Chàng trai biến cỏ sậy thành ống hút
Với mong muốn thay đổi thói quen sử dụng các loại ống hút nhựa vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng và gây hại đến môi trường, Huỳnh Văn No – Giám đốc Công ty TNHH Tèo Việt Nam đã sản xuất ra những chiếc ống hút từ cây sậy, cỏ bàng. Sản phẩm đang được người tiêu dùng đón nhận.
Bắt kịp xu thế
Huỳnh Văn No vốn là một hướng dẫn viên du lịch. Nghề này đã giúp anh có cơ hội được chu du nhiều nước trên thế giới, được khám phá, trải nghiệm nhiều điều mới lạ. No tâm sự, trong những chuyến đi này, điều gây ấn tượng nhất với anh chính là ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Tại các nước châu Âu hay một số nước châu Á như Singapore, Đài Loan… họ đã cấm sử dụng ống hút nhựa. Thay vào đó, tại các nhà hàng, khách sạn chỉ sử dụng ống hút bằng giấy, bằng bột, hay kim loại…
Anh Huỳnh Văn No chọn lọc những cây sậy đạt tiêu chuẩn để làm ống hút. Ảnh: Thanh Thu
Với ưu điểm thân thiện môi trường, dễ phân hủy, màu sắc tự nhiên bắt mắt… ống hút cỏ bàng, cỏ sậy được nhiều khách hàng tích cực đón nhận. Tuy nhiên, so với những sản phẩm được sản xuất công nghiệp, ống hút cỏ bàng, cỏ sậy Tèo Straw có giá khá cao.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc sử dụng sản phẩm nhựa của người dân đang trở thành thói quen khó bỏ bởi tính tiện dụng mà ít ai quan tâm đến tác hại của nó đối với môi trường. Ngoài ảnh hưởng đến môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, đồ dùng nhựa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư.
Thực tế này đã thôi thúc No phải làm một việc gì đó góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng Việt, sau là góp phần giảm dần rác thải nhựa. Tháng 3/2019, No quyết định bắt tay vào sản xuất ống hút từ cỏ bàng, cỏ sậy, với thương hiệu Tèo Straw.
Chia sẻ về lý do chọn cỏ bàng và cỏ sậy làm ống hút, No cho hay: “Tôi quan niệm, đã là sản phẩm thân thiện với môi trường thì phải có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên và có sẵn trong tự nhiên”.
Video đang HOT
Nguồn nguyên liệu được anh thu mua từ người dân tại vùng đệm của rừng U Minh Thượng. Vùng đệm này có diện tích hơn 13.000ha, trong đó phần lớn là những bãi cỏ sậy mọc tự nhiên.
No cho biết thêm, tại khu vực U Minh Thượng quê anh, cây cỏ bàng và cỏ sậy rất nhiều, chúng mọc hoang dã tự nhiên không được khai thác sử dụng nên rất lãng phí. Nên đây sẽ là nguyên liệu lý tưởng để sản xuất ống hút.
“Từ nhỏ, cây sậy đã gắn bó với tuổi thơ, là được các anh chị cho uống nước dừa bằng những cây cỏ ngoài đồng. Lớn lên, được chu du qua một số nước khiến tôi nghĩ, tại sao không thử tận dụng cây sậy để làm ống hút, vừa thân thiện với môi trường, vừa tạo công việc cho bà con” – chàng trai từng là hướng dẫn viên du lịch nói về ý tưởng.
Được người tiêu dùng đón nhận
Chia sẻ về quy trình sản xuất, Huỳnh Văn No cho biết, ống cỏ thu về phải dùng dụng cụ đục bỏ các ngăn bên trong ống, sau đó cắt đoạn theo kích thước phù hợp. Khâu cắt ống cỏ rất quan trọng vì phải cắt làm sao cho ống không vỡ, không nứt…
Sau đó, dùng dụng cụ làm sạch bên trong. Cỏ bàng sau khi thu hoạch phải có độ dài từ 18-20cm. Tùy theo nhu cầu sử dụng của khách hàng mà anh tạo ra sản phẩm khác nhau. Do đây là những loại cây mọc hoang dã tự nhiên nên không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, rất an toàn.
