Chặn thất thoát thuế hộ kinh doanh lớn
Dự thảo thông tư mới của Bộ Tài chính cho phép ngành thuế xem xét không áp dụng thuế khoán đối với hộ kinh doanh có doanh thu lớn. Việc này nhằm bảo đảm công bằng trong nộp thuế, tránh thất thu thuế .
Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến đóng góp dự thảo lần 1 Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, tùy theo từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, nhóm đối tượng này nộp thuế GTGT theo tỉ lệ 1%-5%/doanh thu, nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với tỉ lệ 0,5%-5%/doanh thu.
Sẽ “khai tử” thuế khoán
Ông Lê Văn Đức, chủ một dãy nhà trọ cho thuê ở quận 12 (TP HCM), cho biết hiện nay người cho thuê nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế GTGT 5% và thuế TNCN 5%. Còn nếu doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế. Tuy nhiên, có rất nhiều chủ nhà kê khai doanh thu dưới 100 triệu đồng hoặc thấp hơn so với doanh thu thực tế để được miễn hoặc giảm số tiền thuế phải nộp. Từ đó, việc nộp thuế giữa những người cho thuê nhà thiếu công bằng.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ dự thảo quy định người cho thuê nhà tự kê khai doanh thu rồi nộp thuế GTGT 5%/doanh thu và thuế TNCN 5%/doanh thu, không phân biệt doanh thu dưới hay trên 100 triệu đồng/năm. Câu chuyện còn lại là cơ quan thuế làm gì để xác định doanh thu thực tế khi người cho thuê nhà kê khai thiếu trung thực nhằm bảo đảm công bằng về thuế” – ông Đức nói.
Theo Bộ Tài chính, trong nhiều năm qua, công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh chưa hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo sẽ nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế trong công tác kiểm soát dữ liệu, quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trong đó tập trung những nhóm đối tượng có quy mô doanh thu lớn, ngành nghề đặc thù, tiềm ẩn rủi ro cao.
Video đang HOT
Cách đây 4 năm, ngành thuế từng đưa ra số liệu 100.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỉ đồng/năm, trong đó có nhiều hộ sử dụng hóa đơn thường xuyên với doanh thu vài trăm tỉ đồng/năm. Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh quán ăn, nhà hàng, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, máy móc, cho thuê nhà… với quy mô lớn, nhưng vẫn đăng ký mô hình hoạt động hộ kinh doanh để được hưởng thuế khoán gắn liền số tiền thuế rất ít.
Thực tế cho thấy có những hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm triệu đồng/ngày nhưng mức thuế khoán phải nộp chỉ từ 6 – 30 triệu đồng/năm. Số thuế này quá chênh lệch so với việc họ kê khai doanh thu rồi nộp thuế theo một tỉ lệ nhất định.
Người dân làm thủ tục quyết toán thuế tại Cục Thuế TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Không ảnh hưởng hộ kinh doanh nhỏ
Trước đề xuất của Bộ Tài chính, bà Lê Thị Khanh, chủ hộ kinh doanh tạp hóa tại chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận, TP HCM), tỏ ra khá lo lắng. Doanh thu của hộ bà Khanh đạt trung bình 3 tỉ đồng/năm, số thuế khoán phải nộp là 0,2%, tương đương 6 triệu đồng. Bà Khanh tính toán: “Nếu dự thảo quy định hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa phải nộp thuế với tỉ lệ 1,5%/doanh thu (bao gồm thuế GTGT 1% và thuế TNCN 0,5%), số tiền thuế tôi phải nộp phải tăng gấp hơn 7 lần so với hiện nay”.
Với những trường hợp như trên, một lãnh đạo của Cục Thuế TP HCM giải thích rằng đích ngắm của dự thảo mới là tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh quy mô lớn, cá nhân kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề đặc thù. Còn đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, ngành thuế vẫn tiếp tục áp dụng thuế khoán, đồng thời các mức thuế khoán được điều chỉnh theo doanh thu thực tế hằng năm.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện nay, một số hộ kinh doanh nộp thuế khoán nhưng vẫn sử dụng hóa đơn để cung cấp cho khách hàng. Hằng năm, cán bộ thuế và chính quyền địa phương căn cứ vào các hóa đơn này và nhiều yếu tố khác để xác định doanh thu, từ đó ấn định mức thuế khoán. “Thế nhưng, các chứng từ bán hàng hóa, dịch vụ vẫn không phản ánh hết dòng tiền của hộ kinh doanh. Bởi lẽ, nhiều người mua hàng hóa không yêu cầu hộ kinh doanh cung cấp hóa đơn. Từ đó, việc xác định doanh thu không chính xác, dẫn đến các mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh không hợp lý làm thất thu về thuế” – lãnh đạo của Cục Thuế TP HCM phân tích.
