Chặn hội chứng bê-tông trong du lịch
Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để xây dựng các khu lưu trú là cách làm du lịch bền vững, là xu thế tất yếu trong thời đại bê-tông hóa
Dư luận vẫn nóng chuyện khách sạn – nhà hàng – trạm dừng Mã Pì Lèng Panorama 7 tầng, dựa vào vách đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) vừa đưa vào hoạt động. Tòa nhà cheo leo ở vị trí đắc địa nhất để ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản sâu nhất Đông Nam Á và sông Nho Quế như dải lụa xanh giữa núi non hùng vĩ. Nhiều người lên án công trình này cũng như những công trình bê-tông tương tự đang tàn phá cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Bê-tông không có lỗi!
Những năm gần đây, xu thế của du lịch bền vững và trách nhiệm đang hạn chế bớt bê-tông, thay bằng các vật liệu thân thiện với môi trường hơn. Tự thân bê-tông không có lỗi. Lỗi là do con người sử dụng tùy tiện và không đúng chỗ.
Tốc độ bê-tông hóa ở Việt Nam quá nhanh. Không chỉ nhà cửa, đường sá mà cả bàn ghế, sân vườn cũng được xây dựng bằng bê-tông. Và du lịch cũng nằm trong guồng quay đó. Suối Bang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là suối khoáng nóng 105 độ C, lúc nào cũng sôi sùng sục. Ở đây có hồ ngâm tắm tự nhiên và dòng suối lạnh kế bên, cảnh trí như tranh vẽ. Cách đây gần 15 năm, chủ đầu tư cho làm cổng bê-tông giả gỗ thô kệch (rất phổ biến ở nhiều khu du lịch mang danh sinh thái). Các phòng ngủ, nhà ăn cũng được nâng cấp theo kiểu như vậy. Và thất bại đã được báo trước. Chỉ khổ cho nhà đầu tư tiếp theo.
Nếu khối bê-tông của khách sạn ở thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) được thay bằng nhà sàn các dân tộc, dịch vụ và tiện nghi tương đương 4 sao rồi lấy nước từ thác dẫn về, làm hồ bơi sinh thái đúng nghĩa thì chẳng sợ ế phòng. Kỳ Co được xem là “hoa hậu” biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Khách ấn tượng về thiết kế nhà hàng bao nhiêu thì thất vọng về kiến trúc resort bấy nhiêu. Hai không gian đối lập. Các khối bê-tông hình container thô cứng, đơn điệu phá hoại hoàn toàn cảnh trí thơ mộng nơi đây.
Một bungalow ở homestay A Chu, nơi được Tổng cục Du lịch vinh danh “Điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2018″. Ảnh: DƯƠNG MINH BÌNH
Các mô hình homestay thua lỗ gần đây phần lớn cũng vì bê-tông hóa. Cứ tưởng xây 4 bức tường bí rị, lắp máy lạnh, thêm nệm và gối là thành homestay. Các homestay ở Phú Yên và nhiều nơi khác đã bê nguyên thiết kế nhà tam giác bằng kính, lợp tôn ở vùng đất lạnh TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ngộp và khó xoay xở. Chụp hình “sống ảo” thì ngộ đấy nhưng để ở thì cứ thử, ngộp và nóng, thậm chí sẽ bị “tra tấn” khi trời mưa lớn.
Trong khi Mã Pì Lèng bị bê-tông xâm hại vẫn đang nóng hổi thì dự án thủy cung ở bãi biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được triển khai như cố tình thách thức dư luận. Những mô hình bê-tông hóa thành công về kinh doanh như Bà Nà Hills (TP Đà Nẵng), Fansipan (tỉnh Lào Cai)… cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn để phát triển bền vững. Nhiều ý kiến bi quan cho rằng du lịch Việt Nam đi tới đâu, bê-tông hóa tới đó với nhiều hệ lụy, cảnh quan xuống cấp, môi trường ô nhiễm. Bảo tồn và phát triển là cặp phạm trù mâu thuẫn đối kháng. Nhưng không hẳn là như vậy.
Bảo tồn và phát triển: Không khó để dung hòa
Video đang HOT
Trong du lịch, muốn phát triển bền vững phải biết bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa hay cảnh quan thiên nhiên. Và muốn bảo tồn phải phát triển đúng hướng. Cặp phạm trù bảo tồn và phát triển có những khác biệt nhưng tác động qua lại, thúc đẩy và hỗ trợ chứ không triệt tiêu nhau. Có chăng chỉ là mâu thuẫn giữa cộng đồng và các nhóm lợi ích (chủ đầu tư).
