Cha ngồi tù 10 năm vì lời nói dối tai hại của con gái
Chỉ đến khi Thomas Kennedy thụ án trong tù được 10 năm, cô con gái của anh mới lên tiếng thú nhận năm xưa đã có những lời nói dối tai hại đẩy cha mình vào cảnh tù tội.
Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống. Mảng tối về sự vô trách nhiệm với mạng sống con người của những người nắm quyền sinh sát sẽ phần nào được hé lộ qua loạt bài “ Những vụ án oan làm chấn động lịch sử”.
Thomas Kennedy bị chính con gái mình đưa vào tù với tội danh hiếp dâm trẻ em
Các công tố viên tòa án thành phố Longview, bang Washington, Mỹ cũng phải thốt lên rằng cuộc đời làm tư pháp của họ chưa từng chứng kiến một vụ án nào tương tự như vậy.
Vì những bất đồng không thể dung hòa, Thomas Kennedy và vợ ly dị vào năm 1991, Cassandra Kennedy và chị gái sống với mẹ, cuối tuần lại đến nhà cha.
Năm 2001, cô bé Cassandra Kennedy (11 tuổi) thông báo với cảnh sát việc em đã bị chính cha mình là Thomas Kennedy cưỡng bức ít nhất 3 lần tại ngôi nhà của anh ở Longview, Washington.
Sau đó, trong buổi làm việc với các nhà điều tra của Sở cảnh sát thành phố Longview, Cassandra đã sử dụng thú nhồi bông để minh họa cho những gì cha cô đã làm với mình. Cô bé cũng vẽ lại chi tiết phòng tắm nơi các vụ hãm hiếp xảy ra. Cảnh sát sau đó đã tới đo đạc và chụp ảnh căn phòng.
Ban đầu, cảnh sát tỏ ra hoài nghi về việc làm thế nào một cô bé 11 tuổi lại biết khá nhiều về tình dục? Cassandra giải thích với cảnh sát rằng cô bắt đầu tham gia các hoạt động giáo dục giới tính từ hồi lớp 2 cũng như biết qua các bộ phim.
Tháng 3/2001, khi được đưa đến kiểm tra tại phòng khám Vancouver, các bác sĩ phát hiện có vết thương ở bộ phận sinh dục của Cassandra.
Thomas Kennedy ngay lập tức bị bắt. Trong phiên tòa ngày 19/4/2001, các công tố viên cáo buộc anh với 3 tội danh hiếp dâm trẻ em. Thomas Kennedy liên tục kêu oan và yêu cầu thay luật sư bào chữa khi cho rằng ông này không đủ năng lực chứng minh anh vô tội nhưng kháng cáo bị bác bỏ. Thêm bất lợi cho Kennedy khi anh là đối tượng nằm trong danh sách đen của cảnh sát vì từng tham gia một cuộc tấn công những năm 1990, vi phạm giao thông và lái xe với giấy phép giả.
Tại phiên tòa diễn ra ngày 8/7/2002, cô bé lặp đi lặp lại những lời cáo buộc của mình trước đó. Dựa vào lời khai và các chứng cứ thu thập được, ban hội thẩm buộc Thomas Kennedy tội danh cưỡng bức ít nhất 3 lần chính con gái ruột của mình và tuyên án hơn 15 năm tù giam.
Video đang HOT
Sau này, có lần Cassandra nói với mẹ rằng thật ra em đã nói dối về những cáo buộc với cha. Tuy nhiên, ngày hôm sau khi mẹ hỏi lại, Cassandra khẳng định những gì cô bé khai trước tòa là sự thật.
Tháng 1/2012, khi Thomas Kennedy đã thi hành án được 10 năm thì Cassandra, lúc này đã 22 tuổi, đột nhiên gọi điện đến Sở cảnh sát thành phố Longview và thú nhận toàn bộ câu chuyện bịa đặt năm xưa của mình. “Tôi đã làm một điều xấu xa với cha mình. Thật không dễ dàng chút nào khi bị giam giữ trong một nơi kinh khủng vì một điều mà mình không gây ra”, Cassandra nói.
