Chăm em gái chu đáo, tôi vẫn bị mẹ ruột đối xử như người dưng
Khi có một người mẹ lúc nào cũng coi cả thế giới xoay quanh con út thì con lớn làm gì cũng vô nghĩa.
Mỗi lần thấy câu “ Chị em gái như trái cau non” là tôi chỉ muốn nở một nụ cười nhạt. Chẳng biết ngọt ngào ở đâu, thân thiết ở đâu chứ nhà tôi thì không hề có.
Mẹ sinh em gái năm tôi lên 7. Bỗng dưng có một đứa em xinh xắn trắng trẻo như búp bê, da thơm nức mùi sữa và nằm ngủ suốt ngày, tôi thích đến nỗi đi đâu cũng khoe mình có em gái. Có đồ chơi hay đồ ăn ngon tôi luôn để phần cho em. Đứa bạn nào trêu chọc em là tôi luôn đứng ra bảo vệ.
Thế nhưng càng lớn tôi càng nhận ra mẹ đối xử với 2 chị em vô cùng khác lạ. Ban đầu tôi nhường nhịn em mọi thứ một cách tự nguyện, sau đó thì mẹ ép tôi phải cho em hết như một lẽ đương nhiên khiến tôi khó chịu. Nó nghịch gì mẹ cũng không mắng, dù tôi khóc hết nước mắt khi phát hiện nó xé sách vở, bôi bẩn quần áo đi học, thậm chí nó còn cắt tan tành chú gấu bông tôi thích nhất thì mẹ cũng chẳng bao giờ đánh mắng nó.
Người duy nhất trong nhà có thái độ công bằng một chút là bố. Đúng sai bố đều phân biệt rõ hết, đứa nào hư bố đều mắng cả. Nhưng mẹ vẫn quyền lực hơn bố nên tôi gần như không có cảm giác mình được bênh. Em gái mà ngoạc mồm ra khóc thì y rằng cả tôi lẫn bố đều bị coi là thủ phạm.
Lý do khiến em tôi được mẹ cưng như trứng vậy là vì nó ốm yếu. Và một lý do khác nữa là từ khi nó chào đời công việc làm ăn của mẹ tôi rất thuận, tiền bạc kiếm ào ào, xây được cái nhà to nhất nhì thị trấn. Nhiều người nịnh mẹ tôi rằng sinh đứa con út có lộc, giàu con út khó cũng con út nên mẹ tôi càng chiều chuộng nó một cách mù quáng.
Chính vì được bảo bọc sai cách nên em tôi rất bướng bỉnh. Nó luôn tranh giành đồ ăn, đồ chơi và quần áo với tôi. Mẹ cho phép nó làm mọi thứ nó thích nên dù tôi có kêu la thế nào cũng vô ích. Dần dà tôi từ một đứa trẻ vui vẻ hồn nhiên trở thành một cô bé lầm lì.
Vì bị đối xử thiệt thòi trong chính ngôi nhà của mình nên tôi sớm có suy nghĩ già dặn. Tôi không chấp những trò nghịch phá của em gái, nó hay nói dối để giật đồ chị gái công khai và ngạo mạn khi được mẹ bênh vực. Ông bà nội ngoại đều khuyên nhủ mẹ rằng không nên làm hư cháu gái út thêm nữa, nhưng mẹ tôi đáp trả với ý “con ai đẻ thì người ấy dạy”.
Tôi chịu đựng cuộc sống thiên vị ấy đến tận lúc tốt nghiệp cấp 3. Thi đỗ đại học xong tôi mừng lắm, nghĩ đến việc thoát khỏi đứa em gái khó chiều và tiếng mắng mỏ của mẹ hàng ngày là tôi thấy lòng mình dịu hẳn. 4 năm sinh viên trôi qua rất vui, tôi tìm được chỗ làm tốt ở thành phố nên hiếm khi về nhà.
Rồi sau đó cơn ác mộng quay lại khi em tôi cũng thi đỗ. Nó lớn rồi nên cũng bớt gây sự với tôi, cơ mà nó lại khiến tôi mệt mỏi theo cách khác. Đó là việc ở chung nhưng nó coi chị gái như người hầu.
