Chàng trai đi gần 2000 km để “săn” nụ cười ở nơi địa đầu Tổ quốc
Sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, nhưng Phạm Xuân Quý lại có niềm đam mê với chụp ảnh nụ cười trẻ em ở nơi địa đầu Tổ quốc. Sau mỗi chuyến đi, anh đều có những khuôn hình đẹp như mơ, lay động lòng người.
Năm 2019, lần đầu tiên Phạm Xuân Quý (sinh năm 1988, Đồng Nai) đặt chân đến Hà Giang, vẻ đẹp của vùng đất địa đầu Tổ quốc khiến chàng thanh niên Nam Bộ choáng ngợp về sự trùng điệp, hoành tráng của núi non và cả những cung đường đèo quanh co, hiểm trở.
“Cảnh vật ở đây đẹp đến mức không thể nào diễn tả bằng lời. Mình cũng tiếp xúc với nhiều đồng bào người Mông trên đó, cảm thấy họ thật thà, hiền lành và phóng khoáng, chợ phiên mang những nét đặc trưng, khác xa so với chợ ở quê mình”, Quý nhớ lại.
Phạm Xuân Quý chụp cùng các em nhỏ vùng cao.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống, anh chợt nhận ra cần trân trọng tuổi trẻ, ra ngoài trải nghiệm nhiều hơn. Vì vậy, anh quyết định xin nghỉ vị trí quản lý một rạp chiếu phim ở Biên Hòa (Đồng Nai), mua máy ảnh và bắt đầu những chuyến đi phượt, khám phá đất nước.
Mộc Châu (Sơn La), Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái), Y Tý, Bắc Hà (Lào Cai), Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang)… là những địa điểm đầu tiên Quý nghĩ đến khi bắt đầu hành trình.
Khung cảnh núi non hoang sơ, những nếp nhà bình yên trong bản làng, đặc biệt là con người mộc mạc, chính là nguồn cảm hứng để Quý lên đường.
Khác với nhiều du khách đi chỉ để thưởng lãm cảnh đẹp, tận hưởng những sản phẩm du lịch độc đáo, Quý chọn cách hòa vào cuộc sống của bà con dân tộc vùng cao, ăn ở cùng họ… ghi lại hình ảnh về đời sống, công việc, nụ cười của người dân, đặc biệt là trẻ em.
“Những nụ cười của em bé vùng cao rất đẹp, như những bông hoa vậy, rất yên bình. Vẻ đẹp thì nơi nào cũng có nhưng vẻ đẹp của những bông hoa nở ở những nơi khó khăn nhất lúc nào cũng làm con người ta thổn thức”, anh Quý chia sẻ.
Trong chuyến đi xuyên Việt hồi tháng 5 vừa qua, anh đã dành 8 ngày để ở lại Hà Giang, trong đó 6 ngày là ở dốc Thẩm Mã để làm bạn với những người già, những đứa trẻ.
“Sáng nào mình cũng đến đó trò chuyện, chụp ảnh, mua quà ăn vặt cho các em, tối mình lại chở các em về nhà. Do các bé không biết nói tiếng Kinh, nên mình cũng nhờ chị bán nước ở dốc Thẩm Mã dạy cho một số câu cơ bản bằng tiếng HMông như “Xin chào”, “Cháu tên gì”, “Cười lên nhé”… “, chàng trai Nam Bộ nói.
Suốt hành trình của mình, anh đã chụp lại hơn 5.000 bức ảnh về trẻ em vùng cao.
Video đang HOT
In hàng trăm tấm chân dung để tặng lại người dân. Những đứa trẻ, người già khi nhận được ảnh chân dung anh tặng thì vô cùng háo hức, ríu rít nói cười.
Những hình ảnh chuyến đi cũng được anh thường xuyên đăng tải trên các hội nhóm du lịch, với mong muốn du khách sẽ đến với vùng cao, không chỉ để khám phá cảnh đẹp đất nước, mà còn giúp cuộc sống bà con ở đây tốt hơn.
