Chấn động án oan ở Bắc Giang: Truy tố oan 8 người, 1 người chết
Cùng thời gian truy tố, tuyên án ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn “dính” tới vụ bê bối khác khi truy tố oan cho 8 công dân.
Ông Dương Phúc Thịnh, 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 23/7/2008.
Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Bắc Giang) vừa được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan, trao đổi với phóng viên sáng nay 5/11, một chuyên gia tư pháp cho biết cùng thời gian truy tố, tuyên án ông Nguyễn Thanh Chấn với tội danh “Giết người” năm 2003, các cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn “dính” tới một vụ bê bối khác khi truy tố oan cho 8 công dân và sau đó phải bồi thường, xin lỗi.
8 công dân ấy bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6/2001 đến tháng 7/2003.
Trong đó, ông Nguyễn Quý Đoan (tức tiểu Thích Đạo Sơn) là người bị khởi tố, bắt tạm giam đầu tiên. Sau đó, Đoan đã khai nhận tham gia 7 vụ trộm cắp và “xì” ra “đồng bọn”.
Trong suốt thời gian bị tạm giam hơn 2 năm trời và trải qua 4 phiên tòa, không đủ chứng cứ để buộc tội những người bị truy tố, 8 bị can đã được đình chỉ điều tra, xác định bị làm oan.
Đặc biệt, trước khi được giải oan, bị can Phan Hữu Hường – một nhà sư – đã chết trong trại tạm giam Kế (tỉnh Bắc Giang) và sau đó được kết luận là do bị bệnh. Trong các phiên xét xử công khai, 7 bị can còn lại đều nhất loạt tố cáo rằng họ bị tra tấn, nhục hình, ép cung trong thời gian bị giam giữ.
Tới phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6/2006, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo trong vụ việc này đều vô tội và trả tự do ngay tại tòa.
Video đang HOT
Vậy nhưng phải tới tháng tháng 7/2008, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bắc Giang mới bắt đầu tổ chức “xóa án tích” cho ông Dương Phúc Thịnh, 1 trong các bị cáo của vụ trộm cổ vật, tại nơi cư trú (quận Ba Đình, Hà Nội) và sau đó lần lượt với những công dân khác.
Tại buổi công khai xin lỗi ông Thịnh ngày 23/7/2008, Phó viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang Vũ Mạnh Thắng khẳng định việc khởi tố oan sai là do sơ suất của cơ quan thực thi pháp luật của cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang nói chung và VKSND tỉnh Bắc Giang nói riêng. Thiếu sót này đã gây ra tổn thất về tinh thần và vật chất với ông Thịnh.
Trước khi xảy ra vụ việc, ông Dương Phúc Thịnh đang là một nghệ nhân làm cây cảnh, cuộc sống gia đình sung túc. Sau hơn 1.000 ngày bị khởi tố oan, ông trở về gia đình với hai bàn tay trắng và nỗi ám ảnh trong những ngày bị giam giữ. Tuy vậy suốt một thời gian dài VKSND tỉnh Bắc Giang “cò kè bớt một thêm hai” khi tính toán các khoản bồi thường cho ông Thịnh và các công dân khác.
Trao đổi với phóng viên, sáng nay 5/11, một chuyên gia tư pháp nhận định việc điều tra, truy tố, xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) với tội danh “Giết người” và truy tố oan cho 8 công dân trong vụ “trộm cắp cổ vật” diễn ra trong cùng khoảng thời gian từ 2001-2003.
“Điều đó cho thấy năng lực của các cơ quan tố tụng, xét xử tỉnh Bắc Giang thời gian này có vấn đề và cần thiết phải xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân cụ thể” – vị này cho biết.
Theo Xahoi
Vụ án oan 10 năm: Hung thủ gây án khi mới 15 tuổi
Đối tượng Lý Nguyễn Chung (SN 1988) giết nạn nhân Nguyễn Thị Hoan vào ngày 15/8/2003, khi Chung mới 15 tuổi. 10 năm qua, khi ông Chấn phải chịu tù oan, Chung đã lẩn trốn khắp nơi và hiện có hộ khẩu thường trú tại huyện EaKar, tỉnh Đắc Lắc
Tại cuộc họp báo sáng nay (5/11) ở trụ sở Cơ quan VKSND Tối cao (số 44 Lý Thường Kiệt - Hoàn Kiếm - Hà Nội), ông Nguyễn Việt Hùng - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của VKSND Tối cao cho biết, ngay sau khi vào cuộc làm rõ về những dấu hiệu về bản án tù chung thân là oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn với tội "giết người" vào ngày 4/11.
