Chạm đích hạnh phúc bằng bánh xe lăn
Cô gái nhỏ bé ngồi xe lăn đã khiến tôi thầm ghen tị. Bởi dù đôi chân bị teo từ nhỏ, Nguyễn Thị Hậu không chỉ rất duyên dáng mà còn khéo léo, đảm đang và làm được những việc mà ngay cả người lành lặn không phải ai cũng đạt được.
Phải gắn cả ngày với chiếc xe lăn sau một cơn sốt bại liệt năm 5 tuổi, đi học muộn do chạy chữa bệnh, nghỉ học từ năm lớp 9 vì trường quá xa, một mình từ Hà Nam lên Hà Nội lập nghiệp, thế mà cô gái vừa tròn 30 ấy có lưng vốn 11 năm kinh doanh thương trường, đã hoàn thành chương trình bổ túc THPT và đang là sinh viên năm cuối cao đẳng Y tế Phú Thọ, có một gia đình êm ấm. 24 giờ mỗi ngày dường như đều được cô sử dụng triệt để, khi mà ngoài công việc học hành, kinh doanh, Hậu vẫn dành khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để trau dồi kỹ năng chơi đàn, vẽ, hát.
Tôi gặp Hậu tại gian hàng bán sim điện thoại của cô trên phố Vũ Thạnh – Hà Nội. Ngoài mặt hàng đã kinh doanh bốn năm này, hai vợ chồng Hậu vừa thử nghiệm bán thêm kính mắt. Chả là chồng Hậu vốn đi lao động ở Nga, nhưng giờ ở lại hẳn trong nước để lo xây dựng kinh tế với vợ nên đang bắt đầu học nghề kinh doanh. Từ khi có chồng cùng lo, Hậu không thuê người làm như trước, bớt được chi phí để còn lo cho con cái sau này.
Đám cưới cuối năm 2012 là kết thúc có hậu cho câu chuyện tình của cô với người bạn thân thiết nhiều năm. Trước câu hỏi dễ hiểu của tôi về mối tình ấy, Hậu cười với ánh mắt rạng ngời: “Anh ấy vượt qua được khó khăn thì em cũng sẽ vượt được mà thôi”. Cô bẽn lẽn: “Năm nay em cũng đã 30 tuổi, nên hai đứa dự định sinh con luôn”.
Hậu với niềm hạnh phúc riêng trọn vẹn.
Hậu điểm lại cho tôi nghe những mốc thời gian mà với cô như vừa xảy ra. Tuổi tới trường, niềm mong ước duy nhất của Hậu là được tung tăng chạy nhảy. Nhiều áp lực, dễ tủi thân và hay mặc cảm, Hậu dần thu mình lại. Lên cấp ba, nhà cách trường tới năm cây số, cha mẹ anh chị đều bận việc không thể hàng ngày đưa đón nên Hậu phải nghỉ học.
Rồi Hậu đi học nghề, mở cửa hàng may để tự nuôi sống. Chân đạp môtơ điện của chiếc máy may được chỉnh cho nhẹ hơn, để đôi bàn chân nhỏ và lắm lúc không dễ bảo của Hậu có thể điều khiển được. Suy nghĩ mình còn trẻ còn cơ hội học, Hậu một mình lên Hà Nội học thêm nghề may. Nhưng đi hết cửa hàng này đến cửa hiệu khác, cô chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Bởi chẳng ai muốn thuê người ngồi xe lăn, chiếm một chỗ trong cửa hàng chật chội mà chưa biết có được việc hay không.
Virút bại liệt lây chính qua đường tiêu hoá
BS Hoàng Tương Giao, viện Pasteur TP.HCM cho biết: Sốt bại liệt là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi trùng đường ruột Poliovirus gây ra, có thể lây lan thành dịch. Khi bị nhiễm trùng, một số ít bệnh nhân có biểu hiện liệt, còn phần lớn là bệnh thể nhẹ, thể không liệt hoặc thể không có triệu chứng lâm sàng. Đường lây chính của virút bại liệt là tiêu hoá, trực tiếp từ phân-miệng hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn nhiễm phân người bệnh (một lượng phân rất nhỏ của bệnh nhân có thể chứa hàng ngàn liều virút gây bệnh). Hầu hết trẻ tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình và 87% các trường hợp tiếp xúc hàng ngày có thể bị nhiễm virút bại liệt. Đã có vắcxin phòng ngừa sốt bại liệt.
