Chăm lo Tết cho người lao động
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Trong bối cảnh đó, các cấp công đoàn, các DN cố gắng duy trì việc làm, tiền lương, thưởng cho người lao động (NLĐ), tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo Tết để họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với đơn vị.
Đại diện Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và Công đoàn các khu công nghiệp – chế xuất Hà Nội trao quà tặng công nhân lao động ở lại nhà trọ đón Tết. Ảnh: P. NGÂN
Nhiều món quà nghĩa tình
Cầm tấm vé máy bay được lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hồ Chí Minh trao tặng, chị Lý Thanh Bích Thủy, chuyền trưởng Bộ phận may Công ty Marubishi Summit Việt Nam (Nhật Bản) đóng tại Khu công nghiệp Bình Chiểu, TP Thủ Đức, xúc động cho biết: “Mấy năm trước, tôi về nhà ngoại ở miền tây ăn Tết, còn chồng thì về quê nội. Năm nay được LĐLĐ thành phố tặng vé máy bay về quê chồng ở Quy Nhơn (Bình Định) vào ngày 28 Tết Nguyên đán, cả gia đình tôi rất vui”. Chị Thủy cũng tự nhủ, năm mới chị sẽ cố gắng làm việc tốt hơn, có trách nhiệm hơn để xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp công đoàn và DN nơi mình làm việc. Chị Thủy là một trong số hơn 800 công nhân lao động làm việc tại các DN đóng tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được nhận tấm vé nghĩa tình do LĐLĐ thành phố trao tặng tối 26-1 cho những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19, hoặc những công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, trong tổng số 35 nghìn vé của chương trình “Tấm vé nghĩa tình” năm 2021. Trong không khí làm việc khẩn trương vào những ngày cuối năm, anh Nguyễn Xuân Tiến (53 tuổi), phụ trách bộ phận gia công truyền mẫu, Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc (quận 12, TP Hồ Chí Minh) trong tâm trạng khấp khởi vì chẳng bao lâu nữa cả gia đình anh được về quê ăn Tết. Anh Tiến cho biết: “5 năm rồi cả nhà tôi không về quê ăn Tết, năm nay công ty hỗ trợ vé xe cho cả hai vợ chồng, nên tôi cho cả hai đứa con đi cùng về thăm ông bà nội, ngoại”. Vợ chồng anh Tiến đều quê ở tỉnh Quảng Nam, làm việc tại công ty được 26 năm nay. Vì có nhiều đóng góp cho DN, anh Tiến cùng với gần 200 công nhân được công ty tặng vé xe về quê ăn Tết.
Gặp chị Trương Thu Thủy, giáo viên Trường mầm non 20-10, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong chương trình “Tết sum vầy” năm 2021 do LĐLĐ thành phố Hà Nội tổ chức cho gần 1.000 công nhân lao động Thủ đô, chị chia sẻ: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm, đời sống của cán bộ, giáo viên mầm non gặp không ít khó khăn. Vì vậy, việc tham gia chương trình “Tết sum vầy” do thành phố tổ chức, được nhận quà tặng, phiếu mua hàng và đặc biệt bốc thăm trúng thưởng giải nhất chiếc ti-vi trị giá năm triệu đồng với gia đình tôi có ý nghĩa rất lớn. Cá nhân tôi cũng như nhiều NLĐ rất biết ơn trước sự quan tâm thiết thực này của lãnh đạo thành phố và các cấp công đoàn”. Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Tết Nguyên đán Tân Sửu, các cấp công đoàn trên địa bàn Thủ đô phối hợp các DN trao hơn 80 nghìn suất quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, tặng hơn 90 nghìn vé xe, hỗ trợ phương tiện đưa công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Tổng số tiền hỗ trợ cho công nhân ước tính hơn 60 tỷ đồng.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hải Phòng Hoàng Đình Long phấn khởi thông báo, đến hết ngày 4-2, các cấp công đoàn và các DN, đơn vị đã trao nhiều phần quà Tết trị giá gần 7,5 tỷ đồng cho công nhân lao động, dưới nhiều hình thức như: trợ cấp, tặng quà, hỗ trợ vé xe, chuyến xe về quê… Ngay tại chương trình “Tết sum vầy – Kết nối yêu thương” tổ chức ngày 24-1, LĐLĐ thành phố và đại diện các DN đã trao gần 5.000 phần quà Tết, mỗi phần quà trị giá 700 nghìn đồng và 2.450 suất trợ cấp, mỗi suất trị giá 1,2 triệu đồng tới tay những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đón nhận những phần quà nghĩa tình trong chương trình này, chị Phạm Thanh Ngân, công nhân Công ty CP sản xuất và thương mại Sơn Thủy (quận Hồng Bàng) không giấu được sự xúc động. Chị chia sẻ, những phần quà mang lại tình thương yêu ấm áp đối với những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, như tiếp thêm động lực cho công nhân, lao động nỗ lực vươn lên, làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.
