Chấm dứt đẩy rủi ro của nhà nước sang doanh nghiệp
Doanh nghiệp mong muốn nội dung Luật PPP phản ánh đúng như tên của luật là “đối tác công – tư” thay vì quan niệm doanh nghiệp là cấp dưới
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc thiết kế dự thảo phải bảo đảm bình đẳng, hấp dẫn để nhà đầu tư yên tâm, sẵn sàng bỏ tiền đầu tư các dự án lớn trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.
Chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp
Theo bộ trưởng, dự thảo đã chú trọng đến cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Trong dự thảo đã đưa vào 2 nội dung bảo lãnh là về cân đối ngoại tệ (điều 76) và chia sẻ rủi ro doanh thu (điều 77).
Về vấn đề ngoại tệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một dự án, thu phí hoàn toàn bằng Việt Nam đồng, trừ hết chi phí đi thì nhà đầu tư mang lợi nhuận ra ngoài bằng cách nào? Nếu không có cơ chế về việc này, các nhà đầu tư sẽ rất e ngại. Chính phủ phải bảo đảm phần doanh thu sau khi trừ hết chi phí bằng tiền đồng, căn cứ vào quy định quản lý ngoại hối, phải đổi đủ tiền cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo bộ trưởng, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu cũng rất quan trọng bởi rủi ro nhiều khi không phải từ lý do bất khả kháng mà lại đến từ chính sách của nhà nước. Ông ví dụ một con đường được đầu tư theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), nhà đầu tư làm xong trên tính toán lưu lượng, giá thu phí, thời gian thu phí sẽ ra phương án tài chính. Nhưng sau đó có một con đường được xây dựng bên cạnh, chia sẻ lưu lượng và ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư. Nếu không bảo đảm doanh thu thì ai dám đầu tư!
“Nhà nước cần ổn định về chính sách để bảo đảm phương án tài chính, lúc đó nhà đầu tư mới yên tâm tham gia. Nhà nước không thể chuyển toàn bộ rủi ro của nhà nước sang doanh nghiệp (DN) bởi ở đây nhiệm vụ là nhiệm vụ công, đầu tư công nhưng đang kêu gọi đầu tư tư” – bộ trưởng lo ngại.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, đồng tình với việc thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư không mặn mà. Luật PPP đòi hỏi nhà nước quy định rõ ràng, minh bạch vấn đề này, từ việc cam kết hỗ trợ công trình, đến vay vốn, vốn đối ứng, phương án thu phí hoàn vốn. Luật PPP phải thiết kế để hạn chế những bất cập hiện nay khi đấu thầu thực hiện dự án dẫn đến không sòng phẳng trong quan hệ công – tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng nhà nước cần làm rõ các cơ chế chia sẻ quyền lợi và rủi ro ngay trong bước phê duyệt dự án và lựa chọn nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư làm tốt, rút ngắn tiến độ, tiết giảm vốn, chất lượng tốt giảm chi phí duy tu bảo trì thì cần khuyến khích.
“Khi dự án gặp rủi ro từ nguyên nhân khách quan, nhà nước cần chia sẻ, không nên đẩy hết rủi ro về phía DN như hiện nay” – ông Hồ Minh Hoàng nói và kiến nghị có cơ chế mở để huy động nhiều nguồn vốn tham gia như cho phép DN phát hành cổ phiếu, trái phiếu, nhà nước cùng tham gia góp vốn để tăng hiệu quả đầu tư…
Tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được đầu tư theo hình thức BOT
Thông thoáng để hút đầu tư
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhà nước có rất nhiều quyền, trong khi nhà đầu tư chỉ có một quyền nhưng quyền này lại vô cùng quan trọng. “Đó là họ có “chơi” với chúng ta hay không, có bỏ tiền ra đầu tư với chúng ta hay không? Còn cái gì cũng có lợi cho nhà nước, cái gì cũng không chặt chẽ, không thông thoáng thì nhà đầu tư không tham gia” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ông Hồ Minh Hoàng cho rằng Luật PPP phải thể hiện tinh thần bình đẳng giữa đối tác công – tư. Theo đó, DN mong muốn nội dung luật phản ánh đúng như tên của luật là “đối tác công – tư” thay vì quan niệm DN là cấp dưới. Đồng thời, bảo đảm các cam kết của hợp đồng dự án.
