Chàng thủ khoa kiến trúc sở hữu chuỗi công ty 5 triệu USD
Sau 5 năm khởi nghiệp với số vốn 50 triệu đồng, Võ Phi Nhật Huy hiện sở hữu 5 công ty với 2.000 bất động sản cho thuê.
Là học sinh chuyên Lý trường Quốc học Huế, Huy thi rớt đại học trong năm đầu tiên. Đây là một điều rất “khủng khiếp” vì trong lớp Huy, 30 người thì có đến 28 người đỗ đại học với số điểm cao.
“Quãng thời gian đó rất nặng nề, tôi tìm đến sách làm thú vui, chủ yếu đọc để giải khuây, trong đó có cuốn “Dám thất bại” của tác giả người Malaysia – PS Slim. Chính những điều đọc được từ đúc kết kinh nghiệm thực tế của những người thành công trong cuốn sách đó đã làm tôi thay đổi tư duy, bắt mình tự đặt ra nhiều câu hỏi: thành công là gì? giàu có là gì?, và suy nghĩ biết phải làm sao cho tương lai của mình”, Huy chia sẻ.
Với quyết tâm cao, năm 2006 anh đã đỗ vào Đại học Kiến trúc TP HCM và là một trong 30 người có số điểm cao nhất trường.
Võ Phi Nhật Huy hiện là chủ 5 công ty khi mới 28 tuổi.
Muốn con trai mình tự lập, ba mẹ Huy chỉ cấp cho vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Còn lại, Huy phải tự xoay sở để trang trải. Cũng chính trong thời gian ở trọ ghép với các bạn cùng lớp tại một căn gác xép chật chội, Huy mới thấy được thực trạng của nhà trọ lúc bấy giờ.
“Chủ nhà thường gây áp lực cho người thuê như tăng giá điện, nước bất thường; không cho bạn bè đến phòng chơi, cửa nhà luôn đóng vào lúc 23h… Nhiều lúc đi làm thêm về khuya bị chủ nhà khóa cửa, tôi phải đi ngủ nhờ phòng bạn bè hoặc có lúc ngủ bên ngoài tới sáng. Nhưng điều tôi cảm thấy khó chịu nhất là sự đối xử của chủ nhà trọ, mình thuê nhà trả tiền đầy đủ mà vẫn luôn bị coi như kẻ ở nhờ, không được tôn trọng”, Huy nhớ lại và cho rằng chính những điều này đã khiến anh nhen nhóm ý tưởng thuê một căn nhà nhiều phòng, sau đó chọn một phòng để ở và cho thuê các phòng còn lại.
Phải mất hai năm đi làm công việc bán thời gian như phục vụ cà phê, nhà hàng, làm họa viên kiến trúc… tích lũy được 50 triệu đồng, Huy mới dám thực hiện kế hoạch.
Đầu tiên, anh thuê một căn nhà có 5 phòng tại quận Phú Nhuận, sau đó biến căn bếp thành một phòng mới, nâng lên thành sáu phòng ngủ khang trang, tiện dụng. “Căn nhà này tôi thuê với giá 12 triệu đồng, tiền đặt cọc 2 tháng là 24 triệu, cộng thêm tiền đầu tư và cải tạo là 70 triệu. Tôi phải mượn bạn bè 20 triệu”, Huy nhớ lại.
Khi thuê nhà và cải tạo xong, Huy đi dán quảng cáo, phát tờ rơi mời người thuê nhưng mãi không khách nào tìm đến. “Mỗi ngày trôi qua không cho thuê được căn phòng nào là mất 400.000 đồng, số tiền quá lớn đối với hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ”, Huy kể.
Sau hơn nửa tháng, mất cả chục triệu đồng tiền nhà, Huy đã rút ra cho mình bài học thất bại về kinh doanh bất động sản mà không có chút kiến thức nào về lĩnh vực này.Không nản chí, Huy đã tự tìm hiểu các kiến thức qua sách báo, trong đó có cuốn sách của tỷ phú Donald Trump. Những thương vụ của tỷ phú này là những tòa nhà chọc trời bên Mỹ, chưa phù hợp với Việt Nam. Thế là Huy tiếp tục đăng ký tất cả các khóa học về môi giới bất động sản, định giá, quản lý sàn… rồi kết hợp kiến thức đã học để ứng dụng vào thực tế, như: các mẫu tin đăng đầy đủ thông tin, chi tiết giá cả, hình ảnh phòng ốc đẹp, thông điệp gửi đến khách hàng hay và hấp dẫn… Chính cách làm này giúp các phòng cho thuê của Huy được lấp đầy 10 ngày sau đó. Trong tháng cho thuê đầu tiên, sau khi trừ đi các chi phí, chàng sinh viên trẻ lãi 5 triệu đồng.