Tiền mẹ cho nó luôn tiêu pha rất phung phí. Sinh viên nhà người ta thì chạy ăn từng bữa, em gái tôi thì ngày nào cũng gọi ship trà sữa, gà rán, mì Ý, bít tết, bánh trái nọ kia. Và tuyệt nhiên nó không đưa cho tôi đồng sinh hoạt phí nào cả, mặc định chị gái có trách nhiệm bao nuôi y như mẹ ở nhà. Nó ra trường mẹ tôi cũng chạy vạy khắp nơi xin việc cho. Lương chẳng được mấy đồng nhưng nó luôn ăn diện như rich kid, cứ đi làm đi chơi mặc cho tôi phải dọn dẹp cơm nước giặt đồ.
Ban đầu nó sống cùng với tôi như thế, cơ mà sau khi có bạn trai thì nó đòi dọn ra ngoài. Nó gọi điện “buôn dưa” với người yêu từ sáng đến tối, ngày nghỉ cũng không cho tôi được nghỉ ngơi. Tôi phàn nàn thì nó tỏ vẻ khó chịu, còn dám bảo tôi nếu không thích thì tự dọn đi. Dĩ nhiên chẳng đời nào tôi phải làm thế. Cuối cùng vì sĩ diện nên nó dọn đồ bỏ ra ngoài.
Lương 7 triệu/tháng nhưng nó tiêu rất hoang. Con nhà lính tính nhà quan, thích cái gì là nó phải làm bằng được. Trước ở chung thì tôi thường xuyên phải bao nó tiền chợ, tiền ăn ngoài, tiền giặt đồ. Thậm chí nhiều tháng nó cũng không đả động đến tiền thuê nhà, tiền điện nước. Tôi nhắn tin kể với mẹ thì bà trách móc: “Là chị gái mà không nuôi em được à?”.
Video đang HOT
Thu nhập của tôi hàng tháng gấp đôi nó, nhưng tôi cũng có bao việc phải lo toan, chưa kể tiền tiết kiệm để dự phòng ốm đau sự cố nữa. Cố gắng bao nhiêu năm tôi mới lo được cuộc sống tạm ổn như bây giờ, nếu nó cứ ăn bám mãi như thế cũng khá phiền phức. Nó đi làm chỉ lo đắp vào thân chứ chẳng bao giờ quan tâm chia sẻ với chị. Lắm lúc tôi ức đến độ không hiểu nó có coi mình là ruột thịt hay không?
Lúc nó xách đồ ra ở riêng tôi đã thở phào nhẹ nhõm. Ít ra sau này nó sẽ tự chịu trách nhiệm cuộc sống của bản thân và không phiền đến chị nó nữa. Nhưng chỉ được 1 tuần là tôi biết mình đã nhầm. Sự phiền phức của em gái tôi giờ còn hơn cả ngày trước!
Nó vẫn giữ chìa khoá phòng tôi nên thi thoảng đi làm về lại thấy nó xuất hiện chình ình, không báo trước cũng không hề xin phép. Tôi nhắc nó muốn sang thì báo trước 1 câu nhưng chỉ nhận về cái nhếch mép khó hiểu. Nó tự lục lọi đồ ăn trong tủ lạnh, thích gì là lấy cái đó khiến tôi rất bực mình. Từ cái bàn chải đánh răng dự phòng, đôi tất, hộp bánh, cho đến cả chai nước vệ sinh nó cũng lấy về dùng. Tự tiện như thể đồ của nó!
Dù khó chịu nhưng tôi vẫn bỏ qua vì nghĩ đấy là em gái ruột. Ấy vậy mà nhắc nó mấy câu thôi, ngay hôm sau tôi lại là người có lỗi với nó. Chắc nó mách mẹ nên mẹ gọi điện mắng tôi, rằng mày tính toán với em cả chổi cùn rế rách à. Vâng, nó chỉ toàn lấy đồ mới tinh chị nó chưa kịp xài, cả chai nước hoa bạc triệu nó cũng hồn nhiên nhét túi. Làm gì có cái nào là rẻ tiền vứt đi như mẹ nói chứ?
Biết mẹ thiên vị con út nên tôi đành nuốt nước mắt bỏ qua. Tôi cũng không phải đứa ích kỷ, cũng không muốn xích mích với chính người nhà.
