Cháo lòng ‘cô chảnh’ 36 năm ở Sài Gòn
Quán cháo lòng ở đầu hẻm 106 Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) còn được thực khách gọi là cháo lòng ‘cô chảnh’ vì chủ quán chỉ bán sau 17 giờ, nếu khách đến sớm hơn một chút vẫn phải đứng chờ.
Quán cháo lòng ở đường Vạn Kiếp đã 36 tuổi nổi tiếng chỉ bán đúng giờ
Bán cháo khi mới 13 tuổi
Tên gọi “cô chảnh” không khiến quán cháo ít khách đi mà ngược lại, khách đến ăn cháo rất đông. Nhiều khi không có chỗ đậu xe nên thực khách phải mua mang về thay vì ngồi ăn ở quán.
Quán cháo ở Vạn Kiếp khá nhỏ, có một quầy cháo, bếp than, nồi nấu, tủ kính đựng gia vị… và vài bộ bàn ghế inox đặt xung quanh. Tính đến nay, quán cháo lòng ở Vạn Kiếp đã 36 tuổi.
Bánh giò cháo quẩy và đồ ăn kèm không thể thiếu khi ăn cháo ở quán của bà Ngà
Video đang HOT
Tô cháo hấp dẫn với đầy đủ thịt, huyết và hành, ngò, tiêu, hành phi
Bà Nguyễn Thị Kim Ngà (49 tuổi, chủ quán cháo) chia sẻ: “Gia đình tôi là người gốc Bắc, di cư vô Sài Gòn từ năm 1975. Hồi đó khó khăn quá nên tôi đã tự lập từ năm 13 tuổi và mở quán cháo này. Hồi xưa có bán buổi sáng nhưng sau này vì sức khỏe không đảm bảo nên quán chuyển qua bán từ buổi chiều”.
“Giờ cao điểm của quán là từ khoảng 18 giờ 30 đến tầm 22 giờ, khách chủ yếu là công nhân và người làm văn phòng tan làm về. Khách đông quá, tối nào cũng bán không nghỉ tay. Thường thì, thứ hai là ngày mà quán đông khách hơn so với những ngày cuối tuần. Những ngày khách đông, quán bán được 300 tô cháo là chuyện bình thường”, bà Ngà chia sẻ thêm.
Quán cháo luôn hút khách. Những ngày cao điểm, bà chủ bán được 300 tô/ngày
“Tôi ăn cháo ở đây từ khi con Ngà còn bé xíu, lâu lắm rồi, ba mươi mấy năm rồi. Cháo thì ngon số 1 nghen mà con nhỏ này nó… chảnh, chưa đúng giờ là nó dứt khoát không bán. Nó bảo khách ngồi chơi đi không thì đi đâu lát quay lại”, ông hàng xóm lớn tuổi của chủ quán vừa cười vừa nói khi thấy tôi phải đứng chờ vì lỡ đến sớm hơn giờ bán cháo.
Chủ gốc Bắc nấu cháo đậm vị miền Nam
Điều đặc biệt, tuy là người gốc Bắc nhưng bà Ngà nấu món cháo lòng đậm hương vị miền Nam. Để nguyên liệu được tươi ngon thì mỗi ngày bà đều lấy hàng ở chợ Bà Chiểu. Nồi cháo sẽ được bắc lên bếp từ 12 giờ trưa, gạo sẽ được hầm nhừ suốt buổi chiều sẵn sàng phục vụ cho thực khách. Giá đỗ và hành lá thì thường buổi chiều mới có người giao lại, sau đó được ngâm với nước để giữ được độ tươi ngon.
Cháo lòng của người miền Nam khác với cháo lòng của người miền Bắc ở cách chế biến huyết và dồi. Người miền Bắc khi nấu cháo lòng thường sẽ nấu cháo kèm huyết sống, huyết sống sẽ được cho trực tiếp vào nồi cháo khi đang nấu ở trên bếp. Ở miền Nam thì lại khác, huyết không nấu chung với cháo mà sẽ được luộc riêng. Tương tự, nếu dồi ở miền Bắc thường được nhồi bằng huyết thì ở miền Nam thường được nhồi bằng thịt.
