Chặt xác con làm nhiều mảnh rồi ném ra đường
Những trẻ sơ sinh không nuôi nổi, những cháu bé bệnh tật ốm o vừa qua đời lập tức được đem ra ngã tư đường hoặc ngã năm ngã bảy các dòng suối để… chặt xác làm nhiều mảnh.
Họ ném các phần thi thể người đi các phương hướng với niềm tin ma tà mù quáng nhất.
Không phải là “nâng cao quan điểm” về chuyện hi hữu hay do tôi muốn hù dọa thần kinh độc giả để “mua vui”, không phải là một huyền thoại rợn người chỉ có ở trong quá khứ. Đó là một hủ tục ít nhiều phổ biến ở vùng cao đến tận năm 2011 này.
Tôi đã phỏng vấn chính những người trực tiếp chặt xác, chính các ông bố bà mẹ bất hạnh kia, chính các chiến sỹ công an trực tiếp giải quyết vụ việc, cả lãnh đạo công an huyện và công an tỉnh, thậm chí tôi còn vào trại giam Hồng Ca (của Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Yên Bái) xem hồ sơ của “đao phủ” thụ án vì tội “xâm phạm thi thể” cháu bé xấu số…
Mường Khương – chứng thực sự mù quáng… không còn gì để nói!
Phải nói rằng, đó là chuyện khó tin nhưng có thật.
Tôi đã từng ở Tây Tạng, leo lên những ngọn núi thiêng nóc nhà thế giới với tục “ thiên táng” khét tiếng. Một nghi lễ kinh dị, họ tắm nước thơm cho thi thể người quá cố, rồi có thầy cúng tụng niệm, rồi đao phủ chuyên nghiệp băm xác người thành muôn mảnh, đốt dược liệu thơm tho dụ kền kền đến mang chút trần gian còn sót lại của một Con Người lên cõi siêu nhiên sáng láng. Tuy nhiên, chuyện thiên táng ở Tây Tạng, nó là một táng thức thiêng đáng trân trọng, người ta tự hào được về với tổ tiên bằng cách đó. Thế giới trân trọng và thêm hiểu Tây Tạng, cũng một phần nhờ cách đó.
Phó Ban Công an xã Thanh Bình đưa phóng viên đến hiện trường, nơi Chín Phủ chặt xác con.
Còn ở các vụ chặt xác người rùng rợn ném lung tung ra đường khiến người dân đi qua vấp phải tưởng ai đi chợ về đánh rơi… cái chân giò (nguyên văn lời công an xã kể) mà tôi đang đề cập, nó lại là vấn đề khác hẳn. Nó là một sự mông muội, điên rồ đến mức cả xã hội, khó có ai từng nghe qua mà không… cực lực lên án!
Đúng là, trong những năm tháng gắn bó với núi rừng Tây Bắc, thảng hoặc tôi cũng có nghe bà con kể về một sự kiện rùng rợn kiểu chặt xác người ném ra ngã tư đường, hoặc đốt cháy xém rồi bỏ giữa đồi hoang. Bấy giờ, nhiều người cứ nghĩ là một trọng án chưa tìm ra thủ phạm. Đến một ngày, vào làm việc với lãnh đạo Trại giam Hồng Ca, xem hồ sơ của một phạm nhân đặc biệt đã ám ảnh cán bộ, quản giáo nơi này, tôi mới giật mình.
Gã đó tên là: Vũ Minh Quý, SN 1978, người ở thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, bị bắt ngày 1/5/2007, mức án 2 năm 6 tháng tù. Hồ sơ ghi rõ: Quý được một cặp vợ chồng hiếm muộn thuê với giá 250 nghìn đồng, để đem thi thể cháu bé là con của cặp vợ chồng kể trên ra ngã ba suối gần nhà… chặt xác. Quý chặt cháu bé làm 4 mảnh, ném ra các phía khác nhau, rồi thản nhiên về nhà nhận tiền công.
Vợ chồng nhà kia khai với cơ quan công an: vì tin lời thầy bói, thầy bảo, con ma ngụ trong đứa bé, nếu không chặt con ma (thi thể chính đứa con họ đẻ ra!) thì ma sẽ tiếp tục đầu thai về nhà ấy, sẽ hữu sinh vô dưỡng như những lần trước đó. Câu chuyện đã khiến anh Hưởng và anh Thân (hai cán bộ nhiều năm công tác trong ngành trại giam) sững sờ, hoảng hốt. Khi được hỏi, điều gì ám ảnh anh nhất, trong ngần ấy năm quản lý các đối tượng sừng sỏ ở trong trại, hai anh không hẹn mà cùng kể về vụ Vũ Minh Quý chặt xác trẻ em.
