Chán ngán với các thủy điện “kỷ niệm 5 năm ngày khởi công”
Trong buổi làm việc với các thủy điện “dậm chân tại chỗ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu – yêu cầu chủ đầu tư các thủy điện này đến ngày 15/11 phải báo cáo rõ ràng tiến độ, nếu không tỉnh sẽ báo cáo Chính phủ.
Đó là các dự án thủy điện Đăk Mi 2, Đăk Mi 3 và Tr’Hy với tổng công suất thiết kế 182MW, vốn đầu tư trên 4.500 tỉ đồng.
Đối với thủy điện Đăk Mi 2, đây là công trình thuộc quy hoạch bậc thang thủy điện hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đã được Chính phủ cho phép Tổng Công ty cơ điện – xây dựng nông nghiệp và thủy lợi làm chủ đầu tư vào tháng 10/2007. Đến tháng 8/2010, Văn phòng Chính phủ cho phép chuyển dự án này sang Công ty CP năng lượng Agrita Quảng Nam.
Người dân tái định cư dự án thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang) khai thác gỗ trái phép từ rừng phòng hộ về làm nhà lớn
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về tiến độ dự án, chủ đầu tư cho biết dự án thủy điện này có tổng công suất 98MW, vốn đầu tư khoảng 2.500 tỉ đồng nhưng đến nay, mới chỉ có trên 155 tỉ đồng đã được đầu tư cho các hạng mục giải phóng mặt bằng, thiết kế, một số đoạn đường công vụ…
Đối với dự án thủy điện Đăk Mi 3, hiện nay tổng giá trị thực hiện chỉ hơn 76 tỉ đồng trong tổng số hơn 1.322 tỉ vốn đầu tư. Đây cũng là dự án thủy điện thuộc quy hoạch bậc thang hệ thống Vu Gia – Thu Bồn được Bộ Công thương cho phép Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) nghiên cứu đầu tư với tổng công suất 54MW.
Video đang HOT
Đến nay, chủ đầu tư mới chi trả một phần tiền bồi thường cho người dân, thi công một số tuyến đường giao thông nội bộ… Đại diện chủ đầu tư thủy điện này hứa đến năm 2014 sẽ đưa vào vận hành nhà máy.
Tại dự án thủy điện Tr’Hy (trên địa bàn huyện Tây Giang), theo chủ đầu tư là Công ty CP tài chính và phát triển năng lượng (FED) báo cáo, đến nay đã thi công được 90 tỉ trong tổng số vốn đầu tư là 763 tỉ đồng.
Đa số các chủ đầu tư dự án thủy điện trên đều “liệt kê” một loạt các khó khăn như tình hình tài chính khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ, công tác đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, việc thi công đường sá trở ngại do mưa lũ… để biện minh cho sự chậm trễ trong thi công.
Theo ông Phạm Thế Quyền – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, nơi có hai dự án thủy điện Đăk Mi 2 và 3, từ hai năm nay, các dự án thủy điện này đều tạm dừng. Nay phải yêu cầu có cam kết cụ thể để báo cho người dân biết.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (nơi có thủy điện Tr’Hy) – ông Phạm A – phát biểu: Địa phương nhiều lần liên hệ nhưng không thấy chủ đầu tư đâu. Sắp tới khi thi công hạng mục nào cần báo cáo với huyện để giám sát và báo cáo cho lãnh đạo tỉnh biết.
Đại diện UBND các huyện Tây Giang và Phước Sơn cũng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc hỗ trợ cho người dân cũng như khẩn trương triển khai xây dựng các công trình dân sinh liên quan.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu – yêu cầu các chủ đầu tư phải có cam kết tiến độ rõ ràng. Ông nói: “Đường làm cho dân đi mà mãi không làm. Một là giao tiền cho huyện làm, hai là tỉnh sẽ giao đường cho làm. Từ năm 2007 đến nay đã 5 năm mà chưa làm đến đâu, làm sao ăn nói với dân?”.