Với quán cháo lòng Vạn Kiếp, khi khách vào quán ăn thì huyết sẽ không được soạn ra cùng cháo mà chỉ được bưng ra khi nào khách yêu cầu. Một phần cháo lòng chưa có huyết giá 23.000 đồng. Với một số vị khách lần đầu ghé quán mua mang về, ăn xong mới chợt nhận ra là mình quên gọi thêm huyết thế là… tiếc hùi hụi.
Khi được hỏi tại sao lại không thuê người làm trong khi sức khỏe không được tốt thì bà Ngà nói: “Tôi đâu dám mướn người đâu, người ta nấu không vừa ý mình, lại vừa không ngon nên cứ tự làm thôi”.
Anh Thịnh, một khách quen của quán thoải mái chia sẻ với tôi trong lúc ngồi chờ chủ quán gói cháo để mang về: “Mình ăn cháo lòng ở đây cũng được 5 năm rồi. Cháo ở đây rất vừa ăn, gạo nấu rất vừa, nguyên liệu rất tươi, nói chung là đáp ứng nhu cầu của thực khách”.
Ngoài cháo lòng là món chính của quán, thực khách có thể ăn thêm trứng vịt lộn trong lúc chờ tô cháo nóng hổi bưng ra. Vì là quán vỉa hè, ở gần chợ lại dễ tìm nên trung bình mỗi tối quán bán được khoảng 100 trứng vịt lộn, thu nhập của quán cũng vì thế mà được cải thiện hơn trước rất nhiều.
Theo Thanhnien
Trời se lạnh làm món cá thửng kho nghệ, ớt hiểm
Mùi thơm cay của các gia vị cùng vị béo bùi của cá sẽ làm bữa cơm của bạn thật ngon.
Cá thửng (cá mối) là loại cá sống ở vùng đáy biển. Ở nước ta, loại cá này có nhiều ở vùng biển miền Trung.
Theo y học, loại cá này có tính lành nên có thể chế biến được nhiều món khác nhau. Bạn có thể phơi khô, làm chả, gập đôi con cá ướp sả và ớt xay chiên vàng, hoặc làm món kho. Dưới đây là công thức làm món cá thửng kho nghệ, ớt hiểm.
Nguyên liệu: Cá thửng (cá mối), nghệ, ớt hiểm, hành, tỏi, gia vị. Các nguyên liệu này bạn căn để cho vừa khẩu phần ăn của gia đình mình nhé.
Thực hiện: Cá thửng mua loại còn tươi bạn nhé. Cá thửng tươi sẽ có đặc điểm: lưng màu nâu nhạt, bụng trắng bạc, có viền sau vây lưng và vây đuôi màu xanh đen. Dùng tay ấn nhẹ thịt cứng, cảm nhận lớp da bên ngoài còn trơn.
Nghệ: Bạn có thể sử dụng nghệ bột hoặc nghệ tươi.
Cắt bỏ vi, vảy, đầu, vây đuôi, bỏ các bộ phận bên trong, cạo vảy và rửa sạch, để ráo nước. Tùy vào con cá to hoặc nhỏ để cắt khúc vừa ăn bạn nhé.
Ướp cá với chút muối, nước mắm, bột ngọt, ít đường (tùy thích) hạt nêm, tiêu xay, tỏi, hành và nghệ giã nhỏ, nước màu (nước màu dưa hoặc nước màu từ đường thắng), thêm chút dầu ăn cho thịt cá béo ngậy. Để nguyên liệu khoảng 30 phút cho ngấm cá. Nếu muốn nồi cá kho ngon, bạn hãy kho bằng nước dừa nhé.
Bạn nên kho cá bằng niêu đất để cá ngon hơn, ngấm gia vị nhiều hơn nhé. Bắc cá lên bếp, thái ớt lên trên, đun lửa riu riu đến khi thấy nước của nồi cá sính lại là đạt. Tắt bếp, rắc hành lá lên trên. Mùi thơm cay của các gia vị, vị béo bùi của cá mang lại sẽ làm bữa cơm bạn thật ngon. Chúc các bạn thành công.
Theo Vietnamnet
Cháo lòng An Thổ Tôi nhớ thời xưa, Tam Kỳ (Quảng Nam) nức danh món cháo lòng An Thổ ở khu vực nửa quê nửa phố thuộc phường Hòa Hương. Cháo lòng An Thổ không chỉ ngon mà còn "bình dân" đúng nghĩa về phong cách phục vụ, chỗ ngồi và giá. Nay về Tam Kỳ, làng cháo lòng An Thổ xưa chỉ còn trong ký ức....