Chàng trai đưa bánh tráng Việt ra 42 quốc gia
Từ bỏ cơ hội định cư tại Mỹ sau thời gian du học, Lê Duy Toàn (32 tuổi) về nước thực hiện ước mơ xuất khẩu bánh tráng Việt ra thế giới.
Lê Duy Toàn bên sản phẩm tâm huyết – Ảnh: CÔNG TRIỆU
Kết thúc bốn năm du học ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH California State (Hoa Kỳ), Toàn quay về quê ở Củ Chi – nơi có làng nghề bánh tráng truyền thống Phú Hòa Đông đang ngày mai một. Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, Lê Duy Toàn (giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Duy Anh) trải lòng về cơ duyên với chiếc bánh tráng “made in Vietnam” hiện có mặt trên 42 quốc gia.
Bước ngoặt số 13 và những biến cố
* Sao bạn từ chối cơ hội định cư nước ngoài?
- Ban đầu thực sự tôi nghĩ là sẽ ở luôn bên đó. Nhưng trong một lần đi siêu thị, bất chợt nhìn thấy bịch bánh tráng đang trưng bày trên kệ gắn mác “Made in Thailand”. Theo tìm hiểu thì tôi biết 100% Thái Lan không sản xuất bánh tráng, trong khi Việt Nam là nước sản xuất bánh tráng. Tôi rất… bực tức vì điều này. Ước muốn đưa bánh tráng mà gia đình mình làm lên các kệ siêu thị ở Mỹ, gắn mác “Made in Vietnam” khiến tôi trở về.
* Để thực hiện được ý tưởng đó ắt hẳn không dễ dàng?
- Dĩ nhiên rồi (cười). Năm 2010, tôi về nước. Với 500 triệu đồng tiền vốn, tôi bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, chuẩn bị mọi thứ. Ở mẻ bánh đầu tiên, tôi gửi sang Nhật Bản nhưng khách hàng không chịu. Rồi tôi làm tiếp mẻ bánh mới gửi sang Mỹ cũng y kết quả. Năm lần bảy lượt, rồi đến 20 lượt cũng đều thất bại. Ngay cả việc đi chào hàng cho các công ty trong nước cũng bị từ chối luôn. Lúc ấy tôi như rơi vào bế tắc…
* Rồi các đơn hàng đến với bạn như thế nào?
- Đó là lần một đoàn khách du lịch người Nhật Bản đến tham quan di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, họ được giới thiệu về làng bánh tráng truyền thống của vùng mà mô hình tôi đang xây dựng là thí điểm. Khi trở về, tôi đã tặng mỗi du khách một gói bánh tráng làm quà.
Bẵng đi vài tuần, một trong số các du khách khi ấy đã liên hệ với tôi. Họ đặt vấn đề hợp tác, nhập khẩu bánh tráng của tôi sang Nhật. Kéo dài trong tám tháng, 12 mẫu thử mà tôi gửi sang đều không đạt. Nhưng đến mẫu thứ 13 thì họ lại gật đầu đồng ý. Đó là bước ngoặt xuất ngoại. Dần dần chắc khách thương, người nước này giới thiệu nước kia nhập hàng. Rồi tôi chào hàng qua các trang mạng điện tử, sàn giao dịch, trung tâm kinh tế…
* Có khi nào bạn thấy nản, muốn buông xuôi không?
Video đang HOT
- Có chứ, nhiều nữa là đằng khác. Ban đầu mẫu thử liên tục bị từ chối, đơn hàng không có, đôi khi bị cười và được cho là kẻ cứng đầu… Một biến cố xảy đến vào giai đoạn chỉ hơn một năm sau khi xưởng đi vào hoạt động. Đó là một chiều chủ nhật, sự cố điện đã gây cháy xưởng. Ngọn lửa thiêu rụi tất cả, chỉ còn lại bức tường trơ trọi. Thiệt hại lúc đó ước tỉnh khoảng 3 tỉ đồng.
Tôi chỉ biết gọi cho khách hàng xin gia hạn thời gian giao hàng. Không còn vốn, tôi “liều mạng” vay ngân hàng hơn 5 tỉ đồng để mở lại nhà xưởng.