Kể về việc chặt và đốt đứa con tội nghiệp tên là Seo Chu của mình ông bố mê muội này cười khềnh khệch và liên tục “bắn” thuốc lào.
Đến trung tuần tháng 9 năm 2011 này, lên Lào Cai công tác, tôi đem chuyện ướm hỏi cán bộ tỉnh. Hóa ra, Đại tá Giàng Ly Pao, Phó Giám đốc Công an tỉnh, từ lâu, cũng biết và rất trăn trở với vấn đề này. Là người Mông, lại nguyên là trưởng Công an huyện Si Ma Cai, ông Pao tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ yên bình cho bà con miền biên ải lắm. Ngăn chặn hủ tục chặt xác trẻ em là điều cấp thiết, vì thế, trước hết chúng ta phải hiểu đúng bản chất vấn đề đã.
Khi đứa trẻ chết rồi, bà con thậm chí còn quan niệm không để thi thể cháu đi qua cửa chính ra khỏi nhà. Mà họ trèo lên, vạch một lỗ trên đầu đốc mái nhà, người ở trong, người ở ngoài chuyền tay, đem xác cháu đi… diệt con ma: chặt con ma ngụ trong thi thể cháu bé.
Ngược núi cao về huyện biên giới Mường Khương, gặp cả anh Thắng và anh Lử, là trưởng và phó CA huyện, vừa gợi chuyện, cũng lại nghe các anh nói về từng vụ xẻ xác ném ra ngã ba đường, xẻ xác đốt cháy đen thui ném lên đồi ở các xã Nấm Lư, Thanh Bình… Có vụ, khi thực nghiệm hiện trường, ông bố xẻ xác con vẫn thản nhiên, nó chết rồi, ta có giết người đâu, vì thương con nên ta mới làm thế chứ.
Video đang HOT
Không chỉ người Mông, mà cả người Nùng, Tày, người Hoa ở khu vực này, đều đã từng để hủ tục kia ngự trị với các câu chuyện kinh dị. Có người bảo, đó là hủ tục, là sự mê muội chứ không phải là họ chủ ý làm điều tai quái, tàn ác, cho nên, bên công an, bên tòa án và viện kiểm sát rất khó để đưa các đối tượng ra xét xử. Cán bộ biết rõ từng vụ, họ còn lên thực nghiệm điều tra và… xử phạt đối tượng “gây án”, tuy nhiên, hầu như chưa có vụ xẻ xác nào được đưa ra xử lý nghiêm minh để ngăn ngừa thảm họa kế tiếp.
Dù với lý do gì, sự nương tay kể trên cũng là không nên. Kể cả gây ra chuyện “bạo ngược” vì lý do thiếu hiểu biết, vì niềm tin ma tà hay vì bị kẻ xấu xui khiến, thì tội ác vẫn là tội ác, luật pháp cần được thượng tôn. Đấy là chưa kể, các vụ việc chặt xác vừa qua, nó đã gây nên nhiều hoang mang trong dư luận, sự tổn thất này là không thể tính đếm nổi. Đó cũng là lý do để chúng tôi quyết liệt điều tra, quay các clip phỏng vấn người thật việc thật, ngõ hầu tìm lối giải quyết để chuyện tày trời không còn xảy ra…
Được sự chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Văn Thịnh, công an huyện cắm ở xã Thanh Bình, người trực tiếp lấy lời khai, tham gia tổ chức thực nghiệm hiện trường các “vụ án” xẻ xác người ở Thanh Bình dẫn tôi đến từng nhà “đối tượng”.
Bản Tả Thền A nằm long lanh ở lưng chừng lớp lớp núi rừng biên cương, lúa đang mùa chín rộ, những đồi sa mộc xanh thẫm tươi ngon sau cơn mưa bất chợt của miền thượng du. Những ông bố, những bà mẹ chặt xác con hồn nhiên kể lại việc mình làm nên chuyện “động trời” ra sao. “Không thương con đâu, vì nó chết rồi thì thương gì nữa. Không nhớ nó đâu, vì nó là con ma. Không nằm mơ thấy con đâu, vì nó không thương bố mẹ, nó bỏ bố mẹ đi rồi lại còn định đầu thai hại những người em của nó nữa – thầy bói bảo thế mà”. “Mình chặt xác con chứ, mình đi chặt cùng bố đẻ mình mà”, một “đao phủ” nói người khác lại bảo: “mình thuê thằng Tráng Sù Dìn (bản Tả Thền A) chặt xác con mình chứ, trả công cho nó 66 nghìn đồng đấy”.
