Châu Á từng bước khôi phục đường bay quốc tế thế nào?
Châu Á chịu tác động của Covid-19 sớm hơn những khu vực khác và cũng đạt đỉnh dịch trước, tạo điều kiện nối lại đường bay quốc tế nhanh hơn.
Tốc độ lây lan nhanh chóng và dễ dàng của Covid-19 khiến gần như tất cả quốc gia trên thế giới đều phải áp dụng loạt biện pháp hạn chế để phòng chống dịch, bao gồm siết chặt biên giới, gây gián đoạn việc di chuyển quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch dần hạ nhiệt ở nhiều nơi, một số quốc gia đã nối lại các chuyến bay ra nước ngoài.
Tuy nhiên, trên toàn châu Á, trạng thái tái mở cửa đường bay quốc tế rất khác biệt giữa các nước. Trong khi Ấn Độ vẫn vật lộn với số ca nhiễm mới tăng nhanh hơn bất kỳ nước nào khác, Maldives bắt đầu chào đón hành khách nước ngoài từ ngày 15/7. Các biên giới ở Đông Á phần lớn vẫn đóng cửa, còn những quy định hạn chế tại các nước Đông Nam Á khá khác nhau.
Các hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore, hôm 11/9. Ảnh: AFP.
Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát hồi tháng 12/2019, thận trọng nối lại hoạt động kinh doanh từ tháng 5 sau khi nhanh chóng kiềm chế thành công đại dịch. Hôm 12/8, chính phủ nước này cho phép người dân từ 36 quốc gia châu Âu sở hữu giấy phép cư trú nộp đơn xin lại visa. Hồi đầu tháng, lệnh cấm khách nước ngoài đến thủ đô Bắc Kinh cũng được nới lỏng. Lượng khách trên các chuyến bay thẳng quốc tế đến Bắc Kinh được giới hạn ở mức 500 mỗi ngày trong thời gian thử nghiệm.
Giới chức hàng không Trung Quốc cho phép nhập cảnh đối với hành khách từ những quốc gia được cho là nguy cơ lây nhiễm nCoV qua biên giới thấp, như Thái Lan, Campuchia, Pakistan, Hy Lạp, Đan Mạch, Áo, Thụy Điển. Hành khách đến Trung Quốc cần xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi lên máy bay, cách ly tập trung 14 ngày khi đến nơi và trải qua hai lần xét nghiệm khác.
Hong Kong, nơi ban đầu kiểm soát tốt Covid-19 nhưng sau đó đối mặt đợt bùng phát mới, đang bắt đầu tái mở cửa dần dần. Tất cả người nhập cảnh phải xuất trình kết quả âm tính nCoV được xét nghiệm trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Hành khách từ một số nước như Mỹ phải cách ly 14 ngày sau khi đến nơi.
Đài Loan được cho là một hình mẫu ứng phó Covid-19 thành công. Từ ngày 29/6, những hành khách nước ngoài có lý do đến Đài Loan ngoài mục đích du lịch thông thường có thể nộp đơn xin nhập cảnh. Hành khách cần xuất trình kết quả âm tính nCoV, được xét nghiệm trong vòng ba ngày trước khởi hành, và tự cách ly 14 ngày sau khi đến.
Biên giới Nhật Bản hiện vẫn đóng cửa với hành khách từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong bối cảnh chính phủ nước này đang cân nhắc nhiều biện pháp khác nhau nhằm nới lỏng lệnh cấm đi lại để ngăn nCoV lây lan. Quy định cách ly 14 ngày sau khi tới nơi đã được gỡ bỏ đối với hành khách từ một số quốc gia.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết những điều kiện tiên quyết đối với hành khách nước ngoài vẫn được áp dụng, như xét nghiệm nCoV trước và sau chuyến bay, xuất trình kế hoạch di chuyển tại Nhật. Hành khách cũng phải thông báo cho chính quyền về nơi ở và nơi làm việc, tránh sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tại Đông Á, Hàn Quốc là đất nước duy nhất đã mở cửa biên giới hoàn toàn nhờ nỗ lực chống dịch nhanh chóng và hiệu quả. Những hành khách nước ngoài cư trú trong thời gian ngắn sau khi tới nơi sẽ phải cách ly 14 ngày tại cơ sở do chính phủ chỉ định, chi phí mỗi đêm trung bình 100 – 150 USD. Những hành khách tự cách ly phải tải ứng dụng trên điện thoại để khai báo tình trạng sức khỏe mỗi ngày.
Video đang HOT
Những người vi phạm quy định có thể bị phạt, bắt hoặc trục xuất. Hành khách trung chuyển qua sân bay Incheon ở Seoul không phải tuân theo các yêu cầu trên, nhưng có thể bị đề nghị hoàn thành bảng câu hỏi về sức khỏe và kiểm tra thân nhiệt.
