Chàng trai 9X mơ về nông nghiệp công nghệ cao với… 3 con bò
Khởi nghiệp bằng 3 con bò cái, nhưng chàng trai Nguyễn Phúc Bách (SN 1992), xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chưa bao giờ nghĩ mình chỉ dừng lại ở chăn nuôi. Anh mơ về mô hình nông nghiệp công nghệ cao với những sản phẩm sạch, an toàn, và bước đầu, giấc mơ ấy đang dần hiện hữu.
Từ 3 con bò…
Khác với mong ước của bạn bè cùng trang lứa, học hết cấp 3, Bách không thi đại học mà quyết định gắn bó với nghề nông. “Tôi sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp truyền thống, nên hiểu được sự vất vả, lam lũ của người nông dân… Đó cũng là động lực để tôi lập nghiệp từ chính những gì mình đã trải qua” – Bách nói.
Trong thời gian này, Bách đang chuẩn bị hoàn thiện thêm 2 khu nhà màng áp dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới. Nâng tổng số lên 3 khu nhà màng trồng dưa lưới với tổng diện tích 7.000m2. Ảnh: Minh Ngọc
Để khởi nghiệp, từ số tiền dành dụm ít ỏi, vay mượn người thân và ngân hàng, Bách quyết định mua 3 con bò cái. Chỉ sau vài năm, từ 3 con bò này, Bách đã có đàn bò gần chục con, trở thành thanh niên nuôi nhiều bò thịt nhất xã.
Tuy nhiên, theo Bách, mặc dù thời điểm đó anh sở hữu đàn bò hàng chục con, nhưng anh nhận ra như vậy chưa đủ, sự khổ cực và vất vả theo cách làm nông nghiệp thời xưa đã không còn phù hợp, từ đó tư duy làm nông nghiệp của Bách đã dần thay đổi.
Theo đó, Bách vừa nuôi bò, vừa nghe ngóng nơi nào có mô hình nông nghiệp hiện đại là anh tới tham quan, rồi mua sách về học, tìm hiểu thông tin, liên hệ với các đơn vị cung ứng vật tư… với quyết làm nông nghiệp công nghệ cao trên chính quê hương mình.
Trải qua một thời gian lăn lộn, sau khi đến nhiều nơi, đi nhiều chỗ để học hỏi kinh nghiệm về làm nông nghiệp công nghệ cao, Bách quyết định bàn với bố mẹ bán đàn bò để đầu tư khu nhà màng, nhà lưới khung thép kiên cố với hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, trồng cây trên giá thể, lắp đặt hệ thống camera giám sát quy trình sản xuất…
Ban đầu, bố mẹ Bách rất lo lắng. Bởi lẽ, ngoài mức đầu tư tiền tỷ, bao đời nay nông dân ở đây đã quen trồng các loại cây truyền thống, sản xuất ngoài trời, quen nắng mưa chứ làm kiên cố thì trồng cây gì cho để thu hồi vốn cả tỷ đồng.
… đến mô hình nông nghiệp mơ ước
Video đang HOT
Giữa năm 2017, từ hơn 100 triệu đồng ban đầu cùng nguồn vốn vay, Bách đầu tư một khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 1.000m2 trồng thử nghiệm các loại rau, quả. Ai ngờ, vườn rau cho năng suất thấp, lại bị sâu ăn nên Bách thua lỗ.
Không nản chí, Bách làm lại từ đầu. Khắc phục được những thiếu sót về kỹ thuật, vụ tiếp theo chỉ trong 40 ngày Bách thu hoạch được 4 – 5 tấn rau, đổ buôn cho đầu mối. Gia đình, người thân, bạn bè ai cũng vui mừng.
Nhưng không dừng lại ở đó, sau nhiều đêm trăn trở, Bách nhận ra làm nông nghiệp muốn thành công thì không thể canh tác ồ ạt trên diện rộng mà phải có sự tính toán, cân nhắc kỹ càng nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Bách tiếp tục tìm hiểu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Năm 2018, Bách quyết định chuyển 100% diện tích sang trồng dưa lưới. Vụ đầu tiên, năng suất không cao do cây ra quả vào thời điểm mùa hè, nhiều lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới 42 độ C, trong khi các biện pháp hạ nhiệt trong nhà màng chưa chuẩn nên năng suất chỉ đạt 30% so với dự kiến.