Nỗ lực duy trì việc làm, lương, thưởng cho NLĐ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết DN bị ảnh hưởng, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, có không ít DN nỗ lực xoay xở, tìm mọi cách để duy trì việc làm, lương, thưởng và các khoản phúc lợi cho NLĐ, để họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với DN. Anh Trương Nguyễn Trường Thảo, bộ phận phân loại và đóng gói, Công ty CP Gốm Đất Việt (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: Trong năm 2020, NLĐ của công ty vẫn được bảo đảm đủ việc làm, tiền lương, thu nhập, tiền thưởng Tết năm nay còn tăng so với năm trước. Bình quân mỗi người được thưởng gần 11 triệu đồng, tăng 1,8 triệu đồng/người so với năm 2020.
Ngành than hiện có 41 DN với gần 80 nghìn lao động làm việc ở Quảng Ninh. Năm 2020, với lượng tồn kho 15 triệu tấn, ngành than đối diện với không ít khó khăn. Cùng với đó là tác động của dịch Covid-19 đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Thế nhưng, các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tại Quảng Ninh không có tình trạng nợ lương; không phải vay để trả lương ngừng việc, mức thưởng Tết trung bình là 6,1 triệu đồng/người. Chủ tịch Công đoàn Công ty Tuyển than Cửa Ông Đỗ Văn Tăng chia sẻ: Công ty cố gắng duy trì mức thưởng cho NLĐ với mức bình quân 6 triệu đồng/người và suất quà trị giá bằng năm ngoái. Đây được xem là nỗ lực lớn của DN trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Theo đại điện Công đoàn Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc, tuy dịch bệnh nhưng các đơn hàng của công ty giảm không đáng kể, cho nên tình hình lương, thưởng Tết cho NLĐ năm 2020 tương đối khả quan. Lãnh đạo cùng Công đoàn công ty xác định, quan tâm đến NLĐ để tạo động lực cho họ kinh doanh sản xuất, gắn bó lâu dài với DN. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm chế độ lương bằng năm ngoái, tiền thưởng Tết cao hơn 8% so với năm ngoái, công ty đã trích kinh phí hỗ trợ 50% giá vé xe ô-tô cho gần 200 NLĐ quê ở các tỉnh xa, 50% còn lại do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên, công nhân thành phố giúp đỡ thêm. Ngoài ra, công ty trao 90 phần quà, mỗi phần quà trị giá 500 nghìn đồng tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ban Giám đốc công ty phấn khởi cho biết: Trong tháng 1-2021, một số đối tác là các hãng giày có uy tín trên thế giới đã đặt hàng công ty gia công với số lượng sản phẩm tăng 10% so với năm 2020. Đây là tín hiệu vui để gần 3.000 NLĐ của DN phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2021.
Mặc dù năm qua gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhưng Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên bằng năm trước. Phó Chủ tịch Công đoàn Urenco Hoàng Thị Bích Hạnh chia sẻ, tiền thưởng Tết của NLĐ công ty đạt từ 8 triệu đến 10 triệu đồng/người. Tại những địa bàn công ty vừa trúng thầu dịch vụ vệ sinh môi trường ở các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, toàn bộ NLĐ cũng được hưởng chế độ thưởng Tết; được tổ chức khám sức khỏe, cấp phát bảo hộ lao động. Công ty cũng trao quà tặng 220 công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà trị giá gần một triệu đồng. Những cán bộ, công nhân viên đi làm trong ngày Tết (từ ngày 10 đến 16-2), ngoài chế độ tiền lương bình thường, mỗi người được bồi dưỡng thêm từ 100 đến 250 nghìn đồng/ngày.
