Châu Á trông cậy vào vaccine COVID-19 nội địa để chống dịch đường dài
Nhiều quốc gia châu Á đang chạy đua với thời gian phát triển vaccine COVID-19 nội địa trong bối cảnh nguồn cung thế giới vẫn khan hiếm và đại dịch còn kéo dài với sự xuất hiện của các biến thể virus.
Các nhà sư đo huyết áp trước khi tiêm vaccine COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP
Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Đài Loan/Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đang chú trọng đầu tư cho các ứng cử viên vaccine được phát triển nội địa nhằm tìm kiếm một nguồn cung cấp ổn định trên đường dài đối phó với đại dịch.
Mặc dù các loại vaccine nội địa khó có thể được triển khai kịp thời để cứu vãn tình trạng sản xuất vaccine chậm chạp, nhưng các nhà chức trách và giới chuyên gia coi cách tiếp cận này là một khoản đầu tư dài hạn và cần thiết.
Nhiều chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài vô thời hạn, trở thành một bệnh đặc hữu. Điều đó có nghĩa là sự xuất hiện của các biến thể có khả năng kháng các loại vaccine hiện có và nhu cầu tiêm vaccine nhắc lại để duy trì khả năng miễn dịch sẽ thúc đẩy nhu cầu vaccine trong nhiều năm tới. Khi nguồn cung thua xa nhu cầu trong nước, các quốc gia đã chú trọng phát triển vaccine nội địa để có thể tận dụng các lợi thế sản xuất, cung ứng trong nước, thậm chí mở ra cơ hội cho ngoại giao vaccine.
Iran hy vọng đánh bại COVID-19 bằng vaccine trong nước
Iran nằm trong số những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch ở thời kỳ đầu năm 2020. Nước này hiện đang đối phó với làn sóng dịch thứ năm, với sự thống trị của biến thể Delta.
Số liệu chính thức cho thấy, Iran đã ghi nhận trên 5,1 triệu ca mắc COVID-19 và trên 110.000 người đã tử vong kể từ đại dịch bắt đầu, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Các nhà khoa học cho biết Iran là một trong số ít quốc gia Trung Đông có năng lực phát triển vaccine. Và họ đã làm điều đó một cách nghiêm túc: khoảng 10 loại vaccine COVID-19 đang được Iran phát triển, và một loại có tên COVIran Bakerat đã được đưa vào chương trình tiêm chủng bên cạnh các loại vaccine nhập khẩu khác, mặc dù ít người biết về những loại vaccine này ở bên ngoài Iran.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại iran. Ảnh: Anadolu
COVIran Bakerat được phát triển bởi tập đoàn công nghiệp Shifa Pharmed thuộc sở hữu nhà nước. Đây là vaccine bất hoạt và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi tháng 6. Vaccine này được phê duyệt trên cơ sở các mức kháng thể mà nó tạo ra, bao gồm cả những kháng thể có thể vô hiệu hóa SARS-CoV-2 hoặc ngăn chặn virus xâm nhập tế bào. Trong các thử nghiệm ban đầu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 93% những người được tiêm chủng tạo ra kháng thể trung hòa.
Các nhà khoa học Iran đánh giá khả năng bảo vệ của COVIran sẽ tương tự như của các loại vaccine bất hoạt khác, chẳng hạn như CoronaVac của Sinovac/Trung Quốc.
Đài Loan/Trung Quốc triển khai vaccine nội địa
Đài Loan đã phát triển vaccine COVID-19 “cây nhà lá vườn” để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng khi vùng lãnh thổ này gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn cung từ các công ty dược phẩm lớn.
Video đang HOT
Vaccine COVID-19 sản xuất nội địa bởi công ty Medigen Vaccine Biologics đã được đưa vào chương trình tiêm chủng từ ngày 23/8, với việc nhà lãnh đạo Thái Anh Văn được tiêm mũi đầu tiên.