Nhưng mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại như thế khiến tôi phát điên. Đỉnh điểm là ngày hôm qua, cuối cùng tôi nhịn không nổi phải tuyên bố muốn tuyệt giao với gia đình. Lý do vì sao ư?
Sau chục năm đi làm tôi đã chạm tay vào mơ ước, đó là mua căn nhà đứng tên sở hữu của chính mình. Dù hiện tại chỉ đủ tiền trả cọc nhà 1 phần, còn lại hàng tháng trả góp, nhưng với tôi đó là điều hạnh phúc nhất rồi. Khi cầm hợp đồng mua nhà chắc chắn trên tay, tôi mới dám gọi điện khoe tin vui với bố mẹ. Bố chúc mừng tôi nhiệt tình lắm, ông còn hỏi con gái thích đồ gì bố mua tặng tân gia. Còn mẹ tôi, món quà bà dành tặng khiến tôi choáng váng.
- Sao mày ích kỉ thế hả con? Sao mày không cho em đứng tên nhà cùng với, chị em ruột với nhau mà mày lấy nhà làm của riêng vậy à? Ôi giời ơi thế sau này mẹ mà chết đi thì mày cướp hết của em mất!
- Kìa mẹ, sao mẹ lại nói thế? Đây là tài sản riêng con tự tích cóp được, em có cho con đồng nào đâu. Con cũng không hề xin bố mẹ tiền. Nên con đứng tên thì có gì sai?
Tôi uất đến nỗi nghẹn cả cổ, vội cụp máy để không phải nghe những lời gây tổn thương chính mình.
1 tuần liền tôi không liên lạc với ai trong nhà nữa. Tôi còn bận dọn dẹp nhà mới, cố gắng khiến bản thân không nghĩ ngợi tiêu cực. Ngờ đâu tối qua khi đang mải nấu nướng chuẩn bị đón bạn tới ăn mừng thì thấy mẹ dắt em gái tìm đến tận cửa.
- Sao mẹ biết địa chỉ nhà con?
- Bạn thân của mày nói đấy. Chẳng phải hôm nay mày mời bạn bè đến ăn tiệc tân gia sao? Gia đình thì mày không mời, con gái tốt đẹp quá nhỉ. Vô ơn với bố mẹ, sống vậy được không con?
- Mẹ đừng nói quá quắt như thế. Mẹ với em tới đây làm gì?
- Đến xem nhà mới, tiện thể cho em gái mày ở chung luôn để nó đỡ phải tốn tiền thuê nhà.
- Mẹ làm sao đấy? Con không đồng ý. Ai cho phép nó tới đây ở? Lúc trước con bảo nó ráng đợi chị kiếm chỗ khác thì không nghe, giờ con mua nhà thì đòi tới hưởng xong lại bắt con bỏ tiền ra nuôi à? Còn lâu!
- Mày ăn nói kiểu gì đấy? Tao đẻ ra 2 đứa thì phải bao bọc nương tựa nhau chứ, lại dám đuổi em mình đi như thế à? Tao là mẹ mày mà nói không nghe lời hả?
- Trước giờ con nhịn nhiều quá rồi. Từ bây giờ không có chuyện đó nữa đâu! Lúc nào trong mắt mẹ cũng chỉ có nó, mẹ có coi con là con ruột đâu? Con thiếu tiền hỏi vay thì mẹ mắng chửi, nó ăn chơi vay nợ đầm đìa ra thì mẹ bắt con gánh. Tại sao con phải bao nuôi nó? Nó cũng có đủ đầy chân tay chứ bệnh tật gì đâu. Mẹ về đi, nhà của con thì con có quyền quyết định.
Và thế là tôi ăn một cái tát, kèm theo câu chốt đừng bao giờ gọi mẹ nữa. Qua 1 đêm má tôi vẫn rát đau nhưng trong lòng thấy nhẹ nhõm vô cùng. Tôi chẳng làm gì sai cả, mẹ đối xử bất công với tôi bao nhiêu năm qua là quá đủ rồi…
Buông lời khinh miệt khi gặp lại, chồng cũ giật bắn mình khi thấy một người xuất hiện bên cạnh tôi
Gặp lại tôi sau 10 năm ly hôn, chồng cũ buông lời khinh miệt rồi cười đắc thắng.