Tự tin với thành công ở căn nhà cho thuê thứ nhất, Huy mạnh dạn bắt tay vào làm căn nhà thứ hai, và đến căn thứ ba thì anh quyết định lập công ty lấy thương hiệu riêng và đặt tại chính căn phòng rộng 20m2 đang ở với 5 nhân viên gồm những cậu em học cùng trường và người quen. Huy gắn bảng hiệu công ty trước cửa nhà và cửa phòng, sử dụng màn hình máy tính để làm màn hình chiếu slide họp, đồng thời đổi chức năng giường ngủ của mình thành một chiếc sofa giường ban ngày làm thành nơi cho nhân viên họp, tối bỏ xuống làm chỗ ngả lưng.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng thủ khoa, khi ra trường Huy chọn làm cho một công ty chuyên thiết kế nhà phố. Tại đây, trong quá trình làm việc, Huy nhận thấy công tác quản trị của người chủ khá kém, và sau đó anh phát hiện ra rằng ông xuất thân là thợ nề. Từ đây, Huy suy nghĩ một người không được học hành bài bản lại lập được công ty thì tại sao mình không thể làm chủ, nên xinthôi việc khi mới làm được 7 ngày. Tận dụng việc sở hữu hệ thống cho thuê phòng đang kinh doanh hiệu quả, Huy thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Big Land vào năm 2010 để mở rộng hệ thống nhà cho thuê ra khắp các quận TP HCM và các tỉnh lân cận.
Video đang HOT
Sau hai năm thành lập, đang làm ăn có lãi đột nhiên các nhân viên trong công ty lần lượt xin nghỉ. Tìm hiểu nguyên nhân Huy mới nhận ra rằng anh còn rất mơ hồ về kinh doanh vì bản thân là dân kiến trúc, nên thiếu kiến thức trong việc quản trị, chưa biết chia sẻ quyền lợi cũng như khó khăn cho mọi người, khiến nhân viên không thấy được tiềm năng, niềm tin về công ty.
Công ty còn lại hai người, Huy cố gắng xây dựng uy tín với các đối tác bằng cách chỉ ra những ưu khuyết điểm từng ngôi nhà, giúp họ hiểu một cách thiết thực hơn để từ đó đầu tư hiệu quả. Đồng thời, anh sáng tạo cho riêng mình một phương pháp trong bất động sản là chiến lược “Đòn bẩy kép”.
Theo Huy, lâu nay người đầu tư bất động sản thường dựa vào ngân hàng để đầu tư, nhưng lỡ may không có khả năng chi trả lãi thì coi như phá sản. Nay đòn bẩy này sẽ giúp cho nhà đầu tư an tâm hơn, duy trì chu kỳ sống cho dòng tiền. Đòn bẩy thứ nhất là sử dụng mô hình “thuê cho thuê” với khả năng đầu tư nhỏ, nhưng có thể cho lợi nhuận đến vài chục phần trăm một năm. Đòn bẩy thứ hai là mô hình “mua cho thuê”, đầu tư thường lớn và chịu tác động bởi lãi suất ngân hàng. Mô hình này sinh lợi nhuận không cao, nhưng bù lại tương lai xa sẽ lũy tiến thặng dư lớn. Hai mô hình này bổ khuyết cho nhau tạo ra một giá trị đầu tư bất động sản lớn.
“Cho đến nay chúng tôi có hơn 2.000 phòng, nhà cho thuê ở cả ba miền, mỗi tháng thu về hàng tỷ đồng, cộng với các công ty còn lại hoạt động về đào tạo, khách sạn, xây dựng, kiến trúc… giúp tổng tài sản hiện có khoảng 5 triệu USD”, Huy nói và cho biết thêm, thời điểm 2012, khi lĩnh vực bất động sản đang đóng băng, nhiều người hỏi anh vì sao vẫn lao vào. Huy lại thấy rằng bất động sản có nhiều sân chơi, mà sân chơi bất động sản cho thuê thì dù thị trường có lên xuống vẫn không ảnh hưởng vì nhu cầu thuê phòng, nhà ở rất lớn trong khi quỹ đất mỗi ngày thu hẹp, khả năng mua một căn nhà tại thành phố còn xa vời với nhiều người.
Huy cho biết trong chiến lược phát triển của mình, anh đang hướng đến các đối tượng khách hàng cao cấp hơn là người đi làm có mức thu nhập tương đối với giá cho thuê phòng từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, Huyđẩy mạnh triển khai phân khúc dịch vụ khách sạn, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đặc biệt là mô hình văn phòng mini cho thuê, giúp giảm chi phí cho các công ty khởi nghiệp.
Theo_NDH
Trần Thị Chính cô thủ khoa làm nên điều kỳ diệu
Sáu tháng liên tục, Chính phải ngồi xe lăn và nhờ chiếc nạng bước đến trường nhưng điều kỳ diệu đã đến khi Chính đỗ thủ khoa đầu vào trường Đại học An Giang.
