Chạm tay vào mặt là thói quen dễ khiến lây lan virus corona
Chúng ta có xu hướng chạm vào mặt nhiều hơn tưởng tượng và điều đó thực sự đe dọa đến sức khỏe, đặc biệt là trong thời dịch Covid-19.
Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Morning Post đề cập đến mức độ nguy hiểm của việc chạm tay lên mặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Trong thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống, không chỉ việc ngoáy mũi bị cho là mất vệ sinh và bất lịch sự mà còn cả hành động gãi mũi, chạm tay vào miệng hay dụi mắt cũng bị đánh giá tương tự.
Cần phải lưu ý, chỉ cần 1 virus xâm nhập vào cơ thể qua đường mắt, mũi, miệng, chúng ta có thể mắc bệnh truyền nhiễm.
Sau khi vào cơ thể người, virus có thể tìm một tế bào trong cổ họng, mũi hoặc xoang để xâm nhập và phá hủy.
Trong nhiều trường hợp, một lần vô tình chạm ngón tay chưa rửa lên mặt có thể bắt đầu quá trình phá hủy phổi và thận của con người. Trong trường hợp xấu nhất, hành động này còn có thể dẫn đến hiện tượng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và khiến bạn không thể tự thở được.
Một lần vô tình chạm ngón tay chưa rửa lên mặt có thể bắt đầu quá trình phá hủy phổi và thận của con người. Ảnh: SCMP.
Tuy nhiên, ngừng chạm vào mặt gần như là việc bất khả thi với chúng ta. Hành động này như một phản xạ vô điều kiện và chúng ta thậm chí không nhận thức được nó.
“Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sinh viên y khoa chạm vào mặt họ trung bình 23 lần/giờ”, Tiến sĩ Otto Yang, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), cho biết.
Thực ra, có thể lý giải cho việc con người thường chạm tay lên mặt. Theo một bài báo nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS One, chạm vào mặt có thể liên quan đến một loại cảm giác tiêu cực – cảm giác khi chúng ta không đạt được mục tiêu hoặc không hài lòng.
Theo tờ PLoS One, chạm vào mặt có thể giúp chúng ta giải tỏa sự lo lắng, khó chịu và cảm thấy được an ủi. Chúng ta có thể nghĩ rằng hành động này chỉ xảy ra khi mình bị ngứa, nhưng nghiên cứu trên cũng khẳng định con người thực sự có phản ứng chạm tay vào mặt khi cảm thấy bất ổn, suy sụp.
Video đang HOT
Nhiều nghiên cứu khẳng định con người chạm tay vào mặt khi cảm thấy bất ổn, suy sụp. Ảnh: SCMP.
Một sự thật thú vị là chạm vào mặt cũng được cho là một biện pháp giúp tập trung. Trong một nghiên cứu về hành vi, các nhà nghiên cứu đã cố gắng đánh lạc hướng những người đang tham gia một nhiệm vụ khó khăn, cần tập trung tinh thần cao độ. Họ nhận thấy rằng các đối tượng thử nghiệm dần chạm vào mặt nhiều hơn khi bị phân tâm.
Nhưng thật không may, những thứ chúng ta chạm vào thường xuyên nhất lại thường bám bẩn, chẳng hạn như điện thoại di động – thứ mà hầu hết mọi người chạm vào ngay khi vừa rửa tay xong.
Trong một nghiên cứu, vi khuẩn thường được phát hiện trên điện thoại di động của đa số nhân viên y tế với kết quả chỉ ra rằng 93% chiếc được phát hiện dính đầy vi trùng. Theo một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Vi sinh học Iran, hầu hết điện thoại cầm tay của các nhân viên chăm sóc sức khỏe đều bẩn, với 58% trong số đó chứa đầy vi khuẩn.
Vậy là điện thoại di động không chỉ có khả năng truyền tin nhắn mà còn truyền cả vi khuẩn gây bệnh.
Không chỉ đề phòng bị lây qua giọt bắn từ người bệnh khi ho hoặc hắt hơi, mọi người cần lưu ý mức độ nguy hiểm của việc lây truyền virus qua việc chạm tay lên mặt.
Một số virus có thể tồn tại nhiều ngày trên các bề mặt cứng, chỉ chờ để được “nhặt lên” bằng một đầu ngón tay. Một nghiên cứu trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm cho thấy virus cúm vẫn tồn tại trên bề mặt cứng ở phòng bệnh sau vài ngày. Virus thường trú ngụ trên chuột máy tính, ga giường, tường, ghế sofa và quần áo.
Khẩu trang không thể ngăn bạn chạm tay vào mặt. Ảnh: SCMP.
Những người khẳng định đeo khẩu trang là an toàn nên biết rằng khẩu trang không thể ngăn bạn chạm tay vào mặt.
“Khẩu trang không che mắt và đôi khi bạn có thể bị ngứa mũi, ngứa mắt. Bạn có thể gãi mũi qua lớp vải nhưng khả năng bạn dụi mắt và bị nhiễm bệnh từ đó là rất lớn”, Tiến sĩ James Cherry, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại UCLA, cho biết.
Vậy mọi người có thể làm gì để phá vỡ thói quen này? Hãy thử áp dụng một trong số những gợi ý dưới đây.
