Chàng sinh viên nghèo và khát vọng từ những que tăm
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khô cằn đầy gió nắng thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Huỳnh Văn Nở (SN 1992) đến TP Đà Nẵng học tập, làm việc, theo đuổi niềm đam mê và làm thiện nguyện.
Tuổi thơ nghèo và niềm vui với những que tăm
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ Nở đã sớm ý thức được sự cực khổ của ba mẹ, sự thiếu thốn trong gia đình có đến năm miệng ăn. Cậu không ngừng cố gắng học hành và phụ giúp ba mẹ làm đồng áng. Ngoài niềm vui trong việc học, giúp đỡ gia đình, Nở còn lấy những que tăm làm thú vui trong tuổi thơ đầy nhọc nhằn, khốn khó.
Từ liên tưởng về những căn biệt thự hay các mô hình như quả táo, trái tim… Nở gom các que tăm lại rồi “chế tác” nên nhiều mô hình tăm độc đáo. Để làm được điều đó, đầu tiên Nở làm phác họa những liên tưởng trong đầu ra giấy, phân chia tỉ lệ rồi nhắm theo kích thước đó mà quy định số lượng tăm. Tiếp theo, cậu tìm các nan tre rồi chẻ ra, lắp thành mô hình, sau đó xếp que tăm, dùng keo dán vào theo đúng bản vẽ. Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng làm được lại là một vấn đề khác. Nở chia sẻ: “Với mình, những que tăm cũng làm nên nghệ thuật, quan trọng là chúng ta có biết tận dụng chúng hay không mà thôi. Khi làm một mô hình nào đó, mình phải đi tìm các loại tăm tốt. Có như vậy, mô hình của mình làm ra mới theo trật tự nhất định và trông đẹp hơn!”.
Huỳnh Văn Nở và ngôi nhà làm bằng tăm.
Nhờ những que tăm mà Nở đã làm ra nhiều mô hình đẹp. Những mô hình này, cậu lấy làm quà tặng cho bạn bè, người thân. Món quà tuy không có nhiều giá trị về vật chất và giá trị sử dụng nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần. Nở bảo hồi nhỏ không làm ra tiền để mua quà tặng bạn, vì thế cậu tận dụng tăm để “làm quà”. Đa số các mô hình đẹp, Nở dành tặng bạn bè, còn các mô hình bị lỗi, Nở giữ lại để nhìn vào đó mà cố gắng sáng tạo ra nhiều mô hình mới.
Năm 2011, Nở thi đỗ vào Trường đại học Kiến trúc TP Đà Nẵng. Hiện nay, cậu đang là sinh viên năm 2, ngành kỹ thuật hạ tầng đô thị và quản lý xây dựng. Với đôi tay khéo léo cùng những que tăm bình dị, Nở đã xin gia nhập CLB Nghệ thuật tay của trường, từ đây, cậu có nhiều cơ hội và điều kiện để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Cùng với niềm đam mê nghệ thuật giấy và que tăm, Nở cùng các bạn trong CLB đã tổ chức các buổi trưng bày và bán sản phẩm nhằm mục đích gây quỹ từ thiện… Những việc làm tuy nhỏ nhưng giúp ích cho cộng đồng và xã hội.
Video đang HOT
Làm chủ tiệm kem và những ước mơ
Cuộc sống sinh viên nơi phố thị với biết bao nỗi lo cơm áo gạo tiền, những ruộng lúa, nương khoai của gia đình làm ra vẫn không đủ để chu cấp cho ba chị em của Nở ăn học. Thương ba mẹ tần tảo sớm hôm, bên cạnh việc cố gắng học hành, Nở còn xin vào làm những công việc bán thời gian để kiếm thêm tiền ăn học.
Qua biết bao công việc như phụ hồ, phục vụ quán ăn, quán cà phê, phát tờ rơi…, ý định làm chủ một cửa tiệm dần lóe ra trong đầu Nở. Từ một số lần đến phụ chị bán cho một tiệm kem, Nở đã quan sát và học hỏi cách kinh doanh ở đó. Hai chị em Nở được ông chủ thương tình nên chỉ cho mối lấy kem ở Hội An. Kế hoạch kinh doanh kem của Nở bắt đầu từ việc bán chiếc xe máy cũ kỹ để lấy tiền làm vốn.
