Chàng sinh viên nghèo và mục tiêu “lương khủng” 4.000USD/tháng
22 tuổi, chàng sinh viên Thân Văn Vũ là một trong ít bạn trẻ may mắn được Công ty TNHH ABB tại Việt Nam, thuộc tập đoàn ABB của Thụy Sỹ “săn đón” sau khi tốt nghiệp lớp Kỹ sư tài năng, thuộc Viện điện, Đại học Bách khoa Hà Nội. Một cánh cửa đang rộng mở để chàng trai trẻ chinh phục mục tiêu “lương khủng” 4000 USD/tháng của mình.
Vươn lên trong gian khó
ABB là tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới về các thiết bị, hệ thống kỹ thuật điện và tự động hóa có trụ sở tại Zurich, Thụy Sỹ, là niềm mơ ước của bao bạn trẻ học ngành kỹ thuật không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo, thôn Tân Luận, xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, trong một gia đình làm nông có 3 chị em, tuổi thơ của Vũ trải qua nhiều gian khó và cả những vết thương tinh thần.
Bố mẹ chia tay khi Vũ vào lớp 1, cậu còn quá nhỏ để hiểu cuộc sống sẽ khó khăn ra sao khi chỉ còn người mẹ chăm lo cho 3 đứa con thơ dại. Những vết thương tinh thần mà người cha gây ra không bao giờ Vũ có thể quên và cũng không muốn nhắc lại. Rồi ông qua đời khi tuổi còn khá trẻ, lúc Vũ vừa bước chân vào cánh cổng đại học.
Khoản thu nhập ít ỏi từ vài sào ruộng thật khó để người mẹ chăm một lúc 4 miệng ăn. Tiền ăn học của 3 chị em Vũ đều nhờ vào khoản vay từ nguồn vốn cho gia đình chính sách ở địa phương và nguồn vốn trợ cấp cho sinh viên.
Gánh nặng trên vai người mẹ như được trút đi nhiều phần khi Vũ may mắn là 1 trong 2 sinh viên được học bổng của Công ty ABB, trị giá 27 triệu đồng/năm.
Với Vũ, đạt được học bổng này là điều không ngờ tới vì ảnh hưởng tâm lý chuyện gia đình khiến kết quả học tập của cậu sa sút nghiêm trọng và không đủ tự tin ứng tuyển. Vũ kể lại: “Khi thầy dạy mình cũng là thầy Viện phó thông báo về học bổng này có tới 2/3 lớp đăng ký, mình là một trong những người không ứng tuyển. Thầy bảo: Cứ đăng ký đi, người ta chưa loại sao đã tự loại mình như thế.”
Chính câu nói ấy đã khích lệ Vũ mạnh dạn đăng ký, để rồi 15h30 hết hạn thì 14h Vũ “tốc ký” viết đơn dự tuyển.
Vượt qua 50 ứng cử viên trong toàn Viện điện, Vũ là 1 trong 2 sinh viên được công ty ABB trao học bổng và hứa hẹn cơ hội việc làm sáng giá khi ra trường.
Video đang HOT
Lần đầu tiên sở hữu khoản tiền gần 30 triệu đồng, Vũ có bao kế hoạch, dự định cho mình, nhưng điều cậu lưu tâm nhất là mang số tiền này đỡ đần người mẹ đang từng ngày bươn chải ở quê nghèo. Vì vậy, dù khi ấy đã là sinh viên năm thứ 3, nhưng Vũ chưa bao giờ có chiếc máy tính xách tay cho riêng mình. Bạn bè nhiều người hỏi, sao nhận một lúc mấy chục triệu mà không mua được cái máy tính, những khi ấy Vũ chỉ lặng lẽ cười trừ.
Mục tiêu “lương khủng”
Việc lập mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn của cuộc đời là thói quen của Vũ từ thuở nhỏ. Những cái gạch đầu dòng, những hình vẽ nguệch ngoạc, ngộ nghĩnh là những điều Vũ thường làm để tạo nên một kế hoạch cho tương lai.
Những cái gạch đầu dòng, những hình vẽ nguệch ngoạc, ngộ nghĩnh là những điều Vũ thường làm để tạo nên một kế hoạch cho tương lai.