Lúc này, Cassandra mới khai với cảnh sát rằng đã rất đau lòng sau khi cha mẹ ly hôn và việc cô bịa chuyện bị cha đẻ cưỡng hiếp là do ông đã làm cô thất vọng. “Tôi muốn ông ấy yêu thương tôi, nhưng tôi nghĩ ông ấy đã không làm vậy. Và tôi bắt đầu nuôi trong lòng sự hận thù”, Cassandra nói với các nhân viên điều tra. Bắt nguồn từ câu chuyện của một người bạn có bố bị đi tù vì lạm dụng trẻ em, cô đã nghĩ ra câu chuyện bịa đặt khủng khiếp ấy để cha “đi thật xa”.
Tại phiên điều trần tháng 3/2012, Cassandra cho biết tổn thương ở bộ phận sinh dục của cô năm xưa là do trước đó cô đã có hành vi quan hệ tình dục với người bạn cùng lớp của mình. Cậu bé này, giờ đây đã là một chàng trai trưởng thành, cũng xác nhận câu chuyện của cô.
Tháng 9/2014, Tòa Thượng thẩm Quận Cowlitz tuyên bố trả tự do cho Thomas Kennedy kèm theo mức bồi thường 519.973 USD cho 3242 ngày ở trong tù. Còn Cassandra, cô sẽ không phải đối mặt với các tội danh, bởi hành động của cô ta có thể giúp cho những người có liên quan đến các vụ án tương tự dám đứng ra nhận lỗi. Được biết, Cassandra đã trải qua thời học sinh không êm đềm khi thường bị bạn bè trêu chọc. Vài tháng trước khi cô bé đổ tội hiếp dâm cho cha, cô đã bị đuổi học vì nói với một giáo viên trong trường về ý nghĩ sẽ mang súng tới trường và bắn tất cả mọi người.
———————————————
Cái chết của Leo Frank cách đây hơn 100 năm là một trong những vụ hành hình nổi tiếng nhất lịch sử nước Mỹ. Trong đó, nạn nhân bị kết án dựa trên những bằng chứng thiếu thuyết phục xuất phát từ định kiến với người Do Thái và việc thực thi công lý lại không phải do cơ quan tư pháp thực hiện.
Hành trình tìm lại công lý của Leo Frank diễn ra như thế nào? Mời độc giả đón đọc “Bé gái bị tấn công tình dục và bản án oan dậy sóng xã hội Mỹ”, vào 4h ngày 26/2/2017.
Theo Danviet
Án oan của "người phụ nữ huyền thoại" mang tội danh phản quốc
Cho đến khi qua đời vào năm 2006 ở độ tuổi 90, Iva Toguri, được biết đến với cái tên "Tokyo Rose", vẫn là công dân duy nhất trong lịch sử Mỹ bị kết án vì tội phản quốc.
Trong lịch sử ngành tư pháp thế giới, có không ít vụ án oan khiến nhiều người phải lâm vào bước đường cùng, thậm chí trả bằng cả mạng sống. Mảng tối về sự vô trách nhiệm với mạng sống con người của những người nắm quyền sinh sát sẽ phần nào được hé lộ qua loạt bài " Những vụ án oan làm chấn động lịch sử".
Iva Toguri
Tội danh "trên trời rơi xuống"
Bước ngoặt cuộc đời Toguri bắt đầu vào năm 1941. Năm đó, gia đình cô nhận được tin người dì ở Nhật đang bị bệnh nặng. Mẹ Toguri thì quá yếu để thực hiện một chuyến đi dài từ Mỹ, Toguri thay mặt mẹ đã lên tàu về cố hương thăm dì. Khi đi, Toguri không có hộ chiếu nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp giấy chứng nhận xuất cảnh. Cô rời Mỹ vào ngày 5/7/1941, một ngày sau sinh nhật lần thứ 25.