Đối tượng Nở hướng đến là sinh viên Trường đại học Sư phạm nên cậu tiến hành đi thuê mặt bằng trên tuyến đường có nhiều sinh viên nhất. Tại đây, người cho Nở thuê mặt bằng không lấy tiền của cậu, mà chỉ lấy tiền điện nước mỗi tháng. Số vốn 5 triệu đồng có được từ việc bán xe trở nên ổn định hơn khi không phải chi trả mặt bằng. Về kem và tủ đựng kem, nơi bỏ mối kem cho Nở bán đã lo toàn bộ, Nở chỉ việc mua bàn ghế và các loại nguyên liệu (sôcôla, dừa khô, đậu phộng…). Vậy là trong vòng một tháng từ những ý tưởng đến việc thực hiện, cuối cùng Nở cũng làm chủ tiệm kem số 44 đường Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Nhờ việc buôn bán thuận lợi, Nở đã sớm mua lại được xe máy và tự lo tiền ăn học cho bản thân. Những ngày bận học, Nở nhờ chị gái qua phụ quán, còn không học, Nở lại quanh quẩn với tiệm kem. Nở bộc bạch: “Thật sự mình đã rất liều lĩnh khi bán xe máy để mở tiệm kem, điều này khiến bạn bè ai cũng ngờ vực và sửng sốt, nhưng đó là quyết định mà mình chưa bao giờ hối hận. Nhờ có tiệm kem, cuộc sống của mình ổn định hơn, mình có nhiều điều kiện tham gia việc cộng đồng hơn… Tiệm kem bây giờ sẽ là một phần cuộc sống của mình”.
Những cơn mưa đông và cái lạnh buốt đã bắt đầu đổ vào miền Trung, Nở dự định sẽ nghỉ bán kem trong mùa này. Thời gian rảnh rỗi Nở xin làm phục vụ ở các quán cà phê, theo đó là những ý tưởng mới cho nghệ thuật tăm, rồi những kế hoạch đi thiện nguyện trên khắp các nẻo đường thuộc tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng vào dịp Tết sắp đến.
Theo Tuổi Trẻ
Nghị lực phi thường của cô nữ sinh ĐH Ngoại thương
Khi Hiền học lớp 4, bố không may qua đời vì tai nạn giao thông, mẹ trở thành trụ cột trong gia đình. Mình mẹ nai lưng sớm hôm làm 3 sào ruộng rồi đi cấy, gặt thuê để nuôi 4 đứa con ăn học.
Đó là Lê Thị Hiền (SV năm thứ 1, khoa Kinh tế Đối ngoại ĐH Ngoại thương Hà Nội). Hiền sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở thôn 9, xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).
Thương mẹ, cô sinh viên xứ Thanh quyết tâm đỗ đại học, trở thành nữ doanh nhân thành đạt. Kỳ thi vừa rồi, Lê Thị Hiền đỗ cả ĐH Ngoại thương và Học viện Y học cổ truyền.
Khi Hiền học lớp 4, bố không may qua đời vì tai nạn giao thông, mẹ trở thành trụ cột trong gia đình. Mình mẹ nai lưng sớm hôm làm 3 sào ruộng rồi đi cấy, gặt thuê để nuôi 4 đứa con ăn học. Từ khi biết tin Hiền đỗ Đại học Ngoại thương với 28 điểm (trong đó 10 điểm Toán), cả nhà vừa mừng, vừa lo vì gánh nặng ngày càng dồn lên vai mẹ.
Cái ngày nhận được tin đỗ đại học, mấy chị em ôm nhau nhảy, hét lên sung sướng. Mọi người gọi điện tới tấp đến chúc mừng. "Cả đêm hôm đấy mấy mẹ con không ngủ được vì hạnh phúc, đi đâu mẹ cũng khoe em đỗ điểm cao vào ĐH Ngoại thương", Hiền không giấu nổi nụ cười khi kể lại.
Trên Hiền có hai chị gái, chị đầu (SN 1990) đang theo học liên thông ĐH Mỏ-Địa Chất. Chị thứ 2 (SN 1992) đang học năm thứ 3 Học viện Tài chính và cậu em út đang học lớp 8 Trường Chuyên Nhữ Bá Sỹ. Nhắc đến chi phí nuôi 3 chị em ăn học chúng em đều thở dài lo lắng không biết sẽ sống như thế nào.
