Chân dung vợ chồng giám đốc ’siêu lừa’ ở Cà Mau
Trước khi bị bắt, hàng chục chủ nợ đã đã kéo băng rôn đi khắp đường phố Cà Mau yêu cầu vào cuộc điều tra vợ chồng “siêu lừa đảo” Trần Văn Phụng – Nguyễn Thị Mai Thi.
Đây là vợ chồng Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thúy An ở phường 6, TP Cà Mau (Cà Mau) có biệt tài “mượn đầu heo nấu cháo” gây chấn động vùng cực Nam Tổ quốc.
Chơi thân để dễ lừa
Bà Lê Ánh Nguyệt, chủ khách sạn Ánh Nguyệt, phường 6 (TP Cà Mau) kể rằng là chỗ quen biết, làm ăn lớn như nhau nên bà Mai Thi mượn của bà từ vài triệu lên đến hơn 20 tỷ đồng. Thấy vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH Thúy An đưa ra tài sản lớn như dự án khách sạn, xe du lịch đắt tiền, rồi cầm đồ để nên nhiều người cho vay tiền nhưng thực chất ông Phụng, bà Thi huy động vốn với mục đích lừa đảo.
Vợ chồng Phụng – Thi tại một buổi tiệc trước ngày bị bắt.
Còn bà Nguyễn Thị Hà G., ở phường 5 (TP Cà Mau) cho biết bà quen với bà Thi vì thường gặp nhau trên những chuyến bay từ Cà Mau lên TP.HCM. Vì vậy, khi túng tiền, bà G. mang 15 cây vàng đến cầm cho bà Thi 340 triệu đồng. “Vài tháng sau tôi mang tiền đến chuộc thì vợ chồng bà Thi nói bận đi ngân hàng để đáo hạn nên mượn tôi thêm 10 triệu đồng cho đủ 350 triệu đồng, nhưng sau đó không chịu trả nợ mà vàng tôi cầm cũng biến mất khỏi nơi cầm đồ của bà Thi” – bà G. bức xúc.
Chuỗi lừa đảo tiếp theo của vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai Thi (37 tuổi) và ông Trần Văn Phụng (47 tuổi) là tháng 4/2010 họ mang chiếc xe Toyota Camry cầm cố cho bà Trương Thị Sẽ, khóm 4, phường 6 (TP Cà Mau) lấy đi số tiền 900 triệu đồng. Đến tháng 6/2010, vợ chồng Phụng – Thi lấy lý do đi giao dịch với người ở ngân hàng Hà Nội vào để vay 200 tỷ đồng nên mượn lại chiếc ôtô Camry đã cầm cho bà Sẽ. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng Phụng – Thi lại cầm chiếc xe này cho ông Quách Ngọc Tệt ở phường 7, TP Cà Mau lấy 709 triệu đồng chi xài cá nhân.
Lừa bằng “chứng nhận tiền gửi”
Hai vị mục sư nhà thờ ở huyện Thới Bình (Cà Mau) là ông Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Tài cũng bị bà Thi lừa khi nữ giám đốc này xin làm con chiên rồi ngỏ ý muốn giúp nhà thờ gửi tiền vào doanh nghiệp của Thi để lấy lãi suất cao. Cụ thể là ngày 16/1/2010 vợ chồng Phụng – Thi cùng ký tên, đóng dấu ban hành tờ “chứng nhận tiền gửi” trị giá 1 tỷ đồng cho ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình (Cà Mau) với lãi suất 2% mỗi tháng.
Video đang HOT
Dù không có chức năng huy động vốn nhưng công ty của vợ chồng Thi – Phụng lại ban hành “chứng nhận tiền gửi”.
Cùng ngày vợ chồng Phụng – Thi ký trao tiếp một “chứng nhận tiền gửi khác” cho ông Lâm và ông Nguyễn Văn Tài ở xã Trí Phải cùng đứng tên trị giá 1 tỷ đồng với lãi suất tương tự. Đến tháng 3/2011 thấy quá hạn gửi tiền mà vợ chồng Phụng – Thi không trả nên hai ông Lâm, Tài khởi kiện ra tòa để đòi lại tiền nhưng đến nay vẫn chưa lấy được đồng nào.
