Chằng chống nhà cửa, di dời lồng bè, sẵn sàng đón bão số 4
Chiều 29/11, tại các xã ven biển tỉnh Phú Yên người dân đã cơ bản hoàn thành việc di dời lồng bè, chằng chống nhà cửa sẵn sàng đón bão số 4 có thể đổ bộ vào tỉnh này. Bình Định và Khánh Hòa cũng đã sẵn sàng đối phó với cơn bão.
Bộ đội giúp dân chằng chống nhà cửa sẵn sàng đón bão số 4 có thể ảnh hưởng xấu đến người dân tỉnh Phú Yên
Tại huyện Tuy An, đến chiều 29/11, 100% tàu thuyền tại vùng biển xã An Hòa (huyện Tuy An, Phú Yên) đã được ngư dân đưa đi tránh trú bão ngoài cửa biển Lễ Thịnh xã An Ninh Đông trước khi bão vào. Vùng nuôi ươm tôm hùm lớn của huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cũng đã được ngư dân đưa lồng bè vào bờ, bắt tôm bỏ vào thùng nhôm, bơm ô xy rồi dùng xe tải chở vào vùng biển Đầm Môn (Khánh Hòa) để thả.
Trong khi đó, tại khu dân cư xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (Phú Yên), các lực lượng địa phương đã hỗ trợ chèn chống, dùng bao cát che chắn những ngôi nhà nguy cơ bị sóng gió tấn công; 180 hộ dân (với 627 nhân khẩu) tại xóm Rớ đang được hỗ trợ di dời đến nhà người thân ở sâu trong đất liền.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên để bàn về công tác ứng phó với cơn bão số 4.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu cầu chính quyền tỉnh phải tập trung cao độ nhân vật lực, theo dõi sát sao diễn biến cơn bão, đảm bảo các phương án bảo đảm tàu thuyền và các khu dân cư vùng xung yếu. Bộ trưởng cũng cầu địa phương kiên quyết di dời, đảm bảo an toàn cho dân khi bão đến.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Cao Đức Phát yêu cầu tỉnh Phú Yên kiên quyết di rời người dân Xóm Rớ, nơi thường bị triều cường tấn công về nơi an toàn
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Phú Yên, hiện có 81 tàu cá với 652 ngư dân đang đánh bắt xa bờ và đã rời vùng nguy hiểm. Trong đó, 2 tàu hiện đang tránh trú tại đảo Đá Tây (Trường Sa), 74 tàu đang di chuyển về phía Nam và một số đảo ven bờ. Toàn bộ số tàu thuyền đều liên lạc được với gia đình và bộ đội biên phòng. Hiện tại, 3 hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh (Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông Hnăng) đã tích nước khoảng 40 – 60% dung tích, hoạt động bình thường, an toàn.
Trong khi đó, tại Bình Định đến chiều 29/11, hầu hết các tàu thuyền đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo bão và đã vào nơi trú bão an toàn. Chiều tối cùng ngày, tại TP Quy Nhơn cũng đã xuất hiện mưa vừa, biển động mạnh.
Video đang HOT
Một số hình ảnh về tình hình bão số 4 tại 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định:
Ngư dân TP Tuy Hòa (Phú Yên) neo đậu tàu thuyền an toàn
Người dân tỉnh Phú Yên chuẩn bị bao tải cát chống nhà cửa
Bộ đội giúp dân chằng chống nhà cửa trước khi bão vào
Sóng lớn nhưng người nuôi tôm hùm huyện Tuy An vẫn bất chấp nguy hiểm di chuyển lòng bè đến nơi an toàn
Khẩn trương chống bão số 4
Biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) sóng lớn chiều 29/11.
Tại Khánh Hòa, đến 17 chiều 29/11, hơn 10.000 phương tiện đánh bắt của ngư dân đã vào các khu neo đậu, trú ẩn an toàn. Tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 4.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, các khu neo đậu tàu thuyền tại Khánh Hòa có điểm chung là nằm sâu trong các vịnh, đầm phá nên rất kín gió. Tại Nha Trang, các chủ tàu thuyền được thông báo di chuyển đến cảng cá Hòn Rớ, khu vực cầu Bình Tân (xã Phước Đồng, Nha Trang) để trú tránh bão.
