Chàng trai 8x xứ Nghệ làm chuyện lạ, trồng nấm rơm từ bông vải sợi
Người đầu tiên và duy nhất ở Nghệ An cho đến thời điểm này trồng thành công nấm từ bông vỏ rút sợi là một chàng trai chưa từng học qua bất cứ trường, lớp đào tạo nào. Và động lực để anh đến với nghề này là từ một điểm 10 thực hành môn Sinh học từ thời học cấp 2.
Đó là Phạm Hùng Thuận ( bên phải) sinh năm 1988 ở xóm 5, xã Nghi Kim (TP.Vinh). Tốt nghiệp xong THPT, Phạm Hùng Thuận từng là nhiều nghề khác nhau như: Trang trí nội thất, vẽ tranh tường, đắp phù điêu, viết thư pháp, kinh doanh cà phê… nhưng tất cả đều thất bại. Ảnh: Đào Tuấn
Sau nhiều tháng thất nghiệp, Phạm Hùng Thuận quyết định đến với nghề trồng nấm. Anh không làm nấm rơm thông thường như nhiều người mà quyết định trồng nấm bằng nguyên liệu bông đã rút sợi. Thuận là người đầu tiên ở Nghệ An tự mày mò, nghiên cứu để trồng loại nấm này. Theo anh so với nấm rơm thông thường, nấm bằng nguyên liệu bông hàm lượng dinh dưỡng cao hơn gấp 4 -5 lần, mức độ VSATTP của nguyên liệu bông vải cũng tốt hơn rơm rạ. Ảnh: Nhật Lân
Phạm Hùng Thuận cho biết, động lực để anh đến với nghề trồng nấm là… điểm 10 môn thực hành sinh học hồi học cấp 2. Hồi đó, Thuận cũng đã từng làm nấm rơm thành công. Thuận tự lên mạng tìm tài liệu, mua sách báo về nghiên cứu phương pháp làm nấm bằng nguyên liệu bông vải. Ảnh: Đào Tuấn
Dù con trai từng thất bại trong rất nhiều lần, nhiều lĩnh vực nhưng bố Thuận – ông Phạm Hồng Sơn vẫn tin tưởng, quyết vay mượn, cầm cố bìa đỏ để đầu tư cho con trai làm nấm. Trong ảnh: Phạm Hùng Thuận và bố kiểm tra nguyên liệu bông mới mua về từ Nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan (TP. Vinh). Ảnh: Nhật Lân
Video đang HOT
Nguyên liệu bông sau khi đưa về phải trải qua nhiều công đoạn như: xay, ủ vôi để loại bỏ vi sinh độc hại, đo nồng độ PH, canh nhiệt độ, độ ẩm, cấy mô giống… Quá trình này đòi hỏi các thông số cực kỳ chính xác và khắc nghiệt. Ảnh: Đào Tuấn
Sau nhiều thử nghiệm, Phạm Hùng Thuận đã “chốt” thiết kế nhà nấm của mình. Đó là dựng bằng khung sắt, phía trong bố trí 4 giàn rải nguyên liệu; mái và các vách được bọc bằng nhiều lớp vật liệu như: giấy bạc, ni lông, lưới lan cắt nắng, xốp cách nhiệt, tôn xốp tản nhiệt… Tất cả nhằm duy trì ổn định môi trường nhiệt độ từ 30-32oC. Ảnh: Nhật Lân
Để duy trì nhiệt độ, độ ẩm cho nhà trồng nấm, Thuận tìm mua và lắp đặt máy phun sương siêu âm. Ảnh: Đào Tuấn
Nhờ duy trì môi trường ổn định, nấm bông của Phạm Hùng Thuận luôn đạt tỷ lệ 20%, tức là 1 tấn bông nguyên liệu cho ra đời 2 tạ nấm thành phẩm. Đây là tỷ lệ đáng mơ ước của những người trồng nấm. Ảnh: Nhật Lân
Phạm Hùng Thuận cho biết, hiện tại trên thị trường, 1kg nấm bông có giá hơn 100.000 đồng, lâu nay sản phẩm của anh chủ yếu bán tại thị trường Đà Nẵng, Quảng Bình và cung không đủ cầu. Mỗi mẻ nấm được làm trong vòng 20 ngày, lợi nhuận khoảng 16 triệu đồng. Ảnh: Nhật Lân
Thừa thắng xông tới, Phạm Hùng Thuận và bố mình tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 3 nhà trồng nấm mới, mỗi gian nhà có tổng kinh phí gần 80 triệu đồng. Ảnh: Nhật Lân
Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, kể từ khi mẻ nấm đầu tiên thành công, gia đình quyết định dành toàn tâm hỗ trợ con trai. “Cả nhà 5 người đều trở thành “nhân công” làm nấm của Thuận” – ông Sơn tự hào khoe. Ảnh: Đào Tuấn
Chưa dừng lại ở đó, trên diện tích hơn 800 m2 đất của gia đình, Phạm Hùng Thuận tiếp tục đầu tư gần 500 triệu đồng để làm nhà vườn trồng nông sản sạch. Thuận cho biết, việc xây dựng nhà vườn nhằm tận dụng nguồn phân hữu cơ vi sinh từ nguyên liệu bông sau quá trình làm nấm. Tại đây Thuận sẽ trồng dưa lưới, dâu tây, rau củ sạch hoàn toàn bằng công nghệ Israel. Ảnh: Nhật Lân
Theo Đào Tuấn – Nhật Lân (Báo Nghệ An)
Vừa 30 tuổi đã làm chủ DN lớn, nuôi mộng xuất khẩu nấm
Ở tuổi 30, anh Nguyễn Chí Thành (quê Bình Dương) đã la chủ doanh nghiệp lớn chuyên nuôi trồng, chế biến nấm với thương hiệu Linh chi Trường Thọ.