Nhiều dự án đã triển khai trong thời gian qua phát sinh nhiều vướng mắc do nhà nước thay đổi chính sách, như thay đổi quy hoạch, đầu tư đường song hành; thay đổi chính sách về giá phí; ban hành các văn bản hành chính làm thay đổi các điều khoản của hợp đồng.
Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngoài thủ tục thông thoáng thì các cơ chế bảo đảm về ngoại tệ và chia sẻ rủi ro doanh thu là vô cùng quan trọng. Đây chính là lý do vì sao trong một giai đoạn dài chúng ta đã kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông nhnưng rất khó.
Hạn chế tối đa chỉ định thầu
Để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, bảo đảm minh bạch, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề xuất việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, theo quy định của pháp luật. Hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Video đang HOT
Ông cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế.
Bài và ảnh: Minh Chiến
Theo nld.com.vn
Thiết lập cơ chế để hợp tác công tư bình đẳng, hiệu quả
Việc xây dựng, sớm ban hành một luật riêng về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là đề xuất, kỳ vọng của rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các chuyên gia, đối tác phát triển... nhằm tạo môi trường pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động đầu tư PPP.
Các chính sách về thu hút đầu tư phải đồng bộ, nếu Luật PPP chưa điều chỉnh, giải quyết được mâu thuẫn với luật khác thì không đạt được hiệu quả
Quá trình xây dựng Dự thảo Luật PPP, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức tham vấn nhiều bên, nghiên cứu, tiếp thu để xây dựng một Luật PPP bám sát thực tiễn, khả thi và hiệu quả khi áp dụng.
Báo Đấu thầu ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật PPP tại các hội thảo tham vấn và qua trao đổi trực tiếp.
Phải có sự nhất quán giữa Luật PPP với các luật liên quan
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Thời điểm này cần có Luật PPP để góp phần giúp Việt Nam đạt kết quả phát triển toàn diện hơn nữa. Một luật PPP tốt sẽ giúp nắm bắt được các cơ hội, thực hiện được dự án đầu tư hiệu quả, giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Luật PPP cần tổng hợp được những nội dung cần thiết phải có để trở thành một luật tốt, được thực thi một cách hiệu quả... Yếu tố quan trọng hàng đầu để có một luật PPP khả thi trong thực hiện là phải có sự nhất quán, rõ ràng, thống nhất với các luật liên quan, xử lý được các vấn đề mâu thuẫn, khác biệt giữa các luật. Luật Xây dựng, Luật Đất đai cũng đang được cân nhắc sửa đổi, vì thế ngay từ thời điểm này phải đạt được sự thống nhất với các luật đang và sắp sửa.
Một yếu tố quan trọng khác để Luật PPP khả thi là có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, bởi đây là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Chính phủ cũng nên xác định ngành ưu tiên để thực hiện dự án PPP. Đồng thời, Luật PPP phải toàn diện, tạo khung khổ cho toàn bộ vòng đời của một dự án, từ chuẩn bị dự án, đấu thầu, trao hợp đồng, thực hiện, quản lý hợp đồng...
Xây dựng nguồn ngân sách cho phần vốn Nhà nước tham gia
Ông Tetsu Funayama, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation, Trưởng ban Diễn đàn Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản
Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến dự án PPP tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực điện, đường cao tốc, sân bay. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện nay chưa đạt đến mức các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài nói chung tích cực đầu tư vào kết cấu hạ tầng tại Việt Nam.
Một số điểm mà nhà đầu tư Nhật Bản đề xuất đưa vào Luật PPP là: để mở khả năng áp dụng luật nước thứ ba; thiết lập bảo lãnh Chính phủ đối với chuyển đổi ngoại tệ, doanh thu tối thiểu; xây dựng điều khoản chấm dứt hợp đồng trong đó bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong trường hợp lỗi do Nhà nước hoặc bất khả kháng; xây dựng nguồn ngân sách cho phần vốn của Nhà nước tham gia vào dự án PPP kịp thời, không bị phụ thuộc vào ngân sách hàng năm.
Cần thống nhất về mặt quản lý của Nhà nước các cấp đối với dự án
Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1
Luật PPP là khung pháp lý tạo ra cơ chế hợp tác giữa hai bên công và tư một cách bình đẳng. Luật PPP quan trọng nhất phải cho nhà đầu tư thấy được sự yên tâm, quyền lợi của nhà đầu tư được bảo đảm sau khi ký hợp đồng nếu có những thay đổi chính sách, pháp luật trong quá trình đầu tư.