Bắt đầu lưu ý hơn tới việc hạn chế chạm vào mặt, hãy cố gắng tự ngăn mình lại trước khi kịp thực hiện hành động đó. Một gợi ý để hạn chế thói quen này là thường xuyên khoanh tay trước ngực hơn hoặc làm cho tay bạn trở nên bận rộn.
Khi bị ngứa thì sao? Hãy cố gắng lờ nó đi. Nếu bạn quá khó chịu, hãy rửa tay rồi mới gãi, sau đó rửa tay lại lần nữa.
Hãy xem xét việc đeo găng tay. Găng tay an toàn thực phẩm loại mới nhất có thể sử dụng được trên màn hình điện thoại thông minh. Dùng găng tay có thể khiến bạn ngại chạm vào mặt hơn.
Theo zing.vn
'Nếu làm tốt, người cách ly tại nhà không thể lây bệnh cho người khác'
Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế) trước những e ngại về việc cách ly người nghi nhiễm tại nhà.
Ông Phu cho biết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế đối với những người trong diện nghi nhiễm Covid-19 bao gồm cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Nghiêm túc cách ly tại nhà
Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với: Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định; Người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; và các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn.
Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi ở, nơi lưu trú nào như nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá của trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.
Ông Phu cho biết việc xác định đối tượng nào phải cách ly, cách ly ở mức độ nào đều đã được tính toán. "Nếu bạn được cách ly tại nhà là đã đỡ thiệt thòi hơn khi phải cách ly tập trung như không phải xa nhà, xa người thân... Những việc cần làm tại nhà đều đã được hướng dẫn cụ thể. Nếu làm đúng như hướng dẫn thì không thể có chuyện lây cho người khác", PGS Phu khẳng định.
Việc cách ly tại nhà đòi hỏi ý thức cao của người được cách ly. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi sự giám sát, theo dõi của những người xung quanh.
"Người cách ly phải giữ gìn, tránh tiếp xúc người khác, không đi lại. Chẳng hạn, ở chung cư, mà người cách ly vẫn đi lại khắp nơi, khạc nhổ bừa bãi... thì vai trò, trách nhiệm của những người xung quanh, của chung cư, chính quyền cũng phải được thể hiện. Phải có ý kiến, đấu tranh với họ chứ không phải sợ mà bỏ qua. Nếu làm tốt, người cách ly tại nhà là an toàn, không lây cho người khác được", PGS Phu phân tích.
Ông Phu cho biết việc xác định đối tượng nào phải cách ly, cách ly ở mức độ nào đều đã được tính toán. Ảnh: Phạm Thắng.
PGS nhận định tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp, việc ghi nhận thêm các ca mới là điều chắc chắn xảy ra. Ở giai đoạn đầu, Việt Nam chủ yếu chỉ đối phó với nguy cơ lây lan từ phí Trung Quốc, hiện nay, nguy cơ tăng ở rất nhiều quốc gia.
Do đó, người dân cần nghiêm túc chấp hành việc khai báo và cách ly khi có yêu cầu.
"Thời tiết nắng nóng hiện nay không có ý nghĩa với dịch bệnh, chúng ta không cần quan tâm. Bình Thuận đang nắng mà vẫn có hàng loạt ca mắc. Bản chất của virus SARS-CoV-2 là lây qua tiếp xúc gần và bàn tay khi tiếp xúc với các bề mặt. Do đó, cần đặc biệt chú ý cả việc vệ sinh các bề mặt, tay nắm cửa, thang máy, đồ dùng...", ông Phu khuyến cáo.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch Covid-19.
Cam kết khi cách ly tại nhà
Ngày 12/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 879/QĐ-BYT hướng dẫn Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19. Người cách ly tại nhà/nơi lưu trú và gia đình phỉa có bản cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện tốt biện pháp cách ly y tế, cụ thể:
- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của Chính quyền địa phương và hướng dẫn của ngành y tế.
- Chấp hành việc tự cách ly tại nhà đúng thời gian quy định.
- Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
- Không tổ chức liên hoan ăn uống, hoạt động đông người tại nơi ở, nơi lưu trú.
- Các cá nhân trong hộ gia đình chấp hành nghiêm việc tự theo dõi sức khỏe, không giấu bệnh và thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã và tổ dân phố khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt (nhiệt độ trên 37,5 độ C); ho; khó thở; sổ mũi, đau rát họng.
- Cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình hàng ngày thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh: Đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; giữ nhà cửa thông thoáng, vệ sinh trong nhà như lau các đồ dùng vật dụng, bàn ghế, nền nhà, tay nắm cửa... bằng các chất khử trùng, chất rửa tẩy thông thường.
- Các thành viên trong gia đình động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhau, yên tâm thực hiện việc cách ly trong suốt thời gian theo dõi.
Theo Zing
Cứu sống bệnh nhân suy đa tạng do sốc nhiễm khuẩn Vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nặng do viêm mủ bể thận trên nền bệnh sỏi niệu quản phải, bệnh nhân Vũ Hồng N. (68 tuổi, tại Quang Trung - Uông Bí) tưởng không thể qua khỏi. Bệnh nhân được cứu sống tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí. BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho hay,...