Chàng thanh niên đánh giày tật nguyền… thà chịu đói chứ không tiếp tay cho ma túy
Sau nhiều năm “can trường” mưu sinh bằng “nghề” xin ăn, rồi có cả “nghề đạo chích”, đến nay chàng thanh niên tật nguyền ấy đã nhận ra rằng mình phải kiếm tiền bằng một cách chân chính.
Người dân TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã quá quen thuộc hình ảnh chàng thanh niên dáng người nhỏ, nước da ngăm đen với đôi chân tật nguyền bẩm sinh hàng ngày vẫn cần mẫn đánh giày thuê kiếm sống ở góc quán cà phê Khanh tại số 36 đường Hùng Vương. Nhưng ít ai ngờ chàng thanh niên ấy lại có một cảnh đời với những nỗi niềm chua chát về số phận…
Khổ từ trong trứng
“Khi được sinh ra, số phận nghiệt ngã tưởng chừng đã đẩy tôi vào con đường tăm tối, nhưng với bản lĩnh và nghị lực, tôi đã vượt qua tất cả để làm một người công dân tốt cho xã hội”- Đó là lời tâm sự của Lê Trung Kiên, SN 1983, trú tại phường 1, TP Đông Hà.
Kiên nói: “Câu chuyện về số phận cuộc đời đầy bất hạnh của mình kể ra dưới đây không phải là để mọi người thương hại, mà từ trong sâu thẳm của đáy lòng mình chỉ mong sao có người biết đến để chia sẻ những nỗi buồn chua xót cứ chất chồng, ngổn ngang trong con người Kiên bấy lâu nay vẫn chưa biết giãi bày cùng ai”.
Lúc sinh ra thì cơ thể Kiên không lành lặn như bao đứa trẻ khác. Đôi chân bị co quắp không thể đi lại được. Và sau mỗi lần cố gắng huy động chút sức lực yếu ớt gượng lên tập đi ấy là toàn cơ thể Kiên bị sưng tấy, trầy xước vì đôi chân tật nguyền đứng không vững nên té ngã. Hết lần này đến lần khác rút cuộc em chỉ có thể lết đi từng bước yếu ớt cho đến tận bây giờ.
Kiên kể, sở dĩ đôi chân mình bị tật nguyền như vậy là nguyên nhân bắt đầu từ mối tình “cay đắng” không thành của bố và mẹ Kiên. Khoảng năm 1976, bố Kiên lúc đó là một lái xe, đem lòng yêu mẹ Kiên, nhưng mối tình đầy ngang trái của họ kéo dài trong 8 năm nhưng không thể tiến đến hôn nhân vì hai gia đình không tán thành cùng với nhiều lời thị phi… chia cắt họ.
Cuối năm 1982, mẹ Kiên có bầu nên đã giấu tin này không cho bố Kiên biết. Người đàn bà ấy đã dùng dây vải, quấn ép bụng bầu để không ai phát hiện. Mãi đến lúc thai nhi trong bụng đến tháng thứ 7 không thể nào giấu được nữa thì bà mới cho bố Kiên và gia đình hai bên được biết. Nhưng sự đời éo le, người bố không nhận con khiến mẹ Kiên rơi vào tình cảnh tuyệt vọng đau khổ, rồi căm hận đến tột cùng. Sau một phút nông nổi, người đàn bà ấy đã dùng thuốc độc nhằm “giải quyết” cái thai. Sự việc được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên khi Kiên cất tiếng khóc chào đời thì cơ thể em không còn lành lặn như bao đứa trẻ khác.