Một số nhà phê bình đã đặt câu hỏi về việc phê duyệt vaccine của Medigen khi vaccine này được cấp phép sử dụng khẩn cấp sau khi mới hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai ở Đài Loan. Tuy nhiên Giám đốc điều hành Medigen Vaccine Biologics cho biết, vaccine Medigen (dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp) có hiệu quả “tương tự hoặc thậm chí tốt hơn” so với vaccine AstraZeneca.
Hàn Quốc nhắm Top 5 nhà sản xuất vaccine toàn cầu
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết cung cấp mọi hỗ trợ có thể để phát triển vaccine COVID-19 nội địa, với việc đưa ra gói đầu tư 2,2 ngàn tỉ won (2,6 tỉ USD) nhằm trợ lực các nhà sản xuất dược trong nước.
Người dân chờ tiêm vaccine COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg
“Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện bước nhảy vọt để trở thành một trong 5 nhà sản xuất vaccine hàng đầu toàn cầu vào năm 2025″, ông Moon phát biểu trong tháng 8, bổ sung rằng vaccine sẽ trở thành một trong ba công nghệ chiến lược quốc gia của Hàn Quốc, bên cạnh vật liệu bán dẫn và pin.
Các chuyên gia cho biết Hàn Quốc – quốc gia có khả năng sản xuất dược phẩm sinh học lớn nhất thế giới và đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 5,1 tỷ USD vào năm ngoái – có đủ khả năng để trở thành một thế lực lớn trong ngành công nghiệp vaccine toàn cầu.
Nhật Bản phát triển vaccine mRNA
Tại Nhật Bản, ít nhất 4 công ty dược phẩm đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 hoặc 2 với một số ứng cử viên vaccine, nhưng việc phê duyệt dự kiến còn mất nhiều tháng nữa.
Mặc dù nổi tiếng toàn cầu với tư cách là nước đi đầu trong lĩnh vực dược phẩm, Nhật Bản lại tụt hậu trong phát triển vaccine nội địa do các thủ tục quá chặt chẽ. Một quyết định của tòa án năm 1992 quy định chính phủ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị các tác dụng phụ bất lợi do vaccine, khiến Tokyo phải thắt chặt quy định phê duyệt đến mức không thể cho phép các công ty nhanh chóng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển vaccine.
Daiichi-Sankyo theo đuổi vaccine mRNA phòng COVID-19 và cũng đang sản xuất vaccine AstraZeneca tại Nhật Bản. Ảnh: Japantimes
Hiện nay, vaccine COVID-19 công nghệ mRNA của công ty Daiichi Sankyo đang ở giai đoạn kết thúc các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Nhà sản xuất đặt mục tiêu đưa vaccine này trở thành loại dùng cho mũi tiêm nhắc lại kể từ năm 2022.
Ấn Độ tung vaccine DNA đầu tiên trên thế giới
Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiêm vaccine COVID-19 nội địa đầu tiên của nước này vào ngày 1/3, ông nói: “Điều ấn tượng là cách các bác sĩ và nhà khoa học của chúng ta đã làm việc trong thời gian nhanh chóng để tăng cường cuộc chiến chống lại COVID-19 trên toàn cầu”.
Ba tháng trước đó, vaccine Covaxin, do công ty Bharat Biotech International phát triển bằng công nghệ bất hoạt, đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp – ngay cả trước khi giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên người chứng minh mức độ hiệu quả của nó.
Gần đây, trong tháng 8, Ấn Độ đã thông qua sử dụng khẩn cấp vaccine DNA đầu tiên của thế giới. Vaccine này có tên ZyCoV-D do công ty Zydus Cadila sản xuất. ZyCoV-D không cần kim tiêm và được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho người trưởng thành cũng như trẻ em trên 12 tuổi.