Sau nhiều lần mời hòa giải nhưng bị đơn đều vắng mặt nên tháng 5/2011 Tòa án nhân dân TP Cà Mau xét thấy vụ kiện có dấu hiệu hình sự vì Công ty TNHH Thúy An không có chức năng huy động vốn nên đình chỉ vụ án dân sự, chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra.
Không chỉ là bị đơn của những người đang giữ khoảng 30 “chứng nhận tiền gửi” mà vợ chồng Phụng – Thi còn bị nhiều cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng ở Cà Mau kiện ra tòa để đòi nợ hàng chục tỷ đồng vì các khoản tiền vay mượn đã quá hạn theo thỏa thuận gia hạn nợ. Trong đó có vụ kiện khá lớn mà nguyên đơn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông chi nhánh Cà Mau khởi kiện yêu cầu vợ chồng chủ doanh nghiệp ATP Thuý An hoàn trả nhiều khoản vay thế chấp trên 7 tỷ đồng vì đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Trong quá trình thụ lý, hòa giải các vụ kiện liên quan đến Công ty TNHH ATP Thúy An, Tòa án nhân dân TP Cà Mau nhận thấy rằng cùng một tài sản (thửa đất 231, tờ bản đồ số 19) nhưng vợ chồng Phụng – Thi đã mang đi thế chấp hai nơi nhưng chưa trả xong nợ cho nơi nào.
Cụ thể là vào tháng 4/2010 vợ chồng Phụng – Thi thế chấp thửa đất 231 cho vợ chồng bà Võ Ngọc Dung – Lâm Quốc Chuyện (chủ một tiệm vàng ở phường 8, TP Cà Mau) để vay 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước đó vào tháng 3/2009 giấy tờ của thửa đất này đã được Công ty TNHH ATP Thúy An thế chấp cho Ngân hàng thương mại Cổ phần Phương Đông chi nhánh Cà Mau để vay 1,8 tỷ đồng.
Chấn động cực Nam Tổ quốc
Cuối tháng 12/2011 lực lượng Công an tỉnh Cà Mau đến trụ sở Công ty TNHH Thúy An thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam vợ chồng Phụng – Thi để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hay tin, hàng ngàn người tập trung theo dõi cơ quan bảo vệ pháp luật bắt vợ chồng “siêu lừa” gây ách tắc Quốc lộ 1A nhiều giờ liền.
Nhiều chủ nợ treo băng rôn phản ứng vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH Thuý An tại công trình xây dựng khách sạn Phụng Hoàng do bà Thi làm chủ đầu tư.
Chuỗi hành vi lừa đảo của cập vợ chồng Phụng – Thi đã bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau vạch trần mới đây nhưng những hành vi vi phạm pháp luật của Phụng – Thi đã làm xôn xao vùng cực Nam Tổ quốc này hai năm qua khi nhiều chủ nợ có đơn tố giác gửi đến nhà chức trách. Tuy nhiên, do nhiều cá nhân, đơn vị có ký hợp đồng giao dịch với vợ chồng Phụng – Thi nên vài tháng trước TAND TP Cà Mau thụ lý dân sự xét xử theo trình tự của những vụ kiện đòi nợ. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra, cơ quan xét xử thấy vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH Thúy An có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản nên chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Trrong quá trình thu thập chứng cứ, nhà chức trách xác định quá trình khuyết trương quy mô làm ăn, tháng 10/2009 Giám đốc Công ty TNHH Thuý An ký hợp đồng với Công ty đốc Công ty Cổ phần Xây dựng dịch thương mại và kinh doanh nhà Nguyễn Duy ở đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM để nhà thầu này thi công nhà hàng khách sạn của mình mang tên Phụng Hoàng tại TP Cà Mau với tổng giá trị hợp đồng là 7,8 tỉ đồng. Đầu năm 2010, phần móng hoàn tất với giá trị gần 1,7 tỷ đồng ông Phụng và bà Thi nghiệm thu nhưng không thanh toán tiền cho đơn vị thi công.
Đông đảo người dân Cà Mau xem khám xét công ty của vợ chồng Thi – Phụng vào cuối năm 2011.