Một số chuyên gia về thuế cho rằng dự thảo thông tư sẽ cho phép ngành thuế xem xét không áp dụng thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh quy mô lớn. Theo đó, nếu người nộp thuế kê khai doanh thu không đúng thực tế, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào các hóa đơn bán hàng, cùng với các nguồn dữ liệu mà ngành thuế có được để ấn định doanh thu tính thuế. Tuy nhiên, đây là biện pháp hành chính nhằm giải quyết tình thế, có thể phát sinh tiêu cực hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, hộ kinh doanh một khi có sự áp đặt chủ quan từ cơ quan thuế.
Một cán bộ của Cục Thuế TP HCM đề xuất: “Để hộ kinh doanh tâm phục khẩu phục về doanh thu tính thuế, tôi nghĩ về lâu dài, nhà nước cần quy định hộ kinh doanh lớn chỉ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Khi đó, toàn bộ số tiền bán hàng sẽ chảy vào ngân hàng. Lúc đó, cơ quan thuế phối hợp với ngân hàng để trích xuất số liệu làm cơ sở xác định doanh thu tính thuế”.
Sửa tỷ lệ điều chỉnh mức thuế khoán từ 50% xuống 20%
Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, để đảm bảo phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, đối với nội dung về hộ khoán do Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 giao Bộ Tài chính hướng dẫn, tại dự thảo Thông tư có điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC như sau:
Về việc điều chỉnh mức thuế khoán (tại tiết c điểm 2.3 khoản 2 Điều 8 dự thảo Thông tư): Việc xác định doanh thu tính thuế của hộ khoán có điểm mới so với hiện hành đó là trường hợp hộ khoán có thay đổi doanh thu thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm theo thực tế nếu doanh thu có thay đổi từ 20% trở lên.
Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP thì chỉ trường hợp thay đổi doanh thu từ 50% trở lên thì cơ quan thuế mới thực hiện điều chỉnh. Điều này đã gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc điều chỉnh mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là trong thời gian COVID-19, những hộ bị ảnh hưởng thay đổi doanh thu dưới 50% sẽ không được điều chỉnh giảm thuế khoán.
Ngoài ra, mức giao tăng dự toán hàng năm đối với khu vực ngoài quốc doanh trong đó bao gồm hộ kinh doanh thường ở mức từ 10% đến 20% (theo số liệu báo cáo thực tế trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay) nhưng cơ quan thuế chỉ có thể điều chỉnh tăng mức thuế khoán nếu doanh thu tăng trên 50% - điều này gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc thực hiện dự toán thu ngân sách. Do đó, để có thể điều chỉnh tăng/giảm mức thuế khoán trong năm phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đáp ứng việc hoàn thành dự toán thì cần phải quy định một tỷ lệ phù hợp là 20%.
Đối với một số đối tượng như: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; cá nhân cho thuê tài sản; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, bảo hiểm, đa cấp, mặc dù các nội dung về nguyên tắc khai thuế, hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, địa điểm nộp hồ sơ đã được quy định chung tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Để thực hiện thống nhất và dễ tra cứu, đặc biệt là đối tượng cá nhân phát sinh nhiều hình thức đặc thù cần phải có hướng dẫn cụ thể, do đó, tại dự thảo Thông tư có hướng dẫn cụ thể riêng cho từng đối tượng này để thuận tiện cho người nộp thuế tra cứu hồ sơ thủ tục và thực hiện đúng quy định.
Bộ Tài chính đánh giá các sửa đổi này không phát sinh thủ tục hành chính. Việc sửa đổi tỷ lệ điều chỉnh mức thuế khoán từ 50% xuống 20% để đảm bảo để phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh COVID-19.
Hướng dẫn mới về thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, dự thảo bổ sung một số lĩnh vực ngành nghề chưa được hướng dẫn cụ thể trong Biểu thuế giá trị gia tăng đã phát sinh vướng...