Chàng trai tật nguyền “sống nhờ” 1.000 bài thơ
Bị tật nguyền từ nhỏ, bất hạnh bủa vây nhưng không vì thế mà anh buông xuôi số phận. Có lẽ niềm an ủi, động viên khiến chàng trai trẻ vượt qua mặc cảm để sống vui đến hôm nay là những vần thơ do chính mình viết ra.
Những vần thơ “con cóc” của “thi sĩ làng” có vần, có hồn và chứa đựng đầy ắp nghị lực sống mạnh liệt, khát khao. Đó là anh Nguyễn Hữu Thịnh, ở làng Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, người hơn 20 năm nay chỉ nằm một chỗ nhưng đã sáng tác cả nghìn bài thơ.
“Đứt gánh” tuổi thơ
Chúng tôi đến thăm Thịnh khi anh đang làm bạn với chiếc máy tính trong căn phòng riêng, chăm chú lướt một trang web về thơ. Sinh năm 1981, Thịnh hồi nhỏ cũng như những đứa trẻ bình thường khác, khỏe mạnh, thông minh và nghịch ngợm. Bất hạnh ập đến khi Thịnh vừa tròn 8 tuổi.
Thịnh khó nhọc viết những vần thơ
Thịnh nhớ lại: Trong một buổi đến trường, khi đang vui chơi cùng các bạn thì bỗng dưng thấy chân tay bủn rủn, đầu óc choáng váng rồi ngất lịm đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở bệnh viện, chân tay không cử động được nữa.
Căn bệnh kỳ lạ khiến các bác sĩ bó tay. Thương con nhưng bố mẹ Thịnh đành nuốt nước mắt đưa đứa con bất hạnh trở về nhà. Nghe ai bảo ở đâu có thuốc hay thầy giỏi gia đình đều tìm đến, nhưng mọi hi vọng đều vô vọng. Nhìn đứa con trai tật nguyền, ông Nguyễn Xuân Luật, cha của Thịnh không ngờ rằng, những năm tháng chiến đấu ngoài chiến trường ông đã bị nhiễm phải chất độc màu da cam, và giờ đây chất độc đó đang hủy hoại đứa con trai của ông.
Kể từ khi bị bệnh, hình hài Thịnh ngày càng biến dạng, đôi chân và tay èo uột, teo tóp rồi không còn khả năng đi lại được nữa. Đang tuổi ăn tuổi học, ngày ngày tung tăng tới trường cùng chúng bạn, giờ cả cơ thể Thịnh như bị trói. Mỗi buổi sáng ghé mắt trông qua khung cửa, thấy các bạn cùng trang lứa đi học, vui đùa, Thịnh như muốn bứt mình ra để vùng dậy chạy.
Nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần khiến cậu bé sống trong khổ đau và tuyệt vọng.
Khát khao sống dù cơ thể bị “trói buộc” trong căn phòng nhỏ
Video đang HOT
Nhà thơ “bất đắc dĩ”
Cuộc đời Thịnh nếu không có những vẫn thơ thì chắc sẽ chuyển sang một ngã rẽ khác. Bởi chưa đủ lớn nhưng Thịnh đã đủ hiểu về bất hạnh của bản thân. Với anh lúc đó mọi thứ xung quanh đều là một màu đen tối. Thịnh tâm sự: “Thú thật ngày đó em chỉ nghĩ đến cái chết để bố mẹ bớt khổ, chuỗi ngày dài không có lấy một tiếng cười”.
Có lẽ người đã làm thay đổi cuộc sống Thịnh phải kể đến người ông nội. Quãng thời gian Thịnh ăn nằm một chỗ, sinh hoạt khó khăn, mọi việc đều do chính bàn tay ông nội gánh vác. Ông luôn động viên những khi Thịnh buồn, ông kể cho Thịnh nghe về tấm gương vượt lên số phận của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Những câu chuyện cổ tích có thật giữa đời thường như tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho Thịnh vào vào cuộc sống. Ông còn giúp Thịnh học chữ. Dù bại liệt tứ chi nhưng bù lại Thịnh lại có cái đầu thông minh và nhanh nhẹn. Hằng ngày người ông đánh vần từng chữ để cho đứa cháu bập bẹ đọc theo.