Bệnh tình của dì Toguri dần bình phục nhưng Toguri vô tình đặt mình trong một tình huống trớ trêu. Căng thẳng leo thang ngày một nghiêm trọng giữa Mỹ và Nhật Bản. Ngày 7/12/1941, Nhật tấn công Trân Châu Cảng và Mỹ chính thức bước vào Thế chiến thứ 2. Toguri là 1 trong gần 10.000 người Mỹ gốc Nhật bị mắc kẹt tại Tokyo.
Các quan chức Nhật Bản coi Mỹ là kẻ thù và họ yêu cầu cô từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình. Cô cương quyết từ chối. Chính phủ vì thế gây nhiều khó khăn cho cô. Thêm nữa, dì và chú của cô không muốn Toguri ở lại nhà họ vì cô mang quốc tịch Mỹ.
Một thân một mình giữa mảnh đất xa lạ và đầy thù địch, Toguri đã phải đấu tranh để tồn tại. Cô chật vật tìm việc làm và cuối cùng cũng tìm được công việc giáo viên piano và sau đó là một nhân viên đánh máy tại Thông tấn xã Domei. Thông qua công việc này, cô biết được rằng gia đình mình đã bị đưa vào trại giam giữ tại Mỹ. Sau đó không lâu, mẹ cô đã ra đi.
Năm 1943, Toguri bị ép trở thành phát thanh viên trong chương trình Không Giờ (Zero Hour) của Đài phát thanh Tokyo. Đây là một chương trình phát thanh tâm lý của Nhật Bản với ý đồ làm nản ý chí chiến đấu của quân đội Mỹ. Trong chương trình kéo dài 20 phút mỗi ngày, nhiệm vụ của Toguri khi đó chỉ là giới thiệu chương trình và những ca khúc tiếng Anh được yêu thích nhất trong ngày. Sau này, một số nhân vật có cương vị của quân đội Mỹ tuyên bố rằng các chương trình tâm lý của Zero Hour chẳng hề có tác dụng tiêu cực nào, trái lại nhiều binh lính Mỹ lại rất yêu thích những bài hát do phát thanh viên Toguri giới thiệu
Năm 1945, Toguri kết với Felipe d'Aquino, người Bồ Đào Nha gốc Nhật cũng bị kẹt lại ở đây do chiến tranh. Cùng năm đó, Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, cuộc đời cô bước vào bước ngoặt tiếp theo dẫn đến bi kịch như một trò hề của công lý.
Sau chiến tranh, một huyền thoại lưu truyền về sự tồn tại của nhân vật "Tokyo Rose" được cho là một nữ phát thanh viên nói tiếng Anh lưu loát ở Nhật Bản, người chế giễu những người lính Mỹ đóng quân ở Thái Bình Dương.
Báo chí vào cuộc với mong muốn tìm bằng được người phụ nữ này cho một cuộc phỏng vấn độc quyền. Tuy nhiên, họ phát hiện ra rằng "Rose Tokyo" chỉ là một biệt danh chung chung mà lính Mỹ đặt cho các cô gái trong chương trình Zero Hour mà thôi. Một "Tokyo Rose" không bao giờ tồn tại.
Tuy vậy, hai phóng viên mục Tin tức quốc tế của tạp chí Cosmopolitan là Henry Brundidge và Clark Lee đã nhanh chóng tìm ra Toguri và một kế hoạch hoàn hảo đã được thực hiện: Hai phóng viên này đề nghị Toguri ký với họ một hợp đồng phỏng vấn độc quyền với khoản thù lao là 2000 USD với tư cách của "Rose Tokyo". Cô gái Toguri đã ngây thơ đồng ý mà hoàn toàn không biết "Rose Tokyo" là gì và mục đích cuộc phỏng vấn là để "Tokyo Rose" xưng tội
Vướng vòng lao lý
Việc này nhanh chóng đến tai các quan chức quân đội Mỹ. Ngày 17/10/1945, Toguri bị bắt vào nhà tù Sugamo. Tuy nhiên, 6 tháng sau khi bị cầm tù, quân đội Mỹ kết luận rằng không có bằng chứng cho thấy cô đã phạm tội phản quốc khi thực hiện các chương trình phát sóng và Toguri được thả.