Hỏi về động lực và người ảnh hưởng đến kết quả ngày hôm nay đạt được, Hiền không ngần ngại nói đó là người mẹ của mình. Nói đến đây, dòng lệ Hiền lại tuôn trào, nghẹn ngào Hiền nói: "Mẹ em còn những điều tuyệt vời hơn thế, sự cố gắng của mình chỉ là nhỏ bé so với mẹ. Hình ảnh mẹ vất vả lam lũ ngoài ruộng là động lực cho em quyết tâm học tập thật tốt".
Mới nhập học được hơn 1 tháng, nhưng hầu hết ngày nào mẹ cũng gọi điện cho Hiền để nhắc nhở, động viên. Lo cho con gái hay nhẹ dạ cả tin, mẹ dặn đi dặn lại Hiền tuyệt đối không được đi với người lạ, không đi làm thêm để không bị lừa, chỉ tập trung vào học tập thật tốt. Cả ba chị em chỉ dám làm gia sư kiếm tiền. Hiện nay, Hiền đang dạy thêm môn Toán lớp 10, cũng đỡ được phần nào cho mẹ.
Nhà có truyền thống "siêu" Toán
Thương mẹ tần tảo nhịn ăn nhịn mặc nuôi 4 chị em ăn học, Hiền luôn dặn lòng mình cố gắng học thật giỏi, đỗ đại học để mẹ vui lòng. Trong thời gian học tại Trường THPT Lương Đắc Bằng. Hiền đều đạt giải Nhất các kì thi học sinh giỏi môn Toán của huyện. Năm lớp 12, Hiền giành được giải Nhì môn Toán của tỉnh.
Giải thích lý do đam mê môn Toán, Hiền nói đùa: "Từ năm lớp 6, em đã thích làm Toán. Ở nhà em có bộ sưu tập Toán do hai chị để lại. Em đề ra quyết tâm làm hết bài tập ở tất cả quyển Toán có ở nhà. Hơn nữa, nhà bạn thân của em bán sách nên em thường xuyên mượn thật nhiều để làm. Cả bốn chị em đều rất thích và học được môn Toán".
Trong kỳ thi đại học vừa rồi, Hiền đăng ký thi cả hai khối A, B và đều đạt điểm tuyệt đối môn Toán. Đỗ cả Học viện Y học cổ truyền nhưng Hiền chọn theo ngành kinh tế của ĐH Ngoại thương để học.
Chia sẻ về kinh nghiệm học đều, giành điểm cao trong kỳ thi đại học, Hiền cười hiền cho biết, chẳng có bí quyết nào cả, với bất kỳ môn nào thì sự chăm chỉ, cần cù là học được nếu muốn xuất sắc thì cần phải có đam mê nữa. Nhớ lại ngày đi thi, Hiền thuật lại: "Trước khi vào phòng thi, em run lắm bởi đây là kỳ thi cực kỳ quan trọng, chỉ thi một lần, trượt là ở nhà luôn. Nhưng cuối cùng mọi chuyện cũng ổn".
"Em chỉ có mong muốn lớn nhất là nhanh kiếm được tiền để mẹ em không phải làm ruộng nữa. Nghe anh chị nói, ĐH Ngoại thương dễ xin việc hơn. Em mong trở thành nữ doanh nhân tài giỏi và có một công ty riêng", Hiền chia sẻ.
Trong ánh mắt trầm buồn của cô sinh viên Ngoại thương, Lê Thị Hiền vẫn ánh lên hoài bão được đi du học, tự mở một công ty kinh doanh và trở thành nữ doanh nhân thành đạt để giúp đỡ mẹ.
Ngày 3/10 vừa qua, Hiền được nhận học bổng từ Quỹ "Thắp sáng niềm tin". Số tiền không nhiều nhưng là động lực giúp Hiền phấn đấu trong suốt những năm đại học. Trước mắt, cô sinh viên xứ Thanh ấy còn nhiều khó khăn, thử thách trên con đường thực hiện ước mơ vượt khó vươn lên làm giàu!
Theo TTVN
Trúng đậm kỳ nam: chỉ là tin đồn? Mấy ngày qua, thông tin một nhóm người dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam trúng đậm kỳ nam ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa bán được hơn 50 tỷ đồng làm rúng động dư luận địa phương. Tuy nhiên lãnh đạo huyện Đại Lộc cho rằng đây chỉ là tin đồn, không có thực. Sáng nay (24/9), ông Phan Đức Tính, Phó Chủ...