Quý chia sẻ, dù là người miền Nam nhưng anh lại cảm thấy được là chính mình khi đến với vùng cao phía Bắc, chạy xe giữa những con đường đèo uốn lượn, thưởng thức đặc sản thắng cố, mèn mén… Điều anh cảm thấy yêu nhất ở vùng đất này là những con người.
Trong hành trình, anh cũng nhận được nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ của người dân vùng cao như mời anh uống nước, ăn trưa dù chỉ có những suất cơm ăn với muối khi ra đồng đi làm.
Cuộc sống vùng cao còn nhiều thiếu thốn nhưng nụ cười thì không bao giờ thiếu.
Quý đặt tên cho bức ảnh này là “Nụ cười 3 thế hệ”.
“Vẻ đẹp thì nơi nào cũng có nhưng vẻ đẹp của những bông hoa nở ở những nơi khó khăn nhất lúc nào cũng làm con người ta thổn thức”, Phạm Xuân Quý.
Kỷ niệm về lòng tốt của người vùng cao khiến anh không bao giờ quên, trong một lần dừng chân tại một quán nước ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Quý vô tình để quên máy ảnh. Đến sáng hôm sau mới quay lại tìm kiếm và không còn thấy người bán hàng nào ở đó, anh đã nghĩ là mất máy ảnh, buộc phải kết thúc hành trình sớm.
Tuy nhiên, người dân xung quanh đã hỏi và tìm kiếm giúp anh. Một người bán hàng nước đã cầm về nhà giúp anh, khi Quý vừa tới cửa, chị lập tức nhận ra và vào lấy túi máy ảnh còn nguyên vẹn cho anh. Hỏi ra mới biết chị là giáo viên, buổi tối chị bán hàng nước để có thêm thu nhập.
Hay một lần khác khi đang lái xe máy tới Bản Mù (huyện Trạm Tấu, Yên Bái), do mưa lớn và đường trơn trượt, Quý mất lái, khiến cả người và xe đều trôi xuống vực.
May mắn có 3 người phụ nữ đi rừng về nghe thấy tiếng kêu cứu của anh nên đã leo xuống vực, các chị dùng dây buộc để kéo cả anh và xe lên. “Lúc đó mình đã nghĩ là mình chết, may mắn là được các chị giúp đỡ. Khi mình ngỏ ý gửi tặng các chị hết số tiền mặt mình có, ai cũng cười tươi và lắc đầu không nhận. Nghĩ lại, mình đều rất cảm động”, anh nói.
Kỷ niệm về lòng tốt của con người vùng cao khiến anh không bao giờ quên.
Anh tâm sự, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, anh sẽ trở lại Hà Giang, mang theo những món quà, lần này không chỉ có những tấm ảnh mà còn là đồ dùng học tập cho trẻ em nơi đây.
Chu du châu Á 210 ngày, nhiếp ảnh gia Ukraine đặc biệt "phải lòng" Việt Nam, tung bộ ảnh 3 miền non nước đẹp đến mê hoặc
VIệt Nam qua góc nhìn của một du khách mới đặt chân đến lần đầu khiến ai cũng phải thốt lên "quá xinh đẹp".
Dima Gilitukha, người Ukraine, là một nhiếp ảnh gia thành công khi kết hợp nền tảng kiến thức khoa học của mình với những chuyến thám hiểm dài ngày đến các quốc gia còn khá mới và độc đáo trên "bản đồ du lịch". Loạt ảnh thuộc một phần trong nghiên cứu của Dima về cháy rừng đã từng khiến anh trở thành một trong những nhiếp ảnh gia có tiếng trên Depositphotos - Ngân hàng ảnh phát triển nhanh nhất thế giới có trụ sở tại New York, Mỹ.
Dima từng chu du châu Á trong suốt 210 ngày và dành đúng 1 tháng trải nghiệm Việt Nam. Chia sẻ về ấn tượng khi tới thăm Việt Nam, Dima đã khiến người xem được chiêm ngưỡng một đất nước xinh đẹp với cảnh sắc hùng vĩ, con người thân thiện và nụ cười lao động vô cùng tích cực qua từng bức ảnh mình chụp.
Dima nói anh đi dọc mảnh đất hình chữ S từ Nam ra Bắc và dành thời gian ít ỏi của mình để tìm hiểu thật nhiều về các dân tộc anh em tại đây - nét văn hoá hiếm có trên thế giới. Những cái tên thành phố nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ... Dima đều đã được dịp ghé qua.