Video đang HOT
D. Nhân ghi
Cô trở về và mở một cửa hàng, nhận hàng may cao cấp, can ra giấy để học cách cắt. Cứ thế, vừa đi học bổ túc cấp ba vừa làm, cửa hàng của Hậu vẫn dần đông khách.
Không cam làm thợ mãi
Nhưng cô gái nhỏ nghĩ “Phải làm thầy chứ không làm thợ mãi”. Thế là Hậu trở thành sinh viên khoa Dược trường cao đẳng y tế Phú Thọ. Giảng đường ở tầng 2, phòng ở tận tầng 5 ký túc xá, nhưng Hậu vẫn quyết tâm học với trù tính sau khi tốt nghiệp sẽ mở cửa hàng kinh doanh thuốc. Hậu còn quyết lấy được tấm bằng loại ưu, để dành tặng một người đặc biệt.
Đó là ngày đầu mở hiệu may, một người khách nữ tuổi ngoài 60, khuôn mặt nhân hậu bước vào. Bác bảo Hậu: “Bác để ý ngay từ ngày đầu cháu đến nơi này. Thực ở đời nhiều việc khó nhưng không có nghĩa không làm được, quan trọng là con người ta có thực sự thiết tha, có đủ phương pháp và nghị lực biến niềm đam mê thành nghệ thuật hay không. Cố lên cháu gái”. Câu nói khích lệ đã giúp Hậu trở nên mạnh mẽ. Và cũng từ đó cô đủ niềm tin gắn bó công việc. Hậu kể: “Theo thời gian tôi biết cắt đồ đẹp hơn, trong tôi dần xuất hiện sự hăng say, khéo léo cẩn thận, biết yêu thương và đánh giá cái đẹp. Bác giúp tôi biết quan tâm mọi khách hàng, để tôi không chỉ biết làm đẹp cho bác mà còn làm đẹp cho mọi người, làm đẹp cho đời”.
Nguyễn Thị Hậu vừa đăng ký tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2013″ trung tuần tháng 4 tới tại Hà Nội. Với Hậu, đây là một lần nữa được chạm tay vào hạnh phúc và cô mong muốn sẽ có nhiều phụ nữ thiệt thòi có được cơ hội như thế. Một ước mơ giản dị và đầy yêu thương, có lẽ chỉ có ở những người mà định mệnh đã không cho họ một đôi chân lành lặn, nhưng họ đã đứng lên và làm chủ đời mình trên đôi chân tinh thần còn vững vàng và mạnh mẽ hơn thế.
Theo 24h
Cổ tích "đôi chân của anh, cặp mắt của em"
Mọi người vẫn thường ca ngợi Tạ Đình Hán - Vũ Hoài Thanh là "cặp đôi đẹp" của đoàn thể thao người khuyết tật Hà Nội. Vượt qua những sóng gió trong cuộc sống, hai số phận vịn vào nhau để sống, để vươn lên, trở thành những vận động viên xuất sắc, giành nhiều huy chương vàng trong các cuộc thi thể thao người khuyết tật toàn quốc và khu vực.
Tình yêu qua giông bão
Đã thành thông lệ, vào mỗi buổi sáng, người dân khu phố Ngõ Gạch (Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại thấy chị Thành bước chân khập khiễng, hì hục "đánh vật" với chiếc xe máy chở hai con đến trường. Ít phút sau, vẫn con "ngựa sắt" đó, chị lại chở anh đến trung tâm luyện tập thể thao ở Khúc Hạo. Từ khi yêu nhau đến khi về làm vợ, đôi mắt chị Thanh đã trở thành "tài sản chung" cho cả vợ lẫn chồng. Hỏi ra, chị chỉ cười: "Tôi cho anh đôi mắt, anh giúp tôi đứng vững đôi chân. Chúng tôi là hai mảnh ghép hoàn hảo trong cuộc sống".
Chị Thanh coi việc chọn chồng của mình là sự lựa chọn hoàn hảo, bởi anh Hán xứng đáng nhận được nhiều điều tốt đẹp hơn. Còn anh Hán thì cho rằng, duyên số đã ban tặng anh người vợ tuyệt vời. Một hạnh phúc viên mãn, với hai thiên thần xinh xắn, khỏe mạnh, tô điểm cho cuộc sống vốn dĩ còn nhiều khó khăn đó.