Cứ mỗi mùa tuyển sinh, trường Đại học An Giang lại vui mừng chào đón thêm lực lượng tân sinh viên tràn đầy sức trẻ, năng động và cầu tiến.
Trong số hơn 3000 sinh viên vừa trúng tuyển, hình ảnh Thủ khoa đầu vào của trường - em Trần Thị Chính (lớp DH16GT, ngành Giáo dục Tiểu học, khoa Sư phạm) đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ bởi em đã lập nên "kỳ tích" từ trong gian khó và chiến thắng nghịch cảnh bằng ý chí "sắt thép" cộng hưởng tinh thần hiếu học.
Gia đình thuộc diện cận nghèo, bố của Chính qua đời trong một lần sạc bình bị điện giật. Năm đó, Chính vừa tròn 3 tuổi, còn em gái của Chính thì chưa giáp thôi nôi.
Suốt hơn 15 năm qua, mẹ em phải vất vả làm thuê làm mướn gồng gánh cả gia đình tại ấp Bình Khánh, xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
Bất kể mưa nắng, cả ngày mẹ phải lặn lội ngoài đồng làm cỏ, cấy lúa thuê hay ai kêu gì thì làm nấy để có tiền lo cho các con và bà ngoại, bà Chín (bạn thân của bà ngoại). Vì đã có tuổi nên hai bà thường đau yếu, chỉ có thể chăn nuôi gà vịt.
Mấy năm gần đây, cuộc sống ngày càng chật vật túng thiếu, mẹ em đành lên Bình Dương làm công nhân, dành dụm đồng lương ít ỏi gửi về lo cho cả gia đình.
Thủ khoa Trần Thị Chính vươn lên, khẳng định mình từ trong gian khó (Ảnh: Huỳnh Cam).
Sau năm bố mất, Chính về ở với nội rồi sang "ở nhờ" nhà cô ba (ấp Hòa Thanh, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu).
Hàng ngày ngoài giờ đi học, em phụ cô ba bán hàng tạp hóa. Được cô ba cưu mang, thương yêu như con ruột, Chính có thêm động lực phấn đấu học tập để không phụ tấm lòng của người ơn. Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình mình nên Chính luôn tự cố gắng học tập.
Suốt 12 năm liền, Chính luôn là học sinh giỏi. Những năm phổ thông, Chính rất tích cực tham gia phong trào do Nhà trường tổ chức, luôn là học sinh gương mẫu trong học tập, vì thế em được lớp tín nhiệm bầu giữ chức lớp phó học tập, ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn.
Thế nhưng, dường như số phận càng muốn thử thách Chính, tai nạn giao thông bất ngờ ập đến vào cuối học kỳ I năm lớp 12 khiến em bị gãy xương đùi phải và chấn thương đầu. Tưởng rằng con đường học tập của em đến đó là một dấu chấm kết tròn trĩnh.... Tình trạng sức khỏe hết sức nguy kịch, em phải nghỉ học cả tháng liền để điều trị.
Thời gian này, dù rất nóng lòng mong muốn được về quê chăm sóc con gái, nhưng mẹ của Chính vẫn phải ngày ngày tất bật làm thêm giờ, làm tăng ca để có thêm tiền gửi về lo cho con. Người mẹ ấy chỉ có thể tranh thủ thời gian ăn trưa, ăn tối gọi điện thoại về hỏi thăm tình trạng sức khỏe của con và cầu xin điều kỳ diệu sẽ đến, giúp con mình được tai qua nạn khỏi.
Trước hoàn cảnh khó khăn của Chính, thầy cô và bạn bè trường THPT Châu Phong đã tổ chức quyên góp tiền giúp đỡ cho Chính chạy chữa.
Sáu tháng liên tục, Chính phải ngồi xe lăn và nhờ chiếc nạng để tiếp sức cho từng bước đến trường, nhất là những ngày vất vả ôn thi tốt nghiệp.
Điều kỳ diệu và niềm vui đỗ thủ khoa đầu vào trường Đại học An Giang với số điểm 27,5 (trong đó Ngữ văn 8.25, Lịch sử 9.5, Địa lý 9.75) là quả ngọt thơm thảo mà Chính đã dành tặng cho gia đình và thầy cô trường THPT Châu Phong, Thị xã Tân Châu...
Chính chia sẻ phương pháp học để đạt điểm cao: "Một phần nhờ em kiên trì thực hiện đúng thời gian biểu học tập, sinh hoạt hàng ngày. Đầu tuần, em thường vạch ra cho mình kế hoạch học tập cụ thể từng ngày và nghiêm túc thực hiện.