Mọi việc đang tiến triển thì biến cố mới đến. Một lô hàng 12 tấn đã nhập cảng Incheon (Hàn Quốc) nhưng buộc phải hủy ngay tại cảng vì khách hàng phản hồi chất lượng, độ dày mỏng của bánh không đạt. Đó là hai nốt trầm đau thương của tôi trong quá trình theo đuổi ý tưởng này.
Đi vào từng cảm nhận
* Giờ 42 nước đã đặt hàng bánh tráng Việt do anh làm?
- Thực sự thị trường đầu tiên mà tôi muốn hướng đến là Mỹ chứ không phải Nhật Bản. Lúc đó tôi nghĩ bằng mọi giá phải đưa bánh tráng của mình đến Mỹ để thay thế những gói bánh tráng “made in Thailand”. Nhưng có lẽ vì cái duyên nên tôi gặp các vị khách Nhật, Hàn, rồi mới tới Mỹ và nay là 42 nước và không dừng ở đó…
Hành trình này được ví như những cuộc leo núi, đi vào từng cảm nhận của khách hàng để thay đổi từng ngày. Việc cắm lá cờ mang tên mình lên đỉnh núi sau khi chinh phục chúng cũng giống như việc chúng tôi có được những đơn hàng xuất ngoại, rất hạnh phúc.
Hiện sản phẩm của chúng tôi đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), đạt chứng nhận Kosher (đáp ứng các yêu cầu về chế độ ăn uống theo đạo luật của người Do Thái), ISO 2000… Tôi cũng đang hướng làm chứng nhận tiêu chuẩn Organic.
Thành lập đã 10 năm, hiện Toàn đã mở xưởng rộng 15.000m2 (tại xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM), tạo công ăn việc làm cho gần 200 công nhân trong vùng. Trung bình một công nhân được hưởng lương 6-10 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày doanh nghiệp này xuất khẩu 10-25 tấn bánh tráng, bún và phở khô các loại.
Toàn đang nghiên cứu kết hợp dưa hấu, thanh long vào sản phẩm. Toàn nói tạo ra sản phẩm mới chính là tạo nên cảm hứng cho người làm kinh doanh, cảm hứng không ngừng lại, không tự bằng lòng với chính mình.
Những người 'thầy' đặc biệt ở trại cai nghiện
Dù không hề dễ dàng, nhưng một số người đã nỗ lực thoát vòi bạch tuộc chết chóc của ma túy. Họ ở lại trung tâm cai nghiện để giúp đỡ người khác, bởi có đứt tay mới biết đau, có tận cùng khốn khổ mới thấu tác hại khủng khiếp của ma túy...
CTV N.P.T. hướng dẫn tập luyện hồi phục sức khỏe cho học viên cai nghiện - Ảnh: TÂM LÊ
"Ma túy, có người cai được 20 năm vẫn tái nghiện. Chỉ cần chút vui buồn, không giữ mình lại sa tử thần đen. Nên tôi bảo anh em ráng tránh xa ma túy càng lâu càng tốt, để khi gặp nhau không còn nói nghiện ngập nữa mới sướng!" - tự bạch từ ruột gan của T.N.M., cộng tác viên (CTV) Trung tâm cai nghiện ma túy Gia Minh (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Hãy giúp một người, một người và một người nữa. - CTV N.P.T. nói về tâm niệm giúp bạn cai nghiện
Sẻ chia vượt qua "tử thần đen"
Hơn 700 học viên của trung tâm, chỉ chưa đến chục học viên được xét duyệt ở lại làm CTV với sự tự nguyện muốn từ bỏ con đường ma túy và giúp đỡ học viên khác cùng cai nghiện. Nếu phát triển tốt, họ có thể sẽ là nguồn "thầy" đặc biệt của trung tâm. "Bởi thấu hiểu người nghiện để giúp đỡ được, không ai giỏi hơn họ" - ông Nguyễn Hải Hưng, giám đốc Trung tâm Gia Minh, chia sẻ.
Buổi sáng ở tổ y tế, nơi CTV N.P.T. đang hướng dẫn tập luyện hồi phục sức khỏe cho một nhóm học viên cai nghiện. Còn CTV D. thì thu hoạch rau ngoài vườn cùng đội học viên khác. Họ cùng vui vẻ với nhau và các CTV được học viên đang cai nghiện coi như người anh, người "thầy" dìu dắt mình.