Ông cũng cho rằng tỉnh đã tạo mọi điều kiện để các chủ đầu tư thủy điện triển khai thi công nhưng từ 2010 đến nay các dự án thủy điện này gần như “tê liệt” khiến người dân bức xúc. Ông yêu cầu đến ngày 15/11 tới, các chủ đầu tư dự án thủy điện này phải có cam kết thời gian thi công cụ thể, nếu không tỉnh sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ.
Trước yêu cầu quyết liệt của chính quyền địa phương, chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 2 “hứa” với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành vào năm 2016, thủy điện Tr’Hy và thủy điện Đăk Mi 3 sẽ hoàn thành vào năm 2014.
Theo Dantri
Lao động Thanh Hóa bị tẩy chay: Sẽ tham mưu cho UBND tỉnh
Liên quan đến thông tin người lao động Thanh Hóa bị các doanh nghiệp tại Bình Dương tẩy chay, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để có ý kiến về vấn đề trên.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Quang Tích - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa - cho biết: "Thực ra, vấn đề lao động Thanh Hóa - Nghệ An và Hà Tĩnh bị tẩy chay mấy năm trước tôi cũng có nghe nói. Phân biệt đối xử như thế là không đúng. Trong một tập thể đông người, không thể tránh khỏi những cái này, cái kia cũng có những người tốt, người xấu".
Ông Lê Quang Tích - PGĐ Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa.
Theo ông Tích, phía các doanh nghiệp có quyền tuyển dụng hay không tuyển dụng. Điều quan trọng là người lao động phải có ý thức chấp hành kỷ cương, đúng luật lao động.
Khi được hỏi về con số lao động Thanh Hóa đang làm việc tại Bình Dương, ông Tích cho biết không nắm được.
Cũng theo ông Tích, giữa hai địa phương có quan hệ rất tốt, thường xuyên trao đổi với nhau và nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề tuyển dụng lao động Thanh Hóa. Thanh Hóa cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực lớn cho các địa phương trên cả nước.
Theo ý kiến của đại diện Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, chính quyền địa phương các cấp phải vào cuộc tuyên truyền cho người lao động và các đơn vị. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần phải nâng cao trách nhiệm, ý thức và lòng tự trọng. Cái khó của vấn đề là các ngành chức năng sở tại chưa có văn bản thông báo không tuyển lao động Thanh Hóa, nên Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa chưa thể có ý kiến.
"Chắc cũng chỉ một vài công ty nhỏ, muốn vào cuộc là phải cả hệ thống chính trị, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để tỉnh có ý kiến chỉ đạo. Vì mọi việc chưa chính thống nên chưa thể có ý kiến lên Bộ được. Tuy nhiên cũng phải nắm bắt thực tế đời sống người lao động để từ đó có ý kiến. Về phía Sở sẽ chỉ đạo anh em kiểm tra cụ thể lại vấn đề để báo cáo UBND tỉnh. Vấn đề này không thể bỏ qua được mà phải hỏi lại phía trong kia. Cho đến thời điểm này, đơn vị chưa nhận được văn bản nào thông báo về tình trạng người lao động Thanh Hóa bị tẩy chay tại tỉnh Bình Dường", ông Tích cho biết thêm.
Việc phân biệt đối xử không công bằng của một số doanh nghiệp với người lao động Thanh - Nghệ - Tĩnh đã khiến nhiều lao động gặp không ít khó khăn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2012, đã có gần 6.000 lao động Thanh Hóa chuyển bảo hiểm thất nghiệp từ các tỉnh phía Nam về địa phương.
Theo Dantri
Thu hồi dự án "treo" làm khổ dân Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư 13 dự án (DA) thu hồi chủ trương đầu tư 6 DA và đang xem xét thu hồi tiếp 5 DA khác. Những DA này đã được cấp phép nhiều năm nhưng các chủ đầu tư không chịu triển khai....