Anh Nguyễn Chí Thành tại trại nấm của mình. Ảnh: NVCC.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Nguyễn Chí Thành gác lại con đường đèn sách, bắt đầu với công việc lam lũ cạo mủ cao su ở nông trường Đồng Sen, Quân đoàn 4 thuộc Bộ Quốc phòng. "Trong một lần mệt ngồi nghỉ, tôi tình cờ phát hiện mớ nấm rơm ngay giữa lô cao su. Thế là trong đầu lóe lên ý tưởng sẽ trồng nấm để làm giàu", anh Thành chia sẻ về cơ duyên đưa mình đến với nghề trồng nấm.
Anh Thành dồn hết số vốn sau 2 năm tích lũy từ những ngày làm công nhân cạo mủ cao su để làm lộ phí học nghề trồng nấm. Anh ngược xuôi gõ cửa nhiều nơi có nghề trồng nấm phát triển. Từ Củ Chi, Hóc Môn (TPHCM) cho đến các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng rồi sang huyện Hớn Quản (Bình Phước)..., anh kiên trì học cho được cái nghề một cách bài bản.
Năm 2007, sau nửa năm "tầm sư học đạo", anh Thành trở về và tận dụng 30m2 đất của gia đình mở trại trồng nấm. Dựng xong trại cũng là lúc cạn vốn nên anh phải đi mượn bà con lối xóm được 7 triệu đồng để mua 3.000 bịch meo bào ngư. Và kết quả thu được ban đầu khá khả quan, anh lãi 12 triệu đồng sau 3 tháng chăm sóc.
Khởi đầu suôn sẻ, anh Thành đầu tư gấp đôi số bịch meo và tiếp tục thành công. Từ thành công trong trồng nấm rơm, anh mở rộng diện tích để trồng thêm nấm mèo, nấm sò và cả nấm linh chi, nấm bào ngư. "Thế nhưng điều làm mình không ngờ là thời gian đầu sản phẩm nấm bào ngư đã không được người dân chào đón. Đơn giản là họ thấy cây nấm lạ lẫm nên không dám mua về ăn", ông chủ trẻ Nguyễn Chí Thành nói về thất bại đầu tiên trong nghiệp trồng nấm.
Không nản, anh Thành tìm cách giới thiệu, thuyết phục những khách hàng khó tính. Rồi anh nhờ họ giới thiệu cho khách hàng khác, từ đó sản phẩm được thị trường biết đến và chấp nhận.
Không dừng lại ở việc trồng nấm, sau hơn 1 năm vừa sản xuất vừa tích lũy kinh nghiệm, anh chuyển sang nuôi cấy meo nguyên liệu để cung cấp cho các trại trồng nấm. Nguồn vốn tích lũy được cả tỷ đồng vào thời điểm năm 2011, anh đi mua 3.000m2 đất ở ấp 4, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú (Bình Phước) để lập trang trại trồng các loại nấm mới. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường, năm 2014, anh Thành thành lập Công ty TNHH Linh chi Trường Thọ, chuyên trồng loại nấm này. Đến nay, mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất 18 tấn linh chi các loại, với giá trị kinh tế khá cao.
Nói về định hướng phát triển trong chặng đường sắp tới, anh Thành cho hay, sẽ đưa Cty Linh chi Trường Thọ trở thành đơn vị cung ứng các sản phẩm có dược tính cao nhất với giá cả hợp lý nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.
"Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để xin giấy phép đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao nấm linh chi quy mô 2 héc-ta. Đây là khu nuôi trồng và chế biến chuyên sâu về nấm đầu tiên tại Việt Nam. Một khi đã phát triển bền vững rộng khắp thị trường 63 tỉnh, thành trong cả nước, sản phẩm của tôi sẽ hướng đến xuất khẩu sang thị trường nước ngoài", anh Thành chia sẻ.
Bên cạnh chú trọng phát triển làm ăn, anh Thành còn phối hợp với Tỉnh Đoàn Bình Phước triển khai các chương trình giúp thanh niên khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho thanh niên trên địa bàn tỉnh và tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Anh Nguyễn Chí Thành vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng thưởng Bằng khen "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm miền Đông Nam Bộ", nhằm ghi nhận những thành tích, đóng góp suốt thời gian qua.
Theo Ngô Tung (Bao Tiên Phong)
Lạ lùng: Thương lái tranh nhau thu mua rơm tươi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào giai đoạn cuối vụ đông xuân và một số tỉnh đã bước vào thu hoạch lúa hè thu sớm, lượng rơm tươi được giới thương lái tranh nhau mua... Thương lái đang thu mua rơm của dân để đem đi giao cho các trang trại săn nuôi giá súc để làm thức ăn ĐBSCL đang...