CTV T.N.M. được xét duyệt lên cán bộ từ lâu, nhưng chọn ở lại vì "tính tôi còn nóng nảy nên tôi nghĩ chưa đủ tư cách để làm chức vụ gì". Người mới vào cai nghiện gặp khó khăn như nhớ nhà, nhớ công việc, nhớ những cuộc chơi. "Nhưng đã vào đây rồi thì phải kiên trì làm lại cuộc đời, đừng bỏ cuộc, hãy nghĩ vì con cái trước tiên..." - M. thuyết phục bạn mới cai nghiện đang gặp khó khăn bằng chính kinh nghiệm của mình.
"Công việc đặc biệt này giống như dạy một đứa trẻ trái tính trái nết, nhìn nó lớn lên, trưởng thành và thay đổi tốt đẹp theo mong muốn của mình thì cảm thấy rất vui. Hãy bắt đầu bằng giúp một người, sau đó giúp thêm vài người, vài người nữa..." - CTV T. chia sẻ. "Sắp tới T. sẽ được đưa lên làm cán bộ vì những nỗ lực của mình. Những việc giao cho T. làm, cậu ấy đều hoàn thành, thậm chí còn làm tốt hơn cả một số cán bộ ở đây" - ông Đinh Văn Tuân, tổ trưởng tổ y tế, khẳng định. Còn các học viên đang cai nghiện thì đã coi T. như "thầy" thân thương của mình.
Thực tế, các CTV ở đây còn hơn cả cầu nối giữa cán bộ và người đang cai nghiện. Thiếu những người anh, người "thầy" cũng từng một thời là "dân phê pha" này, các học viên sẽ rất khó vượt qua được sự khó khăn nặng nề ban đầu.
Các CTV cùng ăn cơm vui vẻ với học viên cai nghiện - Ảnh: TÂM LÊ
Người "thầy" trong cuộc
Khuôn viên rộng 70ha của trung tâm cai nghiện được phủ màu xanh cây lá, chủ yếu là cây thuốc nam. Nhưng trong cảnh yên bình này lại có rất nhiều số phận chẳng bình yên bởi ma túy.
CTV T.N.M. năm nay tuổi 40, từng là "cậu ấm" trong gia đình quan chức ở Bắc Ninh. Và M. được gia đình khoác cho danh phận "đang tu nghiệp nước ngoài" để che đi nỗi đau buồn nghiện ngập. "Buồn nhất là tôi không thể nói sự thật với ông nội tuổi 92 bị huyết áp cao. Đôi lúc tôi cũng muốn về thăm nhà nhưng sợ nhìn thấy ánh mắt mẹ lo lắng hàng xóm trông thấy con mình. Vì thế tôi ở lại trung tâm để tốt cho mình và cho gia đình" - M. buồn rầu.
Từ khi vướng vào ma túy, CTV N.P.T. ở Hải Phòng đã bỏ bê gia đình. "Tôi đã để vợ một mình sinh con, rồi vợ tôi bị trầm cảm nặng sau sinh - T. kể mà đôi bàn tay xoắn siết lấy nhau - Đến khi con gái lớn lên mà mình không bên cạnh dạy dỗ được, nó lại nghiện giống những đứa con gái mà mình gặp ở phòng hút thì làm sao đây!".
Ở tổ 2, CTV N.M.C. trầm tư mỗi ngày. Đã ngoài tuổi 40, chưa vợ con, lại mang trong mình bệnh HIV, C. có nhiều điều để tiếc nuối. "Vì ma túy, tôi đã mất người con gái yêu thương nhất, giờ lại mang bệnh tình trong người. Mẹ năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi rồi mà chưa giúp được gì cho mẹ cả!" - C. thở dài.
Cả M. và C. đều sử dụng ma túy tới 20 năm. Trong lúc trò chuyện, C. thốt lên tiếc nuối: "Tôi gần như lúc nào cũng phê pha, có lúc nào tỉnh táo để suy nghĩ được việc gì đâu. Cứ lao vào nghiện ngập thì làm gì có niềm vui. Lúc vật vã lại xin tiền gia đình, xin không được thì đi trộm cắp rồi tù tội".
