Chất bột trắng làm mềm thịt bò siêu tốc
Để thịt bò nhanh mềm, chỉ cần cho 1 thìa bột soda với 2 kg thịt, đảm bảo thịt mềm như mong muốn, đỡ tốn thời gian, nhiên liệu để ninh, loại bột này bày bán ở nhiều chợ tại Hà Nội.
Nước sôi, thịt bò đã mềm
Bột soda được cho vào để làm mềm thịt.
Những người bán hàng ăn vẫn truyền tai nhau bí quyết làm mềm thịt rất nhanh chóng. Với chất bột này, chỉ cần nước sôi, cho tí bột vào là thịt mềm như ninh hàng tiếng đồng hồ.
Qua khảo sát một số chợ tại Hà Nội như chợ Hôm, chợ Thành Công, Ngọc Hà hay Đồng Xuân, các chợ này chủ yếu bán loại bột có tên là bột soda.
Tại chợ Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), khi hỏi mua bột làm thịt, các quầy hàng ở đây rất sẵn loại bột soda được đóng trong hộp nhựa trắng, có nhãn màu xanh đề là chất “Bicarbonnate of soda” có trọng lượng 100gr.
Khi phóng viên còn loay hoay xem nhãn hàng, chị bán hàng khô đã giới thiệu: “Em cho bột soda này vào ướp cùng móng giò, để khoảng 15 phút sau đó đun lên sẽ rất nhanh chín và mềm. Chị hay bán cho người làm nhà hàng, khách sạn. Em yên tâm dùng thử đi”.
Đọc nhãn mác không thấy tiếng Việt, chỉ toàn tiếng Anh bản thân người bán hàng vì không biết ngoại ngữ nên cũng đành chịu không biết của nước nào.
Vỏ hộp chất bột Soda
Video đang HOT
Ngoài bao bì viết sản phẩm này tên “Kings” có chứa chất Bicardbonate of soda, ngoài ra, thông tin trên bao bì bằng tiếng Anh với dòng chữ “product of Australia” (sản phẩm của Úc – PV), imported by Barkath stores ltd, Singapore (nhập khẩu bởi công ty TNHH Barkath Stores, Singapore. Đồng thời, trên vỏ còn có thông tin “imported and packed by Barkath foods, Mailaysia (nhập khẩu và đóng gói bởi công ty thực phẩm Barkath, Malaysia).
Dạo quanh chợ Ngọc Hà, khi chúng tôi hỏi mua bột làm mềm thịt, một chị bán hàng tiếp tục giới thiệu hộp bột giống hộp bột chúng tôi đã mua ở chợ Cống Vị.
Chị bán hàng ở đây còn khẳng định bột này “không độc hại gì, nó là của mình (của Việt Nam sản xuất).
Sang quầy khác, bà chủ quầy mời chào mua bột nhừ có tên là bột khai. Đúng với tên gọi, mùi của thứ bột này khai nồng nặc đến ngạt thở. Chỉ vừa cầm túi bột, chúng tôi phải lập tức bỏ ra xa. Thắc mắc mùi này thì làm sao cho vào thức ăn được? Bà bán hàng khẳng định người bán đồ ăn sáng muốn ninh nhừ thịt, muốn làm bánh bao, bánh rán cho phồng lên vẫn mua loại bột này của bà.
Còn tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là “lò” bán buôn các chất phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. Bà chủ quầy L.N cho biết hiện cửa hàng bà có bán “cần sủi” là bột để làm nhừ thịt. Khi muốn thịt bò, chân giò hay bất cứ cái gì dai và muốn nhừ nhanh thì chỉ cần cho ít bột này vào thịt cùng với nước lạnh, sau đó đun sôi là nhừ. Chân giò, thịt bò khi dùng bột này vừa nhừ mà không bị nát.
Về xuất xứ hàng hóa bà chủ không giấu diếm và nói, bột làm mềm thịt này là của Trung Quốc.