Kiên được ông bà ngoại cưu mang, nuôi nấng. Khi Kiên 7 tuổi, người bố từ Đông Hà ra Vĩnh Linh xin phép ông bà ngoại đưa Kiên về sống cùng. Chưa được bao lâu, bố Kiên lấy vợ khác. Vậy là cảnh dì ghẻ con chồng lại diễn ra chẳng khi nào yên ổn. “Hễ đi đâu thì thôi, chứ về đến nhà người vợ mới của bố lại lên cơn thịnh nộ, dày xéo, chửi bới, đánh đập Kiên đến tím người. Đã thế, mỗi lần Kiên “giải bày” với bố không những không được thông cảm mà còn bị bố ruồng bỏ, nghe theo vợ đánh Kiên đến… thừa sống thiếu chết”.
Kể từ đó, đứa trẻ tật nguyền bắt đầu cuộc sống đầu đường xó chợ. Những ngày đầu “ra đời tự lập” cứ lết đến được chỗ nào thì đó là nhà của mình, đói lúc nào xin được cái gì thì ăn cái đó. Ngày qua ngày, cảnh đói rét, thiếu thốn tình thương của người thân cũng dần quen với Kiên, và như để chống chọi vượt qua “cuộc sống mới”, lắm lúc vì dòng đời xô đẩy đến bần hàn buộc Kiên phải “hành nghề… đạo chích vặt” ở các khu chợ. Không nhà, không cửa, vỉa hè, hầm cống là nhà của Kiên sau một ngày lang thang kiếm sống- Kiên kể.
Mới đây thôi, lúc Kiên rơi vào tình cảnh éo le, bị ốm kéo dài nhiều ngày không có tiền mua thuốc, Kiên nhờ bố chở về nhà mẹ xin tiền để mua thuốc chữa bệnh, vậy mà đến lúc ra về bố Kiên lại xòe tay ra lấy của Kiên 140 ngàn đồng tiền công, trong khi mẹ chỉ cho Kiên chưa đầy 500 ngàn đồng càng khiến ruột gan Kiên như bị xát muối và cắt ra từng mảnh. Mấy đồng bạc mẹ cho Kiên trong lúc túng quẫn giờ đã phải cắt làm đôi. Một nửa dùng để trả lộ phí đi đường cho người cha, một nửa ít ỏi còn lại không đủ Kiên mua thuốc hạ sốt và một phần cơm bụi- Kiên kể lại những tháng ngày cay đắng, chua xót đã trải qua.
Với đôi chân co quắp, hàng ngày Lê Trung Kiên vẫn cần mẫn đánh giày thuê chứ nhất định không đi bán ma túy thuê
Video đang HOT
Đánh giày ít tiền… nhất định không bán ma túy
Sau nhiều năm “can trường” mưu sinh bằng “nghề” xin ăn, rồi có cả “nghề đạo chích”, đến nay chàng thanh niên tật nguyền ấy đã nhận ra rằng mình phải kiếm tiền bằng một cách chân chính. Vậy là nghiệp đánh giày thuê kiếm sống qua ngày cứ quấn lấy Kiên cho đến bây giờ.
Kiên tâm sự, để trở thành một người tốt sao mà khó đến thế? Nếu không có bản lĩnh và quyết tâm cao thì chính tay Kiên mấy năm qua đã tiếp tay cho nhiều đối tượng xấu gieo rắc tai họa “chất trắng” cho bao người. Năm 2009, rồi năm 2010 và đầu năm 2011… Kiên đã được nhiều đối tượng, trong đó có cả người quen, “đặt vấn đề” với Kiên đi bán ma túy thuê với khoản ăn chia “béo bở” mà theo Kiên chỉ làm một ngày thì số tiền có được gấp 10 năm đánh giày thuê như Kiên cũng không bao giờ có được.
Các đối tượng thương lượng, cứ bán được một tép Heroin thì sẽ có 70 ngàn đồng tiền lời, số tiền lời này sẽ chia cho Kiên 40 ngàn đồng/tép Heroin. Có nhiều đối tượng còn ngã giá ăn chia cao với Kiên là 60 ngàn đồng/tép Heroin, mà nhiệm vụ giao cho Kiên vô cùng đơn giản là ngồi một chỗ để bán “hàng” cho con nghiện. Song với tất cả “bổng lộc” đưa ra cho Kiên “lựa chọn” đều bị chàng thanh niên tật nguyền đánh giày từ chối.