Rút kinh nghiệm sau thất bại của vụ trồng dưa lưới đầu tiên, chàng trai trẻ mạnh dạn mở rộng, xây dựng nhà kính quy mô 3.000m2, trồng 5.500 gốc dưa lưới giống Nhật, với tổng kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng. Vườn dưa phát triển tốt, trung bình mỗi quả dưa lưới nặng khoảng 1,5 – 2kg.
Để sản phẩm của mình được thị trường biết đến, Bách đã áp dụng trồng dưa lưới theo quy chuẩn VietGAP, hiện nay sản phẩm đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch của Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Thời gian này, Bách đang chuẩn bị hoàn thiện thêm 2 khu nhà màng áp dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới. Nâng tổng số lên 3 khu nhà màng trồng dưa lưới với tổng diện tích 7.000m2. Mô hình dưa lưới của anh được trồng với công nghệ cao, mọi quy trình tưới nước, đảm bảo chất dinh dưỡng… được điều khiển tự động hóa chỉ 3 nhân công.
Hiện nay, mỗi vụ dưa, Bách thu được 5.000 quả, giá bán từ 35.000 – 40.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư và chăm sóc, mỗi vụ anh thu được khoảng 150 – 200 triệu đồng.
Bí kíp vỗ béo bò 3B "khổng lồ", nông dân Thủ đô thu nhập "khủng"
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai mô hình chăn nuôi bò 3B - giống bò vai u thịt bắp, có kích thước "khổng lồ".
Được thí điểm nuôi từ năm 2012, đến nay sau 8 năm triển khai, mô hình đã đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình, trở thành hướng làm giàu mới của nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội.
Nông dân nuôi bò 3B được tiếp sức
Gia đình anh Dư Quốc Khởi (SN 1991, trú tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bắt đầu nuôi bò từ năm 2012 với đàn bò 10 con. Hai giống bò anh Khởi nuôi lúc đó là bò vàng và bò lai Sind. Anh Khởi cho biết, nuôi 2 giống bò này phải thường xuyên đi chăn thả, sản lượng thịt hơi thấp, đến kỳ xuất bán trọng lượng bò thịt chỉ dao động từ 250 - 300kg/con (bò đực vàng).
Nhờ nuôi giống bò 3B, mỗi năm gia đình anh Dư Quốc Khối, trú tại xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa thu nhập 400 triệu đồng. Ảnh: M.N
Năm 2016, sau khi biết TP.Hà Nội có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi 7 triệu đồng/con bò 3B, anh Khởi đã tìm hiểu kỹ về chính sách này rồi mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ để nuôi thử nghiệm giống bò 3B.
Trong quá trình nuôi bò 3B, cũng như một số hộ tại địa phương đã nuôi thử nghiệm giống bò 3B, anh Khởi nhận thấy thực tế mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rất cao so với giống bò thường.
"Giống bò 3B có nhiều ưu điểm vượt trội về sản lượng thịt xẻ so với các giống bò thông thường. Đầu tiên nhà tôi nuôi thử nghiệm 2 con bò 3B, sau đó thấy hiệu quả rõ rệt nên tiếp tục tăng số lượng đàn bò. Đến nay, đàn bò của nhà tôi đã có tổng cộng 15 con với 100% giống bò 3B" - anh Khởi chia sẻ.
Với kinh nghiệm nuôi bò sẵn có từ trước nên khi chuyển sang nuôi giống bò 3B, anh Khởi cũng không gặp khó khăn. "Giống bò 3B rất dễ nuôi, tăng trọng nhanh, ít khi mắc dịch bệnh và có sức đề kháng tốt. Thời gian nuôi từ 18 - 20 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng mỗi con bò 3B thời kỳ xuất bán đạt từ 500 - 650kg/con" - anh Khởi nói.
Về thức ăn cho bò 3B, anh Khởi đã trồng 1 mẫu cỏ voi để làm thức ăn cho bò, ngoài ra phải bổ sung thức ăn tinh. Những thời điểm vỗ thịt, mỗi 1 con bò có thể ăn từ 5 - 6kg cám/ngày.
Ngoài thức ăn chính là cỏ voi và cám, 3 tháng trước khi chuẩn bị được xuất bán, đàn bò 3B được anh Khởi vỗ béo bằng cách cho ăn bã đậu và bỗng rượu. Qua quá trình theo dõi, trong vòng 1 tháng, mỗi con bò 3B sẽ tăng từ 35 - 40kg.
Để tích trữ thức ăn cho bò vào mùa đông, anh Khởi thường lấy cỏ voi cắt nhỏ rồi ủ lên men trong bao nylon, thời gian nửa tháng là có thể sử dụng làm thức ăn cho bò.