Tạo điều kiện để công nhân ở lại đón Tết
Những ngày gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch xuất hiện tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội. Trước tình hình này, từ ngày 28-1, LĐLĐ các địa phương có dịch đã chỉ đạo các cấp công đoàn dừng các hoạt động tập trung đông người, lựa chọn hình thức trao tặng quà, trợ cấp, vé xe, chuyến xe tới NLĐ phù hợp trên cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. LĐLĐ các tỉnh, thành phố và các cơ sở đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các khu nhà ở công nhân, nhà trọ để thăm hỏi, động viên, trao tặng quà Tết tặng công nhân.
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, đến ngày 4-2, tại các KCN trên địa bàn còn khoảng 4.000 công nhân lao động là người Hải Dương, Quảng Ninh đang làm việc. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã vận động các DN tạo điều kiện để công nhân lao động có thể ở lại đón Tết, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm nguồn lao động sau Tết. Nhiều đơn vị tổ chức chăm lo Tết khá chu đáo cho công nhân lao động. Công ty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Vũ), trước tình hình nhiều lao động là người đến từ Quảng Ninh phải nghỉ việc, công ty vẫn tạo điều kiện cho họ được hưởng lương cơ bản để ổn định cuộc sống. Có DN chỉ bố trí nghỉ sản xuất đến ngày mồng 2 Tết và tổ chức cho công nhân đi làm những ngày tiếp sau đó nếu họ có nhu cầu để tăng thêm thu nhập… Tại dự án của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam trong Khu công nghiệp VSIP đang trong quá trình xây dựng, có hơn 300 công nhân lao động làm việc, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng yêu cầu nhà đầu tư và nhà thầu kiểm soát chặt chẽ lịch trình đi lại, quê quán của công nhân lao động và đội ngũ chuyên gia. Đối với lao động ở tỉnh xa hoặc vùng có dịch, đề nghị công ty tạo điều kiện để công nhân đón Tết tại chỗ và bảo đảm lương, thưởng cho NLĐ. Cùng với đó, TP Hải Phòng đang lên kịch bản chuẩn bị cho việc 150 nghìn NLĐ ở các địa phương quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, để có thể vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm sản xuất, phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) có khoảng 16 nghìn công nhân lao động từ các tỉnh sinh sống. Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thế Chuyên cho biết: Qua rà soát có hơn 300 công nhân lao động đến từ các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Xã đã chuẩn bị nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo và vận động xã hội hóa để hỗ trợ các công nhân ngay khi cần thiết. Đồng thời, vận động các chủ nhà trọ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công nhân ở lại địa phương đón Tết vui tươi. Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên (Hà Nội) Phan Thị Thu Hằng cho biết, trước những diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh, quận không tổ chức các chuyến xe tập trung đưa công nhân về quê, mà phát tiền để NLĐ chủ động lựa chọn. Bên cạnh đó, khuyến cáo, vận động NLĐ, nhất là người ở các vùng đang có dịch ở lại Thủ đô đón Tết. Đồng thời giao công đoàn cơ sở phối hợp chủ DN tổ chức, chăm lo chu đáo điều kiện ăn ở cho các lao động ở lại.
Tại Quảng Ninh – một trong những địa bàn đang có dịch bùng phát, hàng nghìn công nhân, NLĐ không thể về quê đón Tết. Trước tình hình này, tỉnh và các cấp, ngành đã có nhiều việc làm thiết thực, chăm lo cho những công nhân ở lại được đón Tết sung túc, vui vẻ. Giám đốc Công ty Than Hòn Gai Bùi Khắc Thất cho biết: Công ty hiện có khoảng 750 công nhân đang sinh sống trong khu tập thể của công ty và khoảng 800 công nhân đang thuê nhà ở bên ngoài. Dịp Tết Nguyên đán này, tất cả số công nhân này không về quê ăn Tết với gia đình. Công đoàn công ty đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho công nhân như thi sắp mâm cơm ngày Tết, gói bánh chưng, tặng quà, tổ chức đón giao thừa…, giúp các công nhân “đón Tết tại công ty như đón Tết ở nhà” bảo đảm không có một công nhân nào không có Tết.
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, các DN và các tổ chức công đoàn với phương châm “Tất cả công nhân lao động đều có Tết, vui Tết”, chắc chắn tất cả công nhân lao động sẽ được đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm.
