Chàng trai dị dạng vượt lên số phận
Tuy số phận kém may mắn khi phải mang gương mặt dị dạng, nhưng với bản tính hiền lành, ngay thẳng, chàng trai tên Ba Lép luôn lạc quan, biết cách vượt lên số phận.
Ba Lép tên thật là Lê Hữu Hiền (sinh năm 1976, ngụ 76/76 Lê Thị Hồng Gấm, phường 2, thành phố Vĩnh Long). Mới chào đời, Ba Lép không được khỏe mạnh như nhiều đứa trẻ khác cơ thể bị dị dạng bất thường. Lên năm tuổi, anh hay té ngã, tai chảy mủ, viêm xoang… bệnh tật liên miên, mẹ anh dứt áo ra đi bỏ lại hai cha con bên mái nhà xơ xác. Để có tiền nuôi con, ông Lê Văn Vui (sinh năm 1944, cha anh Ba Lép) phải đạp xích lô kiếm từng đồng bạc lẻ. Hai cha con nương tựa nhau sống lay lắt qua ngày.
Mặc dù “gánh” trên vai khuôn mặt “quỷ” nhưng Ba Lép luôn yêu đời
Lên sáu tuổi, Ba Lép tập tành đi học để biết con chữ. Do gương mặt bắt đầu biến dạng nên đi đến đâu anh cũng bị bạn bè chọc ghẹo rồi lánh xa. Tủi cho số phận, anh đành bỏ học dở dang, quanh quẩn ở nhà sống với cha. Bệnh tình ngày càng nặng khiến khuôn mặt anh bị biến dạng hoàn toàn. “Lần đầu gặp tôi, nhiều người lớn ngại ngùng xa lánh còn trẻ con thì khóc ré lên vì sợ sệt” – Ba Lép tâm sự. Kém may mắn vì hình hài như vậy nhưng Ba Lép rất hiền, không chọc phá làng xóm, thích trang trí nhà cửa và tự làm đồ chơi cho trẻ con. Ông Lê Văn Vui ngậm ngùi: “Hồi trước tôi tham gia kháng chiến, đi nhiều nơi bị địch rải bom rất ác liệt. Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi lập gia đình sinh ra thằng Ba Lép với hình dạng biến dị”.
Sau nhiều năm nằm nhà “đếm” thời gian, Ba Lép quyết định đi tìm việc. Với thân hình dị dạng, nay ốm mai đau, không ai dám nhận anh vào làm, anh tìm đến những đại lý vé số lấy về bán thử. Để thu hút sự chú ý của “thượng đế”, Ba Lép quyết định “lên đời” chiếc xe đạp thành biển quảng cáo ngộ nghĩnh. Trước xe, anh treo nhiều loại cờ cùng những quả bóng bay đầy màu sắc. Phía sau, anh chở chú gấu bông – là “người bạn” tri kỷ của anh – có dòng chữ: “Ba Lép bán vé số tỉnh Vĩnh Long năm 2012″ và quấn băng rôn ngang đầu chú gấu với khẩu hiệu: “Việt Nam chiến thắng”. Với vẻ bề ngoài đặc biệt này, anh đã trở thành trung tâm của sự chú ý trước khách sạn Cửu Long (đường 1/5, phường 1, tỉnh Vĩnh Long) – nơi anh ngồi bán vé số. Người quen thấy thương mua giúp, còn người lạ thấy ngộ nghĩnh mua ủng hộ.
Ông Phan Văn Hiển (làm nghề xe ôm) cho biết: “Những người sống khu vực này ai cũng biết hoàn cảnh của Ba Lép nên rất thương nó. Ai muốn mua bao nhiêu vé số thì lấy rồi đưa tiền chứ nó bị điếc, không nghe được. Muốn nói chuyện phải viết giấy đưa để cho nó đọc. Khi nó đi mua đồ, người ta thương nên bán cái gì cũng cho thêm. Người nào bán không lấy tiền, nó để tiền đó rồi đi. Lần sau nó sẽ nhờ tui đi mua để không phải thiếu nợ. Tuy gương mặt nó không được như người ta nhưng con người nó rất ngay thẳng, tốt bụng”.