Nhìn vào những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của Vũ, có người sẽ cho rằng có những cái khá viển vông, nhưng thói quen của cậu là luôn đặt ra những mục tiêu thật cao để bản thân phải nỗ lực lớn để đạt được nó.
Ấn tượng nhất trong những mục tiêu dài hạn của Vũ là năm 2016, hai năm sau khi ra trường, sẽ có mức thu nhập không dưới 4000 USD/tháng, tương đương với hơn 80 triệu đồng tiền Việt Nam.
Vũ chia sẻ về mục tiêu của mình: “Lương cao thì ai cũng muốn, nhưng đạt được hay không một phần phụ thuộc vào năng lực của mỗi người. Tôi không nghĩ sau này chỉ là một kỹ sư, ngồi máy tính thiết kế sản phẩm. Tôi muốn học hỏi thêm, đi sâu phát triển làm kinh doanh, bên cạnh việc thiết kế còn bán sản phẩm cho công ty. Và nếu tôi thực hiện được mục tiêu trở thành một người quản lý, thì mức lương như vậy không phải là quá cao.”
Vũ tự nhận mình là người hiếu thắng, luôn muốn đạt kết quả cao nhất ở những mục tiêu đặt ra. Nhưng những gì Vũ chia sẻ chứng tỏ cậu hoàn toàn tự tin vào năng lực của bản thân, điều này đã được chứng tỏ bằng kết quả học tập và những thành tích đáng nể Vũ đạt được.
Đồng thời, sự nỗ lực ở Vũ dường như chưa bao giờ có điểm dừng. Chàng sinh viên nghèo dường như đang tăng tốc và nỗ lực không ngừng để thay đổi số mệnh. Xuất phát với số điểm Toeic khiêm tốn dưới 300, vượt qua nỗi xấu hổ và mặc cảm trước bạn bè, giờ đây, chỉ sau 4 tháng tự ôn luyện, Vũ đã có thể tự hào với số điểm 850. Nhưng không dừng lại ở đó, những cuốn sách luyện thi Toeic dày cộp trên bàn học và khoảng thời gian tối đa mỗi ngày dành cho tiếng Anh là minh chứng cho mục tiêu đạt điểm Toeic tối đa 990 của chàng trai trẻ.
Bên cạnh những mục tiêu lớn lao, Vũ cũng vạch ra cho bản thân những mục tiêu gần gũi, dễ dàng hiện thực hóa, vì với chàng trai trẻ này, để làm được những cái lâu dài thì phải làm tốt những cái trước mắt và cậu tin rằng không có gì là không thể.
Theo Laodong
Mang chăn ấm về "rốn rét" Quản Bạ
Những đôi chân bé xíu không giày dép, phong phanh trong chiếc áo mỏng sờn cũ giữa cái lạnh 2 độ C. Cái nghèo, cái khó của đồng bào, trẻ em người Mông vùng cao Hà Giang chưa bao giờ gần chúng tôi đến thế. Có lẽ chỉ đến khi chạm mặt những hình ảnh này, mới thấy những món quà dù nhỏ, nhưng đến được đúng lúc với người nghèo thiết thực đến thế nào.
Niềm vui của các em nhỏ khi nhận được chăn, quần áo ấm
Chạm mặt cái rét vùng cao
Bộ phận thông tin điện tử báo An ninh Thủ đô cập nhật tình hình diễn biến thời tiết cho biết: Sẽ có một đợt rét đậm rét hại tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là những tỉnh vùng cao. Thông tin này nhanh chóng làm "nóng" lịch trình của đoàn công tác xã hội từ thiện. Ngay lập tức, chuyến hàng đầu tiên được lên kế hoạch. Điểm đến sẽ là xã Cán Tỷ và Bát Đại Sơn của "rốn rét" vùng cao Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Tờ mờ sáng 26-12, khi Hà Nội vẫn còn se se lạnh trước những cơn gió heo may thì những chuyến xe của đoàn công tác xã hội từ thiện Báo An ninh Thủ đô và Thẩm mỹ viện Hải Duyên lặng lẽ lên đường. Ra khỏi Hà Nội thì trời bỗng dưng đổi gió và đến khi chúng tôi tới Quản Bạ đối mặt với cái rét thấu xương. Dù được thông báo trước, nhưng ông Sùng Mý Lùng, Chủ tịch xã Cán Tỷ vẫn co ro, suýt xoa mừng rỡ: "Tôi không ngờ thời tiết chuyển biến nhanh đến thế này. Các anh, các chị đến với bà con chúng tôi lúc này thật quý hơn vàng". Số hàng lần này chúng tôi mang tới cho Cán Tỷ là 310 suất quà với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.
