Chánh án TAND TP Hà Nội nói về việc xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh
Sáng 4/12, báo cáo tại phiên họp HĐND TP Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết, ngay trong Quý I năm 2018 sẽ đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử.
Chánh án tòa án nhân dân Thành phố Nguyễn Hữu Chính cho biết, năm 2017, hai cấp Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã giải quyết các loại án đạt tỷ lệ 90,1%. Số vụ án bị huỷ, sửa giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2016.
Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng được yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Đầu năm 2018 sẽ đưa vụ Trịnh Xuân Thanh ra xét xử
Điển hình như vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm tội “ Tham ô tài sản”, “ Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin; vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm tội Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; vụ Đặng Minh Châu và đồng phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy (gần 1.200 bánh hêroin); vụ án Nguyễn Tiến Dũng và đồng phạm tội “Mua bán trái phép chất ma tuý” (Đường dây mua bán ma túy tổng hợp xuyên quốc gia)…
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tòa án Hà Nội cũng cho biết, bên cạnh những thành tích đã đạt được nói trên, trong năm 2017, Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố vẫn còn một số vụ án bị huỷ, cải sửa, để quá thời hạn xét xử. Án tạm đình chỉ giảm (còn 899 vụ) nhưng số án quá hạn tăng so với năm 2016 (còn 157 vụ, tăng 72 vụ).
Video đang HOT
Nhận định về nguyên nhân, ông Chính cho biết, về chủ quan, trình độ Thẩm phán còn chưa đồng đều, chưa tích cực nghiên cứu tác động đến hồ sơ để sớm đưa vụ án ra giải quyết.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết, sẽ tích cực phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp và các cơ quan liên quan tập trung khẩn trương đưa ra truy tố xét xử theo thẩm quyền vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương trong Quý I năm 2018.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và Quý I/2018.
Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017, tháng 1/2018 và đầu tháng 2/2018 theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, người lãnh đạo đứng đầu Đảng nhắc đến vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVC); Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác.
Tiếp đến là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) (Vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm).
Quang Phong
Theo Dantri
Vì sao Kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị bắt?
Kế toán trưởng Lê Đình Mậu bị cho là đã soạn thảo, ký nháy trên công văn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí yêu cầu BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng sai quy định hơn 800 tỷ.
Ngày 27.9, nguồn tin từ cơ quan tố tụng đã chia sẻ với Zing.vn về việc ông Lê Đình Mậu (45 tuổi, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Kế toán và kiểm toán Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo điều tra ban đầu, ông Mậu bị tình nghi liên quan đến việc Tập đoàn Dầu khí tạm ứng tiền sai quy định cho con công ty con là Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, khi đơn vị này chưa ký hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Lê Đình Mậu (bìa trái) và 3 bị can trong vụ án. Ảnh: Bộ Công an
Ngoài Kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, còn có 3 người khác bị khởi tố về cùng tội danh, gồm: Nguyễn Ngọc Quý (64 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam), Vũ Hồng Chương (64 tuổi, nguyên Trưởng Ban quản lý (BQL) dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2) và Trần Văn Nguyên (38 tuổi, Kế toán trưởng Ban quản lý dự án).
Cụ thể, PVN đã làm thủ tục chuyển hơn 8,2 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để tạm ứng cho Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lãi phát sinh (từ thời điểm tạm ứng đến lúc hợp đồng có hiệu lực) là 51,7 tỷ đồng và hơn 66.000 USD.
Cơ quan tố tụng cho rằng trách nhiệm này thuộc về Hội đồng quản trị, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí, BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và 4 bị can bị khởi tố ngày 25.9.
Theo cơ quan điều tra, Mậu là người đã soạn thảo, ký nháy trên công văn để nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng cho Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam hơn 800 tỷ đồng.
Vũ Hồng Chương đã ký duyệt tạm ứng trái quy định cho Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng theo chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn.
Ngày 15.6.2011, Chương đã có văn bản báo cáo ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, về hợp đồng tạm ứng không hợp lệ. Nhưng do ông Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu nên Chương vẫn làm tờ trình xin cấp vốn tạm ứng cho BQL dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tổng số tiền là 148 tỷ đồng và 9,55 triệu USD.
Trần Văn Nguyên được xác định đã ký các ủy nhiệm chi tạm ứng cho Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng theo chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí.
Còn Nguyễn Ngọc Quý, ngày 5.4.2011, bị can này đã ký quyết định về việc chuyển tiền góp vốn vào PVC - Mekong; quyết định góp vốn mua 5 triệu cổ phần tại PVC - Land (tương đương 50 tỷ đồng).
Ngày 28.7.2011, Quý còn ký quyết định hỗ trợ cho Công ty cổ phần Địa ốc dầu khí (PVL) vay 30 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can này đã đồng ý tại các phiếu lấy ý kiến về việc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam đầu tư cho 5 công ty con vay hơn 260 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định hành vi của Lê Đình Mậu và 3 người vừa bị khởi tố liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm gây thất thoát gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Ngày 15.9.2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để điều tra về khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Cùng ngày, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can gồm Tổng giám đốc, 2 Phó tổng giám đốc và nguyên Kế toán trưởng PVC. Một ngày sau, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Trịnh Xuân Thanh Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau gần một năm trốn truy nã, chiều 31.7, Bộ Công an cho biết Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú. Quá trình điều tra vụ án này, Bộ Công an đã khởi tố thêm 7 người khác về các tội Tham ô và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Bá Chiêm (Zing)
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Chưa bao giờ chúng ta làm mạnh như vậy Sau Đại hội Đảng 12, đặc biệt sau hội nghị TƯ 4, những vụ án lớn được đưa ra như vụ Trịnh Xuân Thanh, tập đoàn Dầu khí và mới đây nhất là kỷ luật một loạt cán bộ. Chưa bao giờ chúng ta làm mạnh và kết quả nhiều như vậy. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược,...