Những bảo đảm của Chính phủ nếu có thực chất chỉ là công cụ để thể hiện trách nhiệm, sự cam kết của Nhà nước với nhà đầu tư. Ví dụ bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ. Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào dự án nhiệt điện than, doanh thu lớn nhất là tiền điện bằng VND, chi phí lớn nhất là tiền mua than bằng tiền USD. Nhà đầu tư cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước để duy trì nguồn ngoại tệ của họ, vì nhà đầu tư có năng lực hoàn toàn có thể thu xếp được khoản tiền USD để mua bán than. Nhưng có những trường hợp, giả thiết do lỗi của Chính phủ điều hành kinh tế dẫn đến lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá trầm trọng, khả năng chuyển đổi ngoại tệ trên thị trường cực kỳ khó khăn, thì Chính phủ phải có nghĩa vụ bảo lãnh những rủi ro do mình gây ra cho nhà đầu tư.
Hợp đồng PPP là bình đẳng. Nhà đầu tư có lỗi thì bị phạt, Nhà nước có lỗi thì cũng cần đưa ra cam kết bảo đảm. Nếu không có rủi ro gì xảy ra thì Nhà nước cũng không mất, nhà đầu tư cũng không được gì cả.
Ngoài ra, vấn đề thống nhất quản lý từ cấp trung ương đến địa phương đối với dự án PPP cũng rất quan trọng. Hầu hết dự án BOT năng lượng đều có tổng mức đầu tư lớn, vài tỷ đô, khi đàm phán là với các bộ chuyên ngành, Chính phủ, nhưng dự án lại triển khai tại địa phương. Địa phương nhiều khi không nắm rõ hết các quy định, cam kết tại hợp đồng, dẫn đến khi triển khai sẽ có khó khăn. Luật PPP nên khẳng định sự thống nhất về mặt quản lý nhà nước các cấp đối với dự án BOT.
Một luật thúc đẩy, một luật hạn chế thì chính sách không đồng bộ
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả
Nếu có Luật PPP rồi, khi có sự xung đột giữa các văn bản thì ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, như vậy nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn.
Các chính sách về thu hút đầu tư phải đồng bộ, nếu chỉ ra đời Luật PPP trong khi đó chưa điều chỉnh, giải quyết được mâu thuẫn với những luật khác thì nó sẽ không đạt được hiệu quả. Ví dụ, trong khi Chính phủ, các bộ, ngành nhấn mạnh thúc đẩy đầu tư theo phương thức PPP để có thêm nguồn lực thực hiện dự án hạ tầng giao thông thì quy định của pháp luật về tín dụng, ngân hàng lại nói hạn chế tối đa việc cho vay dự án PPP. Nếu đã thống nhất tập trung nguồn lực thì các luật đều phải hướng đến một mục tiêu, chứ một luật thúc đẩy một luật hạn chế cho vay, thì các chính sách không đồng bộ.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng khác là việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án PPP cần phải xem xét kỹ trên cơ sở đảm bảo phương án tài chính hiệu quả thì nhà đầu tư, ngân hàng mới đầu tư.
Quan hệ đối tác cần được bảo đảm qua hợp đồng
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam
Đầu tư theo phương thức PPP thời gian qua đã đạt được nhiều thành công, không mắc căn bệnh nan y của ngành xây dựng Việt Nam là kéo dài thời gian, giá tăng vượt mức, chất lượng thấp. Tổng kết cho thấy có nhiều công trình vượt sớm thời gian, giá thành thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu, chất lượng rất yên tâm.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đầu tư các dự án PPP đã nảy sinh nhiều vướng mắc, một phần nguyên nhân là do khung pháp lý cho lĩnh vực PPP chưa thống nhất và có nhiều biến động. Hiện nay dự án PPP bị quản lý như dự án sử dụng vốn nhà nước với cách thức quản lý mang tính áp đặt, gây cản trở rất lớn. Hợp đồng PPP cũng không bình đẳng, nhà đầu tư chịu rất nhiều rủi ro, Nhà nước chịu ít rủi ro nhưng rất nhiều quyền lực. Hậu kiểm chịu quá nhiều sự kiểm soát, đơn vị sau không tiếp thu kết quả kiểm tra mà đơn vị nhà nước khác đã làm trước.
Luật PPP sớm ra đời kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá. Quy định của Luật phải cụ thể, rõ ràng mà không quy định một cách chung chung. Mối quan hệ đối tác Nhà nước - tư nhân cần được xác lập và bảo đảm thông qua thỏa thuận hợp đồng bình đẳng, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên.