Trong khi đó, 6 xã ven biển phía bắc huyện Vạn Ninh, giáp ranh với tỉnh Phú Yên là các địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng nặng của cơn bão số 4.
Tại đây, Đồn Biên phòng Đầm Môn (Bộ chỉ huy BĐBP Khánh Hòa) đã thông báo, kêu gọi gần 1.500 tàu cá, tàu du lịch và 486 hộ dân nuôi trồng thủy hải sản vào khu vực tránh trú bão an toàn.
Ông Lê Văn Dung, ngư dân xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) cho biết, từ tối 28/11, bà con đã được các chiến sĩ bộ đội biên phòng thông báo về cơn bão số 4 để chủ động phòng tránh. Sáng 29/11, bộ đội biên phòng lại xuống nhà để giúp chằng chống nhà cửa.
Được biết, sáng 29/11, tỉnh Khánh Hòa có 56 tàu/516 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt ở khu vực biển Trường Sa. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện các tàu cá nói trên đã di chuyển xuống phía Nam để trú tránh bão.
Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa cho biết đã chỉ đạo các đơn vị cấm biển bắt đầu từ 7h ngày 28/11 đến khi bão kết thúc. Bộ chỉ huy BĐBP Khánh Hòa cũng chỉ đạo các đài canh BĐBP duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 theo quy định, liên tục thông báo tin bão trên các tần số liên lạc để các chủ phương tiện biết hướng bão nhằm chủ động di chuyển, tìm nơi trú ẩn an toàn.
Các tàu thuyền ở Nha Trang đang trú tránh bão số 4 tại cảng Hòn Rớ, Nha Trang chiều 29/11.
Doãn Công – Viết Hảo
Theo Dantri
Bão số 4 đổ bộ các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa
Khoảng 10h sáng 28-11, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Sinlaku, trở thành cơn bão số 4 hoạt động ở vùng Biển Đông trong năm nay.
Đường đi và vị trí cơn bão số 4. Ảnh: Trung tâm DBKTTV Trung ương
Bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương cho hay, bão số 4 có tốc độ di chuyển tương đối nhanh, từ 25-30km/h. Đến 16h ngày 28-11, bão số 4 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cường độ cấp 8, giật cấp 9 -10. Các dự báo cho thấy, bão số 4 nhiều khả năng đổ bộ vào khu vực Bình Định - Khánh Hòa. Thời gian đổ bộ của bão có thể vào 3h sáng 30-11.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ tối 29-11, các tỉnh Nam Trung bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 70-120mm, một số nơi có thể lên trên 200mm. Mưa từ các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên sau đó lan sang cả vùng Tây Nguyên. Do bão đổ bộ vào đúng thời điểm triều cường đạt đỉnh, nên sóng biển có thể cao từ 3-5m. Trong khi đó, từ chiều 30-11, một đợt không khí lạnh cường độ mạnh sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh miền Bắc nước ta. Không khí lạnh gây mưa và gió khá lớn, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định sẽ có mưa lớn diện rộng kéo dài từ 2-3 ngày.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cơn bão số 4 dù không phải là cơn bão mạnh nhưng rất nguy hiểm vì đi vào phía Nam. Vì vậy, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa phải khẩn trương kêu gọi tàu thuyền, sơ tán ngư dân, cấm biển. Mọi công việc chuẩn bị phải xong trước 17h ngày 29-11.
Theo_An ninh thủ đô
Bé gái 7 tuổi tử vong sau khi ăn ốc biển Chiều 24-11, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã An Chấn, huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Lê Cẩm Hiếu (SN 2007, con gái của ông Lê Hái, SN 1975, ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn). ảnh minh họa Trước đó, khoảng 10h ngày...