Thông thạo mặt chữ rồi, việc viết là cả một vấn đề bởi đôi tay đã dị dạng không còn khả năng cầm bút. Thịnh vẫn gắng viết, ban đầu là những hàng loằng ngoằng như giun bò, gà bới, không hàng lối, nhưng Thịnh không nản. Mỗi lần cầm bút, tay Thịnh lại run run rồi bút rơi lúc nào không hay, lưng gù, quỳ hai đầu gối xuống nền nhà, cứ thế mà cặm cụi viết. Cánh tay cầm bút rũ rượi, các ngón tay tím bầm và tụ máu. Mỗi lần như thế Thịnh lại khóc, rồi lại cắn răng lấy thêm ý chí và nghị lực. Anh không dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng.
Một tháng, hai tháng,… cuối cùng những dòng chữ dù không nắn nót nhưng cũng đủ để ai đó có thể đọc và hiểu, đã được cậu bé kém may mắn viết thành công.
Khi đã đọc thông viết thạo, Thịnh bắt đầu tìm đến với những vần thơ để nói hộ lòng mình, để giãi bày tâm sự, những nỗi lòng không biết tỏ cùng ai.
Mang ra một tập thơ dày với những bài thơ do mình sáng tác, Thịnh khoe: “Người ta thường bảo những bài thơ của em là thơ “điên”, nhưng không có nó chắc em chẳng sống đến ngày hôm nay đâu anh ạ”.
Hơn 20 năm, “nhà thơ làng” đã tự mình sáng tác hơn 1.000 bài thơ. Thơ Thịnh dù chưa hay, không có quy tắc, nhiều khi không vần, không niêm luật nhưng đó là nỗi lòng Thịnh. Thơ anh viết ra bằng trái tim khát khao được sống và cống hiến, với bầu nhiệt huyết đầy ắp của tuổi trẻ.
Xin đời là giấc mộng
Cho ta được gần nhau
Xin đời là giấc mộng
Cho ta bớt khổ sầu
Trong mơ ta là thực
Được bay lên giữa đời…
(trích đoạn bài Xin đời là giấc mộng, sáng tác 4/2009)
Theo Dantri
Chàng sinh viên nuôi người bại liệt
Khu nhà trọ ở khu Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, Bình Định) lâu nay lặng lẽ bỗng dưng thay đổi kỳ lạ.
Những thay đổi trong xóm trọ ấy bắt đầu từ sự lan tỏa câu chuyện về chàng sinh viên nghèo năm năm nuôi một người hàng xóm bị liệt toàn thân. Đó là Hồ Công Danh (sinh viên năm 1 Trường ĐH Quy Nhơn) và người đàn ông 32 tuổi bị liệt là Nguyễn Thanh Tùng.
May mà có Danh
Anh Tùng nhớ chính xác ngày mình bất ngờ bị té khi trèo hái vú sữa ở độ cao gần 10m. Một luồng tê lạnh chạy buốt sống lưng, rồi không thể tự gượng dậy được. Sau bao nhiêu cố gắng chạy chữa, bác sĩ kết luận: liệt vĩnh viễn. Cánh cửa cuộc đời như đóng sập lại với chàng trai mới 25 tuổi đang khỏe mạnh, siêng năng, chuẩn bị lên xe hoa xây cuộc sống mới. Từ phần cổ xuống tứ chi không còn cử động được, chích không biết đau nhưng tâm hồn đang phơi phới tuổi thanh xuân ấy vẫn còn đủ minh mẫn để giằng xé nỗi đau bế tắc.
Choáng váng với tai nạn của con trai và liên tiếp hai người con lớn bỗng dưng bị tâm thần, người cha nghèo khổ già yếu không còn đủ sức chống chọi với hoàn cảnh đã đột quỵ sau hơn nửa năm lo chạy chữa cho con. Nỗi đau chồng lên nỗi đau rồi dồn lên đôi vai người mẹ già, hai năm sau bà cũng kiệt sức rồi đi theo ông.