Một năm sau, Toguri tới cơ quan Ngoại giao Mỹ tại Nhật để xin hộ chiếu về nước. Tin này được loan báo về Mỹ khiến cho nhiều hội cựu binh Mỹ tức giận, họ lên tiếng yêu cầu FBI tái điều tra vụ "Rose Tokyo".
Làn sóng này buộc Bộ Tư pháp Mỹ không thể làm ngơ. Ngày 28/8/1948, Toguri lại bị bắt và sau đó đưa về Mỹ để xét xử, mặc dù trước đó cô đã được khẳng định vô tội. Kết thúc phiên tòa xét xử bắt đầu vào ngày 5/7/1949, cô bị buộc tội với 8 tội danh phản quốc.
Các công tố viên Mỹ tập trung vào lời khai của Kenkichi Oki và George Mitsushio, 2 đồng nghiệp của Toguri tại Đài phát thanh Tokyo cùng bản hợp đồng ký dưới cái tên "Tokyo Rose". Theo đó, 2 người này nói rằng Toguri đã đưa tin không đúng về việc hải quân Mỹ thua trận trong một trận đụng độ trên biển Thái Bình Dương với quân đội Nhật và có những lời lẽ tác động tiêu cực đến tinh thần lính hải quân Mỹ.
Iva Toguri đã bị tuyên án phạm tội phản quốc với mức án 10 năm tù giam kèm hình phạt 10 nghìn USD và bị tước quyền công dân Mỹ. Cô bị đưa đến trại giáo dưỡng liên bang dành cho phụ nữ ở Alderson, West Virginia, nơi cô phục vụ sáu năm và hai tháng của câu nói của mình trước khi được phát hành trên hành vi tốt. Cô được trả tự do vào ngày 28/1/1956 vì có quá trình "cải tạo" tốt.
Đi tìm công lý
Sau khi ra tù, Toguri quyết tâm lấy lại danh dự của mình. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của người phụ nữ này dường như không đem lại kết quả nào. Năm 1974, Toguri tình cờ gặp Ronald Yates, phóng viên của tờ Chicago Tribune khi ông này được cử đến văn phòng đại diện tại Tokyo.
Trước đó,Yates đã biết Toguri qua vụ "Rose Tokyo" năm xưa và sau khi nghe toàn bộ câu chuyện, ông đã viết đơn đề nghị Chính phủ Nhật xem xét đồng thời tìm mọi cách tiếp cận lại 2 nhân chứng sống Kenkichi Oki và George Mitsushio.
Năm 1976, sau hàng loạt cố gắng của Yates, công lý đã được thực hiện sau 31 năm: Oki và Mitsushio đã chính thức tuyên bố rằng: "FBI đã yêu cầu họ làm chứng chống lại Toguri" - Họ cho rằng họ không thể từ chối yêu cầu này vì các nhân viên FBI và quân cảnh Mỹ đã buộc họ phải lựa chọn: hoặc làm chứng chống lại Toguri, hoặc ra trước vành móng ngựa cùng Toguri!
Tháng 1/1977, Iva Toguri đã được Tổng thống G.Ford tuyên bố vô tội khép lại vụ án về nữ công dân Mỹ duy nhất trong lịch sử bị kết án vì tội phản quốc mặc dù hoàn toàn vô tội.
---------------------------------------
Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo Những vụ án oan chấn động lịch sử, vào 4h ngày 21/2/2017.
Theo Danviet
9 năm oan sai vì tội ác hiếp dâm rúng động thế giới Dù luật pháp có chặt chẽ tới đâu thì thế giới vẫn tồn tại những vụ án oan. Đôi khi nó xuất phát từ chính sự tắc trách của nhóm người nắm quyền sinh sát. Đó cũng là lý do khiến Clarence Brandley phải chịu đựng 9 năm tù oan cho 1 tội ác mà mình không thực hiện. Trong lịch sử ngành...