Vaccine ZyCoV-D công nghệ DNA của Ấn Độ. Ảnh: Nature
Điều đặc biệt là ZyCoV-D không cần dùng đến kim tiêm. Vaccine được đưa vào cơ thể bằng cách sử dụng một thiết bị áp suất cao để đẩy dòng chất lỏng nhỏ xuyên qua bề mặt da, ít gây đau hơn so với tiêm. Phương pháp không cần kim tiêm này có thể giảm lo lắng, khuyến khích thêm nhiều người, đặc biệt là trẻ em, đến tiêm vaccine. Ấn Độ đã lên kế hoạch sản xuất 50 triệu liều ZyCoV-D vào đầu năm tới.
Thái Lan trông đợi vaccine nội địa cho mũi tiêm nhắc lại
Kể từ tháng 4, Thái Lan đã bị cuốn vào một làn sóng lây nhiễm COVID-19 theo hình xoắn ốc, hiện nay khoảng 20.000 ca nhiễm mới/ngày. Hoạt động tiêm chủng của Thái Lan hiện phụ thuộc vào vaccine từ nước ngoài như Sinovac, AstraZeneca, Sinopharm và Pfizer.
Để giảm sự phụ thuộc vào vaccine nhập khẩu và tăng cường nguồn cung cho quốc gia, các nhà khoa học Thái Lan đã phát triển tới 6 loại vaccine trong nước. Mặc dù chưa có ứng cử viên nào được cấp phép sử dụng, nhưng các nhà phát triển hy vọng vaccine nội địa sẽ đóng vai trò là mũi tiêm nhắc lại trong tương lai gần. Cho đến nay, các nhà khoa học đã báo cáo kết quả thuận lợi cho hai ứng cử viên, bao gồm vaccine ChulaCov-19 theo công nghệ mRNA và NDV-HXP-S sử dụng virus bất hoạt.
Indonesia tăng cường nguồn cung về lâu dài
Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của Indonesia đã cho phép Đại học Airlangga và PT Biotis phát triển vaccine COVID-19 Merah Putih trong nước. Merah Putih là vaccine bất hoạt, có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào nửa đầu năm sau.
Các chuyên gia y tế hoan nghênh sự phát triển này vì nó có thể giúp tăng cường nguồn cung cấp vaccine cho Indonesia về lâu dài.
Iran bắt đầu sản xuất hàng loạt vaccine COVID-19 của Cuba
Tuần tới Iran sẽ trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên sản xuất một trong các loại vaccine COVID-19 do Cuba tự phát triển ở quy mô công nghiệp.
Vaccine phòng COVID-19 có tên Soberana 02 (giữa) do Cuba tự nghiên cứu, sản xuất. Ảnh: The Nature
Hãng tin Reuters ngày 29/7 dẫn truyền thông Nhà nước Cuba cho biết, trong tuần tới, Iran sẽ bắt đầu sản xuất vaccine phòng COVID-19 có tên Soberana 02 do các nhà khoa học Cuba nghiên cứu phát triển.
Cả Iran và Cuba đều đang hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ, mà hai nước cáo buộc đã cản trở việc tiếp cận thuốc men, các nguồn cung y tế, thúc đẩy họ phải tự chủ. Hai nước đã sản xuất một loạt vaccine COVID-19 thử nghiệm, trong đó có vaccine Soberana 02 (Chủ quyền 02) của Cuba
Dữ liệu sơ bộ từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy vaccine Soberana 2 và loại vaccine COVID-19 tiên tiến nhất của Cuba là Abdala nằm trong số những loại vaccine hiệu quả nhất thế giới, với trên 90%.
Đầu năm nay, Viện Pasteur của Iran đã đồng ý hợp tác với Viện Finlay của Cuba, nơi đã phát triển vaccine Soberana 2, để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba của loại vaccine này ở Iran, cho phép Tehran đi đến quyết định phê duyệt sử dụng khẩn cấp Soberana 2 vào đầu tháng 7.