Danh và chú Tùng trong căn phòng trọ
Vết lở trên thân thể ngày càng nhiều do hoại tử, Tùng cần bàn tay chăm sóc, cần rửa vết thương, cần ăn uống, làm vệ sinh, cần gãi khi ngứa... công việc thường nhật tưởng chừng đơn giản ấy anh không thể tự làm được. Người dân trong xóm nghèo ở Phú Nam Đông (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam) ai cũng xót xa, họ đến thăm nom, tặng tiền, tặng gạo rồi về. Họ còn cuộc sống riêng phải lo... Trong nỗi đau cùng cực, Tùng quyết từ hôn người vợ chưa cưới rồi lặng lẽ tuyệt thực mong giảm gánh nặng cho đời... "Nếu lúc đó Danh không xuất hiện, có lẽ tôi đã chết lâu rồi" - Tùng nhớ lại.
Danh là đứa trẻ ở gần nhà Tùng. Một lần tình cờ đến nhà thấy Tùng nằm một mình, cơn sốt làm môi tím ngắt, răng đánh bần bật. "Cháu lấy khăn nhúng nước ấm lau hạ sốt. Sau cơn nóng lạnh mê man, chú Tùng tỉnh lại nhìn cháu cười. Chú ấy vui tính lại hiền, cháu chưa thấy ai cười hiền như vậy" - Danh kể. Sau lần ấy, hình ảnh chú Tùng lúc nào cũng ám ảnh. Lỡ chú ấy sốt cao, lỡ không có ai tới..., bao nhiêu suy nghĩ cứ đeo bám tâm hồn cậu học sinh lớp 10 còn non nớt. Danh đến chăm sóc theo mách bảo của nỗi lo, dần thành quen, không ngày nào vắng mặt.
"Ông bụt" có... sổ hộ nghèo
"Ngày nào hắn cũng đến lo cho tui, tui la mô hắn vẫn cứ làm". Tùng phản đối nhưng Danh lủi thủi làm tất cả những gì một người bệnh cần làm. "Chăm sóc người bị bại liệt hoàn toàn không chỉ có tấm lòng yêu thương. Rất nhiều người thân, vợ chồng, tình mẫu tử chỉ quan tâm được một thời gian rồi bỏ. Một người liệt phải 2-3 người chăm, không chỉ rành về y tế mà còn phải tập vận động, matxa để người bệnh không bị tắc mạch... Chăm sóc cho bệnh nhân khỏe mạnh trong một thời gian dài không chán nản và có tình người như Danh là điều kỳ diệu, hiếm gặp" - một bác sĩ khoa thần kinh cột sống chia sẻ.
Từ ngày có Danh, giường nằm của Tùng không còn mùi hôi, vết lở ít hơn và những cơn sốt cũng thưa dần. Những con đường mòn xóm nhỏ không còn xa lạ với hình ảnh xe kéo do Danh kéo Tùng đi dạo mát hình ảnh Danh đạp xe hơn 8km mua về một bao tải đầy bông gạc, vải mùng, nước muối, thuốc chống sốt, chống viêm rồi về cắt may thành từng tấm để dành thay băng... Đó là những lúc có tiền ai đó cho, Danh vội mua để dành sử dụng. Chuyện hết tiền phải ăn cháo trắng nhiều ngày hai chú cháu đã quen nhưng không có băng thay, thuốc uống một ngày là không thể.
Nhớ lại lần đi xa Tùng lâu nhất là lúc Danh ôn thi ĐH ở Đà Nẵng. Cứ hai ngày Danh phải bắt xe đò về làm vệ sinh, nhờ hàng xóm cho ăn rồi bắt xe đò ra học. Đi về như con thoi, Danh không ngại, chỉ có Tùng muốn chết vì sợ ảnh hưởng việc học của Danh. Nhưng làm sao để chết được thì Tùng bất lực. Tuyệt thực đến ngày thứ bảy ngất xỉu thì được đưa đi cấp cứu, lại sống. Lần ấy, Danh khẩn khoản: "Chú phải sống để mừng cháu đậu ĐH chứ!", Tùng mới chịu ăn. Để chăm lo cho Tùng, Danh quyết định ở nhà tự học ôn.
