Channel News Asia: Tập Cận Bình khen ngợi Malaysia biết im lặng ở Biển Đông
Tập Cận Bình thừa nhận rằng cách tiếp cận ngoại giao im lặng của Malaysia là phương pháp tốt nhất, vì nó nhấn mạnh vào việc thảo luận hơn là đối đầu…
Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Channel News Asia ngày 11/11 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình đã ca ngợi Malaysia về việc nước này đã có cách tiếp cận ngoại giao “im lặng” trong việc giải quyết tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, thông tin được Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết.
Video đang HOT
“Ngài Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận rằng cách tiếp cận ngoại giao im lặng của Malaysia là phương pháp tốt nhất, vì nó nhấn mạnh vào việc thảo luận hơn là đối đầu hoặc đưa vấn đề Biển Đông ra quốc tế”, Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu hôm 10/11.
Về phía Malaysia, ông Najib Razak khi hội đàm với Tập Cận Bình bên lề APEC đã bày tỏ hy vọng, “tình cảm tiêu cực của Trung Quốc với Myanmar hậu thảm họa MH370 sẽ thay đổi”. Kuala Lumpur sẽ nỗ lực hợp tác với Bắc Kinh thúc đẩy khách du lịch Trung Quốc sang Malaysia. Ông Tập Cận Bình nói rằng tình cảm tiêu cực là điều khó tránh, nhưng có thể thay đổi bởi mối quan hệ hai nước phát triển tích cực.
Thủ tướng Najib cho biết, trong hội đàm ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn với Malaysia, sớm có thể tổ chức các cuộc tập trận chung giữa 2 nước. Trung Quốc cũng đã đồng ý tham gia tổ chức Hàng hải và vũ trụ quốc tế Langkawi.
Trong một động thái khác có liên quan, cũng theo Channel News Asia, Biển Đông có khả năng sẽ chi phối hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Naypyidaw, Myanmar khai mạc ngày hôm nay.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và các cường quốc toàn cầu có thể sẽ phải thảo luận làm thế nào để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có thể cân nhắc về vấn đề này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Denzil Abel, một thành viên Viện Nghiên cứu Chiến lược – quốc tế Myanmar cho biết, Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ tái cân bằng sang châu Á – Thái Bình Dương trong hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần này, vấn đề Biển Đông sẽ trở nên nổi bật và phản ứng của Mỹ về Biển Đông cũng sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Do đó hội nghi lần này là cơ hội cho Trung Quốc và ASEAN để bàn cách quản lý rủi ro, khủng hoảng trên Biển Đông, khu vực và thế giới sẽ được hưởng lợi từ điều này.
Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Đông Á lần này cũng sẽ là cơ hội cuối cùng của Myanmar để tỏa sáng với vai trò chủ tọa ASEAN trong năm nay. Mặc dù chưa có kết quả cụ thể có thể được dự báo từ hội nghị, các nhà quan sát vẫn tin rằng Myanmar có thể điều hành các cuộc họp diễn ra một cách trơn tru.
Kyaw Lin Oo, một nhà phân tích chính trị Myanmar cho rằng, dù không đạt được kết quả nào nhưng Myanmar cũng không đánh mất bất cứ điều gì với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN. Nếu so sánh với Campuchia thì Phnom Penh đã bị cộng đồng chỉ trích vì thái độ bênh Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh năm 2012, nhưng Myanmar không bị quốc gia nào chỉ trích.
Theo Reuters ngày 11/11, phải thừa nhận rằng ASEAN không muốn đối kháng với Trung Quốc, theo bản dự thảo tuyên bố chung hội nghị thượng đỉnh lần này mà Reuters có được, sẽ không có gì thay đổi nhiều so với tuyên bố chung của kỳ họp thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 8.
Về Biển Đông, tuyên bố chung lần này sẽ lặp lại: “Chúng tôi bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi về những diễn biến gần đây trên Biển Đông đã gia tăng căng thẳng”, đồng thời thúc giục các bên “kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tránh các hành động đe dọa hoặc phá hoại hòa bình và an ninh, ổn định trong khu vực.”
Theo Giáo Dục