Châu Á có thể thiệt hại 120 tỷ USD do siêu bão Mangkhut
Siêu bão Mangkhut được dự đoán sẽ đổ bộ vào loạt khu vực từ Philippines, Hong Kong cho tới ven biển Trung Quốc với mức độ thiệt hại về kinh tế có thể lên tới 120 tỷ USD.
Đường phố ngập lụt tại Philippines do siêu bão Mangkhut (Ảnh: Straitstimes)
Siêu bão Mangkhut sáng sớm nay 15/9 đã đổ bộ vào Philippines, mang theo gió mạnh và mưa lớn, quật đổ nhiều đường dây điện, gây sạt lở đất và tàn phá một sân bay trước khi tiếp tục di chuyển tới ven biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và Hong Kong.
Được đánh giá là cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm nay, bão Mangkhut đã càn quét qua tỉnh Cagayan ở phía bắc Philippines với sức gió lên tới 269 km/giờ. Tính theo tiêu chuẩn của Mỹ, Mangkhut được xếp ở cấp độ 5 trong thang đo bão. Cơn bão này dự kiến sẽ đi qua Biển Đông và đổ bộ vào Quảng Đông vào ngày mai.
Theo Chuck Watson, chuyên gia về thảm họa tại Viện nghiên cứu Enki ở Savnanah, Georgia, nếu Mangkhut tiếp tục di chuyển theo lộ trình được dự đoán, mức độ thiệt hại so siêu bão này gây ra tại Trung Quốc và Hong Kong có thể lên tới hơn 120 tỷ USD, trong đó Trung Quốc khoảng 100 tỷ USD còn Hong Kong khoảng 26 tỷ USD. Trong khi đó, thiệt hại kinh tế do bão Mangkhut gây ra tại Philippines được dự đoán vào khoảng hơn 20 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP của nước này.
“Đó là một tình huống tồi tệ”, chuyên gia Watson nhận định.
Trong bối cảnh xấu nhất, nếu tâm bão Mangkhut tiến thẳng vào Hong Kong, thiệt hại kinh tế đối với vùng lãnh thổ này có thể lên tới 135 tỷ USD, còn tổn thất đối với Trung Quốc nói chung khoảng 230 tỷ USD.
Video đang HOT
Nhà cửa bị đổ sập do bão Mangkhut tại Tuguegarao (Ảnh: Bloomberg)
Theo lãnh đạo cơ quan kiểm soát thảm họa Philippines Ricardo Jalad, chính quyền Philippines đã sơ tán khoảng 56.000 người. Ước tính có khoảng 1 triệu người Philippines sống ở các khu vực ven biển hoặc trong các ngôi nhà thiếu kiên cố dọc theo đường đi của bão Mangkhut.
Đường dây liên lạc đã tới tỉnh Cagayan đã bị cắt khiến chính quyền địa phương không thể liên lạc với những khu vực xa xôi hẻo lánh khi bão đổ bộ. Gió mạnh đã phá hủy nhiều công trình tại tỉnh này.
Một số khu vực tại Philippines đã bị mất điện, bao gồm cả thủ đô Manila. Các tuyến đường ở Manila cũng bị ngập lụt khiến các phương tiện không thể di chuyển.
“Gần như tất cả các ngôi nhà ở đây đều bị phá hủy, mái nhà bị cuốn phăng. Không có điện. Hệ thống liên lạc cũng mất. Chúng tôi nhận được thông tin rằng nhiều cây bị bật gốc và cột điện bị đổ đã chắn ngang các con đường. Điều này khiến công tác dọn dẹp gặp nhiều khó khăn”, Rogelio Sending, quan chức chính phủ tại Tuguegarao, thủ phủ của tỉnh Cagayan, cho biết.
Sóng biển dâng cao tại Manila do siêu bão (Ảnh: AFP)
Theo CNA, cảnh sát Philippines xác nhận ít nhất 2 phụ nữ đã thiệt mạng do trong một vụ sạt lở đất do bão Mangkhut gây ra. Các nhân viên cứu hộ tại thành phố Baguio đã tìm kiếm thi thể của hai nạn nhân này bên dưới đống đổ nát sau trận mưa lớn. Đây cũng là những con số thương vong đầu tiên được chính quyền Philippines xác nhận tính đến thời điểm hiện tại.