Đến cuối tuần, em dành thời gian tổng kết, ôn tập bài. Với các môn khối C, em lập sơ đồ tư duy các mốc sự kiện tiêu biểu theo giai đoạn, thời gian..., nắm chắc các luận điểm quan trọng, chứ không học lan man.
Ngoài ra em cũng tranh thủ thời gian lên mạng, tìm thêm sách báo và học hỏi, trao đổi thêm với thầy cô, bạn bè để bổ sung vốn kiến thức... Phần còn lại, chắc là nhờ em may mắn...".
Thầy Nguyễn Bình An - Giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Châu Phong cho biết: "Từ trước đến nay, em Chính được mọi người biết đến bởi tính cách vui vẻ, hòa đồng và chịu khó. Trong giờ học, em luôn tập trung, chăm chú theo bài giảng của thầy cô.
Bên cạnh đó, em còn là một học sinh năng động, có năng khiếu hùng biện và dẫn chương trình, em tham gia tích cực các phong trào đoàn thể của trường. Tinh thần giúp đỡ và chia sẻ với bạn bè của em ấy cũng rất đáng khen.
Thời gian em bị tai nạn giao thông, biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên nhà trường đã vận động hỗ trợ, tạo điều kiện và động viên tinh thần để em vững chí đi đến cùng con đường học tập của mình. Giáo viên của trường rất vui mừng và tự hào khi biết tin em thi đỗ Thủ khoa vào Đại học An Giang."
Nếu không được nghe chia sẻ từ Chính thì khó biết được trong xương đùi phải của em vẫn còn đang nẹp khớp xương nhân tạo bằng inox. Theo bác sĩ chuyên khoa thì phải phẫu thuật để lấy khớp xương nhân tạo ra sớm để tránh nhiễm trùng và di chứng về sau.
Hiện tại, Chính bước đi còn khập khiễng "chân thấp chân cao", nhưng em không quan tâm nhiều đến dáng đi bất thường hay lần phẫu thuật tháo inox sắp tới sẽ ra sao, điều mà em quan tâm hàng đầu ngay lúc này là làm sao nhanh chóng thích nghi với môi trường Đại học, làm sao học tập đạt kết quả tốt,...để nhận được học bổng học tập, phần nào đỡ đần cho gia đình.
Thủ khoa Trần Thị Chính nhận học bổng từ trường Đại học An Giang và các nhà tài trợ trong Lễ khai giảng (Ảnh: Huỳnh Cam).
Điều mà Chính lo lắng và ái ngại nhất đó là thời gian tới em khó có thể tham gia phong trào văn nghệ thể thao vì sự thiếu linh hoạt của chân phải...
Mặc dù Chính di chuyển bất tiện, hễ đi nhiều thì chân đau, nhưng ngày ngày em vẫn đều đặn đến lớp, vẫn đạp xe ra bến xe và bưu điện để nhận hàng (quần áo) và đem giao cho khách. Công việc làm thêm vài tháng gần đây - bán hàng online đã đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho em và phần nào giúp em có thêm một khoản thu nhập nho nhỏ trang trải cho việc học.
Có thể nói, nội dung quyển sách "Tôi tài giỏi - Bạn cũng thế" của tác giả Adam Khoo đã cho Chính nhiều bài học bổ ích, nhiều suy nghĩ sâu sắc hơn về con đường thành công và sự vươn lên trong cuộc sống.
"Ai cũng muốn làm một điều gì đó rất lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo ra từ những điều rất nhỏ", đó là câu nói mà Chính luôn khắc ghi, xem như là phương châm sống cho mình.
Khi được hỏi về ước mơ cho tương lai của mình, Chính bộc bạch: "Em nuôi ước mơ trở thành cô giáo từ nhỏ và gia đình luôn ủng hộ lựa chọn của em. Dẫu biết rằng, con đường phía trước còn nhiều chông gai, thử thách nhưng em sẽ cố gắng vượt qua và phấn đấu hết mình cho ước mơ sau này".
Vượt qua bao gian khó để thi đỗ vào trường Đại học An Giang, em Trần Thị Chính đã đặt bước chân đầu tiên trên hành trình chinh phục ước mơ. Với tính cách vui vẻ, năng động và nghị lực cầu tiến của mình, tin rằng trong một tương lai gần nhất, ước mơ của em sẽ trở thành hiện thực...
Huỳnh Cam
Theo giaoduc
Biệt thự cổ, vừa ở vừa run! Biệt thự Pháp cổ số 107 Trần Hưng Đạo đổ sập ngày 22.9 vừa qua đang khiến hàng trăm người dân sinh sống trong những ngôi nhà Pháp cổ còn lại của Hà Nội vừa ở vừa run. Căn biệt thự 70 Ngô Quyền xây từ thời Pháp, qua cả trăm năm sử dụng, tường nhà bắt đầu nứt vỡ. Nhiều vị trí...