Cứ thế, những điều kinh dị hiện ra trước ống kính máy quay của tôi, trước sự xác nhận từng câu từng chi tiết của thiếu tá Nguyễn Văn Thịnh. Chúng tôi trích nguyên văn lời của các đối tượng, lời nào cũng sửng sốt, buốt nhói tâm can, chỉ với mong muốn cho độc giả hiểu rõ bản chất vấn đề, bản chất những suy nghĩ ngây ngô của các đối tượng.
Với thực trạng đó, thì không có gì là khó hiểu để nạn xẻ xác đã và sẽ còn diễn ra. Lỗ hổng của chúng ta trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con, đồng thời xử lý nghiêm khắc, có ý nghĩa răn đe thật sự các vụ việc tương tự là điều… không còn phải bàn cãi. Vấn đề còn lại chỉ là: cán bộ cơ sở cần khắc phục các lỗ hổng chết người kể trên, họ có làm không và làm như thế nào…
“Mình bị phạt lao động vệ sinh ngoài xã 1 ngày vì tội… chặt con”
Giữa trưa nắng, thấy thiếu tá công an mặc cảnh phục đến nhà Sùng Thì B, nhiều thanh niên trong bản Tả Thền A (xã Thanh Bình) cũng hiếu kỳ kéo sang. “Ôi, tưởng chuyện gì, thằng Sùng Thì B cho chặt con nó làm 4 mảnh rồi đốt bằng rơm, ai chả biết”.
Trẻ em bản Thính Chéng hồn nhiên bên căn nhà của ông bố chặt xác con Lù Chín Phủ.
Lấy lời khai, giải quyết vụ việc đến… thuộc lòng từng chi tiết, từng gương mặt rồi, thiếu tá Thịnh giúp tôi hỏi chuyện Sùng Thì B. Anh ta gãi đầu gãi tai: “Con mình tên là Sùng Seo Chu, sinh ra tàn tật, nó đi học lớp 1 phải có người cõng cơ mà. Hôm ấy là gần Tết, lúc 3h sáng mình sờ thấy nó chết rồi, 1 tiếng sau, mình mới gọi Sùng Lằng là em trai mình, cùng Tráng Sù Dìn (45 tuổi) đến, có tất cả 10 người mang Seo Chu ra đầu bản rồi chặt. Sù Dìn chặt cháu làm 4 khúc, rồi mang theo cả rơm ra đốt. Nó chỉ cháy một tí đen đen thôi. Thế là bọn mình về”.
“Con mình ốm, mình đã mời nhiều thầy cúng, cả người Việt Nam và người ở bên kia biên giới. Thằng bảo mình chặt xác con, là thằng người bên kia. Mình mời nó về, cơm rượu, rồi đi vay tiền cả xóm mới đủ 1,6 triệu đồng tiền Việt Nam để trả công “bói” cho nó. Nó bảo, con mình khi nào chết phải chặt xác như thế, thì con ma mới không quay về hại tiếp những đứa con còn lại của mình. Thầy bói cũng bắt mình chuyển hướng bàn thờ, chuyển hướng cửa chính vào nhà đến… 5 lần rồi. Bây giờ nó lại trở về… đúng chỗ cũ”. Nói rồi, ông bố bất hạnh này ngẩn ngơ gãi đầu gãi tai cười khềnh khệch. Tôi nghe như có thanh cật nứa đầu bản lúp xúp tre vầu nhà Sùng Thì B đang cứa vào lòng mình. Tôi đang ngồi trên chiếc giường ọp ẹp mà cháu bé bị xẻ xác, đốt cháy bằng rơm rạ từng nằm…
Cơ quan công an vào cuộc, thi thể cháu Seo Chu được bố mẹ chúng ra tìm nhặt, gom vào và vùi tạm xuống một rãnh đất. Không ban thờ, không một bức ảnh hay giấy tờ gì liên quan đến cháu còn trên dương gian. Khác với cái cười ám ảnh của Sùng Thì B, ở bản Thính Chéng bên cạnh, Lù Chín Phủ, 28 tuổi, kẻ trực tiếp xả xác con giữa ngã ba đường lại có chút trắc ẩn xót xa khi nhớ lại vụ việc (phúc đức thay!).