Năm 8 tuổi, đôi mắt anh Hán cứ mờ dần đi. Tưởng bị tật khúc xạ nhưng khi đi khám, các bác sĩ thông báo đôi mắt anh bị teo võng mạc khiến cả gia đình anh đau đớn. Cơ hội cứu lấy đôi mắt hết sức mong manh. Biết mình bị khiếm thị, anh Hán tiếp tục đến trường cho đến khi mù hẳn.
Tiếp xúc với Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, thấy những người cùng cảnh ngộ, những chán chường tuyệt vọng của anh dần biến mất. Anh Hán nỗ lực học hỏi, làm thêm, tham gia các khóa học chữ brain ở trường Nguyễn Đình Chiểu. Với khuôn mặt thanh tú, anh Hán được chọn làm mẫu cho các sinh viên trường mỹ thuật vẽ chân dung. Năm 2000, anh Hán tham gia luyện tập tại CLB Thể thao Người khuyết tật Hà Nội với bộ môn điền kinh.
Nỗi buồn của chị Thanh bắt đầu ở cái tuổi đẹp nhất của con gái. Lúc đó, chị đang học cấp ba thì bị một chiếc xe tải cán nát 1/3 chân trái. Thấy con gái nằm trong bệnh viện, toàn thân băng bó trắng toát, một phần chân bị cắt đi, bố mẹ chị òa khóc. Nỗi đau ập đến, chị Thanh nén nước mắt và nỗi đau vào trong, động viên bố mẹ. Lúc đó, chị đã nghĩ, với đôi chân tật nguyền, còn ai để mắt tới mà lấy làm chồng?
Vợ chồng anh Hán - chị Thanh hạnh phúc bên các con
Khó khăn là vậy nhưng với nghị lực, chị tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh, rồi "đầu quân" cho Cty Sài Đồng II. Đến đầu năm 2003, chị tham gia CLB Thể thao Người khuyết tật Hà Nội. Ngay từ lần đầu tiên gặp mặt, chị Thanh đã ấn tượng bởi vẻ điển trai và đôi mắt không mờ đục của anh Hán. Anh Hán đã mờ hẳn nhưng con ngươi vẫn còn đen không vướng bận. Đặc biệt, lòng vị tha và sự rộng lượng của anh càng khiến chị nể phục nhiều hơn.
Đã gặp được "người trong mộng", chị Thanh càng có động lực để đến CLB luyện tập hơn. 5h sáng, chị đã trở dậy đi hơn 20 km sang trung tâm luyện tập, buổi chiều đi làm đến hơn 10 h đêm. Có những lúc luyện tập, chân giả "đánh nhau" với chân thật, tứa máu đau nhức khiến chị bật khóc. Lúc đó, chị lại có anh Hán bên cạnh giúp đỡ, động viên. Càng gần gũi, chị càng thấy, ngoài vẻ đẹp trai, anh Hán còn là một chàng trai đa tài. Tất cả những gì đến tay anh, từ việc nặng đến việc nhẹ, anh đều làm gọn và rất thẩm mĩ như làm điện, sửa vòi nước, lắp quạt...
Những buổi tập bơi khiến chị nhớ nhất. Chân chị yếu, nhiều khi đang bơi bỗng đuối sức, chị choàng lấy cổ anh. Cảm giác an toàn, được che chở bao trùm khiến chị nhận ra rằng, anh mới chính là người đàn ông của đời chị. Tình yêu cứ thế lớn dần lên và sâu sắc lúc nào không hay. "Anh ấy thường nói: Mọi người bảo em xinh, anh không biết được nét xinh qua ánh mắt, nhưng anh cảm nhận được trái tim em ấm áp và vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn", chị Thanh kể.
Từ khi yêu nhau, đôi mắt của chị soi sáng những bước đi của anh. Còn đôi chân anh lại trở thành điểm tựa vững chắc cho những bước đi của chị. Khi mọi người trong gia đình chị và bạn bè biết tin chị yêu một chàng trai khiếm thị, ai cũng hết sức phản đối. Bố chị thì quát mắng, mẹ chị tỉ tê khuyên bảo, các chị và em gái thì hết lòng khuyên giải. Bạn bè chị cũng căn ngăn khiến chị Thanh phải nói dối là đã chia tay.
"Mọi người gặp anh ấy đều rất quý mến nhưng khi nhắc đến chuyện sẽ cưới xin thì ai cũng phản đối, bảo tôi suy nghĩ lại. Nhưng tình yêu của tôi dành cho anh quá lớn, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, sóng gió của cuộc sống để đến với nhau", chị Thanh tâm sự.