Từ ngày đi bán vé số, Ba Lép trở nên vui vẻ, yêu đời hơn. Tiền kiếm được, anh gom góp mua dụng cụ trang trí nhà cửa thành “vườn cổ tích” với rất nhiều lồng đèn, hình ảnh, đồ chơi theo sở thích riêng mình. Trò chuyện với chúng tôi, Ba Lép ngọng nghịu tâm sự: “Tôi muốn bán vé số được nhiều tiền để gửi ngân hàng, khi nào ốm đau còn có cái rút ra mua thuốc men chữa bệnh và chăm sóc ba tôi. Nếu không may tôi qua đời còn có cái để lo hậu sự, ba tôi già cả lại hay đau ốm không biết lấy gì để lo”. Ông Vui sụt sùi: “Lúc trước Hội chữ thập đỏ phường có cho nó quà dành cho những nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nhưng bây giờ thì không cho nữa. Những lúc trái gió trở trời, nó lên cơn đau quằn quại, nhưng gia đình tôi nghèo túng nên cũng đành thắt khúc ruột nhìn con vật vã. Có chế độ nào đó ưu tiên dành cho người khuyết tật thì mong cơ quan chức năng quan tâm giúp đỡ con tôi. Bây giờ tôi già cả lại thường xuyên đau ốm không còn sức lao động để nuôi con, nếu tôi không còn nữa thì không biết tương lai của cháu sẽ ra sao”.
Theo 24h
Thầy Nguyễn Ngọc Ký: Sự học gian nan
Cái tên Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành điển hình cho tấm gương vượt khó không chỉ cho ngành giáo dục từ những năm 60-70 ở miền Bắc mà đã trở thành "thương hiệu" vượt qua nghịch cảnh mọi lúc, mọi nơi khắp cả nước ta. Thậm chí, trên thế giới, cái tên Nguyễn Ngọc Ký không phải xa lạ bên cạnh những tấm gương phi thường như nhà vật lý người Mỹ Stephan Hawking.
Thầy Ký tâm sự: Tôi còn nhớ như in buổi sáng thức dậy sau cơn bạo bệnh. Năm ấy 4 tuổi, tôi bước ra sân. Mẹ tôi đưa quả cam, tôi đưa tay cầm nhưng lạ quá, cánh tay tôi không cử động được. Tôi cố nhấc bàn tay lấy quả cam nhưng cánh tay tôi không chịu nghe lời tôi, tôi cố mấy nó cũng buông thõng, lủng lẳng.
Video đang HOT
Từ cậu bé Nguyễn Ngọc Ký ngày nào vượt lên số phận...
Tôi òa khóc, mẹ tôi ôm chầm lấy tôi. Sau này tôi mới biết, mẹ tôi còn khóc nhiều hơn tôi. Nhiều lúc tôi phát hiện mẹ khóc, thấy tôi, mẹ vội lau nước mắt, ôm chặt tôi vào lòng. Mắt mẹ đỏ hoe. Có lần, mẹ không kiềm chế, khóc nức nở: "Con ơi, mai kia bố mẹ mất con làm gì để sống đây hả con?". Nước mắt của mẹ rơi xuống vai tôi. Tôi nghẹn ngào khóc theo, định đưa tay ôm chặt mẹ mà không được, cánh tay mềm nhũn cứ thõng xuống. Mẹ cầm và ôm cánh tay tôi: "Trời ơi, sao cánh tay con tôi ra nông nỗi thế này hả trời? Nếu tôi có tội, hãy bắt tôi chịu, cho con tôi lành lặn cánh tay, để tôi chịu liệt cho!".