Khi đại diện Công ty Nguyễn Duy yêu cầu thanh toán nợ thì vợ chồng Phụng – Thi chìa ra “hợp đồng tín dụng” giả ký một ngân hàng ở Hà Nội với nội dung chấp nhận cho vợ chồng này vay 80 tỷ đồng. Vì vậy, Phụng – Thi yêu cầu phía đơn vị thi công cho vay thêm 7 tỷ đồng để làm chi phí dịch vụ giải ngân với cam kết khi rút được tiền vay sẽ thanh toán ngay số tiền 7 tỷ đồng tiền vay với 1 tỷ đồng “bồi dưỡng” cho nhà thầu và thanh toán luôn tiền nợ thi công nhà hàng khách sạn Phụng Hoàng. Tuy nhiên, sau khi lấy được tiền vợ chồng Phụng – Thi đã chiếm dụng luôn số tiền mà Công ty Nguyễn Duy cho đến nay không trả đồng nào.
Hiện vụ án đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau khẩn trương điều tra để sớm có kết luận chính thức./.
HỒNG DÂN
Theo Infonet
Thảm án của Luyện vẫn còn những điểm "mờ" gây xôn xao
Nhiều người vẫn đoán non đoán già về các tình tiết trong vụ án còn đang bị coi là điểm "mờ".
Vụ cướp tiệm vàng mà Luyện là thủ phạm dù đã trôi qua hơn 2 tuần nhưng vẫn giữ vị trí "nóng" trong các vụ án hình sự được dư luận quan tâm. Lý do khiến "nhiệt độ bàn tán" về vụ án này chưa hạ xuống một phần vì thủ đoạn tàn độc, man rợ của hung thủ, phần khác vì các tình tiết trong vụ án còn nhiều điểm "mờ" khiến người ta phải đoán non đoán già xem sự thể thực chất ra sao.
Điểm "mờ" thứ nhất: Có mấy kẻ giết người?
Tính đến thời điểm này, đã có 5 người thân của Lê Văn Luyện bị tên này kéo vào vòng lao lý vì các hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm. Ngoài ra, còn một vài người thân khác của Luyện vẫn đang trọng diện bị công an theo dõi để điều tra thêm về vai trò trợ giúp cho Luyện sau khi "sát thủ" này gây án tại tiệm vàng Ngọc Bích. Tuy vậy, chừng đó "tội phạm" vẫn là chưa đủ để thuyết phục dư luận tin vào lời khai của Luyện rằng đối với hành vi giết người - cướp của, hắn là thủ phạm duy nhất.
Cơ quan công an nhận định tên Luyện một mình gây án nhưng không loại trừ khả năng còn những người khác tham gia vụ án ngoài Luyện.
Về việc Luyện ra tay một mình hay có đồng phạm trợ giúp, cơ quan công an đã trả lời nhiều phương tiện truyền thông.
Chiều 5/9, Thượng tá Lê Văn Dũng - Phó phòng Công tác chính trị và Quan hệ quần chúng (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết: Kết quả giám định mới nhất của Cơ quan Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an đã xác định ngoài mẫu máu của các nạn nhân tại hiện trường, lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện mẫu máu "lạ" duy nhất - được xác định là mẫu máu của Lê Văn Luyện.
Ngoài mẫu máu này, Thượng tá Dũng khẳng định dấu chân "lạ" tại hiện trường cũng là của Luyện (trước đó, Luyện khai đi dép khi đột nhập tiệm vàng nhưng sau đó bỏ dép đi chân đất lúc gây án). Tuy nhận định Luyện một mình gây án nhưng cũng theo Thượng tá Dũng, Ban chuyên án không loại trừ khả năng còn những người khác tham gia vụ án ngoài Luyện.
Như vậy, có thể thấy rằng những thông tin mà ngành công an cung cấp cho báo chí đều chỉ dừng ở mức "nhận định" (chứ chưa kết luận) rằng Luyện gây án một mình. Cùng với đó, cơ quan công an cho biết "công tác xác định có nghi phạm khác hay không vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ".
Thời điểm này, khi cơ quan công an đang củng cố chứng cứ để có thể đưa ra kết luận chính thức về nghi vấn "Luyện có đồng phạm giết người", dư luận và cả công luận ngày càng có nhiều ý kiến nhận định, thậm chí khẳng định rằng "Luyện không thể là thủ phạm duy nhất cướp tiệm vàng".