Cặp đôi hoàn hảo
Năm 2006, đám cưới hạnh phúc của họ được tổ chức. Căn phòng hạnh phúc chỉ là một góc của căn nhà cấp bốn xiêu vẹo rộng khoảng 10 m2 nằm lọt thỏm giữa phố Ngõ Gạch. Hai vợ chồng bắt đầu bằng vốn liếng đầu tiên là chút tiền thưởng từ các cuộc thi đấu. Buổi sáng, hai vợ chồng lại dìu dắt nhau đến sân tập luyện, chiến đấu với những thử thách, khó khăn, chướng ngại vật trên sân thi đấu, buổi chiều tối, chị Thanh đưa chồng đi tẩm quất, matxa cho những người có nhu cầu tại nhà.
Vợ chồng Tạ Đình Hán - Vũ Hoài Thanh, hơn 10 năm qua, họ đã cùng nhau tham dự 4 Para Games và lần nào Hán cũng có vàng, còn chị Thanh thì 2 lần trở thành nhà vô địch ở những đại hội của ý chí và nghị lực này.
Là những người khuyết tật, họ đã trở thành điểm sáng của Hội Người mù Hà Nội. Mới đây, hai vợ chồng được nhận bằng khen của UBND TP Hà Nội vì thành tích tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.
Để có thêm thu nhập, chị Thanh nhận thêm hàng hóa giầy dép của người chị gái về bán. Cũng thời gian đó, chị mang bầu đứa con trai đầu lòng. Cậu bé Tạ Duy Phong chào đời, như ngọn gió mạnh mẽ luôn vượt qua trở ngại. Một năm sau, cô bé Tạ Mai Phú chào đời. Năm 2006, anh chị dành xây thêm tầng 2 để ở, còn phần trệt ở 19 Ngõ Gạch thì dành để kinh doanh tẩm quất thật của người mù.
Anh chị mời thêm hai người khiếm thị về làm cùng. Năm 2008, một cơ sở tẩm quất khác được ra đời ở 711 Hồng Hà. Rồi anh chị mở thêm cơ sở tẩm quất thật của người mù ở 226 Âu Cơ; số 3 ngõ 9 phố Minh Khai. Đến giờ, hai vợ chồng đang quản lý 4 cơ sở tẩm quất của người mù, giải quyết việc làm cho hơn 30 người khiếm thị trên địa bàn Hà Nội.
Nhìn lại cơ ngơi của mình cùng với một gia đình hạnh phúc viên mãn, chị Thanh mỉm cười hài lòng. Chị bảo, có thể mọi người vẫn thấy chị là một người phụ nữ vất vả, bận rộn. Nhưng chị hài lòng với lựa chọn và những gì chị có. Tấm huy chương lớn nhất của cuộc đời chị là giành huy chương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình. "Đôi lúc thấy người ta được chồng đưa đón, còn mình thì quanh năm suốt tháng đưa đón chồng con, tôi cũng thấy tủi thân và ghen tỵ lắm. Nhưng những gì tôi nhận được là tình yêu thương bao la, thì những tiểu tiết nhỏ đó nhanh chóng thành vô nghĩa", chị Thanh nói.
Tháng 10/2012, hai vợ chồng tham gia thi đấu trong cuộc thi thể thao khuyết tật toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh. Những nỗ lực không ngừng đã mang lại cho chị Thanh 4 huy chương vàng hạng đơn nữ, đôi nữ, đôi nam nữ và đồng đội ở bộ môn cầu lông, còn anh Hán giành hai huy chương vàng môn điền kinh nam. Trên con đường thể thao, họ đều tỏa sáng với nhiều huy chương giá trị, trên đường đời, họ khẳng định mình bằng một nghị lực phi thường, mà với chị Thanh: "Tấm huy chương giá trị nhất của tôi là phấn đấu cho hạnh phúc gia đình".
Theo 24h
Bệnh nhân ở "ấp HIV" đã tăng gần gấp đôi Một người bệnh vừa nhận thuốc điều trị và đồng ý chụp ảnh để khẩn thiết mong được minh oan. Ảnh: NV. Vụ nông dân nhiễm HIV tại xã Ngãi Đăng (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) lại nóng lên khi có thêm 4 người dương tính. Như thế, đến nay đã ghi nhận 20 người nhiễm HIV, gần gấp đôi số phát hiện...