Chăm mẹ ốm nằm viện, con phát hiện có ổ cặn màng phổi
Các bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa phẫu thuật nội soi thành công cho bệnh nhân 15 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, mắc ổ cặn màng phổi.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị ổ cặn, dày dính màng phổi cho bệnh nhân M.
Cháu Dương Tuấn M. (15 tuổi) ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mất sớm vì bệnh ung thư gan đã 7 năm, người mẹ cũng bị ung thư vú phẫu thuật cách đây một tháng và hiện đang nằm điều trị tại khoa Ung bướu.
Cháu M. vào viện chăm mẹ được 2 ngày, đột ngột sốt cao, khó thở nhiều nên được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám và cho nhập viện điều trị tại khoa Nhi.
Khai thác tiền sử được biết, khoảng 1 năm trước cháu M. bị ngã, đau tức ngực nhưng không đi khám và điều trị, bệnh tự đỡ. Hai tháng gần đây, bệnh nhân thường xuyên khó thở, đau tức ngực bên phải khi vận động mạnh, đã đến khám tại TTYT huyện Đầm Hà và được chẩn đoán viêm tràn dịch màng phổi phải.
Ổ cặn màng phổi là một biến chứng hay gặp nhất sau chấn thương ngực có tràn máu khí khoang màng phổi nhưng không được điều trị đúng. Đây là một biến chứng nặng gây xẹp phổi, nhiễm trùng viêm mủ màng phổi, dày dính màng phổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị.
Sau khi điều trị kháng sinh và chọc hút dịch màng phổi tại đây, tình trạng bệnh không thuyên giảm hẳn, vẫn còn cơn tức ngực, thỉnh thoảng sốt nhẹ.
Video đang HOT
Qua kết quả chụp cắt lớp lồng ngực, các bác sĩ phát hiện toàn bộ màng phổi phải bị dày dính, có nhiều ổ vách chứa dịch chèn ép gây xẹp thụ động nhu mô phổi. Bệnh nhân được chẩn đoán ổ cặn màng phổi – dày dính màng phổi phải và được chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực điều trị ổ cặn và bóc tổ chức dày dính màng phổi.
Phổi bệnh nhân đã được lấy bỏ triệt để ổ cặn và lớp dày dính màng phổi, sức khoẻ bệnh nhân phục hồi tích cực sau mổ.
Kíp mổ do ThS.BS Phạm Việt Hùng làm kíp trưởng cùng các bác sĩ chuyên khoa ngoại phối hợp với khoa Gây mê hồi sức tiến hành gây mê thông khí chọn lọc một phổi cho người bệnh, tạo điều kiện cho các bác sĩ dễ dàng thao tác trong quá trình nội soi lồng ngực.
Camera nội soi cùng dụng cụ phẫu thuật được đưa vào lồng ngực qua các vết rạch 1-2cm trên thành ngực, quan sát thấy toàn bộ màng phổi phải bị dính phức tạp, có nhiều ổ cặn và nhu mô phổi bị bọc trong một lớp tổ chức dày không thể giãn nở được.
Phẫu thuật viên tiến hành phá bỏ làm sạch các ổ cặn, thận trọng gỡ dính tối đa lớp dày dính màng phổi. Ca mổ diễn ra thành công sau 3 giờ thực hiện nội soi, phổi nở tốt sau khi được giải phóng khỏi lớp dày dính, bệnh nhân mất máu ít nhờ kỹ năng phẫu tích tỉ mỉ, khéo léo của các phẫu thuật viên. Sau mổ 1 ngày, sức khoẻ bệnh nhân hồi phục tốt, không còn đau tức ngực, hết sốt và tự thở dễ dàng.
Trực tiếp phẫu thuật cho trường hợp cháu M., ThS.BS Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đây là ca mổ khó, phức tạp đối với các bác sĩ ngoại khoa bởi bệnh nhân nhỏ tuổi thể trạng gầy yếu, phương pháp gây mê thông khí một phổi kéo dài cho trẻ em là một thách thức không nhỏ với các bác sĩ gây mê.
Hơn thế, cháu M. đã bị tổn thương phổi trong thời gian dài nên vỏ ổ cặn màng phổi dày hoá rất cứng chắc, khó bóc tách ra khỏi thành ngực và nhu mô phổi, do đó sẽ làm mất rất nhiều thời gian gỡ dính, nguy cơ chảy máu cao.