Người ta hướng tới giả thuyết nêu trên, trước hết vì nhân chứng duy nhất và cũng là nạn nhân duy nhất còn sống trong vụ án này - cháu Trịnh Ngọc Bích từng khẳng định với người thân rằng: Lúc gặp nạn, cháu nhìn thấy có 2-3 người.
Ngoài căn cứ trên, trong dư luận, không ít người còn băn khoăn về hai tình tiết đối lập của vụ án này. Chi tiết thứ nhất là việc Luyện khai sau khi cướp vàng, hắn dùng điện thoại gọi cho anh họ đến đón mình. Chi tiết này cho thấy dấu hiệu của việc Luyện không có đồng phạm, vì nếu có thì Luyện đã trốn theo đồng bọn hoặc được đồng bọn đưa đi chứ việc gì phải gọi người đến đón? Chi tiết thứ hai là một chi tiết chưa sáng tỏ, nhưng chính sự mập mờ ấy đã khiến dư luận hồ nghi về việc Luyện được kẻ khác giúp sức trong hành trình cướp tiệm vàng. Đó là việc Luyện đã đến tiệm vàng theo cách thức nào (Đi một mình hay đi với ai? Đi bằng phương tiện nào? Đi từ lúc mấy giờ? Đi từ nhà, từ quán game hay đi từ đâu?).
Còn trong công luận, một số chuyên gia pháp lý đã đăng đàn báo chí để phân tích những mâu thuẫn trong lời khai của Lê Văn Luyện rằng hắn gây án một mình. Thạc sĩ luật học Phạm Thanh Bình, người có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tại tòa hình sự TAND Tối cao phân tích: Vào mùa hè, lúc 5h30 (thời điểm Luyện bắt đầu ra tay thảm sát - PV) trời đã sáng nên nhiều gia đình hàng xóm có thể đã thức dậy, một mình Luyện giết hại dã man 3 thành viên của gia đình anh Ngọc; chặt đứt bàn tay bé Bích (con gái lớn nạn nhân) mà hàng xóm không "phát hiện hoặc nghe thấy tiếng động gì từ ngôi nhà này là điều vô lý".
Ông Bình cho rằng phải có thêm người tham gia gây án cùng Luyện thì mới có thể sát hại tới 4 người, ung dung cậy mặt kính tủ trưng bày trang sức, cướp hết vàng ta rồi tẩu thoát. Ngoài ra, ông gọi việc một thanh niên nông thôn mới học hết cấp 2, đi làm thợ hồ như Luyện mà có thể đột nhập vào nhà bằng cạy cửa ở lan can tầng 3, thông thạo vị trí bên trong, lại biết các chỗ để ngắt điện camera cùng hệ thống báo động "là điều rất phi lý" (về nhận định này, có người phản bác: Luyện hay đi làm công trình xây dựng nên không loại trừ khả năng hắn có kiến thức thực tế về sơ đồ điện, hệ thống báo động)...
Điểm "mờ" thứ hai: Chiếc két sắt bí hiểm
Từ khi vụ án xảy ra đến nay, chỉ có hai luồng tin về chiếc két sắt trong tiệm vàng Ngọc Bích được đưa ra trên một vài tờ báo. Đáng tiếc rằng, đó đều là những thông tin rất sơ sài và có phần mâu thuẫn với nhau. Luồng tin thứ nhất khẳng định "két sắt bị khoắng sạch" (tin do "một điều tra viên tham gia khám nghiệm hiện trường" cung cấp), hoặc "két sắt bị lục lọi". Luồng tin thứ hai lại khẳng định: "Tủ vàng tây và két bạc vẫn còn nguyên vẹn".
Chiếc két sắt bí hiểm trong tiệm vàng Ngọc Bích.
Bởi vậy, sự thật về chiếc két sắt nêu trên vẫn là một điều bí hiểm. Két nguyên xi hay đã bị lục lọi? Két được mở hay bị phá? Trong két có những tài sản gì? Số tiền mặt trị giá bao nhiêu? Có giấy tờ, sổ sách ghi nợ hay không? Những vật chứng quan trọng này (nếu có) thì có bị kẻ gian "khoắng" hay không? Nếu Luyện đã "khoắng" tiền trong két thì Luyện đã cất giấu hay đã đưa cho ai để đến nỗi trên đường trốn chạy, hắn phải bán cả chiếc điện thoại lấy 400.000 đồng?. Cơ quan điều tra đã thu hồi được những vật có trong két sắt (nếu đã bị lấy trộm) cùng chiếc điện thoại đó chưa?... Đó đều là những câu hỏi mà dư luận đang mong ngóng cơ quan công an đưa ra câu trả lời.