Giống bò 3B (bò BBB) "khổng lồ" khá dễ nuôi, sản lượng thịt hơi lớn nên có giá bán cao.
Năm 2019, anh Khởi đã xuất bán 20 con bò 3B. Trong đó, ngoài việc xuất bán bò hơi, anh Khởi còn trực tiếp mổ bò để bán thịt. Giá bán bò hơi dao động ở mức 90.000 đồng/kg. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua anh Khởi đã mổ bò 3B để bán, giá từ 240.000 - 250.000 đồng/kg. Theo tính toán, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, anh Khởi có lãi 400 triệu đồng trong năm 2019.
Cùng nhau làm giàu từ nuôi bò "khổng lồ"
Cũng là một trong những hộ nuôi bò 3B tại xã Phù Lưu, gia đình bà Nguyễn Thị Kha đã có đời sống kinh tế khấm khá từ khi nuôi giống bò được coi là "cỗ máy sản xuất thịt".
Giống như nhiều hộ chăn nuôi khác, trước khi chuyển sang nuôi toàn bộ bò 3B, gia đình bà Kha cũng chỉ nuôi các giống bò thường, nên năng suất, hiệu quả kinh tế không cao.
Sau khi mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, đồng cỏ và được sự hỗ trợ về kinh phí của TP.Hà Nội với mức 7 triệu đồng/con bò 3B, năm 2017 bà Kha đã mạnh dạn "tậu" 20 con bò 3B về nuôi. Hiện mỗi năm, bà Kha xuất bán 10 con bò giống "siêu to khổng lồ" này.
Mỗi năm gia đình bà Nguyễn Thị Kha xuất bán khoảng 10 con bò 3B "siêu to khổng lồ"
Theo bà Kha, nuôi bò 3B không khó, bởi đây là giống bò có sức đề kháng, ăn uống tốt nên sản lượng thịt rất cao, bò tăng trưởng nhanh. Quan trọng là quá trình chăn nuôi cần tiêm đủ 2 loại vaccine phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Chuồng trại tuy không cần cầu kỳ quá, nhưng phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, bò không cần chăn thả nhiều.
Giống bò 3B, tùy theo người nuôi, trước khi xuất bán khoảng 3 tháng là bắt đầu vỗ béo. Giai đoạn vỗ béo không cho ăn quá nhiều, chỉ cần bổ sung thêm thức ăn tinh. Với mô hình nuôi bò 3B nhốt chuồng, mỗi năm gia đình bà Kha nuôi được 2 lứa, mỗi lứa 15 - 20 con bò 3B.
Theo bà Kha, để nuôi bò thịt đạt tăng trọng nhanh, trước tiên phải chọn mua giống tốt. Bò giống nhập chuồng có trọng lượng từ 250kg trở lên, không khuyết tật, thân cao, mình dài, vóc dáng khoẻ nhanh nhẹn, hiền lành, cơ bắp phát triển đều, mang màu sắc đặc trưng của giống bò này (xám, xanh xen đốm trắng), nên chọn mua nhiều bò đực giống.
Định lượng thức ăn cho 1 bò 3B nuôi hướng thịt mỗi ngày của gia đình bà Kha là cám công nghiệp 1 - 1,5kg, bột ngô 1,5 - 2kg, thức thô xanh (cỏ, thân lá ngô, mía...) 25 - 30kg. Lượng thức ăn tinh, thô cần điều chỉnh tăng dần theo thể trọng bò.
Những năm trước nuôi giống bò đỏ, bò vàng địa phương, gia đình bà Kha rất vất vả, thường xuyên phải chăn thả, bò lại hay bị bệnh tật. Từ khi chuyển sang nuôi giống bò 3B thấy nhàn hơn hẳn, cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. "Nuôi bò 3B vừa nhàn vừa cho hiệu quả kinh tế cao nên dù quay vòng vốn chậm, tôi vẫn rất yên tâm. Đầu ra cũng không phải lo vì chất lượng thịt bò 3B ngon, tỷ lệ thịt đạt trên 60% trọng lượng. Năm 2019, gia đình tôi xuất bán 10 con bò 3B với giá 90.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí cho lãi 300 triệu đồng" - bà Kha tiết lộ.
Tiếp vốn lãi xuất ưu đãi cho nông dân trồng măng tây, làm bún Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Khấm khá nhờ trồng măng tây xanh Chúng tôi đến xã Yên Viên, huyện Gia Lâm đúng vào ngày giao...