Hà, Phó Ban Công an xã đưa tôi lội bộ vào nhà Phủ. Phủ đi xem bói khắp nơi, “ở đất này không có ai khổ như em đâu, nhà báo ơi!”, Phủ nói rồi ầng ậng nhìn ra triền đồi nắng đổ chan chan. “Bốn lần vợ em đẻ, đều không nuôi được con. Đến lượt cháu thứ 5 này, em quyết định nghe lời thầy bói chặt xác con. Lúc ấy là 7h tối, em cùng với bố em (tên là Lù Chỉnh Sờ) trực tiếp mang cháu ra đỉnh núi chỗ con đường cong cong anh vừa đi qua kia kìa. Em chặt hai chân hai tay cháu, ném đi rồi…”. Nói đến khúc nào, Chín Phủ dùng bàn tay 5 ngón của mình duỗi hình lưỡi dao rồi chém đến khúc đó. Hai chân, rồi hai tay, rồi xẻ….
Phó Ban công an xã tiếp: “Có người đi qua, thấy chân của cháu bé mới 10 ngày tuổi, họ tưởng ai đánh rơi cái chân giò…, họ báo chính quyền, thế là chúng em vào điều tra”. Phủ bảo, chặt xác con xong Phủ không ân hận, dẫu bị cơ quan chức năng xử lý, bắt nhặt thi thể con về chôn cất, rồi ra Ủy ban dọn dẹp khu vực vệ sinh, lao động cải tạo…1 ngày.
Kể xong, Phủ rơm rớm buồn, như là Phủ sắp khóc. Phần vì Phủ sợ công an lại bắt mình tiếp, phần vì Phủ cũng thương con, nhưng “vì thương con nên em mới chặt cháu đấy chứ”. Phủ vẫn giữ cái quan điểm ấy khăng khăng, mầm mống tai họa, trăm sự cũng tự đó mà ra cả, Phủ ơi!
Đợi những phiên tòa lưu động tiễu trừ hủ tục
Thền Thị Hoa, vợ Phủ vui vẻ đòi tôi chụp ảnh để khoe hai đứa con mới sinh, đứa gần 3 tuổi, đứa mấy tháng tuổi. “Từ ngày cháu nó đi (bị bố chặt xác), em có được 2 đứa con này đây”, thị nói với sự vui mừng và mê muội khủng khiếp. Bởi theo nhiều cán bộ địa phương, đơn giản là sau sự kiện bé sơ sinh bị bố Phủ chặt xác kia, nhà Phủ đã rời đỉnh núi với ngôi nhà ẩm thấp đầy sơn lam chướng khí cũ, chuyển chỗ ở xuống gần trường học, gần suối và họ sinh được 2 cháu bé khỏe mạnh.
Vợ chồng Phủ bế 2 đứa con và hồn nhiên kể về việc Phủ đã xẻ đứa bé làm 4 mảnh vứt ra 4 ngả đường.
Chuyện kinh dị cứ lạnh lùng xảy đến, thủ phạm cứ nghiễm nhiên như anh chàng Chín Phủ nói với tôi “khi công an đến hỏi, em không sợ tí nào, vì em có giết người đâu, nó là con em, nó đã chết thì em mới chặt chứ, em thương con, muốn có con nuôi nấng mình lúc mình già lắm chứ, nhưng…”. Cơ quan chức năng cũng lúng túng, không biết xử lý thế nào cho thấu tình đạt lý. Chúng tôi khảo sát ở nhiều khu vực, có xã diễn ra vài vụ chặt xác ném ra đường, phóng hỏa đen thui, có vụ còn nóng hổi cách đây vài tháng…, nhưng tuyệt nhiên các đối tượng mê muội trực tiếp “xuống tay” kia, kể cả đám thầy bói quàng xiên tàn độc kia vẫn chưa hề bị xử lý như cần phải có.
Điều này đã gây hoang mang trong dư luận, đặc biệt là nó sinh ra các hệ lụy: bệnh “lờn thuốc”, khiến những kẻ mê muội được đà xốc tới. Điều cần thiết lúc này là chúng ta cần các phiên tòa lưu động, đem ra xử lý nghiêm khắc, dứt điểm, thẳng tay với nạn xẻ xác trẻ em. Không thể để các tiền lệ xấu như đã kể tiếp tục xảy ra.