Lục lại ký ức, anh nói mình bắt đầu chuyến đi tại một ngôi làng nhỏ thuộc thành phố Cần Thơ, nằm dọc đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này được biết đến với các làng nổi và chợ Cái Răng nổi tiếng thế giới.
Tiếp sau đó, anh xuôi lên phía Bắc, tới một thị trấn cổ kính - Hội An, nơi anh dành ít ngày thư giãn và thưởng thức cà phê được pha cùng sữa đặc của Việt Nam. Thị trấn nhỏ và ấm cúng này mê hoặc du khách bởi bầu không khí thân thiện. Những con phố nhỏ hẹp được trang trí bằng đèn lồng với màu sắc tươi vui. Tại đây, bạn sẽ được nghe nhạc acoustic thư giãn ở mọi ngóc ngách.
Trên đường đi, anh cũng có cơ hội ghé thăm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nơi có hang Sơn Đoòng được mệnh danh là hang động lớn nhất thế giới. Hàng chục hang động lớn nhỏ, những đường hầm dưới lòng đất đầy kỳ bí sẽ khiến du khách kinh ngạc với vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ hiếm có.
Điểm dừng chân kế tiếp của anh chàng nhiếp ảnh là Đảo Cát Bà, Vịnh Hạ Long. Khu vực này là một trong những kỳ quan thiên nhiên được UNESCO công nhận và bảo vệ. Dima miêu tả Vịnh Hạ Long của Việt Nam "đẹp như tranh vẽ" với núi đá đứng sừng sững giữa biển trời bao la. Du khách tới đây được trải nghiệm hoạt động chèo thuyền, bơi ở những bãi biển nhỏ giữa vịnh và nếm thử món cá tươi do ngư dân địa phương đánh bắt được.
Kết thúc những ngày rong ruổi ở các vùng quê yên bình, Dima ra tới thủ đô Hà Nội. Anh nói, dân Hà Nội dậy rất sớm và có thói quen tập thể dục buổi sáng. Dima khen ngợi hạ tầng du lịch của Việt Nam, mọi thứ đều rất dễ dàng kể cả cho những người mới lần đầu tới đây, từ đi lại đến ăn uống, đặc biệt chi phí thì vô cùng tiết kiệm.
Sau đó, anh chàng nhiếp ảnh tiếp tục chuyến hành trình của mình ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, trong đó có Sapa. Anh gặp và trò chuyện với tộc người Hmong sinh sống tại đây. Mỗi tháng một lần, trong phiên chợ thứ Bảy, các dân tộc sẽ cùng tụ họp lại để trao đổi hàng hoá và thông tin.
Giao tiếp với người dân địa phương là một thử thách đối với Dima do họ không thạo tiếng Anh. Tuy nhiên ở đây càng lâu, anh nhận ra nét mặt của người Việt Nam rất thẳng thắn và bộc trực, điều này giúp anh kha khá trong việc giao tiếp và trao đổi với người bản địa.
Những bức ảnh tại Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những bức ảnh yêu thích của Dima: "Hãy nhìn những đứa trẻ này. Họ lớn lên ở một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới, thế mà nhiều người trong số họ chưa từng đặt chân lên đất liền đâu. Mỗi ngày, họ tắm trong nước lạnh và tận hưởng cuộc sống! Tôi cũng bị cuốn hút bởi tấm lòng luôn hướng về cội nguồn của họ, họ đề cao giá trị cộng đồng và coi trọng việc lưu giữ nét đẹp truyền thống".
Chàng trai Nam Bộ bỏ việc ra Bắc 'săn' nụ cười trẻ em Phạm Xuân Quý mang theo máy ảnh, máy in mini bắt đầu hành trình xuyên Việt, đây cũng là lần thứ 7 anh trở lại miền núi phía Bắc. Sau hơn một năm dịch Covid-19 ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống, Phạm Xuân Quý chợt nhận ra cần trân trọng tuổi trẻ, ra ngoài trải nghiệm nhiều hơn, thay vì bị bó...