Chấm dứt “xài chùa” lúa giống
Do nhiều nguyên nhân, việc thu phí bản quyền lúa giống ở ĐBSCL thời gian qua xảy ra nhiều bất cập. Trước thực trạng trên, các viện, trường – nơi sản xuất, lai tạo lúa giống đã tăng cường siết chặt việc thu phí.
Không cho “xài chùa”
Ông Huỳnh Văn Nghiệp – Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Để có được 1 giống lúa có chất lượng phải mất từ 4-5 năm (thử nghiệm từ 7-8 vụ lúa) lai tạo và phải tốn từ 2,5-3 tỷ đồng chi phí. Viện có hơn 100 giống, trong đó có khoảng 10 giống được nhân rộng phổ biến (nhu cầu cao, phù hợp với thị hiếu khách hàng). Hiện có tới vài trăm công ty, đơn vị, hợp tác xã (HTX) lấy giống từ viện nhưng chỉ có dưới 3% là trả tiền bản quyền lúa giống. Vì vậy, từ năm 2016, viện đã nhờ các cơ quan chức năng quản lý chặt về những giống lúa mà phía viện đã đăng ký bản quyền. Từ năm 2017 sẽ càng siết chặt hơn.
HTX lúa giống 9 Táo (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) hợp tác nhân lúa giống từ Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: H.X
Thực tế người dân không biết đến chi phí bản quyền lúa giống trên mỗi kg lúa mà bà con gieo sạ. Vì những đơn vị kinh doanh lúa giống mà bà con thường mua thời gian qua đã sử dụng “chùa” từ các nơi sản xuất, lại tạo ra các giống trên. Sau đó, họ tự nhân giống bán lại và không xin phép chuyển nhượng”. PGS – TS Võ Công Thành
“Chỉ có số ít là trả tiền bản quyền khi lấy lúa giống của viện. Những nơi này tập trung ở các công ty, đơn vị lớn. Còn lại các HTX, cơ sở, đơn vị nhỏ lẻ thì phần lớn là không trả phí” – ông Nghiệp thông tin.
Cũng theo ông Nghiệp, trước mắt, viện sẽ siết chặt quản lý bản quyền lúa giống từ những công ty, đơn vị lớn. Sau đó sẽ áp dụng dần cho các đơn vị, HTX kinh doanh lúa giống với phí là 200 đồng/kg. Theo đó, những đơn vị, HTX kinh doanh muốn có lúa giống phải đến mua trực tiếp và trả tiền bản quyền tại viện hoặc mua lại những công ty, đơn vị lớn đã được viện chuyển nhượng quyền sở hữu và chuyển giao quyền sử dụng độc quyền.
Tránh tăng giá lúa giống bán cho nông dân
Theo người dân các địa phương ĐSBCL, thực tế việc thu phí bản quyền lúa giống chỉ thực hiện giữa bên nghiên cứu, lai tạo với các nơi kinh doanh giống lúa (nơi bán lúa trực tiếp ra cho nông dân) vì vậy người dân không bị ảnh hưởng nhiều bởi phí này. Tuy nhiên, thực tế việc thu phí này phải có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng; tránh tình trạng một số doanh nghiệp lớn được chuyển nhượng quyền sở hữu và chuyển giao quyền sử dụng lợi dụng tính độc quyền để thu lợi từ việc tăng giá bán ra.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – một nông dân chuyên sản xuất lúa giống ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho rằng: Việc thu phí bản quyền lúa giống phải có giải pháp hợp lý. “Hiện nay, việc kinh doanh lúa giống của các HTX gặp nhiều khó khăn, phải chịu nhiều phí, vì vậy nếu phí lúa giống bản quyền bán lại với giá quá cao thì các HTX sẽ khó bán ra cho nông dân (do phải tăng giá bán ra để có lời – PV). Nhưng nếu HTX không có giống bản quyền đó, người dân sẽ bỏ đi, tìm nơi cung ứng lúa giống khác để mua” – ông Hùng phân tích.
PGS-TS Võ Công Thành – Trưởng bộ môn Di truyền giống nông nghiệp (khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường ĐH.Cần Thơ) cho rằng: “Phí bản quyền lúa giống ở mức 200 đồng/kg theo quy định chung là hợp lý. Quan trọng là việc thu mua rồi nhân giống từ các HTX, các cơ sở nhỏ có trung thực hay không; tức là có đẩy giá bán ra cho người dân có quá cao so với thực tế, khiến cho chi phí sản xuất tăng hoặc trộn lẫn giống lúa trên với nhiều loại lúa tạp khác nhằm kiếm thêm lợi nhuận”.
Theo Danviet