Khi được hỏi, sao các đối tượng không thuê người khác mà đề nghị Kiên bán ma túy cho bọn chúng, Kiên đáp: “có lẽ những đối tượng ấy dùng “chiêu” là người tàn tật bán “hàng” dễ qua mặt các cơ quan chức năng. Mặt khác, có thể bọn chúng nghĩ rằng hoàn cảnh bần hàn sẽ buộc Kiên phải nhận lời bán ma túy cho chúng. Mà chắc chắn như vậy, đã có nhiều đối tượng năm lần bảy lượt cứ “khuyên” Kiên là tàn tật, sức khỏe yếu nếu đánh giày thuê như thế chỉ được một vài năm nữa thôi, không nhanh chóng kiếm tiền thì sau này lấy gì mà sinh sống”.
Kiên kể, dù cuộc sống có khổ cực trăm bề Kiên vẫn sẽ cố gắng vượt qua. Quả thật, mấy năm nay, ngoài công việc đánh giày thuê kiếm tiền, đêm đến Kiên tiếp tục đi trông coi cây cảnh cho một gia đình ngay ở TP Đông Hà và ngủ luôn ở đó, nơi có túp lều tôn được chủ nhà dựng lên…
Chia tay với chúng tôi, chàng thanh niên tật nguyền Lê Trung Kiên nói như đang nói với chính lòng mình: “Kiên sẽ vượt qua mọi cám dỗ trong cuộc sống, và sẽ sống có ích cho xã hội đúng như tên gọi là Lê Trung Kiên”.
Theo PLXH
Đôi chân kì diệu của cậu bé "chim cánh cụt"
Tạo hóa đã không cho em hoàn thiện một cơ thể sống bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đã cho em một đôi chân kì diệu...
Tạo hóa đã không cho em hoàn thiện một cơ thể sống bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đã cho em một đôi chân kì diệu. Đôi chân nhỏ bé ấy đã và đang hằn chi chít những vết sẹo, vết chai sần to nhỏ, cũ mới chồng lớp lên nhau của một tuổi thơ nghiệt ngã.
Vào một ngày trời nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm đến ngôi nhà ngói ba gian tường ốp ván nằm lọt thỏm giữa cánh đồng khô nứt nẻ ở ấp 2, xã Gia Canh - Định Quán - Đồng Nai để gặp em Hồ Hữu Hạnh học sinh lớp 5 trường Tiểu học Kim Đồng - nhân vật đã làm nức lòng bao trái tim đa cảm.
Nước mắt người mẹ
Năm 1989, anh Hồ Hữu Thân và chị Bùi Thị Hợp cùng vào Đồng Nai lập nghiệp. Năm 1995, anh chị cưới nhau và năm năm sau bé Hồ Hữu Hạnh ra đời. Niềm vui của anh chị chưa đến thì nỗi đau ập tới. Hạnh sinh ra cơ thể không có hai cánh tay. Theo lời kể của chị Hợp thì khi mang thai bé Hạnh, chị có đi siêu âm cả thể ba lần và cả ba lần bác sĩ đều kết luận là "thai nhi không bình thường" mà không hề giải thích thì thêm. Anh chị cứ suy nghĩ chắc do thai nhi yếu hay thai nằm ngược chứ đâu ngờ một sự nghiệt ngã của số phận đã dành cho đứa con của mình ngay từ trong bụng mẹ.
Gần một tháng sau khi sinh chị Hợp vẫn không hề biết con mình không có tay, mọi sinh hoạt của chị và bé đã có bà ngoại và anh Thân lo, mọi người từ bà ngoại, chồng chị và tất cả những người hàng xóm tới thăm đều giấu chị. Sau này anh Thân mới nói mọi người giấu chị vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần, tâm trí của chị. Khi mới sinh chị rất yếu mọi người sợ chị sẽ không vượt qua được khi biết được sự thật.