Với những ca nặng và phức tạp như vậy thông thường sẽ phải chỉ định mổ mở, tuy nhiên cháu M. còn trẻ, tương lai phía trước còn dài nên chúng tôi đã quyết định nội soi lồng ngực để cháu nhanh phục hồi, giảm đau đáng kể, hạn chế biến chứng sau mổ so với phẫu thuật mở ngực, tính thẩm mỹ cao.
Nhờ kỹ năng nội soi thuần thục và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kíp đã giúp ca mổ thành công ngoài mong đợi, toàn bộ các ổ cặn được làm sạch và tổ chức dày dính màng phổi được bóc tách triệt để mà không gây tổn thương phổi, hạn chế mất máu cho bệnh nhân. Sau mổ cháu sẽ được hướng dẫn tập ngay lý liệu pháp hô hấp để chức năng phổi được hồi phục tối đa.
Chia sẻ về hoàn cảnh của cháu M, bác sĩ Hùng cho biết thêm: “Bệnh nhân là đứa trẻ ngoan, có tính tự lập cao, do gia đình khó khăn, bố me lại mắc bệnh hiểm nghèo nên ban đầu suy nghĩ bi quan, nghĩ bệnh không thể chữa trị được lại tốn kém sẽ trở thành gánh nặng cho mẹ. Tuy nhiên sau khi được các y bác sĩ quan tâm và đặc biệt người mẹ hiện cũng là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện nên cháu đã rất quyết tâm điều trị, mong muốn khỏi bệnh để tiếp tục chăm sóc mẹ”.
Sự đồng cảm, sẻ chia kịp thời của các y, bác sĩ cùng hướng điều trị chính xác, hiệu quả đã giúp cháu M. phục hồi khỏi bệnh, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bệnh nhi và gia đình, qua đó khẳng định trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm của đội ngũ bác sĩ ngoại khoa lồng ngực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong điều trị các bệnh lý lồng ngực phức tạp ở mọi lứa tuổi, không chỉ cho người lớn mà cả trẻ em nhỏ tuổi.
Gãy xương khi chơi vật tay
Khi đang gắng sức vật tay cùng người bạn, bệnh nhân nghe tiếng "rắc". Sau đó, cánh tay phải đột ngột đau nhói, không thể cử động.
Đó là tai nạn của P.M.C (19 tuổi, trú tại Tiền An, Quảng Yên, Quảng Ninh) khiến anh phải đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.
Trên phim chụp X-quang, C. bị gãy kín 1/3 dưới xương cánh tay phải và được chỉ định phẫu thuật chỉnh xương kết hợp nẹp, vít. Theo các bác sĩ, xương cánh tay bệnh nhân bị gãy vặn xoắn khoảng 8 cm, di lệch nhiều, có máu tụ.
Trên phim chụp X-quang, C. bị gãy kín 1/3 dưới xương cánh tay phải. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân được tiến hành làm sạch ổ gãy, đặt lại xương và cố định cánh tay bằng nẹp, vít. Đối với tổn thương gãy xương chéo xoắn, bệnh nhân mất 3-6 tháng để hồi phục.
Ngoài ra, chi phí điều trị lớn và người bệnh mất khả năng lao động trong thời gian dài, ảnh hưởng sức khỏe.
Vật tay là trò chơi được giới trẻ ưa chuộng nhưng ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Khi vật sẽ tạo ra sức cơ không cân đối, tư thế sai làm bẻ gãy xương tay.
Không chỉ gây tổn thương đến xương, bệnh nhân còn có thể ảnh hưởng thần kinh quay đi kèm. Khi đó, người bệnh có thể bị giảm khả năng vận động, hạn chế cầm nắm. Nặng hơn, bệnh nhân có thể mất vận động cánh tay.
Tuệ Anh
Bước tiến mới: Bệnh nhi mắc Wiskott-Aldrich đầu tiên ở Việt Nam được ghép tủy thành công Chào đời với căn bệnh hiếm Wiskott-Aldrich chỉ 1-9/1.000.000 trẻ mắc, cuộc sống của bé trai 2 tuổi luôn bị đe dọa bởi em có thể ra đi bất cứ lúc nào do các biến chứng của bệnh như xuất huyết não, chảy máu não, nhiễm khuẩn nặng. Số phận đã mỉm cười với em bé này khi cuộc sống của em đã...