“Khi chúng tôi tiếp tục thống kê, con số thương vong sẽ còn cao hơn nữa”, Ricardo Jalad, người đứng đầu văn phòng phòng vệ dân sự quốc gia, nói với các phóng viên hôm nay.
Theo nhà khí tượng Jeff Masters, bão Mangkhut có thể sẽ không còn mạnh khi tiến vào lãnh thổ Trung Quốc. Các cơn bão thường sẽ giảm cường độ khi đổ bộ vào đất liền và nhiều khả năng Mangkhut sẽ không tiếp tục mạnh lên sau khi càn quét Philippines.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Straitstimes
Khẩn: Học sinh nghỉ học tránh siêu bão Mangkhut
Ngày 17-9 (thứ Hai), toàn bộ học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trong toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ nghỉ học tránh bão Mangkhut.
Liên quan đến diễn biến phức tạp của cơn bão Mangkhut được dự đoán sẽ đổ bộ vào đất liền từ ngày 17-9 sắp tới, sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn và các đơn vị trực thuộc Sở chủ động các biện pháp phòng chống siêu bão Mangkhut.
Bên cạnh đó, hoãn thực hiện các hoạt động theo kế hoạch (tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo) trừ cuộc họp phòng chống bão để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản và tập trung phòng chống siêu bão.
Các ngày tiếp theo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở chủ động xem xét giải quyết cho học sinh nghỉ học, hoãn các hoạt động hội họp khi trên địa bàn có mưa to, gió lớn hoặc cán bộ, giáo viên, học sinh phải đi qua vùng đang hoặc có nguy cơ lũ quét, ngập lụt, sạt lở, trơn trượt nguy hiểm.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thông báo cụ thể, chi tiết, đầy đủ đến cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh biết về việc nghỉ học, hoãn tổ chức các hoạt động.
Siêu bão Mangkhut nhìn từ vệ tinh
Trường hợp học sinh không nhận được thông báo nghỉ học mà vẫn đến trường hoặc khi hết giờ học có gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt ..., Thủ trưởng cơ sở giáo dục phải có phương án quản lý học sinh tại trường, chỉ cho học sinh về nhà khi đảm bảo các điều kiện an toàn, đồng thời bố trí cán bộ, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh hỗ trợ học sinh trên đường về nhà;
Chủ động liên lạc với học sinh, gia đình học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị để kịp thời thông báo về diễn biến mưa bão và nắm tình hình, đặc biệt là những đối tượng có nhà ở gần các khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của siêu bão, nhắc nhở gia đình không để học sinh ra khu vực này.
Khẩn trương thực hiện ngay các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất của đơn vị; ở những nơi có nguy cơ ngập lụt cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt.
Bố trí ít nhất 01 lãnh đạo và một số giáo viên, nhân viên thường trực 24/24 giờ tại đơn vị trong thời gian có mưa bão để kịp thời giải quyết các công việc; phối hợp chặt chẽ với Ban phòng chống lụt bão địa phương để huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và các nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Có kế hoạch kịp thời vệ sinh môi trường trong và xung quanh trường ngay sau khi bão tan; chủ động khắc phục hậu quả (nếu có).
Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Khi có sự cố bất thường liên quan đến mưa bão phải chủ động giải quyết, xử lý, đồng thời báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo. Sau bão, tổng hợp thiệt hại (nếu có) và phương án xử lý báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo để có phương án hỗ trợ khắc phục.
CÙ HIỀN
Theo PLO
Người dân Philippines lo tích trữ lương thực trước siêu bão Mangkhut Siêu bão Mangkhut đã đổ bộ vào khu vực bờ biển đông bắc Philippines sáng sớm 15/9. Nhiều người dân trong khu vực cho biết, các cơn gió dữ dội cùng với mưa lớn đã cuốn bay nóc của nhiều ngôi nhà. Thị trấn ven biển Baggao thuộc tỉnh Cagayan bị ảnh hưởng đầu tiên của cơn bão. Theo dự đoán có khoảng...