Mua ít thì ra chợ, nếu muốn mua nhiều, khách hàng có thể dễ dàng mua bột soda, bột khai từ các công ty hóa chất. Một nhân viên kinh doanh của công ty hóa chất H. không ngần ngại nói thẳng: “Công ty này cũng bán bột soda nhưng tỉ lệ Sodium bicarbonate (NaHCO3) là 99%, còn lại trong soda này có lẫn kim loại nặng như Pb, Asen…”.
Những hóa chất này nếu được mua về để bán ngoài chợ cho người chế biến thực phẩm thì sẽ ảnh hưởng sức khỏe cho người ăn.
Phải ăn cả asen, chì?
Bột khai cũng được cho vào thịt, vào bánh.
Với những chất bột làm mềm thịt trên, câu hỏi đặt ra là người bán hàng đã mua đúng phụ gia thực phẩm được phép sử dụng hay vì lợi nhuận họ đã mua hóa chất dùng trong công nghiệp để bán tới người tiêu dùng?
Bản thân người bán cũng không biết rõ sản phẩm được sản xuất ở đâu, hướng dẫn dùng như thế nào. Họ bán vì thấy có người hỏi mua, bán vì quầy bên cạnh có thì mình không thể thiếu.
Trên các loại bột làm mềm thịt mà chúng tôi khảo sát hoàn toàn không có nhãn mác tiếng Việt, không có địa chỉ cơ sở sản xuất…
Và như vậy, theo quan điểm của TS. Nguyễn Xuân Lãng, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam thì cùng chất đó, nhưng dùng trong lĩnh vực công nghiệp giá sẽ rẻ hơn rất nhiều so với cùng một hóa chất đó nhưng được phép dùng trong thực phẩm.
Còn TS Bùi Quang Thuật, Viện Công nghệ Thực phẩm cho biết: “Sodium Bicarbonate (còn có tên gọi khác là baking Soda; Sodium hydrogen carbonate; sodium acid carbonate; bicarbonate of soda, công thức hóa học: NaHCO3) là hóa chất thông dụng trong công nghiệp và dùng trong lĩnh vực y tế, thực phẩm. Nhưng dùng trong thực phẩm và y tế đòi hỏi chất này tinh khiết. Cụ thể, bicarbonate of soda trong công nghiệp là chất tẩy rửa, làm mềm nước nhiễm axit… Trong y học là thuốc làm trung hòa axit ở người mắc bệnh đau dạ dày. Trong thực phẩm dùng để làm mềm thịt, làm bánh…”.
TS Thuật cho rằng nếu NaHCO3 không tinh khiết sẽ lẫn tạp chất kim loại nặng như chì, asen, thủy ngân. Khi đó, người ăn vào sẽ có nguy cơ tích tụ trong cơ thể và gây bệnh ung thư.
Còn với chất bột khai, TS Thuật cho rằng, với mùi khai đó có thể đó là bột Ammodium bicarbonate.
“Vấn đề sai của những người tiêu dùng là chất dùng trong công nghiệp nhưng lại mua về dùng trong thực phẩm. Hoặc có thể họ mua nhầm sản phẩm công nghiệp để dùng trong thực phẩm”, TS Thuật nói.
Theo VTC
Tìm thấy hóa chất gây sẩy thai trong sơn móng
Các loại sơn móng "vô danh" và siêu rẻ được bày bán công khai ở nhiều nơi là nguồn sản phẩm có nguy cơ nhiễm độc cao.
Cơ quan Kiểm soát chất độc hại (DTSC) của Mỹ cảnh báo tìm thấy 3 hóa chất toluene, dibutyl phthalate và formaldehyde có nguy cơ gây sẩy thai, tổn hại đến sức khỏe con người trong một số loại sản phẩm sơn móng lưu thông trên thị trường nước này. Không loại trừ các sản phẩm này đã lưu hành từ lâu ở Việt Nam, nhất là ở dạng sản phẩm trôi nổi, không nhãn hiệu.
Tại chợ Thái Bình (Q.1), hàng trăm loại mỹ phẩm, nước hoa, dầu gội, son môi, phấn, lăn khử mùi, sơn móng tay chân chất đống trong các khay nhựa đặt dưới nền đất. Nhờ ưu thế giá rẻ, chủng loại phong phú, màu mè xanh đỏ bắt mắt nên được khá nhiều phụ nữ lựa chọn.