Cho đến một hôm mọi người ra ngoài hết, một mình chị Hợp loay hoay thay tã cho con, kéo tấm vải quấn trên người con, chị giật mình hét lên một tiếng rồi ngất lịm. Khi tỉnh dậy, chị như người mất hồn, chị không tin vào mắt mình, lúc này chị mới nhớ lại khuôn mặt biến sắc của vị bác sĩ siêu âm và những tiếng sụt sịt của chồng trong bệnh viện mà lúc đó chị cứ nghĩ anh bị cảm.
Suốt những ngày sau đó, chị Hợp nằm im lìm, lặng lẽ cùng những dòng nước mắt không ngớt tuôn chảy. Chị khóc cho bản thân mình, khóc cho đứa con tội nghiệp, chị đặt ngay tên con là Hạnh vì chị thấy cháu bất hạnh quá, cả đời này, chắc cháu chỉ ngồi một chỗ và đút cho ăn mà thôi. Chị kể tiếp: thời gian mà Hạnh biết bò và tập đi, tôi không làm được gì ngoài việc theo dõi, quan sát cháu. Khác với những đứa trẻ bình thường, Hạnh vừa bú mẹ vừa đưa chân lên kẹp vào vú bên kia, rồi khi tập bò, Hạnh trườn như một con sâu đo. Vất vả nhất là lúc tắm cho cháu, tôi cứ sợ tuột tay vì người cháu trơn tuồn tuột không có điểm tựa. Rồi những đêm nằm ngủ Hạnh cứ rúc đầu vào nách rất nhột.
Nguyên nhân vì sao Hạnh lại bị như vậy trong khi ba trong bốn người con của anh chị đều khỏe mạnh, bình thường, anh chị cũng bình thường không hề có bệnh tiền sử gia đình. Sau này khi đưa Hạnh đi khám, bác sĩ kết luận Hạnh bị nhiễm chất độc dioxin. Lúc này, anh Thân mới nhớ lại hồi anh chị chưa cưới nhau có một thời gian anh làm rẫy ở trong rừng cùng một người bạn, một hôm khi đang phát rẫy, người bạn làm cùng với anh giẫm phải một thùng thuốc đổ lênh láng ra ngoài (sau này anh mới biết đó là thùng thuốc diệt cỏ còn sót lại từ thời chiến tranh).
Trong thời gian đó anh và những người cùng làm rẫy vẫn ăn uống và lao động bình thường, sau này kết luận của bác sĩ cho biết anh bị nhiễm chất độc dioxin. Được biết, người bạn cùng làm với anh thuở ấy cũng có một đứa con bị bại liệt, không còn khả năng đi lại.
11 năm trôi qua kể từ tiếng thét đớn đau, chị Hợp vẫn còn bị ám ảnh, chị không bao giờ quên được cái thời khắc kinh hoàng khi biết sự thật về đứa con không tay của mình. Hai lần sinh sau này, chị đi siêu âm thường xuyên mặc dù biết siêu âm nhiều không tốt cho thai nhi. Chị sinh ngay tại nhà, hai vợ chồng tự lo cho nhau và tự đón đứa con chào đời mà không đi bệnh viện, không mời bà đỡ. Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, bất kể đớn đau, chị vùng dậy sờ soạng khắp người con, khi biết con đã đầy đủ cả chân lẫn tay chị mới chịu nằm nghỉ.