Mỗi suất bao gồm 1 chăn ấm, 5 kg gạo, 1 kg miến cùng với gia vị, muối, quần áo, tất, mũ dép trị giá 325 nghìn đồng cho các hộ nghèo và các em của trường dân tộc nội trú. Ông Lùng kể: Cán Tỷ là xã nghèo thuộc loại nhất nhì huyện Quản Bạ với số hộ nghèo thống kê được lên tới 73%. Đa số các hộ nghèo đều là đồng bào dân tộc Mông. Riêng các em học sinh nội trú ở đây thì cái khổ, có nói các anh cũng không tưởng tượng được. Chỉ tính riêng việc lo cho các em ngày 3 bữa cơm chắc dạ để lên lớp cũng đã chật vật lắm rồi, thế nên việc lo cái mặc lúc trời đông giá rét thì được đến đâu hay đến đấy.
Ông Lùng không nói quá. Nghe tin có đoàn công tác từ thiện của Hà Nội tới tặng quà, các em học sinh của trường tiểu học Cán Tỷ mừng lắm. Tờ mờ sáng 27, khi chúng tôi còn đang chuẩn bị, em Giàng Thị Ly học sinh lớp 4A2 đã có mặt. Nhận bộ quần áo từ tay bà Lê Hải Duyên - Giám đốc Thẩm mỹ viện Hải Duyên mà Ly cứ lóng ngóng mãi không dám mặc. Mẹ bé Ly mất từ sớm, nhà nghèo khó, dưới Ly còn 2 đưa em lít nhít nên việc có một bộ quần áo mới với cô bé như giấc mơ. Cô giáo chủ nhiệm La Thị Thúy kể, lúc chúng tôi tới nhà vận động gia đình cho Ly tới lớp, bố cô bé bảo: "Nhà không còn ngô đâu, bây giờ nó lớn, cắt cỏ, đi nương được rồi, cho nó đi học thì biết lấy cái gì nuôi hai đứa còn lại". Phải dỗ ngon ngọt mãi, bé Ly mới được tới trường. Tài sản của cô bé chỉ duy nhất có bộ quần áo trên người. Thế nên với Ly món quà này của chúng tôi là thứ tài sản lớn nhất bây giờ em mới có.
Đại diện Báo ANTĐ và ni sư Thích Đàm Nhung - chùa Vân Hồ
trao quà cho thầy trò trường Tiểu học Khau Vai - Mèo Vạc
Món quà ý nghĩa
Khi nhiệt độ của huyện Mèo Vạc bắt đầu xuống dưới 5 độ C cũng là lúc chuyến hàng thứ 2 của Báo An ninh Thủ đô cùng đoàn công tác của cán bộ chiến sỹ Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Phòng X. - Công an thành phố Hà Nội, UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) và ni sư các chùa Sở Thượng, Quan Hoa, Trung Kính Hạ, chùa Bộc, chùa Lủ và chùa Vân Hồ bắt đầu đến với đồng bào, học sinh xã Khau Vai. Những cơn gió của vùng núi đá tai mèo như hàng nghìn chiếc kim thi nhau quất vào mặt buốt thấu xương. Ấy vậy mà những học sinh, những gia đình nghèo ở đây vẫn phất phơ trong chiếc áo mỏng dính. Món quà mà chúng tôi mang tới Khau Vai lần này trị giá 90 triệu đồng bao gồm 50 suất quà (mỗi suất 1 chăn ấm, 1 thùng mỳ) cho các hộ nghèo. Đặc biệt trong số đó còn có 100 chiếc chăn ấm, 100 áo len, 100 thùng mỳ, 3 tạ gạo, 3 tạ mỳ cùng với đường, bánh kẹo, mỳ chính, bít tất để tặng riêng cho các em học sinh nội trú của xã. Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Quý nghe tin xã được nhận quà, mặt cứ hớn hở: Xã còn khó khăn lắm, các anh, các thầy giúp bà con, giúp các cháu được dù chỉ một đôi tất cũng là quý lắm rồi.