Bảo đảm công nhân lao động đón Tết đầm ấm, an toàn
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cấp công đoàn đã chủ động nghiên cứu điều chỉnh phương án tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho công nhân lao động (CNLĐ), bảo đảm để mọi người đón Tết đầm ấm, an toàn.
Các gian hàng giảm giá phục vụ công nhân lao động dịp Tết. Ảnh: Phạm Hùng.
Kêu gọi người lao động hạn chế về quê ăn Tết
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, đến nay, qua theo dõi nắm tình hình của các cấp công đoàn, đã có hàng chục vạn CNLĐ không về quê, tự nguyện ở lại địa phương đang làm việc để phòng, chống dịch Covid-19. "Đó là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng rất đáng hoan nghênh người lao động" - ông Nguyễn Đình Khang bày tỏ.
Trước đó, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kêu gọi đoàn viên, CNVCLĐ cả nước hạn chế đi lại, cân nhắc thật kỹ việc về quê ăn Tết để bảo đảm sức khỏe, việc làm lâu dài. Với phương châm "Đón Tết an toàn trong mùa dịch", ngay sau khi có Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/1/2021, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã yêu cầu các cấp công đoàn triển khai các biện pháp nhằm nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, triệt để dập dịch.
Theo đó, các cấp công đoàn rà soát các hoạt động theo kế hoạch dự kiến triển khai trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhất là Tết Sum vầy để thực hiện các biện pháp an toàn chống dịch. Tạm dừng hoạt động, không tổ chức hoạt động đông người. Đối với những hoạt động cần thiết được phép tổ chức, phải hạn chế số lượng người tham gia và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống Covid-19. Đáng chú ý, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các hoạt động chăm lo Tết chuyển hướng trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đoàn viên, NLĐ tại DN, khu nhà trọ; tổ chức các gian hàng bán hàng bình ổn giá, phiên chợ 0 đồng sẽ mở cửa phục vụ trong dịp Tết...
Đối với LĐLĐ các tỉnh, TP như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và những địa phương, ngành, tổng công ty trực thuộc có ca dương tính với virus Sar-CoV-2, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn thực hiện nghiêm ngặt chỉ đạo của chính quyền địa phương và ngành về các biện pháp phòng chống dịch, nhất là nguyên tắc 5K.
Điều chỉnh phương án chăm lo Tết cho người lao động
Đối với Công đoàn Thủ đô, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Ngô Văn Tuyến cho biết, các cấp Công đoàn tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đồng cấp, ngành y tế đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức với nội dung và phương pháp ngắn gọn, cụ thể để đoàn viên, NLĐ dễ tiếp thu.
LĐLĐ TP cũng lưu ý, các đơn vị chưa tổ chức Chương trình "Tết sum vầy", hoạt động tập trung đông người, cần chủ động nghiên cứu điều chỉnh phương án thành những đoàn công tác thăm và tặng quà trực tiếp tại cơ sở. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tuyệt đối tuân thủ sự chỉ đạo của các cấp trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19.
Điển hình như trong dịp tết Tân Sửu, Công đoàn ngành Xây dựng TP Hà Nội đã tổ chức trao hơn 600 suất quà cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, song Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội cũng trao tặng gần 400 suất quà Tết cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, trị giá gần 500 triệu đồng gồm tiền và quà Tết. Đến hết tháng 1/2021, 100% các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành dệt may đều có kế hoạch trả lương, thưởng Tết cho công nhân, người lao động. Tiền thưởng Tết từ 1 triệu cho tới 20 triệu đồng, mức bình quân là 1 tháng lương (khoảng gần 6 triệu đồng/người). Các công đoàn cơ sở cũng phối hợp với lãnh đạo đơn vị tổ chức hỗ trợ, tặng quà Tết cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng. Đây là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của các đơn vị, DN ngành Dệt may TP trong bối cảnh đầy khó khăn.
Động viên công nhân khó khăn, bệnh hiểm nghèo Sáng 2-2, Ban Dân vận Thành ủy TP HCM đã đến thăm hỏi, tặng quà Tết cho 2 công nhân (CN) ở trọ, hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết tại quận Gò Vấp. Đó là anh Trần Lâm Khang, CN Công ty TNHH In bao bì Ngân Hà và chị Hồ Thị Hiền, CN Công ty TNHH...