Hành trình đôi chân
Từ khi chập chững biết đi cho đến những bước chân vững vàng, rắn rỏi, Hạnh thường trốn mẹ sang nhà hàng xóm chơi rồi đi theo bạn tới trường xem học. Hạnh đứng ngoài cửa sổ ngó vào lớp học, từ đó đã hình thành trong đầu Hạnh một ý nghĩ. Hạnh về đòi mẹ cho đi học khi đó Hạnh mới 5 tuổi. Chị Hợp không cho đi vì nghĩ con mình khuyết tật như vậy thì học làm sao được, ai người ta nhận. Hạnh vẫn tiếp tục trốn mẹ đi xem học.
Cho đến một ngày cô giáo Huyền tới tận nhà ngỏ lời cho Hạnh đi học vì cô thường thấy Hạnh đứng ngoài cửa sổ lớp học nhìn vào với một ánh mắt khao khát. Mẹ dẫn Hạnh đến trường Tiểu học Kim Đồng xin cho Hạnh học nhưng nhà trường không đồng ý vì trước giờ trường không nhận học sinh khuyết tật, hơn nữa trường hợp của Hạnh không thể dạy và học được vì em không có tay để viết. Do sự tác động từ phía giáo viên là cô Huyền và sự thèm khát được tới trường của Hạnh cuối cùng nhà trường đã đồng ý. Ngay trong năm học đầu tiên, Hạnh giành được danh hiệu học sinh giỏi trước sự ngỡ ngàng của thầy cô, sự thán phục của bạn bè.
Hạnh viết bằng chân, lúc đầu là những nét chữ nguệch ngoạc sau dần chữ của Hạnh không thua kém gì các bạn trong lớp. Ngoài giờ học, Hạnh giúp ba mẹ làm tất cả những việc trong nhà từ rửa chén, nấu cơm, giặt đồ... và những sinh hoạt cá nhân Hạnh không phải nhờ đến ai.
Năm 2008, một nhà hảo tâm trên TP HCM tặng Hạnh chiếc xe đạp 3 bánh và một nhà hảo tâm khác tặng cho Hạnh bộ máy tính. Vậy là đôi chân Hạnh tiếp tục chinh phục những thử thách mới cho riêng mình. Hạnh thường lấy xe chở em đi chơi, đi học rồi phụ mẹ chở dưa leo ra chợ bán. Mỗi chuyến xe Hạnh chở được hai bao có trọng lượng khoảng 50kg. Còn vi tính hiện giờ Hạnh đạt đến trình độ B.
Hạnh bơi rất giỏi, trước cửa nhà có một cái ao, một lần Hạnh tự nhảy xuống ao tập bơi, lúc đó ông ngoại ở trong nhà nhìn ra tưởng Hạnh ngã xuống ao chết đuối, ông hốt hoảng chạy ra thấy Hạnh đang đập nước phành phạch nhìn ông cười thật tươi. Hạnh có thể bơi ngửa, bơi nằm, bơi đứng. Hiện giờ Hạnh không có đối thủ bơi ở lứa tuổi này. Chúng tôi dẫn Hạnh ra hồ bơi có chiều dài 16m, Hạnh bơi liên lục ba vòng quanh hồ.
Hiện giờ trên trán, trên chân của Hạnh vẫn còn vô số những vết sẹo lớn bé trong quá trình tập xe và làm việc. Hạnh cho biết em bị tai nạn nhiều nhất trong lúc tập xe, có lần đang chạy xe đi học thì gặp một xe tải chở mía, Hạnh lái xe sang vệ đường để tránh xe tải thì trượt chân té xuống rãnh, theo phản xạ của người bình thường thì khi ngã lấy tay đỡ còn Hạnh thì dùng đầu đỡ và lần ấy Hạnh đập đầu xuống đất mạnh quá nên ngất xỉu phải đi bệnh viện cấp cứu.