Chuyển quà cho trường Tiểu học Khau Vai
Mặc dù đây là lần thứ 3 đến với đồng bào người Mông vùng cao Hà Giang, nhưng thầy Thích Đàm Thu (chùa Vân Hồ) vẫn không khỏi bùi ngùi xót xa khi trao tận tay những món quà cho các em nhỏ. Dù đã rất ý tứ, nhưng các thầy cô giáo của trường tiểu học Khau Vai cũng không thể nào giấu được nhưng đôi chân bé tí xíu trần trụi trên mặt sân trường nứt nẻ vì lạnh. Ở góc sân trường, tôi gặp em Thào Mý Dông ở bản Xín Thầu tay cứ mân mê đôi bít tất và chiếc áo len mới được tặng. Hỏi: Sao không mặc vào cho đỡ lạnh. Dông cười bảo, cái áo này nhiều tiền lắm. Mặc vào thấy... tiếc. Năm ngoái Dông theo mẹ đi chợ huyện bán ngô, nằn nì mãi mà mẹ vẫn chưa có tiền để mua cho em chiếc áo. Thế mà "đùng" một cái, có người mang nó đến tặng,
Dông cứ ngỡ nằm mơ.
Cái "giấc mơ" của Dông còn hiện rõ khi đoàn công tác chúng tôi theo ông Quý đi "thị sát" khu ăn ở nội trú của thầy trò trường tiểu học Khau Vai. Ông Quý chỉ căn nhà 3 gian xây gạch giới thiệu: "Chỗ này mới được huyện đầu tư xây lại cho các em chứ vốn trước đây nó là nhà tạm toàn tranh tre nứa lá". Gọi là mới, nhưng cũng chỉ được cái xác nhà chứ chưa hề có chăn màn tử tế. Tôi nhìn gian nhà thông thống vỏn vẹn mấy chiếc giường tầng. Giữa cái rét cắt thịt của núi đá, các em nhỏ chỉ có vẻn vẹn mấy manh chiếu kê trên giát gỗ. Thế này thì đến người lớn cũng không ngủ nổi, nói gì đến học sinh. Anh Giàng Mý Chứ, bí thư xã đoàn an ủi: "Mọi năm, các cô giáo phải đốt chảo than giữa nhà cho các em sưởi, nhưng lúc nào cũng phải cắt người thức coi vì sợ ngạt. Bây giờ, có chăn ấm, có quần áo rét, đêm nay các em sẽ không phải đốt chảo than đặt giữa phòng như mọi đêm nữa".
Báo ANTĐ và bà Hải Duyên - GĐ Trung tâm Mỹ viện Hải Duyên
trao quà cho đồng bào và học sinh xã Cáu Tỷ, Quản Bạ
Cũng trong chuyến đi này, đoàn công tác quyết định sẽ tài trợ cho Khau Vai xây dựng một con đường bê tông dài 200m thay cho con đường đất dốc đứng, trơn nhẫy vào những ngày mưa. Đây là con đường để các em nhỏ trường tiểu học và trung học cơ sở Khau Vai có thể an toàn đi từ khu nội trú lên lớp học mà không bị ngã. Ni sư Thích Đàm Nhung bảo, thầy sẽ vận động thêm Ni trưởng Thích Đàm Đạt của chùa Sở Thượng và các thầy ở chùa Quan Hoa, Trung Kính Hạ, chùa Bộc, chùa Lủ chung tay giúp cho các cháu thêm 500 bộ đồng phục, 500 đôi dép, vài trăm thùng mỳ và xây mới toàn bộ khu vệ sinh cho các em. Lời hứa ấy đã gieo vào những ánh mắt trẻ thơ nơi đây biết bao hy vọng.
Theo ANTD
Cám ơn những người truyền cảm hứng vĩ đại! Tình cờ dự lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ, (Q.Đống Đa, Hà Nội) tôi thấy sống mũi cay cay khi có một học trò cũ về thăm các thầy cô đã chân thành tâm sự: "Con không thể quên những giọt nước mắt vui mừng của thầy cô khi nghe tin chúng con đỗ cao...