Mô hình homestay theo hướng du lịch cộng đồng (nhấn mạnh tính bền vững của môi trường và xã hội) ở các tỉnh phía Bắc là minh chứng thuyết phục cho việc bảo tồn để phát triển và ngược lại. Tất cả các nơi lưu trú đều là nhà sàn, lợp tranh, gỗ tạp và tận dụng triệt để vật liệu nhẹ ở địa phương. Bê-tông chỉ dùng để nâng cột nhà sàn. Từng homestay đều có phong cách riêng theo văn hóa bản địa mỗi vùng nhưng nệm, gối phải chuẩn 4 sao.
Homestay A Chu (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) được Tổng cục Du lịch vinh danh là “Điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2018″. Ngoài 26 chỗ ngủ riêng còn có phòng đôi hay phòng riêng cao cấp, giá từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/đêm. Pu Luông Retreat ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu nhẹ, nhìn như nhà cấp 4 nhưng có hồ bơi sinh thái, giá phòng từ 1,5 triệu đồng/đêm, vậy mà quanh năm hết chỗ.
Hồ bơi sinh thái được cải tạo từ ao cá ở Pu Luông Retreat
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) như vườn địa đàng sót lại của hạ giới. Nhà trình tường của người H’Mông bằng đất dày hơn nửa mét, tiện nghi khép kín, giường nệm 4 sao, một phòng có từ 8-10 giường mà giá thành hoàn thiện chỉ khoảng 150 triệu đồng/căn.
Homestay Maison en Bambou Phong – Le Vent (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) được chủ nhân tự thiết kế bằng tre, “độc”, lạ cạnh làng hoa. Giá thành xây dựng hoàn chỉnh chưa tới 90 triệu đồng/nhà. Khách thích vì sự giản dị, độc đáo và rất Nam Bộ.
Vật liệu nhẹ không thể sánh với bê-tông về độ bền nhưng giá thành rẻ hơn nhiều lần; lại dễ hoán chuyển, thay đổi công năng hoặc làm mới. Quan trọng nhất là thân thiện môi trường, gần gũi con người và hài hòa với thiên nhiên vốn có – điều du khách đang rất cần để cân bằng cuộc sống hiện đại. Thực tế, xã hội không tẩy chay hoặc thành kiến với các công trình bê-tông nhưng không đồng tình với việc lạm dụng như hiện nay. Hội chứng bê-tông hóa một cách tùy tiện phải được chặn đứng thì du lịch Việt Nam mới phát triển bền vững.
Xu thế của đơn giản, “độc”, lạ
Tìm về thiên nhiên, thân thiện với môi trường đang là xu thế tất yếu và ngày càng phát triển ở các nước công nghiệp. Du lịch ở nhiều nước đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu và tạo nên những sản phẩm hài hòa với cảnh quan. Nhà lá hay nhà cao tầng bằng tre, gỗ lạc lõng giữa phố nhưng giữa núi rừng hay trong làng quê dân dã thì khác hẳn.
Từ năm 1995, dân Bình Thuận ngạc nhiên khi thấy du khách Việt kiều và TP HCM rất thích các nhà lá tuềnh toàng ven biển ở Hòn Rơm. Không khí trong lành, không gian thoáng đãng, gió và cây cỏ thầm thì, sóng biển vỗ về, côn trùng hòa tấu… là của lạ với dân phố thị. Ngon và đẹp, tùy quan điểm và cách nghĩ từng người nhưng lạ thì dễ thống nhất. “Nửa ký của lạ bằng cả tạ của quen” là vậy.
Có dịp vào các resort cao cấp như Six Senses ở tỉnh Khánh Hòa hay Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) mới thấy hết đẳng cấp và giật mình với cách thiết kế sáng tạo mà giản đơn, trang trí nhà quê mà lịch lãm. Giá lưu trú từ vài chục triệu đồng trở lên cho mỗi phòng/đêm nhưng ít khi nào vắng khách.
Theo nld.com.vn
Khai trương mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại thành phố Đà Nẵng
Xây dựng du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa là một hướng đi trong việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp không khói. Nhằm mục tiêu trên, sáng 4-10, mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) tại thôn Tà Lang- Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chính thức khai trương.
Năm 2019, UBND huyện Hòa Vang đã chọn điểm Tà Lang - Giàn Bí làm điểm mới của du lịch Đà Nẵng. Điểm DLCĐ tại thôn Tà Lang - Giàn Bí là điểm đầu tiên của huyện Hòa Vang nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung. Mô hình vừa giúp phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống cho người dân, vừa gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa, góp phần bảo vệ thiên nhiên nơi đây.
Bắt đầu từ tháng 5-2019, hiện nay việc xây dựng điểm lưu trú homestay và triển khai công tác tư vấn mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1.