Cậu ấm M. khi biết mình cũng bị nhiễm HIV là lúc sắp sửa nhận bằng tốt nghiệp quản trị kinh doanh. M. chán nản, bỏ dở luận văn và càng chìm sâu vào hút xách. Tình trạng của M. chỉ bố mẹ, em trai biết. Còn họ hàng, xóm giềng chỉ tưởng M. đang đi du học nước ngoài và là niềm tự hào của gia đình. Sống trong tình cảnh tréo ngoe ấy, M. đau xót bởi có nhà mà không về được, ông nội gần đất xa trời nhưng không thể nói sự thật với ông.
Có tự tin sẽ có tự do
Lối vào trung tâm cai nghiện có biển đề dòng chữ "Chào mừng người bạn mới" giản dị và thân thương. Với tiêu chí xây dựng một không gian mở, không có tường bao quanh, học viên được rèn luyện sự tự tin để làm chủ mình. "Tôi thường bảo với học viên răng các bạn có tự tin thì sẽ có tự do" - ông Hưng, vị giám đốc trẻ, nói đầy tâm huyết.
Các CTV ở lại trung tâm phần lớn vì chưa tự tin để bước ra xã hội, môi trường bên ngoài rất dễ kéo họ quay lại đường cũ, nhưng nhiều người cũng có tâm niệm ở lại để giúp đỡ các bạn mới vào.
Tuyệt vọng với căn bệnh thế kỷ, M. từng chống đối việc cai nghiện bằng cách gây hấn với các học viên khác. Khi giúp đỡ học viên mới, anh trải lòng: "Tôi vẫn nhớ một câu mà cô Tâm - phó giám đốc trung tâm - nói: Đến cục đất, ngọn cỏ còn có giá trị của nó, con người ai cũng có giá trị cả, có điều mình phải sống sao cho là người có giá trị". Anh khuyên các bạn đang cai nghiện ghi nhớ lời này để sửa mình.
Ban đầu, anh C. cũng chống đối và được phó giám đốc Băng Tâm - nhà tâm lý học - hỗ trợ, mang đến hi vọng. "Tôi bắt đầu tập ăn chay, ngồi thiền theo cách chữa bệnh bằng tâm năng. Cô Tâm hi vọng tôi sẽ là bệnh nhân đầu tiên của cô ấy theo cách chữa trị này" - C. cho hay. Giờ anh đã khỏe hơn, ăn chay trường, tính tình cũng không nóng nảy như trước để có thể giúp các bạn nghiện khác.
Trong số các CTV, N.P.T. tự tin hơn cả. "Hiện tại em không có đồng lương nào nhưng em quyết định ở lại, bởi nếu giờ ra ngoài mà mình không giữ được, lại bỏ chỗ sáng vào chỗ tối thì phí" - T. cười khoan khoái và cho biết mình còn mục đích lớn hơn: giúp đỡ các bạn nghiện vượt qua bóng tối. Hãy giúp một người, một người và một người nữa...
Một số CTV từ chối làm cán bộ để gần gũi giúp học viên cai nghiện - Ảnh: Tâm Lê
Tuy ở lại làm CTV trung tâm cai nghiện nhưng có thể chưa phải là điểm dừng cuối cùng trong hành trình từ bỏ đường nghiện. Nếu quyết tâm, các CTV vẫn có thể ra ngoài xã hội làm lại cuộc đời và có nhiều cơ hội để có được cuộc sống tốt đẹp. "Quan trọng mình ngồi với bạn bè mà không sợ bị lôi kéo là thành công rồi" - CTV T.N.M. tâm sự.
COVID-19: Những ngày sợ hãi, những ngày yêu thương ở Âu châu Hoàng Oanh là một tác giả tự do, cô sống cùng chồng ở Copenhagen, Đan Mạch. Từ 'tâm dịch' Âu châu, Hoàng Oanh kể cho Tuổi Trẻ Online nghe cảm xúc, cách ứng phó với COVID-19 mà vợ chồng cô cùng cộng đồng đang trải qua... Tác giả bài viết trong những ngày 'trốn dịch' COVID-19 ở ngôi nhà mùa hè của gia...