Chăm lo cho người về quê
Sau bất ngờ trước làn sóng hồi hương, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã dốc sức chăm lo an sinh và bắt đầu giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho những người vừa từ phương xa trở về.
Từ 1-10 đến nay, An Giang có trên 47.000 người về quê, tỉnh đang lo an sinh xã hội cho các trường hợp này – Ảnh: B.ĐẤU
Trong 10 ngày qua, mỗi tỉnh miền Tây đã đón vài chục ngàn người dân về từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Nhiều thứ phải lo, chăm sóc y tế, giải quyết việc làm, lo chỗ học cho các cháu nhỏ…
Lo trước mắt: an sinh
Ngày 9-10, ông Đoàn Tấn Bửu – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho biết tỉnh có trên 28.000 người về quê. Ngoài việc lo ăn uống và xét nghiệm miễn phí trong thời gian cách ly, Đồng Tháp đang vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ túi an sinh cho bà con.
“Đồng Tháp đang làm khẩn cấp các gói an sinh cho bà con về quê. Chủ yếu vận động các doanh nghiệp hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho họ ăn uống trong quá trình cách ly”, ông Bửu nói thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Tiếc Hùng – chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang – cho hay đã có trên 47.000 người về quê trong mấy ngày qua. Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang đã phối hợp các sở, ngành, đoàn thể và địa phương vận động nguồn lực xã hội thực hiện chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết” và “Túi an sinh” nhằm hỗ trợ kịp thời, đảm bảo mọi người dân không bị đói.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 11.000 “Túi thuốc gia đình” (trị giá 100.000 – 150.000 đồng/phần) cho người dân tỉnh An Giang về địa phương từ ngày 1-10 vừa qua. “Hiện nay, Ủy ban MTTQVN các huyện và xã sẽ lo nhu yếu phẩm ban đầu cho bà con.
Còn Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang sẽ chuyển gạo giao cho các huyện xử lý trước mắt. Dự kiến ngày 12-10 Ủy ban MTTQVN tỉnh An Giang sẽ tổ chức lễ trao hỗ trợ và phát động chương trình tại huyện Châu Thành”, ông Hùng cho biết.
Ông Trần Văn Lâu – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho hay khoảng 40.000 người dân Sóc Trăng ở các tỉnh, thành phố về quê dù cách ly tập trung hay ở nhà đều được chăm sóc chu đáo, cung cấp các bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và kịp thời.
Video đang HOT
“Ngoài ngân sách, Sóc Trăng kêu gọi sự ủng hộ, chung tay của cộng đồng. Người dân mình tinh thần tương trợ rất cao, hưởng ứng nhiệt tình từ trái tim, rất cảm động. Tỉnh lo cho bà con miễn phí tất cả. Sóc Trăng sẽ có nghị quyết về gói an sinh hỗ trợ người dân khó khăn trở về quê”, ông Lâu nói.
Về nhà chỉ là “nửa câu chuyện”
Vấn đề quan trọng nhất cần đầu tư nhiều hơn là tạo việc làm, chăm lo học hành cho con em người về quê. Một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho hay nhiều ngày qua một số doanh nghiệp đã ngỏ ý sẽ nhận hơn 10.000 lao động vào làm việc tại các công ty, khu công nghiệp của tỉnh. “Trước mắt, có 3 doanh nghiệp cho biết sẽ nhận trên 13.000 lao động.
Tuy nhiên, chúng tôi cần làm việc rõ ràng với doanh nghiệp về điều kiện tiêm vắc xin, đào tạo nghề rồi mới công bố. Có thể UBND tỉnh sẽ hỗ trợ người dân vừa làm vừa học nghề”, một lãnh đạo tỉnh An Giang nói.
Ông Đoàn Tấn Bửu cho biết qua khảo sát có trên 34% người về quê đợt này có nhu cầu ở lại địa phương. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương sau khi người dân hoàn thành cách ly, theo nhu cầu và nguyện vọng của người dân, sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm này, giúp họ có cơ hội tìm việc làm ổn định.