Ngày trước tôi lấy Đăng - một chàng công tử nhà giàu, hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt so với nhà tôi. Cũng tại tôi dại dột, nhỡ mang bầu với anh ta sau một lần say rượu nên nhắm mắt đưa chân khi chưa kịp tìm hiểu kỹ Đăng cũng như gia đình anh ta. Ngày lên xe hoa, ai cũng khen tôi may mắn, "chuột sa chĩnh gạo" khi được gả vào một gia đình giàu có, nhưng nào có ai biết những gì tôi phải chịu đựng.
Đêm tân hôn, Đăng bỏ tôi ở nhà, còn anh đi bar vui chơi với bạn bè. Những ngày tháng làm dâu của tôi cũng chẳng vui vẻ, chỉ toàn là sự khinh thường của mẹ chồng. Bà không thích tôi, luôn nghĩ tôi hám tiền hám của nhà chồng nên mới cố tình mồi chài Đăng, mang thai để được đổi đời. Chính vì vậy, bà luôn coi tôi như người ở trong nhà.
Sau khi cưới, mẹ chồng cho giúp việc nghỉ luôn để tôi thay thế. Mặc cho tôi đang bụng mang dạ chửa, mọi việc trong nhà từ cơm nước, giặt giũ, lau dọn nhà,... đều đến tay tôi. Còn Đăng, anh đi từ sáng sớm tới tối mịt, luôn trở về nhà trong tình trạng say xỉn. Khi chồng về, tôi lại phải thay quần áo, lau người cho anh, có khi còn phải dọn bãi nôn của anh, nghe anh lèo nhèo mắng chửi. Cứ như vậy, đêm nào cũng phải 1 giờ sáng tôi mới được nằm xuống giường ngả lưng, nhưng đến 6 giờ đã phải dậy để chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình.
Cuộc sống tuy đầy tủi nhục nhưng tôi vẫn cố gắng nhẫn nhịn, hy vọng một ngày nào đó chồng sẽ vì con mà thay đổi, cũng là để bố mẹ ở quê không phải lo nghĩ cho tôi. Đây là con đường tôi chọn, tôi dại thì đành chịu vậy. Cho nên mỗi lần có ai gọi điện hỏi thăm, tôi đều vui vẻ bảo mình sống rất tốt, khen chồng và gia đình chồng đến tận "mây xanh", để rồi khi cúp máy lại ngồi khóc một mình không thành tiếng.
Mỗi lần có ai gọi điện hỏi thăm, tôi đều vui vẻ bảo mình sống rất tốt, để rồi khi cúp máy lại ngồi khóc một mình không thành tiếng. (Ảnh minh họa)
Tôi cứ nghĩ sẽ nhẫn nhịn sống cả đời như vậy cho tới khi mẹ tôi lên chăm sóc con gái quãng thời gian ở cữ. Mẹ chồng coi mẹ tôi như giúp việc, đã vậy còn buông lời khinh miệt mẹ tôi khi nói chuyện điện thoại với bạn thân. Dường như bà cố tình nói to như vậy để tôi và mẹ nghe thấy.
- Hết con gái rồi lại đến mẹ nó ăn bám ở nhà tôi, đúng là mặt dày không biết xấu hổ mà. Ngày xưa nó cố tình mang thai để được gả vào nhà tôi, giờ mẹ nó lại lấy cớ lên chăm sóc con gái ở cữ để ở lì đây. Không biết định ăn bám nhà tôi đến khi nào nữa, nhìn thấy mẹ con nhà ấy là tôi thấy chướng mắt.
Động đến tôi thì được, nhưng động đến mẹ thì tôi nhất quyết không nhịn. Vì chuyện này mà mẹ chồng nàng dâu to tiếng, và thứ tôi nhận lại là cái bạt tai như trời giáng của chồng và những lời mắng nhiếc thậm tệ của anh ta và mẹ chồng. Uất ức, tôi quyết định ly hôn, ôm con gái dọn về nhà mẹ đẻ sống khi chưa hết 1 tháng ở cữ.