Điểm "mờ" thứ ba: Động cơ phạm tội của Lê Văn Luyện
Cứ cho là Lê Văn Luyện một mình đột nhập vào tiệm vàng Ngọc Bích thì dư luận cũng có nhiều người hồ nghi về động cơ gây án của hắn ta: Ban đầu, Luyện đột nhập tiệm vàng với mưu đồ chính là trộm cắp tài sản hay nhằm mưu sát gia đình chủ tiệm vàng?
Các thành viên của thế giới ảo đang tranh luận gay gắt về hai giả thuyết: 1. Luyện sát hại gia đình nạn nhân nhằm rảnh tay cướp vàng (như lời khai ban đầu của hắn); 2. Luyện chủ tâm giết người, sau đó mới nảy sinh ý đồ cướp tài sản.
Trên một diễn đàn, chủ nick "maumathat..." phản bác giả thuyết thứ nhất: "Nếu Luyện chỉ nhằm mục đích trộm, cướp thì không thể phục đến 3 tiếng đồng hồ trong tiệm vàng. Tại sao không xuống tầng 1 lấy vàng và tiền và trốn đi? Trời mưa lớn vào lúc nào? Tại sao đợi đến 5h sáng mới hành động? Lúc đó trời sáng và mọi nguời xung quanh đã bắt đầu cho ngày mới, lúc này rất dễ bị lộ...".
"Nếu chỉ có ý định ăn trộm, cướp thì sau khi đột nhập nhân lúc vợ chồng gia chủ đang ngủ, hắn (tức Lê Văn Luyện - PV) phải nhanh tay cuỗm vàng rồi tẩu thoát nhanh chóng. Nhưng ở đây, Luyện khai hắn nấp ở trong nhà hẳn 3 tiếng chờ vợ chồng chủ tiệm thức giấc để sát hại họ rồi mới cuỗm vàng?" - Thạc sĩ Phạm Thanh Bình nói trên VnExpress.
Theo ông Bình, tâm lý thông thường của kẻ trộm là ít khi dùng vũ lực với chủ nhà mà chỉ ra tay khi hành tung bị phát hiện, ngăn chặn. "Đằng này anh ta chờ giết người, sau đó mới thực hiện việc cướp của. Nếu như diễn biến sự việc theo đúng lời khai thì không phù hợp với diễn biến tâm lý của kẻ ăn trộm cướp" - ông nhìn nhận.
Lời giải về các điểm "mờ" nêu trên sẽ được chuyển tới bạn đọc khi cơ quan công an có kết luận điều tra.
Công tác điều tra sẽ sớm kết thúc
Liên quan đến vụ án này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, trong đó phóng viên có nêu câu hỏi: "Sau khi đối tượng Lê Văn Luyện bị bắt, dư luận hồ nghi về lời khai một mình giết 3 mạng người của hung thủ, Trung tướng có thể cho biết nhận định của Cơ quan điều tra về số lượng hung thủ gây ra vụ án này?". Đáp lại, Trung tướng Ngọ cho biết: "Chúng tôi nhận định Lê Văn Luyện là chủ mưu gây ra vụ án, còn những thông tin khác chúng tôi sẽ cung cấp khi có đủ chứng cứ". Cũng theo Trung tướng, hiện cơ quan công an vẫn đang tập trung điều tra khai thác, củng cố chứng cứ căn cứ vào hiện trường để lại, đấu tranh làm rõ và điều tra mở rộng vụ án để sớm kết thúc và đưa ra xử lý trước pháp luật.
Theo ANTD
'Không có ai giật dây, tham gia cướp tiệm vàng với Luyện' Chiều 8/9, Công an tỉnh Bắc Giang tái khẳng định, đủ chứng cứ xác định duy nhất Lê Văn Luyện gây án tại tiệm vàng Bắc Giang. Nạn nhân Bích có thể do hoang mang nên nhận diện nhầm "có hai người đầu xanh, đầu đỏ". Trước phân tích của một số luật sư rằng "Luyện không thể là thủ phạm duy nhất",...