Tuy nhiên, sản phẩm đòi hỏi phải được khử trùng tuyệt đối. Theo đó, sau khi hoàn thành các nước cắt tỉa, làm sạch, anh No dùng công nghệ chiếu tia UV để khử khuẩn 100%.
Với ưu điểm thân thiện môi trường, dễ phân hủy, màu sắc tự nhiên bắt mắt… ống hút cỏ bàng, cỏ sậy được nhiều khách hàng tích cực đón nhận. Tuy nhiên, so với những sản phẩm được sản xuất công nghiệp, các mặt hàng thân thiện môi trường đòi hỏi chi phí cao về nhân công, nên hiện ống hút cỏ bàng, cỏ sậy Tèo Straw có giá bán từ 600 – 900 đồng/ống, đắt tiền hơn nhiều so với ống hút nhựa.
Đây cũng chính là trở ngại lớn khi đưa sản phẩm ra thị trường. Với mức giá này, anh No tập trung phân phối vào phân khúc khách hàng cao cấp tại các nhà hàng, khách sạn, khu resort…
Huỳnh Văn No đang tập trung nghiên cứu công nghệ sản xuất mới để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó giúp sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Công ty TNHH Tèo Việt Nam cũng đang nghiên cứu đưa ra thị trường sản phẩm sử dụng một lần từ thân cây chuối.
“Hiện xưởng của tôi đã bán khoảng 500.000 ống hút cỏ sậy cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Đài Loan, Singapore và sắp tới là Đức. Tôi hy vọng sẽ nhân rộng mô hình này để ống hút nhựa dần được thay thế” – chàng trai quê Kiên Giang chia sẻ.
Theo Danviet
Chàng trai "khắc tinh" của ống hút nhựa
Hiểu rõ tác hại của ống hút nhựa, anh Lê Xuân Hà (thôn Thành Lợi, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã sáng tạo, làm ra ống hút cùng nhiều vật dụng hữu ích khác từ tre.
Ống hút nhựa - "kẻ thù" của môi trường
Đón chúng tôi bằng ấm trà nóng, anh Lê Xuân Hà mời khách ngồi xuống chiếc ghế tre, được đặt ngay ngắn chính giữa xưởng sản xuất rộng vỏn vẹn chừng 500m. Tôi liếc vội khắp xưởng của Hà, đâu đâu cũng thấy tre. Rải rác khắp xưởng là các gói ống hút tre được bọc gọn gàng đặt trong thùng carton, cạnh đó là những lao động đang miệt mài, hăng say làm việc.
Anh Lê Xuân Hà loại bỏ những cây tre không đạt. Ảnh: Thu Thủy
Anh Hà chia sẻ: "Trước đây, tôi vốn là người hay lang thang quán xá, nên thường xuyên chứng kiến các chủ quán lạm dụng ống hút nhựa trong kinh doanh, buôn bán. Một lần ngồi uống nước cùng bạn tại quán cà phê, tình cờ quán đó lại có bụi tre, thế là tôi liền bẻ ngay một cành tre, cắt gọn hai đầu, dùng thay thế cho chiếc ống hút nhựa mà quán hay sử dụng. Từ đó, ý định sử dụng tre để làm ống hút được nhen nhóm trong tôi".
Anh Hà cho rằng: Các loại ống hút nhựa trên thị trường chủ yếu được tái chế nhiều lần, nếu như sử dụng chúng thường xuyên vào đồ ăn, thức uống thì rất có hại cho sức khỏe. Theo tìm hiểu của anh, các loại ống hút nhựa có nhiều màu khác nhau và được tạo ra bởi các phẩm màu hóa học, không những sử dụng có nguy cơ gây ung thư mà khi thải ra môi trường, chúng phải mất thời gian dài mới phân hủy được. Hay nói cách khác, các sản phẩm được làm từ nhựa đang là kẻ thù đối với sức khỏe con người và môi trường.