Từ ngày đó đến nay đã 10 năm trôi qua, nhà chồng cũ chưa một lần đoái hoài hỏi thăm cháu, cũng không chu cấp được một nghìn. Nhưng tôi cũng kệ, giờ đây tôi đã tự lo được cho mình và con gái, còn chuyện cũ cứ để nó qua đi.
Từ ngày đó đến nay đã 10 năm trôi qua, nhà chồng cũ chưa một lần đoái hoài hỏi thăm cháu, cũng không chu cấp được một nghìn. (Ảnh minh họa)
Những tưởng sẽ chẳng bao giờ gặp lại Đăng, hoặc có khi về già anh ta hối hận mới đi tìm lại con, nhưng không ngờ hôm qua đi làm tôi lại vô tình đụng mặt chồng cũ ở bãi đỗ xe của công ty. Điều khiến tôi khó hiểu hơn là Đăng mặc đồ của nhân viên bảo vệ công ty tôi, tại sao một thiếu gia nhà giàu như anh ta lại phải đi làm công việc này chứ. Thấy tôi, anh ta liền lên tiếng khinh miệt:
- Chẳng phải cô vợ cũ của tôi đây hay sao? Gặp em ở đây anh hơi bất ngờ đấy. Trông em xinh hơn xưa nhỉ, chắc được vị đại gia nào bao nuôi, rót tiền cho đi trùng tu nhan sắc hả? Nhưng mà em phải cẩn thận đấy, gái một đời chồng lại có con, coi chừng một ngày nào đó anh ta chán lại đá em đi không thương tiếc đấy. Mà đến lúc đó, em có thể quay về bên anh, anh không chê đâu, nhiều khi anh cũng nhớ em lắm đó.
Đăng cười đắc thắng. Tôi tức đến run người, nhưng chưa kịp thốt lời thì một chàng trai liền bước tới cắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi. Đó chính là đội trưởng đội bảo vệ công ty, anh ta kính cẩn chào tôi: "Em chào sếp ạ" khiến Đăng giật bắn mình, lắp bắp:
- Anh có nhầm lần gì ở đây không? Sao lại chào cô ta là sếp?
- Đây là giám đốc công ty mình. Cậu ngày đầu đi làm bảo vệ ở đây không biết cũng đúng thôi, nhanh chào sếp đi.
Thấy tôi, chồng cũ liền buông lời khinh miệt rồi cười đắc thắng. (Ảnh minh họa)
Lúc này tôi mới bình tĩnh đáp lời:
- Đúng vậy, tôi chính là giám đốc công ty này. Nói về việc này thì tôi còn phải cảm ơn anh đấy, nhờ anh mà tôi mới có động lực phấn đấu gây dựng được cơ ngơi như ngày hôm nay. Anh ngạc nhiên lắm hả? Tôi còn ngạc nhiên hơn đấy, không ngờ một thiếu gia nhà giàu như anh cũng có ngày hôm nay. Đây là ngày đầu anh đi làm, cũng là ngày cuối anh làm việc ở đây. Nể tình chúng ta từng quen biết, tôi sẽ trả đủ lương tháng này cho anh.
Nói xong tôi quay lưng rời đi luôn, mặc cho Đăng đang đứng như phỗng vì chưa hiểu chuyện gì. Qua tìm hiểu tôi mới biết, hóa ra không lâu trước nhà chồng cũ bị phá sản, bố mẹ anh ta vì quá sốc mà bị tai biến nằm liệt giường, nên một mình Đăng phải gồng gánh cả gia đình. Vì không có trình độ, kinh nghiệm làm việc nên anh ta đành phải đi làm bảo vệ, đúng là gieo nhân nào gặt quả đấy mà.
Em chồng đến ở hai ngày tôi bỗng mất 5 triệu, vào phòng ngủ của cô ấy rồi biết lý do, tôi đưa thêm 10 triệu nữa Em chồng thi đỗ đại học, chúng tôi bảo em lên ở cùng nhưng em không đồng ý, muốn thuê nhà riêng nên tôi cũng chiều em. Chồng có hoàn cảnh rất đặc biệt, bố mẹ mất sớm, anh và em gái ruột phải sống cùng ông bà nội. Em gái anh kém chúng tôi nhiều tuổi. Khi tôi và chồng cưới nhau...