Gia đình Danh có sổ hộ nghèo, cha tật nguyền lại có hai chị gái đang học ĐH, cuộc sống chỉ nhờ vào gánh rau quả mẹ bán ở chợ. Mùa thi 2012, Danh trúng tuyển vào ngành điện kỹ thuật Trường ĐH Quy Nhơn, ba chị em cùng vào ĐH là quá sức cho người mẹ quê. Mừng đã đành nhưng lo cũng không ít. "Không có tiền thì làm thêm sẽ có nhưng nếu không làm vệ sinh ba ngày là chú Tùng không sống được. Mình có khả năng làm được thì không thể nhìn chú ấy chết" - Danh nghĩ.
Để chăm sóc được chỉ còn cách đưa chú ấy đi cùng mình. Làng Phú Nam Đông một lần nữa lại xôn xao. Người ta nghẹn ngào và ái ngại cho quyết định của Danh. Cha mẹ lo lắng việc học của con, hai chị gái đều là sinh viên năm 4 đã biết chuyện ăn ở, học hành khó khăn đến mức nào khuyên em suy nghĩ kỹ. Danh xin cha mẹ cho mình tự quyết định. Tùng lại tuyệt thực cương quyết không chịu đi vì muốn Danh thảnh thơi lo việc học, Danh nói thẳng: "Chú có chuyện gì con vào trường cũng không học được, chú có muốn nhìn con đi học thành đạt không?". Hai chú cháu ôm nhau khóc.
Gói ghém ít tiền lẻ cùng 4 triệu đồng cầm cố hai sào ruộng cha mẹ để lại làm chi phí cho cuộc sống của mình, Tùng vào Quy Nhơn "nhập học" với Danh, nơi hai chú cháu chưa bao giờ đặt chân đến. Căn phòng trọ thuê giá 1,2 triệu đồng/tháng. Danh bỏ ra một ngày dọn dẹp rồi thiết kế quạt, bóng điện và vòi dẫn nước uống vào miệng để Tùng tự sinh hoạt mỗi khi cậu đi vắng. "Tạm thời ở trường chỉ học một buổi, còn một buổi ở nhà làm vệ sinh cho chú Tùng. Nếu phải học hai buổi thì chuyển làm ban đêm, cứ đảm bảo 24 giờ phải làm một lần, để lâu sẽ bị sốt ngay" - Danh tâm sự. Bà chủ trọ cám cảnh giảm cho họ 200.000 đồng/tháng. Cả khu nhà trọ nhìn hai con người lạ lẫm, cứ tự hỏi: "Sao lại có người tốt đến kỳ lạ vậy?". Mấy người bạn sinh viên cùng trang lứa tò mò hỏi Danh có vất vả không khi thấy cậu đóng kín cửa phòng hơn hai giờ mỗi sáng để làm vệ sinh, Danh cười thật tươi: "Tớ thấy bình thường".
Gần tám năm nằm một chỗ, Tùng sống chỉn chu trong sự bình thường ấy. Cơ thể nặng khoảng 25kg thoi thóp với cuộc đời nhưng nghị lực và lòng yêu thương thì ngày càng lớn hơn qua hình ảnh một người trẻ hơn 13 tuổi hằng ngày chăm sóc cho mình.
Theo 24h
Tính mạng của chàng trai trẻ nguy nan do bỏng điện cao thế Trải qua 3 tháng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng nhưng hiện tính mạng của chàng trai trẻ vẫn còn nguy hiểm vì vết bỏng quá nặng. Hoàn cảnh quá khó khăn nên gia đình chưa biết phải xoay đâu để cứu tính mạng con Đó là hoàn cảnh của chàng trai trẻ TrầnVăn Ba (tổ 11, phường Thanh Khê Tây, quận...