Tại Đông Nam Á, Singapore đang tái mở cửa biên giới với tốc độ chậm, thông qua thỏa thuận đôi bên với những quốc gia lân cận. Mới có một số ít quốc gia đạt thỏa thuận với Singapore, bao gồm Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Hàn Quốc và New Zealand. Sân bay Changi còn cho phép công dân Australia và New Zealand trung chuyển, đồng thời có kế hoạch mở rộng đối tượng.
Malaysia đang cấm nhập cảnh với người nước ngoài và có rất ít ngoại lệ. Bất kỳ hành khách nào được phép nhập cảnh đều phải xét nghiệm nhanh nCoV và cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Tuy nhiên, công dân nước ngoài vẫn được phép quá cảnh tại các nhà ga sân bay quốc tế, miễn là không làm thủ tục nhập cảnh.
Thái Lan, quốc gia cấm tất cả chuyến bay quốc tế từ tháng 5 tới cuối tháng 6, đang trong quá trình tái mở cửa. Hôm 1/7, một số lượng hạn chế chuyến bay quốc tế đã được nối lại, nhưng phần lớn phục vụ công dân Thái Lan và hầu hết hành khách nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh.
Vài trường hợp ngoại lệ cho phép hành khách nước ngoài nhập cảnh Thái Lan bao gồm làm công việc nhân đạo hay viện trợ y tế, nhưng ai cũng phải cách ly trong 14 ngày sau khi tới nơi.
Campuchia đã đình chỉ các chương trình cấp visa điện tử và visa nhập cảnh sân bay, nhưng vẫn cấp visa cho hành khách quốc tế đến vì mục đích ngoại giao, công vụ hoặc lý do công việc khác. Tuy nhiên, các quy định đối với người nước ngoài nhập cảnh vô cùng nghiêm ngặt.
Tất cả hành khách quốc tế phải đặt cọc 3.000 USD khi nhập cảnh. Số tiền này được sử dụng để chi trả cho việc xét nghiệm nCoV bắt buộc, được tiến hành trong vòng ba ngày kể từ khi đến cơ sở do chính phủ chỉ định, cùng việc điều trị và cách ly nếu hành khách dương tính. Những người âm tính vẫn phải tự cách ly trong 14 ngày.
Philippines, vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, vẫn đóng cửa với bên ngoài. Chỉ công dân Philippines, người có vợ chồng hoặc cha mẹ mang quốc tịch Philippines, mới được phép nhập cảnh. Ngay cả việc đi lại trong nước cũng vẫn bị hạn chế, với nhiều đô thị tiếp tục thi hành lệnh giới nghiêm.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ban đầu dự định nối lại du lịch quốc tế trong tháng 9 tại đảo Bali, giữa lúc nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề vì Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng số ca nhiễm đột ngột tăng vọt tại Bali sau khi hòn đảo tái mở cửa phục vụ du lịch nội địa khiến chính quyền phải hoãn kế hoạch vô thời hạn. Một số quan chức cho biết họ sẽ mở cửa cho du khách khi có vaccine.
Việt Nam từ ngày 15/9 mở lại các đường bay Việt Nam – Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc); Việt Nam – Nhật Bản; Việt Nam – Hàn Quốc. Từ 22/9 mở thêm hai đường bay Việt Nam – Campuchia và Việt Nam – Lào. Mỗi đường bay tần suất không quá hai chuyến một tuần cho mỗi bên và đối tác. Số lượng chuyến bay được xem xét tăng thêm phù hợp với thực tế.
Tại khu vực Nam Á, mức độ nghiêm trọng của đại dịch rất khác nhau giữa các quốc gia. Bhutan, nơi chỉ ghi nhận chưa đến 250 ca nhiễm nCoV và không có ai tử vong, đã bắt đầu dỡ bỏ hạn chế với các chuyến bay từ Ấn Độ và Nepal, nhưng vẫn hạn chế chuyến bay từ hầu hết quốc gia khác. Trong khi đó, Nepal đã bắt đầu nối lại đường bay thương mại từ ngày 2/9, dù người nước ngoài vẫn chưa được phép nhập cảnh.
Maldives thậm chí đã sẵn sàng chào đón du khách trở lại từ ngày 15/7. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nối lại hoạt động theo từng giai đoạn. Du khách cần điền vào phiếu khai báo sức khỏe khi đến nơi và chỉ được lưu trú tại một khách sạn trong suốt chuyến đi.
Bất cứ du khách nào có triệu chứng nhiễm nCoV đều phải xét nghiệm và chịu trách nhiệm chi trả. Trường hợp nào dương tính phải cách ly tại khu nghỉ dưỡng, hoặc đến cơ sở do chính phủ chỉ định. Sri Lanka cũng từng dự định tái mở cửa biên giới cho du khách vào ngày 1/8, nhưng kế hoạch này bị hoãn.
Trong khi đó, Ấn Độ lại trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, với hơn 5 triệu ca nhiễm và hơn 82.000 người chết. Tất cả công dân nước ngoài vẫn bị hạn chế đi lại, duy trì tuyên bố từ hồi tháng 3 rằng toàn bộ visa đến Ấn Độ đều không còn hiệu lực.