Tôi đang băn khoăn tự hỏi: không biết có chuyện “đường rừng” nào kinh dị hơn những gì tôi đã chứng thực ở trên? Đường vào Mường Khương giờ đẹp lắm, đường lên bản, xe máy cũng chạy ro ro, nhà các đối tượng cũng đẹp, xe máy cũng có, điện thoại di động cũng có. Về vật chất thì tiến lên sắp kịp miền xuôi rồi, nhưng sao suy nghĩ của không ít bà con ở đó lại mông muội đến choáng váng như thế?
Cán bộ cơ sở ở đâu, khi Sùng Thì B, khi Lù Chín Phủ quyết định chặt xác con mình, khi thầy bói bên ta và cả phía bên kia biên giới tràn sang, tung hoành bói toán quàng xiên, đặc biệt, khi chuyện buốt lòng “chặt con ma” xảy ra thì tất cả chìm nghỉm vào quên lãng? Xin đừng để thân ai người nấy lo, việc ai nấy làm mà hãy hiểu, trong các “sự kiện” rùng rợn kia, cán bộ địa phương cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của mình. Huyện nào, xã nào để xảy ra chuyện tương tự, cán bộ huyện, xã, thôn, bản cần phải chịu trách nhiệm trước dân, trước mong muốn về một cuộc sống hiểu biết và nhân ái của tất cả chúng ta.
Theo Dân Trí
Quyết liệt giải đua ngựa Bắc Hà
Sáng 29/5, giữa cái nắng chói chang vùng cao, 24 ngựa đua của Bắc Hà, Si Mai Cai và Mường Khương (Lào Cai) cùng bước vào vòng bán kết để tìm ra tuấn mã chiến thắng cùng giải thưởng 20 triệu đồng.
Ngày 28/5, ban tổ chức giải đua ngựa đã tổ chức thi vòng loại, chọn ra được 24 ngựa đua lọt vào vòng bán kết, trong đó có 21 ngựa của huyện Bắc Hà, 2 ngựa của huyện Si Ma Cai và một ngựa của huyện Mường Khương.
Tham gia giải lần này có nhiều ngựa khỏe, đẹp. Trong ảnh là con ngựa bạch.
Ngựa khoang.
Ngựa đua cựu vô địch lần đầu tiên (2007) và nài ngựa Thàn Văn Dùng (dân tộc Nùng xã Na Hối) quyết tâm trở lại giải lần thứ 5 này.
Trước cuộc đấu, các chú ngựa đua và nài cùng giao lưu.
Màn diễu hành trước cuộc đua.
Các kỵ sĩ bước vào đua bán kết vòng 1.
Chạy bám mép trong đường PIT là chiến thuật mà các nài ngựa đã được tập luyện.
Tuy nhiên vẫn có những chú ngựa bất kham không chịu chạy theo sơ đồ thể thao.
Vui mừng khi gần cán đích.
Đua ngựa biểu hiện tinh thần thượng võ, can trường của các chàng trai vùng cao, vì vậy thu hút rất đông khán giả, trong đó rất nhiều khán giả nữ.
Cả nhà đến sân vận động từ rất sớm để cổ vũ cho bố là kỵ sĩ trong cuộc đua này.
Đua ngựa Bắc Hà (Lào Cai) là sáng kiến của tỉnh Lào Cai nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới, tăng sức hấp dẫn cho chương trình du lịch "Về cội nguồn" hợp tác giữa 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ. Thành phần tham dự là đội đua được tuyển chọn từ các xã có đàn ngựa tốt thuộc huyện Bắc Hà và một số huyện vùng cao. Huyện Xín Mần (Hà Giang) cũng cử một đội tham gia giao lưu.
Giải đua ngựa Bắc Hà mở rộng lần thứ 5 được khai mạc vào ngày 29/5. Dịp này tỉnh Lào Cai tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch tại chợ phiên Bắc Hà, như mở nồi thắng cố kỷ lục Guiness Việt Nam; trưng bày và bán sản phẩm nông nghiệp của các huyện vùng cao...
Theo VNEXpress
Tiêu diệt 22 "mãnh cẩu lạ" hung dữ cắn người ở Lào Cai Ngày 13/5, Chi cục thú y Lào Cai cho biết đã có 22 cá thể chó lạ được lực lượng chức năng và nhân dân các xã thuộc huyện Mường Khương và huyện Si Ma Cai giết và tiêu huỷ. Địa điểm tiêu diệt chó cũng được tiêu độc, khử trùng kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, 4 con chó nuôi bị chó lạ...