Lúc ấy, tôi thèm ôm lấy mẹ như trước kia vô cùng, hay nắm lấy tay mẹ cũng được. Nhưng cánh tay nào có hiểu cho lòng tôi. Bất lực, tôi dụi đầu vào lòng mẹ, nước mắt mẹ ướt đẫm tóc tôi. Mẹ con tôi khóc rất lâu. Tối hôm đó, trong bữa cơm mẹ nói: "Tôi sẽ để mấy sào ruộng cho chị cả, sau này chị làm và nuôi em. Mai mốt chị có chồng, nhớ luôn quan tâm đến em nhé".
... đến thầy giáo, nhà văn, nhà tư vấn Nguyễn Ngọc Ký hiện nay là cả một quá trình nỗ lực vượt lên chính mình
Gần nhà có ông thầy chấm tử vi, ông đến xem cho tôi và bảo với mẹ tôi: "Thằng Ký bị liệt 2 tay nhưng nó sẽ nên người, sau này nó sẽ có nhà to hơn nhà bà!".
Mẹ tôi: "Ôi giời ơi, người ta lành lặn, chưa biết ra sao, huống chi em nó bị liệt mất 2 tay. Tôi chỉ mong chị nó cưu mang , thương em, đùm bọc cho em sau khi tôi mất!".
Thầy tử vi: "Ấy, vậy mà sau này nó giúp chị nó đấy!". Ai nghe cũng cười vì cứ nghĩ ông thầy an ủi, động viên tôi và mẹ tôi....
Thầy Ký kể đến đó và chúng tôi lại tiếp tục câu chuyện...
- Thưa thầy, thầy bắt đầu đi học như thế nào với 2 cánh tay bị liệt?
Trường ở gần nhà, tôi thấy bạn bè cùng tuổi vào lớp, mê lắm. Sáng sáng tôi đến cửa lớp đứng nhìn vào, bọn trẻ cứ quay ra nhìn tôi nên tôi bị thầy đuổi đi vì "làm cả lớp mất tập trung"!
Không được đứng ở cửa lớp, tôi ra ngoài xa một chút đứng nhìn vào. Thấy vậy, thầy giáo cho tôi vào lớp ngồi chung. Sau giờ học, thầy dẫn tôi về nhà nói với mẹ tôi: "Chị giữ cháu ở nhà, đừng cho đi chơi đến lớp nữa, làm chúng bạn không lo học".
Tôi buồn lắm, ở nhà lấy gạch và than, dùng chân quắp lại bắt đầu tập viết trên sân gạch. Hì hà hì hục suốt ngày để viết cho ra chữ, có người đi qua thấy, bảo: "Trời ơi, xưa giờ có ai viết bằng chân được đâu mà tập làm gì cho mệt! Rõ khổ"...
Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp Nguyễn Ngọc Ký và có lời khuyên ông nên chọn nghề giáo
- Nghe nói vậy thầy có nản chí không?
Không! Trước đó, không được vào lớp nữa, tôi buồn đi lang thang trong vườn, thấy con chim dùng mỏ tha mồi, tôi đã bắt chước dùng...miệng tập viết nhưng không được!
Tôi nghĩ cách khác. Bất chợt, gặp đàn gà đi qua, gà mẹ dùng chân bươi tìm mồi, tôi phát hiện ra có thể dùng chân để viết. Thế là tôi tập viết bằng chân.
Khác với chúng bạn, tôi không phải bắt đầu từ chữ A. Ban đầu, tôi phải dùng đủ các tư thế để viết, mồ hôi tuôn ra nhễ nhại mới được chữ O, chữ V sau mới tới các chữ khác.
Viết được chữ bằng gạch, tôi chuyển qua viết bằng bút chì kẹp giữa 2 ngón chân trên giấy. Hí hoáy mãi nét chữ cũng hiện ra dưới chân tôi. Tôi lại tập kẻ ô, kẻ thước, vẽ vòng tròn bằng compa. Với người bình thường thì việc này đơn giản nhưng với tôi là cực hình...