“Đối với người dân có nhu cầu ở lại tỉnh, chúng tôi sẽ liên kết với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho họ. Số còn lại, có nhu cầu quay lại các tỉnh, thành phố lớn khi dịch bệnh ổn định, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hỗ trợ”, ông Bửu cho biết.
Theo chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, được về quê và về đến nhà, với người dân, chỉ mới là nửa câu chuyện. Câu chuyện dài sắp tới là công ăn việc làm cho người dân sau khi dịch bệnh được kiểm soát vẫn còn phải bàn, phải tính.
“Chúng tôi đã yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành và các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu việc làm, thu nhận người dân trở về quê vào làm. Sóc Trăng đang nỗ lực bảo vệ vùng xanh, doanh nghiệp phục hồi sản xuất sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân”, ông Lâu cho hay.
Riêng TP Cần Thơ, giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Trần Thị Xuân Mai cho hay đang cập nhật danh sách, nhu cầu tìm việc, trình độ chuyên môn của người lao động ngoài tỉnh về, đồng thời đề nghị các đơn vị sử dụng lao động thống kê nhu cầu tuyển dụng để tổ chức sắp xếp việc làm cho người dân sau khi hết thời gian cách ly phòng chống dịch.
Cần Thơ cũng có công văn phối hợp với TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai về nhu cầu tuyển dụng lại lao động khi các doanh nghiệp phục hồi sản xuất để sẵn sàng kết nối tổ chức đưa người lao động trở lại làm việc.
Chính quyền xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) thăm và tặng quà cho người cách ly tại nhà – Ảnh: BỬU ĐẤU
Doanh nghiệp ở quê cần nhiều lao động
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển hơn 7.600 lao động. Một số doanh nghiệp lớn như Công ty CP Scavi Huế, Công ty Vinatex đã phát thư ngỏ mời những người trở về từ vùng dịch sau khi hoàn thành cách ly y tế đến công ty để tham gia tuyển dụng.
Đại diện Công ty CP Scavi Huế (chuyên gia công may mặc, thời trang) cho biết công ty đã thông báo tuyển khoảng 2.500 công nhân và các vị trí quản lý; những người có tay nghề vừa trở về từ các tỉnh phía Nam được ưu đãi như miễn phí xét nghiệm, hỗ trợ ngay 5 triệu đồng/người khi ký hợp đồng làm việc chính thức.
Ông Hồ Dần, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp, khu công nghiệp tuyển dụng được lượng lao động lành nghề trở về từ các tỉnh phía Nam. Tỉnh đặt mục tiêu hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho 100% người trở về từ vùng dịch trong độ tuổi lao động, giúp họ ổn định cuộc sống.
Tại Quảng Ngãi, theo bà Nguyễn Thị Ánh Lan – giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhu cầu lao động tại tỉnh rất lớn, nhiều công ty sẵn sàng tiếp nhận hàng nghìn lao động. Đại diện Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết đang cần tuyển dụng 6.000 công nhân.
“Chúng tôi đang vận hành giai đoạn 1 và tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy sản xuất thép ở Khu kinh tế Dung Quất. Vì thế có thể tiếp nhận số lượng lớn công nhân và lao động chuyên môn cao. Chúng tôi sẽ xem xét và trao đổi với người lao động thông qua các kênh giới thiệu việc làm của tỉnh, chỉ cần phù hợp chúng tôi sẽ nhận ngay, trường hợp chưa có chuyên môn thì chúng tôi sẽ đào tạo”, đại diện Thép Hòa Phát nói.
Tương tự, ông Vũ Hồng Nhân – giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai – cho biết nhu cầu lao động tại Quảng Nam cũng rất lớn. “Chúng tôi được tỉnh giao tổng hợp nhu cầu và sẽ làm đầu mối tiếp nhận và chuyển cho các doanh nghiệp đang cần lao động để mở rộng sản xuất kinh doanh” – ông Nhân nói.
