Chậm ra văn bản hướng dẫn Luật: Sự chậm trễ khó tránh!
Đây cũng là nhược điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 nhưng đã được khắc phục ở luật 2015
Luật Đầu tư sửa đổi 2014 và Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014 là 2 trong số 10 luật bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng 2 bộ luật mới này sẽ tạo ra bước đột phá về thể chế kinh tế, tạo bước ngoặt về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, trao đổi tại cuộc họp báo về công tác tư pháp quý II và 6 tháng đầu năm 2015, có ý kiến băn khoăn 2 luật có hiệu lực đã được nửa tháng nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật này. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định thời hạn ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật không? Có cách nào để các văn bản hướng dẫn phải có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của các văn bản luật hay không?
Giải đáp băn khoăn này, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, nêu rõ, do không lường hết được những khó khăn trong quá trình xây dựng luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư, vì vậy khi soạn thảo quy định hướng dẫn chi tiết phải cần có sự phối hợp rất nhiều với bộ, ngành, do đó việc chậm trễ là không thể tránh khỏi.
Ông Tuyến cho rằng đây cũng là nguyên nhân mà Chính phủ và Bộ Tư pháp cũng đã chỉ ra khi nói về tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết việc thực thi luật, pháp lệnh. Đây cũng là yếu điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, dẫn tới tình trạng có luật rồi nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nên luật vẫn chưa có hiệu lực. Tuy nhiên, nhược điểm này đã được khắc phục trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Cụ thể, tại Điều 11 khi trình văn bản luật phải trình đồng thời các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đó.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp)
Video đang HOT
Ông Tuyến cho rằng quy định như thế tuy không quy định thời hạn nhưng còn hơn cả quy định thời hạn, tức là với quy định này, chắc chắn tất cả các cơ quan tổ chức trình luật, pháp lệnh sẽ phải trình đồng thời cả văn bản dự thảo chi tiết. Như vậy khi luật có hiệu lực, đồng thời văn bản quy định chi tiết cũng có hiệu lực.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới, ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo đây là 2 đạo luật rất quan trọng có tác động đến đời sống nhân dân và các hoạt động của doanh nghiệp, các nhà đầu tư, vì vậy nếu có bất cứ văn bản nào của các bộ ngành soạn thảo gửi, Bộ Tư pháp sẽ phải tập trung nguồn lực cao nhất, huy động các chuyên gia đầu ngành của Bộ để thẩm định không kể ngày đêm, đáp ứng nhu cầu triển khai thi hành luật.
Ngoài ra, theo ông Dũng, Bộ Tư pháp còn có chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp theo Đề án 585 thông qua việc tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, tập huấn để doanh nghiệp và các nhà đầu tư hiểu luật sâu hơn trong quá trình thực thi. Đặc biệt, “trong việc kiểm soát thủ tục hành chính chúng tôi cũng sẽ có những giải pháp để kiểm tra việc thực hiện các thủ tục hành chính. Trước đây mới thực hiện việc kiểm soát ban hành các thủ tục hành chính, bây giờ vấn đề mấu chốt là thực thi”, ông Dũng cho biết thêm.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Luật Doanh nghiệp 2014 đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian chi phí trong thủ tục thành lập doanh nghiệp. Một số thay đổi đáng chú ý trong Luật là doanh nghiệp không phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Doanh nghiệp được quyền tự quyết về con dấu; chỉ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là doanh nghiệp nhà nước, thay vì 51% như hiện nay…
Với việc sửa đổi Luật Đầu tư 2005, Luật Đầu tư 2014 lần đầu tiên xác định rõ danh mục 6 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và 267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Ngoài các ngành này, doanh nghiệp được hoàn toàn tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh.
Có ý kiến cho rằng Luật đã “thoáng”, các quy định dưới luật phải “thông” thì tinh thần đổi mới, hỗ trợ kinh doanh của các Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới thực sự tạo ra bước ngoặt về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh./.
Thanh Hà
Theo_VOV
Nợ đọng văn bản pháp luật: Sẽ xử lý cán bộ gây chậm trễ
Đây là một trong những quy định mới trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật.
Một trong những nội dung được báo chí đặc biệt quan tâm tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý II và 6 tháng đầu năm 2015 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 16/7 đó là vấn đề báo động tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp
Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, đây là vấn đề tồn tại trong nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thời gian qua, sau khi Bộ Tư pháp được Chính phủ giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cùng với việc thực thi Nghị quyết 67 của Quốc hội, tình trạng nợ đọng văn bản đã giảm đi khá nhiều. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội cũng có chung nhận xét như vậy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai những đạo luật mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì số lượng nợ đọng văn bản lại có xu hướng tăng đáng báo động. Đến thời điểm này, các bộ, ngành đang nợ đọng khoảng 109 văn bản hướng dẫn thi hành các Luật, pháp lệnh.
Luật mới quy định trách nhiệm cá nhân, đơn vị chậm trễ
Trả lời câu hỏi của báo chí liệu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 vừa được Quốc hội thông qua ngày 22/6 và sẽ được Chủ tịch nước công bố ban hành vào ngày mai (17/7) có khắc phục được tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật hay không, ông Nguyễn Hồng Tuyến khẳng định Luật có đầy đủ các điều khoản quy định trách nhiệm rất rõ ràng đối với tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị gây ra sự chậm trễ, trước kia chưa có quy định này.
Ông Tuyến nêu rõ, cụ thể trong Điều 7 khoản 8 có quy định rõ trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức soạn thảo văn bản, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cũng như cán bộ, công chức có liên quan đến việc dự thảo văn bản không đảm bảo về chất lượng, thẩm định, tiến độ cũng như không đảm bảo về tính luật pháp và thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật... tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đó là không xem xét chế độ khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra chậm trễ. Vấn đề này Chính phủ đã quán triệt. Liên quan đến hành chính, trong phiên họp Chính phủ đã nhắc nhở các bộ, ngành và qua liệt kê, kiểm đếm của Bộ Tư pháp để các bộ có giải pháp tốt hơn. Bên cạnh đó, Nghị quyết 67 của Quốc hội cũng quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản, xác định tiêu chí, mức độ hoàn thành hay không hoàn thành và xácđịnh về kỷ luật hành chính.
Chánh văn phòng - Người phát ngôn Bộ Tư pháp, ông Trần Tiến Dũng cũng cho biết thêm một điểm mới nữa của Luật là quy định dự thảo văn bản quy định chi tiết phải trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh. Đây là một trong những điểm sẽ góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật./.
Thanh Hà
Theo_VOV
Hàng nghìn văn bản trái pháp luật, lỗi do đâu? Mỗi năm có tới hàng nghìn văn bản trái pháp luật. Điều dư luận quan tâm là việc xử lý những lỗi vi phạm đó ra sao Hơn 10 năm qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã thực hiện kiểm tra hơn 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản có dấu hiệu sai...