Cũng theo thông báo từ người phát ngôn, vào ngày 25/10/2013 đối tượng Lý Nguyễn Chung (sinh năm 1988 tại Nhượng Ban - Lộc Bình - Lạng Sơn); nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở tại thôn Đoàn Kết, xã EaKa Mút, huyện EaKar, tỉnh Đắc Lắc đã đến đầu thú tại cơ quan điều tra VKSND Tối cao về hành vi "giết người" và "cướp tài sản" đối với nạn nhân Nguyễn Thị Hoan, chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn. Theo đó, VKSND đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 17/QĐ-VKSTC-C6 ngày 29/10/2013 với tội danh "giết người" và "cướp tài sản" đối với bị can Lý Nguyễn Chung.
Ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị tù oan hơn 10 năm nay đã được trả tự do để các cơ quan pháp luật làm rõ vụ án giết người năm 2003 tại địa phương ông.
Ngay sau khi bắt giữ hung thủ vụ án, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cũng đã ra Quyết định bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc (Bố của Lý Nguyễn Chung, sinh năm 1950) về hành vi đe doạ giết bà Nguyễn Thị Lành (nhân chứng vụ án) và Quyết định tạm giữ hình sự đối với Lý Văn Chúc để phục vụ điều tra, làm rõ.
Theo cáo trạng của vụ án, cách đây hơn 10 năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp dẫn tới tử vong.
Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử khi đó đều cho rằng ông Nguyễn Thanh Chấn là người phạm tội. Bị kết tội trong cả 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn phải đi tù thay vì hung thủ thực sự vụ án nghiêm trọng được xác định sau đó là Lý Nguyễn Chung.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của VKSND Tối cao tại buổi họp báo sáng 05/11.
Theo thông tin công bố tại buổi họp báo, trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có nộp đơn kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan. Nội dung đơn cho rằng thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15/8/2003 không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Đến ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao. Ngay sau khi nhận được đơn, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tổ chức 3 đoàn đi xác minh, lần theo chỗ ở và tại Bắc Giang nơi bố mẹ ruột đối tượng sinh sống.
Trong quá trình tìm hiểu, điều tra để tiếp cận hung thủ chính của vụ án này, đã rất nhiều lần cán bộ điều tra VKSND Tối cao gặp khó khăn do bị can Chung đã liên tục thay đổi số điện thoại và liên tục thay đổi chỗ ở, cũng như di chuyển khắp nơi từ Đắk Lắk đi Quảng Ninh, sang Trung Quốc... sau đó, bằng sự thuyết phục của người thân, cuối cùng Chung đã chấp nhận ra đầu thú và khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào đêm 15/8/2003 để cướp tài sản.
Đến thời điểm này, VKSND Tối cao đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự "Giết người" và "Cướp tài sản" theo luật hình sự đồng thời quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Lý Nguyễn Chung (SN 1988).
PV Dân trí đặt câu hỏi về căn cứ cụ thể của việc kháng nghị tái thẩm và đình chỉ thi hành án đối với ông Chấn và việc ông Chấn có đơn kêu oan từ trong trại giam gửi cơ quan chức năng, VKSND Tối cao có nhận được? Bà Nguyễn Thị Yến - Vụ trưởng Vụ III trực tiếp trả lời tại buổi họp báo rằng, việc VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị tái thẩm và đình chỉ thi hành án được thực hiện dựa vào kết quả điều tra của Bộ Công an và tài liệu xác minh của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, kèm việc thu thập thông tin theo đơn của bà Nguyễn Thị Chiến - vợ ông Chấn gửi cơ quan chức năng.
"Việc ông Chấn có đơn kêu oan từ trong trại giam là có nhưng không thấy gửi đến cơ quan của VKSND Tối cao mà là Văn phòng chính phủ hoặc các cơ quan khác không trực tiếp thụ lý giải quyết vụ việc. Trong vụ án VKSND Tối cao ra kháng nghị nhưng quyết định thuộc về Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao kết luận là ông Chấn có tội hay không có tội, bởi vụ án xảy ra đã lâu, khi đưa ra xét xử sẽ còn nhiều tình tiết được làm rõ" - bà Yến cho hay.
Cũng theo lời người phát ngôn VKSND Tối cao, chưa thể nói gì về việc bồi thường vì chưa có kết luận cuối cùng từ tòa án.
Sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao, TAND tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất của vụ án và đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án.
Chánh án TAND tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm, tại phiên tòa mở vào ngày mai, 6/11/2013.
Quốc Đô
Theo Dantri
Người chịu án oan 10 năm sẽ được bồi thường khoảng 520 triệu đồng "Cơ quan cuối cùng xác định ông Nguyễn Thanh Chấn là người có tội phải chịu trách nhiệm. Trong vụ án này, Tòa Tối cao đã xét xử phúc thẩm và vẫn xác định tội nên sẽ phải bồi thường" - luật sư Vi Văn Diện cho biết. Hai ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao câu chuyện đau lòng về...