"Nói như vậy, không phải là tôi tẩy chay hay khuyên mọi người ngừng sử dụng ống hút nhựa, cũng không phải đề cao sản phẩm của mình, chỉ đơn giản muốn mọi người hiểu và rèn luyện thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường" - anh Hà nói.
Để chúng tôi hiểu rõ hơn về sự an toàn của ống hút tre, anh Hà dẫn chúng tôi tham quan xưởng. Anh giới thiệu: Tre vốn là vật dụng quen thuộc với người dân Việt Nam lại dễ tìm kiếm, nên không khó trong việc nhập nguyên liệu.
Để tạo ra một chiếc ống hút tre đạt chuẩn phải trải qua 10 công đoạn, từ lựa chọn nguyên liệu đến phân chia chất lượng sản phẩm. Mỗi công đoạn đòi hỏi người làm phải cẩn thận, tỉ mỉ, trong đó công đoạn đánh bóng và luộc ống hút tre là quan trọng nhất, bởi các cạnh của tre rất sắc nhọn, nên người làm cần phải gia công kỹ lưỡng. Công đoạn luộc ống hút với muối giúp khử trùng, chống mối mọt...
Bảo vệ môi trường từ việc làm nhỏ
Công việc vất vả, có lúc chùn bước, nhưng nghĩ đến việc đang làm giúp ích cho đời, góp phần đẩy lùi vấn nạn rác thải nhựa, vì môi trường xanh - sạch - đẹp... anh Hà đã tự mình tìm đến từng quán cà phê, quán nước vỉa hè thuyết phục chủ quán sử dụng miễn phí ống hút tre. Kết quả, sau hơn 2 năm, nay sản phẩm của anh đã được nhiều người biết đến, số lượng đơn đặt hàng tăng dần theo thời gian, sản xuất không đủ để cung ứng ra thị trường.
"Ban đầu làm thủ công, nên mỗi ngày xưởng chỉ sản xuất được 200 ống. Sau này, tôi quyết định đầu tư thiết bị, máy móc cộng với việc tích cực đi giới thiệu sản phẩm ở khắp nơi. Đến nay, mỗi tháng xưởng làm ra từ 50.000 - 100.000 ống, với giá thành dao động từ 1.000 - 5.000 đồng/ống, doanh thu mỗi tháng 50 triệu đồng" - anh Hà cho hay.
Theo anh Hà, ống hút tre hay ở chỗ khi sử dụng xong, nếu được rửa sạch rồi phơi khô có thể tái sử dụng được. Nhờ vậy, sản phẩm ống hút tre của anh được nhiều người biết đến và ưa chuộng, có những khách hàng đặt hàng một lúc tới 3.000 ống.
"Dựa vào sản phẩm ống hút tre, tôi tuyên truyền, nâng cao ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân từ điều nhỏ nhất"- anh Hà chia sẻ.
Với định hướng "vì một lai không rác thải nhựa", bên cạnh sản phẩm ống hút tre, anh Hà còn sản xuất các loại vật dụng như: Thìa, vỏ bút bi, giỏ tre... để cung ứng ra thị trường. Nhờ tính năng thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe, phần thi về các sản phẩm làm bằng tre của anh Hà đã lọt vào vòng chung kết của Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp sáng tạo" do Trung ương Đoàn tổ chức.
Theo Danviet
Cô trò tỉnh Phú Thọ và dự án "Nói không với ống hút nhựa" "Hình ảnh xót xa của chú rùa Olive Ridley bên bờ biển và những con số đáng báo động về ô nhiễm môi trường khiến chúng tôi nghĩ rằng mình cần phải hành động". Dự án: "Nói không với ống hút nhựa" được thực hiện bởi 91 em học sinh dưới sự hướng dẫn của cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên môn...