“Muốn ở lại làm việc tại quê nhà”
Anh Mai Thanh Lâm (ngụ xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang) vừa về quê được 4 ngày, cho biết cuộc sống ở TP.HCM suốt 4 tháng qua đối với gia đình anh cực kỳ khó khăn, vất vả. Anh làm thợ bạc, bị mất việc do dịch bệnh, vợ không buôn bán được.
“TP.HCM có các gói an sinh nhưng dân tạm trú như chúng tôi ít người nhận được, chỉ sống nhờ quà từ thiện, nhắm chịu không xiết nên quyết định về quê. Tôi đã cách ly được 4 ngày rồi. Về nhà là mừng lắm rồi, không quay lại TP.HCM nữa đâu. Chỉ mong chính quyền hỗ trợ việc làm hoặc vay vốn làm ăn thôi” – anh Lâm nói.
Còn anh Dương Văn Nhỏi (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang) cho biết cùng cha mẹ làm công nhân giày da ở Đồng Nai, mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng. “Do dịch, cả nhà thất nghiệp mấy tháng trời. Chủ nhà trọ kêu phải đóng tiền, nếu không sẽ cúp điện, nước. Vì vậy, cả gia đình phải về quê bằng mọi giá” – anh Nhỏi nói.
Theo anh Nhỏi, anh đã được tiêm 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19 nên địa phương yêu cầu phải cách ly tại nhà 14 ngày. “Về đây được cách ly tại nhà rất thoải mái và được địa phương hỗ trợ cái ăn nên cũng an tâm. Chỉ mong hết cách ly được tạo điều kiện lên Đồng Nai giải quyết thủ tục thất nghiệp rồi về làm việc tại Khu công nghiệp Bình Hòa của huyện Châu Thành” – anh Nhỏi đề nghị.
Bến Tre đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch
Tỉnh Bến Tre đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực rà soát, hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các nhóm chính sách chưa phát sinh hồ sơ.
Tỉnh tăng cường các giải pháp giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan kết nối với các doanh nghiệp để tổ chức cho người lao động trở lại làm việc kịp thời sau khi dịch bệnh được kiểm soát; rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trong tỉnh sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Cùng với đó, tỉnh rà soát nhu cầu của người lao động trở về địa phương do bị ảnh hưởng của dịch để triển khai đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới phù hợp; tập trung thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, nhất là hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 thông qua "túi an sinh xã hội" .
UBND tỉnh đã lãnh đạo triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, góp phần giúp người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 giải quyết khó khăn trước mắt. Hiện 9/9 đơn vị huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Đến ngày 1/10, tỉnh đã rà soát, lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho 197.503 người lao động và 8.182 hộ kinh doanh, doanh nghiệp với kinh phí dự kiến hỗ trợ 266,7 tỷ đồng. UBND cấp huyện phê duyệt 171.308 đối tượng người lao động và 5.279 hộ kinh doanh, doanh nghiệp, kinh phí hơn 202,6 tỷ đồng.
Đến nay, các địa phương đã chi hỗ trợ cho 150.454 người lao động, đạt 87,83% so với số đối tượng được phê duyệt; chi hỗ trợ 2.968 hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đạt 56,22%; tổng số tiền chi hỗ trợ hơn 160 tỷ đồng. Tỉnh Bến Tre đã hoàn thành cấp phát gạo cho 71.082 hộ với 160.551 nhân khẩu.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh vần còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số địa phương chưa mạnh dạn xem xét hỗ trợ đối với người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương của các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" do những doanh nghiệp này không thể sắp xếp, bố trí người lao động làm việc như bình thường mà chỉ bố trí khoảng 30 - 50% số lượng lao động. Số lao động còn lại thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp phải tạm dừng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo phòng, chống dịch, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương mới được xem xét hỗ trợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn hoạt động. Do đó các địa phương chưa mạnh dạn xem xét đối với người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương ở những doanh nghiệp này.
Cơ bản kiểm soát được dịch, sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng Trong bối cảnh khó khăn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt nhiều giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì, phục hồi kinh tế, xã hội. Đến nay, trên phạm...