Luật PPP cần tạo ra cơ chế khuyến khích nhà đầu tư phát huy năng lực, trình độ khoa học công nghệ, khả năng quản lý, sáng tạo... khi thực hiện dự án. Lợi nhuận tài chính cho bên tư nhân tương xứng với những kết quả tích cực. Đồng thời chia sẻ rủi ro một cách hợp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư; tạo cơ chế để có thể huy động được nhiều nguồn vốn tham gia thực hiện dự án.
Đảm bảo các dự án PPP xứng đáng giá trị đồng tiền
Ông Hyeon Park, Chuyên gia PPP, Giáo sư Trường Đại học Seoul Hàn Quốc
Dù đầu tư từ tiền của tư nhân, hay vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước thì việc xây dựng hạ tầng vẫn là nghĩa vụ của Chính phủ. Vì thế, khi kêu gọi tư nhân, Chính phủ không thể phó mặc hoàn toàn mọi rủi ro cho khu vực tư nhân. Đứng trên quan điểm của nhà đầu tư tư nhân, nếu không có lợi nhuận hợp lý thì họ không tham gia. Dự án PPP khó là vì vừa phải đáp ứng mục tiêu công vừa phải đảm bảo đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Muốn vậy, Nhà nước hoặc phải chia sẻ rủi ro hoặc phải đảm bảo mức lợi nhuận cao cho dự án, nghĩa là hoặc bảo lãnh hoặc tăng phí dịch vụ. Nếu mức phí người dân có thể chi trả hạn chế thì không có cách nào khác là phải chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.
Pháp luật về PPP của Hàn Quốc được sửa đổi năm 1999 cho phép áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Nếu không có bảo lãnh này sẽ rất khó có nhà đầu tư tư nhân nào tham gia.
Song song với đó, các cam kết tài chính cho dự án PPP cần được kiểm soát, được báo cáo và dự toán trong ngân sách để đảm bảo các dự án PPP xứng đáng giá trị đồng tiền, không gây gánh nặng quá mức cho các thế hệ tương lai và để quản lý rủi ro tài chính liên quan.
Mở ra hướng để nhà đầu tư huy động vốn ngoài kênh ngân hàng
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI)
Khi đã ký hợp đồng PPP thì bản hợp đồng phải như pháp lệnh, không được thay đổi tùy tiện để nhà đầu tư có lòng tin. Trường hợp cần thiết, bắt buộc phải điều chỉnh hợp đồng, cơ quan nhà nước ký hợp đồng phải trao đổi, thỏa thuận với nhà đầu tư, thống nhất nội dung điều chỉnh và giải pháp khắc phục hậu quả nếu có trước khi ra quyết định, không được tự ý điều chỉnh bằng các mệnh lệnh hành chính trái với quy định của hợp đồng. Nếu cứ can thiệp hành chính sẽ làm méo mó hợp đồng kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, nhà đầu tư không tin hợp đồng đã ký nữa.
Đối với những dự án lớn phải có chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không muốn "chơi xổ số" với Nhà nước. Chia sẻ rủi ro doanh thu tối thiểu ở mức chấp nhận được đối với cả hai phía là một cách kêu gọi minh bạch, sòng phẳng, hợp lý. Đối với những dự án muốn kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, nên bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ, trường hợp không bảo đảm được thì nên học hỏi theo ngành điện quy đổi doanh thu thành ngoại tệ.
Đồng thời, dự án PPP phải theo nguyên tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu, nhà đầu tư làm tốt phải được hưởng phần chi phí tiết giảm được, như vậy mới khuyến khích sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ.
Luật PPP cũng nên mở ra hướng để nhà đầu tư có thể huy động nguồn vốn ngoài kênh ngân hàng. Nhiều nước hùng mạnh, không thiếu tiền, vẫn đầu tư PPP để huy động nguồn lực xã hội. Nguồn vốn nhàn rỗi trong dân rất lớn, phải làm sao huy động được cho đầu tư hạ tầng.
Theo Nguyệt Minh
baodauthau.vn
BOT và những khoản nợ xấu Trong công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến Văn bản 8020/NHNN-TD ngày 11-10-2019 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng công ty 36 (TCT 36) thực hiện dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) Quốc lộ 19 giai đoạn 2013-2015, và các dự án BOT nói chung...