Trong chuyến thăm Tehran tuần này, Giám đốc Viện Finlay, Vicente Vérez Bencomo cho biết, Iran và Cuba sẽ sản xuất hàng triệu liều Soberana 02 ở quốc gia Trung Đông với tên gọi PastuCovac.
Ông Bencomo nói: "Thông thường bạn cần 15 năm để phát triển một loại vaccine từ số 0 đến giai đoạn công nghiệp hóa nhưng chúng tôi đã thực hiện tất cả các bước trong một năm, và bằng chứng là nó có hiệu quả rất tốt".
Cuba có lịch sử phát triển lâu đời trog lĩnh vực công nghệ sinh học, tự sản xuất 80% lượng vaccine được sử dụng ở đảo quốc Caribe này và còn xuất khẩu. Mexico, Việt Nam, Argentina và Jamaica là những quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc sản xuất hoặc mua vaccine COVID-19 của Cuba. Điều này được mong đợi có thể mang lại lợi ích kinh tế và ngoại giao cho Cuba.
Ngoài vaccine dạng tiêm, Cuba còn phát triển vaccine COVID-19 nhỏ mũi với một liều duy nhất, có tên Mambisa. Vaccine này đã được đưa vào danh sách toàn cầu các loại thuốc miễn dịch qua đường mũi tiến tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Mabisa là 1 trong 5 ứng viên vaccine, trong tổng số hơn 300 loại đăng ký trên thế giới, sử dụng qua đường mũi.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Cuba và Iran nằm trong số 20 quốc gia có ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới. Báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày do Bộ Y tế Cuba công bố ngày 28/7 cho biết chỉ trong 24 giờ qua đảo quốc Caribe này đã ghi nhận 9.323 ca mắc mới với COVID-19 và 68 người không qua khỏi, nâng tổng số ca nhiễm kể từ đầu dịch (tháng 3/2020) lên 358.378 trường hợp và tổng số người tử vong là 2.560 người. Thủ đô La Habana sau một thời gian ghi nhận mức độ lây nhiễm giảm, trong ngày vừa qua đã lại trở thành địa phương có số người mắc COVID-19 cao nhất cả nước với 1.583 ca trong ngày 28/7.
Số liệu của Bộ Y tế Cuba cũng cho biết tới nay đã có hơn 3 triệu người trong tổng số 11,2 triệu dân Cuba được tiêm ít nhất một liều vaccine Abdala hoặc Soberana 2 do nước này sản xuất. Trong đó, vaccine Abdala đã được cơ quản quản lý y tế nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp với hiệu quả được chứng minh đạt 92,28% trong thử nghiệm lâm sàng và ứng cử viên Soberana 02 đạt hiệu quả 91,2% với liều bổ sung Soberana Plus.
Từ ngày 5/8, Cuba sẽ tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 Abdala cho khoảng 1.500 phụ nữ mang thai và cho con bú. Trước đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm, thiết bị và dụng cụ y tế Cuba (CECMED) đã cấp phép cho việc thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này đối với trẻ từ 3 đến 18 tuổi, và dự kiến sẽ tiến hành tiêm phòng trên diện rộng cho trẻ nhỏ vào tháng 9 tới đây.
Trong khi đó, Iran cũng đang chứng kiến tình trạng lây nhiễm bùng phát trở lại do biến thể Delta. Theo trang worldometer.info, trong ngày 28/7, nước này ghi nhận 43.681 ca nhiễm mới và 789 ca tử vong. Tổng ca nhiễm tại Iran đã lên tới 3.792.014 trường hợp, bao gồm gần 90.000 ca tử vong.
Điểm danh những quốc gia bắt buộc tiêm vaccine COVID-19 Sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm COVID-19 mới do biến thể Delta và tỷ lệ tiêm chủng giảm đã khiến nhiều chính phủ phải áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19, hoặc những rào cản với người không chịu tiêm phòng. Người dân xếp hàng để xét nghiệm COVID-19 miễn phí ở Bangkok, Thái Lan ngày 15/7/2021. Ảnh: Reuters...