Trước đó, từ năm 2017, nhiều hoạt động được triển khai nhằm giúp cho người dân thích nghi dần với làm du lịch cộng đồng: tổ chức cho đồng bào Cơtu đi tham quan các mô hình du lịch tại các tỉnh; tập huấn kỹ năng hướng dẫn thuyết minh cho 10 hướng dẫn viên người Cơtu; huấn luyện và thành lập nhóm du lịch thám hiểm núi rừng cho thanh niên Tà Lang - Giàn Bí và tập huấn kỹ năng nấu nướng, dệt vải, trình diễn công chiêng, văn nghệ , đan lát, làm hàng lưu niệm, quà tặng.
Phục dựng lễ hội truyền thống của người Cơ tu năm 2019
Những năm qua, để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc người Cơtu, ông Đinh Văn Như (39 tuổi) trưởng thôn Giàn Bí thường xuyên họp dân tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cơtu.
Điệu múa săn bắt của thanh niên người Cơ tu
Những cô gái Cơ tu uyển chuyển trong những điệu múa
"Chúng tôi khôi phục một số lễ hội để người dân tôn vinh, giữ gìn hơn bản sắc dân tộc mình. Nhận thấy đây là một nét văn hóa tốt đẹp, từ đó chúng tôi phát huy bằng cách xây dựng một số mô hình, tour du lịch. Đây là điểm dừng chân của khách du lịch, họ có thể trải nghiệm văn hóa nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng ở 2 thôn Tà Lang- Giàn Bí."- Ông Đinh Văn Như, trưởng thôn Giàn Bí cho hay.
Khu nhà nghỉ chân của khách du lịch
Hiện nay, mô hình DLCĐ chỉ xây dựng khu nhà nghỉ chân cho du khách. Khu nghỉ chân làm bằng vật liệu bê tông nhưng lại trang trí kiểu dáng theo nhà ở người dân tộc nơi đây. Ông Dương Văn Minh, đơn vị tư vấn mô hình DLCĐ cho biết, đơn vị sẽ tư vấn xây dựng vũng tắm sinh thái không có hóa chất, khu vực mát xa ngoài trời,... Các khu vực được xây dựng có tính thẩm mỹ thích hợp với điều kiện tự nhiên của người dân nơi đây.
Khu nhà có tiện nghi đầy đủ như một điểm Homestay
Khu nhà vệ sinh của mô hình Du lịch cộng đồng
"Tuy nhiên để mô hình duy trì và tồn tại bền vững, thời gian đến, chúng tôi còn phải xây dựng tại đây với các hệ sinh thái như: ý thức cộng đồng; môi trường xanh, sạch, đẹp; tính chuyên nghiệp trong văn hóa ứng xử và những điểm đến đa dạng nhưng an toàn với du khách. Chính điều này tạo nên điểm nhấn của sự khác biệt, chân chất, mộc mạc, chân thành, gần gũi nhưng rất văn minh, lịch sự."- Ông Bùi Nam Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chia sẻ.
Ông Đinh Văn Như giải thích kết cấu xây dựng khu nghỉ chân của mô hình Du lịch cộng đồng
DLCĐ là loại du lịch gắn kết được cộng đồng và tạo điều kiện cho người dân có thể tham gia làm du lịch. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, "mô hình DLCĐ tại thôn Tà Lang - Giàn Bí là sản phẩm có ý nghĩa, góp phần quảng bá văn hóa đồng bào dân tộc Cơtu đối với du khách trong nước và quốc tế và với sự phát triển chung của du lịch Đà Nẵng".
Hiện nay, với loại hình du lịch nơi đây, Sở Du lịch kết hợp với UBND huyện Hòa Vang tăng cường quảng bá hình ảnh và hướng dẫn du khách biết đến và trải nghiệm DLCĐ gắn với làng quê. Bên cạnh đó, chính quyền tạo điều kiện cho người dân và cộng đồng tham gia hưởng lợi từ sự phát triển của DLCĐ.
Thưởng thức rưụ Cần của người Cơ tu
Để có thể phát triển DLCĐ tại thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết: "Trong thời gian tới, Sở Du lịch tham mưu với thành phố phát triển một số sản phẩm DLCĐ khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như nghề nước mắm ở Nam Ô, nghề cá ở Mân Thái. Đồng thời, phát triển một số sản phẩm DLCĐ gắn với địa điểm có điều kiện phát huy lợi thế của sản phẩm này."
XUÂN QUỲNH
Theo sggp.org.vn
Nét Việt xưa ở làng Nôm Ai về cầu đá làng Nôm.Mà xem phong cảnh nước non hữu tình. Câu ca dao xưa đưa ta về với một làng quê mộc mạc, thanh bình thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm,ở tỉnh Hưng Yên. Đó là làng Nôm, nay còn gọi là thôn Đại Đồng. Ngôi làng cổ còn bảo tồn được không gian văn hóa truyền thống với...