- Viết được chữ, sử dụng được các dụng cụ học tập cơ bản, vậy là thầy được đi học?
Không đơn giản vậy đâu. Lúc đầu vì nể gia đình tôi, cô giáo cho tôi vào lớp nhưng cô nói như đinh đóng cột rằng, không thể học được đâu!
Sự kiên trì, nhẫn nại của tôi đã lay chuyển cô giáo, cô chấp nhận cho tôi học cùng chúng bạn. Tôi đã chứng minh được rằng, bàn chân có thể thay bàn tay để viết, vẽ, xoay compa, làm thủ công xếp thuyền, xếp chim...
Ngoài giờ học, tôi còn làm lồng chim để chơi, so với của bạn bè, lồng chim của tôi lúc nào cũng đẹp hơn.
Bút tích, tiểu sử của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, người nổi tiếng một thời với cuốn sách "Tôi đi học"
- Bằng ý chí, nghị lực và lòng nhẫn nại, thầy đã học qua cả đại học?
Tôi là học sinh giỏi toán, năm lớp 7 đã đi thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc vào năm 1963, được Bác Hồ gởi tặng huy hiệu lần thứ 2. Lên cấp 3, tôi vẫn học giỏi.
Một lần, thầy giáo dạy văn đưa cho tôi mượn đọc quyển "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Ostrovsky. Tôi đọc, say mê nhân vật Paven Corsaghin. Thế là tôi chuyển qua văn với ước mơ trở thành nhà văn, nhà thơ.
Nhân vật Paven Corsaghin đã tiếp sức cho tôi rất nhiều với tấm gương hy sinh cho lý tưởng, dám sống bằng tất cả nghị lực trái tim, vượt qua mọi nghịch cảnh để cho cuộc đời mình có ý nghĩa...
Tôi vào đại học với ước mơ phải viết lại cuộc đời mình. Quyển sách "Những năm tháng không quên" hoài thai và ra đời trong những năm tháng tôi là sinh viên.
Tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971 quyển sách của tôi được in với cái tên "Tôi đi học" thành công vang dội, khích lệ rất lớn cho tôi bước tiếp...
Quyển sách này được tái bản mấy chục lần. Đợt về Hải Phòng giao lưu, tôi rất xúc động khi một khán giả đưa cho tôi xem quyển "Tôi đi học" xuất bản trước năm 1975, trong đó có dòng chữ của người cha ghi lại gởi gắm cho con trước giờ vào chiến trường: "Chỉ ít phút nữa ba sẽ qua vĩ tuyến 17 vào chiến trường B, ba tặng con quyển sách này để con noi theo, mong con sẽ vượt qua chính mình như nhân vật Nguyễn Ngọc Ký".
- Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa văn những năm ấy là "oai lắm", sao thầy lại chọn nghề giáo?
Quả thật lúc đầu tôi chưa chọn nghề giáo. Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời tôi vào gặp, hỏi thăm tận tình, động viên tôi rất nhiều.
Thủ tướng khuyên tôi nên làm nhà giáo để dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà và tôi nên lấy vợ, nếu cần Thủ tướng sẽ làm mai cho. Tôi chỉ nhận 1 lời khuyên là trở thành nhà giáo!
- Nếu được chọn lại, thầy có chọn nghề giáo nữa không?
Không! Tôi khám phá rất nhiều điều tuyệt vời về nghề này dù hiện nay tôi có thêm "nghề" mới là viết văn và tư vấn. Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội đấy chứ!
Theo VNN
Chuyện cổ tích về đôi bạn thân Đang học lớp hai, em Cẩm Vân (HS Trường THCS Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) bị căn bệnh viêm tủy đã cướp đi đôi chân lành lặn. Vượt lên số phận, Vân đã cố gắng trở lại trường và học rất giỏi. Từ lớp 6 đến nay, Vân được bạn Mỹ Linh chở đi học. Đó là câu chuyện cổ tích...