Các loại sơn móng này rất đa dạng về xuất xứ. Có loại hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, một số loại tem nhãn lem luốc, không nhận ra xuất xứ, thành phần hóa chất.
Không chỉ "sạp" nền đất, ngay các sạp có tủ kiếng cũng bán đủ loại sơn móng, xuất xứ khá mơ hồ. Tại "chợ" tự phát phía sau chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), các "sạp" mỹ phẩm đặt ở nền đất ẩm ướt, dơ bẩn xen kẽ trong các quầy thịt cá. Đủ loại sơn móng không rõ nguồn gốc, chất lượng đổ đống ngổn ngang. Muốn biết, khách chỉ còn cách hỏi, người bán hàng "phán" sao biết vậy. Khảo sát các chợ Bình Tây, An Đông, Tân Định... đều tìm thấy các loại sơn móng tương tự như trên. Ngoài ra, dễ dàng tìm thấy các loại sơn móng trôi nổi tại vỉa hè.
Các loại sơn móng đủ màu sắc, giá rẻ bày bán tại các chợ
Các "tiệm" làm móng di động ở chợ Phạm Văn Hai khá đông khách lui tới. Khách chỉ chọn màu sơn, không quan tâm lắm đến chất lượng hay nguy cơ độc hại từ các sản phẩm làm đẹp này. Ghi nhận thực tế, cả thợ lẫn khách đều không thực hiện biện pháp bảo vệ sức khỏe nào.
Anh Lâm Uyên - chủ tiệm làm tóc trong Làng đại học Thủ Đức, cho biết sơn móng tiệm anh sử dụng là hàng công ty, mỗi lần hết hàng gọi nhân viên công ty mang xuống. Tuy nhiên, anh cũng không biết công ty này nằm ở đâu cũng như không biết hàng xuất xứ nơi nào, đã qua kiểm tra về chất lượng, hàm lượng chất độc hại, khuyến cáo độc hại hay chưa. "Lâu nay tiệm tôi vẫn dùng loại sơn móng này. Trời kêu ai nấy dạ, biết sao bây giờ" - anh Lâm Uyên phân trần.
Đã 3 tuần kể từ ngày DTSC đưa ra cảnh báo, đến nay các cơ quan quản lý ở nước ta, đặc biệt các cơ quan giám sát về chất lượng hàng hóa vẫn chưa làm rõ nghi vấn sơn móng chứa chất cấm để trấn an hay cảnh báo người dân.
Bác sĩ Trần Ngọc Ánh - Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết các loại hóa chất trong sơn móng có thể gây ngộ độc cấp tính, viêm da dị ứng hay viêm da kích thích, gây ngứa, đỏ da, nổi mụn nước, trợt, chảy nước, đôi khi bội nhiễm, có mụn mủ... Ngoài ra còn gây rối loạn tiêu hóa, như buồn nôn, đau bụng, chóng mặt, ói, tiêu chảy... Nếu sử dụng lâu ngày làm hư móng, sần sùi, mất bóng, dày, đổi màu, lỗ chỗ, lồi lõm...
Các nhãn hiệu sơn móng bị Mỹ phát hiện nhiễm độc gồm: Sation 99 basecoat, Sation 53 red-pink nail color, Dare to Wear nail lacquer, Chelsea 650 Baby"s Breath Nail Lacquer, New York Summer Nail Color, Paris Spicy 298 nail lacquer, Sunshine nail lacquer, Cacie Light Free Gel Basecoat, Cacie Sun Protection Topcoat, Golden Girl Topcoat, Nail Art Top-N-Seal và High Gloss Topcoat.
Theo Thanh Niên
Cảnh sát môi trường bức xúc vì chưa xử hình sự thực phẩm độc hại "Trong thời gian qua, chúng tôi liên tục bắt quả tang các thực phẩm như cá, phở, nước ngọt có tồn dư hóa chất độc hại... nhưng chỉ xử phạt hành chính ở mức độ nhẹ. Chỉ khi nào Bộ Y tế đưa danh mục các hóa chất này vào danh mục chất cấm thì chúng tôi sẽ xử lý hình sự được...