Chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó với bão Thần Sấm
Chiều nay, hàng loạt nhà dân tại TP Móng Cái, Quảng Ninh đã chằng chống nhà cửa chuẩn bị đối phó với cơn bão Thần Sấm. Tại Thái Bình, mọi công tác phòng chống, đối phó với cơn bão số 2 đã được các địa phương hoàn tất.
Người dân TP Móng Cái (Quảng Ninh), chằng chống nhà cửa để đối phó với cơn bão Rammasun.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, 17h chiều ngày 18/7, tại TP Móng Cái, trời vẫn nắng đẹp và có phần hơi oi bức, gió thổi nhẹ. Tuy nhiên trước dự báo cơn bão Thần Sấm sẽ đổ bộ thẳng vào TP Móng Cái với sức gió giật mạnh lên đến cấp 11 -12, vì vậy người dân tại đây đang khẩn trương trong công tác phòng chống lụt bão.
Theo quan sát, trên dòng sông KaLong, không có bóng tàu bè qua lại do lệnh cấm của tỉnh này đưa ra trong thời gian cơn bão đổ vào. Nhiều người dân tại Móng Cái đã tự chằng chống nhà cửa để bảo vệ tài sản trước cơn bão đầu mùa được dự đoán là mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, khu vực Móng Cái là một trong những địa điểm bị ảnh hưởng trọng điểm của bão số 2 (cùng với Đầm Hà, Hải Hà của tỉnh Quảng Ninh).
Sáng sớm ngày 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc và các lãnh đạo các sơ ban ngành đã ra hiện trường chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại đây. Chiều tối cùng ngày, đoàn công tác của Ban chỉ đạo PCLB TƯ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát dẫn đầu cũng đã có mặt tại Móng Cái để kiểm tra, đôn đốc công tác chống bão.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại những nơi có tuyến đê xung yếu.
Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ninh, gần 1000 tàu thuyền, lồng bè tại Móng Cái đã về nơi neo đậu an toàn, hơn 100 đò dọc sông Ka Long cũng đã dừng hoạt động; tại huyện Hải Hà, 887 tàu thuyền, gần 400 lồng bè, chòi canh được kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn, huyện cũng đã có phương án di dời 378 nhà có nguy ngập lụt, 428 nhà yếu và 32 nhà có nguy cơ sạt lở; Tại Đầm Hà, 341 phương tiện tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn; sơ tán 52/64 người dân nuôi trồng thủy sản trên lồng bè vào đất liền an toàn, hoàn thành việc sơ tán 55 hộ có nguy cơ cao sạt lở.
Trong một diễn biến khác tại khu vực huyện Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại các địa phương này.
Theo báo cáo của UBND huyện Đông Triều, để chủ động phòng chống bão số 2, huyện đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị và 21 xã, thị trấn tập trung chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 2, kịp thời thông báo đến nhân dân biết để chủ động phòng tránh.
Video đang HOT
Đối với các hồ, đập trên địa bàn, huyện đã thực hiện công tác xả tràn, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa; rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá và xây dựng phương án đảm bảo an toàn đối với hầm lò khai thác than; di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; đảm bảo điện cho các trạm bơm để tiêu úng; chuẩn bị đầy đủ vật tư cho công tác phòng chống bão. Hiện nay, hơn 1.000 ha lúa mới gieo của nhân dân có nguy cơ bị hỏng nếu có mưa lớn.
Người dân chằng bạt để tránh bão.
Tại Uông Bí, thị xã đã tổ chức trực ban 24/24h; chuẩn bị hơn 6.000 bao tải, hơn 3.000m3 đá hộc và thép B40 để phòng chống bão; rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét tại Vàng Danh, Thượng Yên Công; có phương án di dời các hộ dân sống bên ngoài một số tuyến đê
Tại Quảng Yên, thị xã đã thông báo cho 3.172 phương tiện tàu, thuyền biết thông tin của bão; 5 tàu đánh cá xa bờ đã về nơi tránh trú bão; thông tin đến toàn bộ người dân tại các nhà bè nuôi trồng thủy sản lên bờ và có phương án di dân khu vực Hà Nam…
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại hồ (Đông Triều), đê Vành Kiệu 3, Phương Nam (Uông Bí), Khu neo đậu tàu, thuyền Bấn Giang (Tân An), đê Hà An, hồ thủy lợi Yên Lập (Quảng Yên) và nghe báo cáo công tác chuẩn bị, phương án phòng chống bão của các địa phương, ông Đặng Huy Hậu yêu cầu các địa phương cần khẩn trương triển khai ngay các phương án phòng, chống bão; rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, kịp thời di chuyển người dân ra khỏi khu vực này; kêu gọi toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh trú bão, đưa người dân tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ trước khi bão vào; rà soát, đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, đầm nuôi trồng thủy sản; đảm bảo an toàn cho các hầm lò, bãi thải.
Bến đò sông Ka Long đã yên vị tránh bão.
Đặc biệt, cần tổ chức trực ban 24/24 giờ, kịp thời thông tin về diễn biến tình hình của bão để người dân chủ động phòng, tránh; đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân.
Để đối phó với cơn bão số 2, lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi trú bão, neo đậu an toàn. Tỉnh Thái Bình nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ sáng ngày 17/7.