Tại khu vực Trung Đông, hầu hết quốc gia vẫn đóng cửa biên giới. Israel liên tục lùi ngày tái mở cửa, chỉ tạo ngoại lệ cho một số đối tượng, trong khi Georgia mới nối lại chuyến bay đến Munich ở Đức, Paris ở Pháp và Riga ở Latvia hồi tháng 8. Bất chấp tình hình phức tạp, Iran, vùng dịch lớn nhất khu vực với hơn 407.000 ca nhiễm và hơn 23.000 người chết, vẫn quyết định nối lại một số chuyến bay quốc tế.
Vợ cũ của "vua vắc xin Trung Quốc" trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm
Vợ cũ của một ông trùm ngành công nghệ sinh học đã trở thành tỷ phú chỉ sau một đêm nhờ ly hôn với chồng. Đây cũng là vụ ly hôn "đắt đỏ" bậc nhất châu Á.
Ông Du Weimin - người được xem là "vua vắc xin Trung Quốc" (ảnh: Daily Mail)
Bà Yuan Liping - người Canada gốc Hoa, 49 tuổi, đã trở thành tỷ phú sau khi kết thúc cuộc hôn nhân với ông Du Weimin, 56 tuổi - người được mệnh danh là "vua vắc xin Trung Quốc".
Ông Du - Chủ tịch công ty sản phẩm sinh học Kangtai Thâm Quyến - ban đầu sở hữu khối tài sản trị giá 6,5 tỷ USD. Tuy nhiên, tài sản của ông đã bị giảm gần một nửa sau khi chuyển giao 161,3 triệu cổ phiếu cho vợ cũ Yuan Liping. Số cổ phiếu được chuyển giao có giá trị 3,2 tỷ USD.
Cổ phiếu của Công ty Kangtai đã tăng gấp đôi trong năm qua và vẫn đang tiếp tục tăng khi công ty này công bố kế hoạch phát triển vắc xin ngừa Covid-19.
Ông Du sở hữu 51,26% cổ phần của Công ty sản phẩm sinh học Kangtai Thâm Quyến trước khi chuyển giao 23,99% tổng số cổ phần nói trên cho vợ cũ, theo quyết định của tòa án.
Bà Yuan từng làm giám đốc Kangtai từ tháng 5.2011 đến tháng 8.2018. Hiện tại, bà là Phó Tổng giám đốc của công ty Công nghệ sinh học Minhai Bắc Kinh. Bà Yuan có bằng cử nhân của Đại học Kinh doanh quốc tế và Kinh tế ở Bắc Kinh.
Ông Du Weimin sinh năm 1963 trong một gia đình nông dân nghèo khó ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Năm 1984, ông Du theo học một trường y tế địa phương và được nhận vào làm việc ở Trạm y tế phòng chống dịch bệnh tỉnh Giang Tây năm 1987.
Năm 1990, ông Du bỏ việc tại trạm y tế và trở thành nhân viên cho một công ty kinh doanh vắc xin. Năm 1995, ông Du đã trở thành giám đốc bán hàng cho công ty mình đang làm việc.
Năm 2004, ông Du thành lập công ty Minhai. Năm 2009, ông trở thành Chủ tịch Kangtai sau khi công ty này hợp nhất với Minhai.
Vụ ly hôn của ông Du và vợ được so sánh với cuộc chia tay của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos và vợ cũ (ảnh: Daily Mail)
Trước khi ly hôn, ông Du xếp thứ 81 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc, theo Forbes.
Cuộc chia tay giữa ông Du với bà Yuan Liping là một trong những vụ ly hôn "đắt đỏ" bậc nhất Trung Quốc.
Năm 2012, Wu Yajun - người từng là nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc - đã mất 2,3 tỷ USD cho chồng cũ.
Năm 2016, tỷ phú công nghệ Trung Quốc Zhou Yahui cũng phải chuyển số cổ phiếu trị giá 1,1 tỷ USD cho vợ cũ Li Qiong sau phán quyết của tòa án.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã so sánh vụ ly hôn của ông Du và bà Yuan Liping với trường hợp của vợ chồng tỷ phú Jeff Bezos - người sáng lập tập đoàn Amazon.
Tháng 4.2019, ông Bezos đã chuyển 4% cổ phần tập đoàn Amazon cho vợ cũ là bà MacKenzie. Bà MacKenzie hiện là nữ tỷ phú giàu thứ 4 thế giới với khối tài sản trị giá 48 tỷ USD.
Anh cảnh báo Trung Quốc: Đừng phá hủy viên ngọc Hồng Kông Anh cảnh báo ban hành luật an ninh Hong Kong có nguy cơ phá hủy một trong những viên ngọc quý của nền kinh tế châu Á, đồng thời hủy hoại danh tiếng của Trung Quốc. Phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 2/6, Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết: "Vẫn còn thời gian để Trung Quốc xem xét lại, loại bỏ luật...