Một lần khác Hạnh khát nước mà ở nhà không có ai sẵn có bình đá đựng nước nhưng trong lại đổ nước nóng, Hạnh kẹp hai chân vào bình rồi dốc xuống miệng, nước nóng làm bỏng hết mặt, cổ và bụng của Hạnh, may mà lần đó có người phát hiện kịp thời đưa Hạnh đi bệnh viện. Còn nhiều và rất nhiều tai nạn khác nữa, điều đó cũng dễ hiểu thôi vì một người bình thường còn gặp phải huống chi một cậu bé đã mất đi một bộ phận cơ bản nhất của cơ thể một con người.
Tất cả những việc làm nói trên Hạnh đều tự tìm tòi, mày mò mà làm được. Hạnh khẳng định: "Bơi lội, đi xe đạp, đánh máy tính đều do em tự học. Ba mẹ chỉ dạy em một điều, đó là học ăn và học nói".
Giấc mơ "chim cánh cụt biết bay"
"Chim cánh cụt" là tên gọi thân thương mà bạn bè, thầy cô đặt cho Hạnh. Hạnh cũng rất thích tên đó và lấy làm nick name của mình nhưng em thêm hai từ "biết bay" vào nữa.
Hạnh mơ ước sau này sẽ trở thành một kỹ sư tin học. "Em thích nhất là tin học, ở đó em thể khám phá tất cả thế giới bên ngoài chỉ bằng một cú click chuột. Em quyết tâm lên lớp 6 sẽ thi bằng B vi tính". Quả thật Hạnh rất nhanh và linh hoạt trong xử lý máy tính, chúng tôi đã tận mắt nhìn Hạnh dùng đôi chân gõ bàn phím và rê chuột một cách chuyên nghiệp. Khi được hỏi bây giờ Hạnh muốn gì? Em trả lời ngay "em muốn được vào học ở trường khuyết tật vừa học vừa làm, em muốn được đi làm ngay bây giờ".
Hạnh thấu hiểu được sự vất vả lam lũ của ba mẹ bởi thực tế vợ chồng anh Thân, chị Hợp vẫn chưa có lấy một ngôi nhà, một mảnh vưởn cho riêng mình. Chị Hợp kể cách đây 7 năm anh chị cũng có đất và nhà riêng, anh làm rẫy, chị chăn nuôi, chẳng may năm đó có dịch bệnh heo tai xanh, đàn heo mấy chục con của chị chết hết. Hết vốn, nợ nần chồng chất, anh chị phải bán nhà để trả nợ. Anh chị bồng bế con về nhà bà ngoại ở đến bây giờ và sống bằng nghề trồng rau trên ba sào đất của bà ngoại cho mượn.
Trong suốt một ngày tiếp xúc với Hạnh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục. Hạnh nhanh nhẹn, thông minh và lễ phép vô cùng. Hạnh thương ba mẹ, thương em, biết ơn những người giúp đỡ và cưu mang mình. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Định Quán nhận xét về Hạnh: "Tất cả mọi người không riêng gì tôi đều yêu thương Hạnh, Hạnh rất thông minh, ngoan ngoãn lại học giỏi, viết chữ bằng cả hai chân. Đây là một cậu bé có tài, có đức".
Rời ngôi nhà ngói ép ván không ngớt tiếng cười, chúng tôi từ biệt Hạnh để về lại thành phố. Hạnh chạy theo xe ra tận ngõ, em cười thật tươi nói với theo "chị nhớ xuống thăm em nhé!". Tôi giơ tay vẫy chào mà lòng nhói lên khi nhận được ánh mắt sáng rực của Hạnh nhìn theo với một niềm hy vọng tuyệt vời ở phía trước.
Theo ANTD
Phận nữ nhi đánh giầy và nỗi lo bị sàm sỡ Công việc đánh giầy vỉa hè giờ đây không còn là đặc thù của nam giới mà đã trở thành sự lựa chọn của nhiều cô gái tỉnh lẻ lên thành phố kiếm việc làm. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, vì công cuộc mưu sinh, họ luôn xách làn rong ruổi khắp các con phố để kiếm khách. "Kiều nữ" và......