Ngoài ra, công tác chằng chống, đảm bảo an toàn nhà cửa, trường học, bệnh viện, hàng hóa, thiết bị ở bến cảng, bãi sông cũng được đốc thúc. Các lực lượng phối hợp chủ động sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, trong nhà yếu, trên các đầm, chòi canh nuôi trồng thủy sản, kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển khi bão đổ bộ vào bờ.
Toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã được neo đậu an toàn.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình – cho hay, đến 15h ngày 18/7, mọi công tác phòng chống, chuẩn bị đối phó với cơn bão số 2 đã hoàn tất.
“100% tàu thuyền đã về nơi trú bão an toàn, neo đậu đúng kỹ thuật. Người dân ở ngoài đê như người nuôi trồng thủy sản và các hộ kinh doanh đều đã được di dời vào trong đê. Với các hộ có nhà yếu, các hộ neo đơn, người già cả…, chúng tôi đều có phương án di chuyển sang các nhà kiên cố xung quanh, đồng thời phân công các cán bộ cơ sở túc trực 24/24 giờ.” – ông Dương cho biết.
Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình, các huyện, thành phố đã tổ chức di dời 1.982 hộ (3.045 người) nuôi trồng thủy, hải sản ven biển, trên các chòi canh ngao, trong các khu nhà yếu, khu vực nguy hiểm… vào nơi an toàn.
Công an tỉnh Thái Bình đã thành lập 5 đoàn công tác đến các huyện, thành phố để kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống bão; triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu; huy động 550 chiến sỹ thuộc lực lượng cơ động của Công an tỉnh cùng công an các huyện, thành phố tham gia tổ chức di dời dân, cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau bão.
Tại huyện Tiền Hải, trước 15h chiều 18/7, toàn bộ hơn 700 tàu đánh cá, tàu cát… của các hộ dân trong và ngoài tỉnh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào nơi trú bão an toàn, neo đậu chắc chắn. Tại xã Đông Minh – xã có đường bờ biển dài nhất huyện Tiền Hải, công tác tổ chức ứng phó với vơn bão số 2 được triển khai rất khẩn trương. Ngoài 2 tổ công tác ứng trực trong và ngoài đê, UBND xã còn bố trí lực lượng trực tại các cụm, sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra.
Hai cột cờ trong UBND xã Đông Minh được hạ xuống, tránh gió lớn có thể làm gãy đổ.
Ông Nguyễn Duy Cảm – Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Minh – cho biết, lực lượng dân quân tự vệ và công an xã đã tuyên truyền, đôn đốc toàn bộ số người dân trên biển và ở ngoài đê vào bờ trú bão an toàn; gia cố một số điểm xung yếu trên tuyến đê thuộc địa bàn xã.
“Lực lượng tại chỗ đã rà soát và di chuyển 25 hộ dân ở các căn nhà yếu, người già cả… đến nơi an toàn.” – ông Cảm nói.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Minh, đã có 391 hộ nuôi trồng thủy hải sản, 347 hộ có chòi canh ngao và nhiều hộ có hàng quán trên đê… đã vào nơi trú bão an toàn.
Công tác chuẩn bị đối phó với cơn bão số 2 của tỉnh Thái Bình đã hoàn thành. Tất cả đã sẵn sàng “đối đầu” với cơn bão mang tên Thần Sấm này.
Tuấn Hợp – Tiến Nguyên
Theo Dantri
Bão số 2: Nước nhiều sông vượt báo động 3
Bão số 2 có thể gây mưa lớn, làm xuất hiện một đợt lũ vừa và lớn. Nhiều sông ở Bắc Bộ được dự báo có khả năng vượt mức báo động 3...
Sáng nay (18/7), Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương vừa phát đi công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn một loạt địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định.
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Hoàng Văn Thắng, do ảnh hưởng của bão số 2, từ đêm nay (18/7), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, trên hệ thống sông Hồng Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ vừa và lớn với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4 đến 6 met, ở hạ lưu từ 2 đến 4 mét. Mực nước sông Thao tại Yên Bái, sông Lô tại Tuyên Quang có khả ở mức báo động 3; mực nước ở thượng lưu sông Thái Bình lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, hạ lưu tại Phải Lại lên mức báo động 1 đến báo động 2. Các sông nhỏ vùng núi phía Bắc có khả năng vượt mức báo động 3.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh và các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai công tác phòng, chống lũ; kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét, đặc biệt các khu vực đang có diễn biến sạt lở không biết thông tin để chủ động phòng tránh; tổ chức sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảo bảo an toàn.
Tổ chức kiểm tra đê điều, hồ, đập, các công trình thi công trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay những sự cố đảm bảo an toàn công trình; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du các hồ chứa trong mọi tình huống; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng, thấp và có biện pháp chống ngập để đảm bảo sản xuất.
Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải thủy và chủ đầu tư, đơn vị thi công trên các khu vực biết có thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ; nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Theo_VnMedia
Tối nay tâm bão Thần Sấm vào vịnh Bắc bộ Dự báo tối nay (18/7), tâm bão Rammasun (bão Thần Sấm) sẽ đi vào khu vực vịnh Bắc bộ; sáng mai bão vào vùng biển biển Quảng Ninh. Bão gây mưa lớn diện rộng khắp miền Bắc. Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, đến 7h sáng nay (18/7), vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1...