốt của Nga. Thời gian cầm cự của các nước này thậm chí còn ít hơn con số 2 tuần của Italy.
“Sự phụ thuộc của Slovenia, Hy Lạp và Hungary ở mức 41-45%. Nếu không có khí đốt của Nga, các nước này sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt năng lượng trầm trọng sau khoảng 10 ngày”, chuyên gia Pushkarev cho biết.
Video đang HOT
Theo các nhà phân tích, Cộng hòa Séc, Slovakia, Phần Lan, Lithuania, Latvia và Estonia là những nước phụ thuộc gần như 100% vào khí đốt của Nga.
Nhà phân tích đầu tư Ivan Karryakin cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực tìm cách hợp nhất đường dẫn khí đốt từ châu Âu, châu Á và châu Phi thành Mạng lưới Liên châu Âu (TEN) để đảm bảo nguồn cung khí đốt an toàn và ổn định cho lục địa này.
Cạnh tranh Nga – Mỹ
Tập đoàn Gazprom của Nga cung cấp số lượng lớn khí đốt cho châu Âu (Ảnh: Getty)
Trong bối cảnh thị trường khí đốt tại châu Âu ngày càng cạnh tranh với sự tham gia của Mỹ, Tập đoàn năng lượng Gazprom khổng lồ của Nga cũng đang đầu tư phát triển các cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bên cạnh các đường ống cung cấp khí đốt tự nhiên truyền thống cho châu Âu. Do là khí hóa lỏng nên LNG có thể được vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dụng như tàu, xe bồn đến những nơi có khoảng cách xa hoặc có địa hình không phù hợp với việc lắp đặt đường ống dẫn khí.
“Nếu Gazprom triển khai toàn bộ các dự án đường ống của của tập đoàn này, khí đốt qua đường ống của Nga chắc chắn sẽ có chỗ đứng trong mạng lưới năng lượng tại châu Âu. Khí đốt của Nga sẽ cạnh tranh với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar, nhưng vẫn có nhiều cơ hội hơn vì đưa ra giá thành rẻ hơn”, nhà phân tích Karyanki nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia Pushkarev cho biết LNG rất đắt và khách hàng mua loại khí đốt này sẽ phải trả giá cao hơn 50-70% so với khí đốt qua đường ống thông thường. Do vậy, Mỹ gần như không có cơ hội đánh bật Nga khỏi thị trường khí đốt châu Âu mặc dù Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm gây khó khăn cho các dự án cung cấp khí đốt của Nga. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tìm cách gây sức ép cho EU về vấn đề này.
Theo chuyên gia Pushkarev, việc phát triển thêm các nguồn cung LNG từ Qatar và Mỹ là điều quan trọng với châu Âu, song các nguồn cung này chỉ nên được xem là các giải pháp tình thế trong trường hợp khẩn cấp như vụ nổ ở Áo. Ngoài ra, châu Âu cũng cần hiểu rằng việc thay thế khí đốt Nga bằng LNG của Mỹ không những không tăng, mà còn làm giảm an ninh năng lượng của EU.
Thành Đạt
Theo Dantri
Mỹ chi 5 triệu USD lắp radar sát sườn Nga
Mỹ đang lên kế hoạch chi 5 triệu USD để xây dựng hệ thống radar tại biên giới giữa Estonia và Nga nhằm tăng cường năng lực giám sát ở khu vực này.
Mỹ tính chi 5 triệu USD để xây dựng hệ thống radar gần biên giới Nga (Ảnh: Reuters)
RT dẫn thông báo của Bộ Nội vụ Estonia cho biết Mỹ dự tính chi 5 triệu USD để xây dựng hệ thống radar trên sông Narva ngăn Estonia và Nga. Kinh phí dự án bao gồm các khoản tiền dành cho việc thiết kế, lắp đặt radar, xây dựng đường và hệ thống an ninh ở thị trấn Narva, cực đông của Estonia và nằm ngay sát thành phố Ivangorod của Nga.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Estonia Andres Anvelt, sau khi hoàn thành, hệ thống radar mới sẽ giúp phát hiện các hoạt động ở khu vực gần biên giới với Nga, đồng thời xử lý tất cả các vụ việc xảy ra tại biên giới.
Hệ thống radar do Mỹ tài trợ là một phần của dự án trị giá 82 triệu USD để tăng cường biên giới của Estonia với Nga, bao gồm việc trang bị các công nghệ giám sát dọc biên giới.
Bộ trưởng Anvelt cho biết hệ thống radar này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Estonia.
Theo RT, việc Mỹ lắp đặt hệ thống radar ở khu vực sát sườn Nga là động thái tương thích với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của NATO ở cửa ngõ của Nga, đặc biệt từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014.
Estonia cùng các quốc gia Baltic và Ba Lan đã nhiều lần kêu gọi NATO tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực để đối phó với cái gọi là "sự gây hấn từ Nga".
Gần đây, 4 nhóm binh sĩ chiến đấu đa quốc gia, trong đó có 4.500 lính NATO, đã được triển khai tới Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan trong một động thái nhằm "nắn gân" Moscow. Ngoài ra, các nước NATO cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn sát sườn Nga.
Các hoạt động quân sự của NATO ở gần biên giới Nga đã nhiều lần vấp phải sự chỉ trích từ Moscow. Điện Kremlin cáo buộc các động thái khiêu khích của liên minh quân sự này là hành vi gây hấn nhằm phá hoại cân bằng an ninh khu vực.
Thành Đạt
Theo RT
Nga - NATO căng thẳng vì Zapad-2017 Các nước NATO đứng ngồi không yên trước cuộc tập trận chung rầm rộ của Nga và Belarus trong tuần này. Lược đồ vị trí tập trận của Nga và Belarus Cuộc tập trận chiến lược Zapad-2017 sẽ diễn ra tại Belarus và Quân khu miền tây ở vùng Kaliningrad (Nga), sát biên giới với Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, từ ngày 14.9...