Cha mẹ dạy con chọn bạn đời: Đừng tìm người có nhà có xe, nên chọn 3 kiểu người này
Cha mẹ nhìn xa trông rộng sẽ dựa trên tiêu chí phẩm chất thay vì vật chất khi khuyên con chọn bạn đời.
Họ biết được rằng 3 kiểu người này sẽ đem lại cho con họ một cuộc hôn nhân hạnh phúc, đủ đầy.
Khi nói đến việc tìm bạn đời, nhiều bậc cha mẹ sẽ khuyên con cái chọn người bạn đời có việc làm ổn định, có nhà, có xe. Bởi họ nghĩ rằng nếu 2 người kết hôn mà cả 2 đều chưa có nhà sẽ thật khó khăn. Đồng thời, khi lập gia đình, có con cái, nếu không có xe thì những lúc về quê vào dịp lễ tết hay cuối tuần đều rất bất tiện.
Nhưng việc có nhà, có xe sẽ không phải là tiêu chí tiên quyết trong việc lựa chọn người bạn đời. Rõ ràng là chúng ta đã lỗi thời khi lấy tiêu chuẩn nhà lầu, xe hơi để đo lường một con người. Những bậc cha mẹ có tầm nhìn sẽ nhìn xa hơn, họ sẽ nghĩ rộng hơn về tương lai của con, những gì chúng có thể đạt được và những người mà con cái mình có thể dựa vào, đồng hành.
Vì vậy, các bậc cha mẹ có tầm nhìn sẽ không khuyên con chọn người có nhà, có xe mà lựa chọn người đồng hành có 3 điều sau:
01. Người có đạo đức, tốt bụng và chính trực.
Trong thời đại này, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều người trẻ tuổi đã phóng khoáng hơn, không quan tâm nhẫn to cỡ nào, nhà đẹp ra sao, thậm chí có thể chọn làm lại từ đầu.
Trong bộ phim “Ba mươi chưa phải là hết” có câu thoại: “Ai cũng nói hôn nhân là cảng tránh gió, ai kết hôn mà không vì mục đích có cuộc sống ổn định?… Ai cũng đòi tránh gió biết lấy ai làm bến cảng?”. Lập gia đình là tìm bến đỗ, có cuộc sống ổn định nhưng điều này không đúng với tất cả.
Từ xưa đến nay, trong việc tìm bạn đời, tư cách của đối phương là tiêu chí hàng đầu. Điều làm nên tư cách của một người là phẩm chất đạo đức. Tìm một người đạo đức, tốt bụng và chính trực, bất cứ lúc nào cũng không lo họ thay lòng, rồi tổ ấm sẽ thành bến đỗ.
Năm 2008, Sha Gu (33 tuổi, người Hà Nam) tới Tứ Xuyên du lịch cùng bạn. Khi cô đang cùng bạn bè ăn ở một nhà hàng thuộc Mân Xuyên thì động đất ập đến. Nhà hàng rung chuyển, cô vô cùng hoảng sợ thì đột nhiên, một người đàn ông tên Ba Shuai ôm cô đến một nơi an toàn và nói: “Chạy đi”. Sau khi Ba Shuai nói xong, anh quay trở lại tòa nhà đang rung chuyển để cứu người. Sau nhiều năm, Sha Ou kết hôn với Ba Shuai. Mặc dù cuộc sống của họ không quá giàu có nhưng họ sống rất hạnh phúc, được nhiều người ngưỡng mộ.
Thành thật là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, niềm tin là điều quan trọng nhất trong lời nói, sự thật là điều quan trọng nhất trong việc làm và tình yêu lâu dài là điều quan trọng nhất trong hôn nhân. Tìm được người đạo đức, tin chắc rằng hôn nhân của bạn sẽ hạnh phúc viên mãn.
Ảnh minh họa.
Nhiều người đã trưởng thành nhưng không có chí hướng, ỷ lại gia đình giàu có, luôn dựa vào tài chính của cha mẹ và sống một cuộc sống thoải mái. Nếu gia đình không còn dư dả, tài chính của cha mẹ suy giảm, những người con này sẽ rất chật vật trước cuộc sống. Bởi họ luôn dựa dẫm, chưa có kinh nghiệm làm việc, bươn chải và không cáng đáng được trách nhiệm gia đình.
Lỗ Tấn từng nói “trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”. Một người có chí hướng, hướng đi nào cũng sẽ dẫn họ tới thành công. Những người này không chỉ có được một cuộc sống tốt đẹp mà công việc của họ cũng suôn sẻ, nhiều thành tựu. Bởi họ xác định được điều mình cần làm và luôn cố gắng thực hiện để đạt được mục tiêu của mình.
Người không có chí hướng, cuộc sống của họ sẽ là “ngõ cụt” bởi họ không biết mục tiêu của mình là gì, mình sẽ phải làm gì, bản thân họ cũng rất khó phát triển.
Video đang HOT
Trong lòng có phương hướng, cả đời không lẫn lộn, sống thông minh, sáng suốt. Lựa chọn kết hôn với một người có chí hướng như vậy, cuộc sống gia đình chắc chắn sẽ rất đầy đủ về cả vật chất lẫn tinh thần.
03. Người có lòng kiên trì
Tôi có một người bạn có câu chuyện rất đặc biệt. Dựa vào tiền lương, vợ chồng bạn tôi có thể có một cuộc sống tốt, ổn định nhưng họ lại từ bỏ và về quê nuôi tôm hùm. Vợ anh luôn ủng hộ, nhiều lần anh ấy thua lỗ, vợ anh đều âm thầm giúp đỡ. Nói về những khó khăn khi khởi nghiệp, vợ anh nói: “Chỉ cần anh ấy ở bên, tôi không sợ”.
Có câu nói: “Chúng ta phải có lòng kiên trì, đặc biệt là lòng tự tin. Phải tin rằng tài năng của mình là dùng để làm một việc nào đó, dù phải trả giá đắt đến đâu cũng phải làm được”.
Vợ chồng đồng lòng, nhưng cũng cần phải có lòng kiên trì. Chỉ có dồn sức vào một chỗ thì chúng ta mới có thể “đồng cam cộng khổ”. Ở góc độ gia đình, sợ nhất không phải là không có nhà không xe mà là “cây đổ, khỉ chạy”. Người không có sự kiên trì trong hôn nhân và gia đình chắc sẽ như vậy.
Ảnh minh họa.
Để biết được một người có 3 phẩm chất trên hay không, hãy thử làm 3 điều sau:
Thứ nhất, thông qua giao tiếp và quan sát hàng ngày, bạn có thể kiểm tra suy nghĩ thực sự của đối phương, cuộc sống hiện tại của họ và những mong muốn trong tương lai. Bạn có thể tạo ra một số rắc rối và xem bên kia xử lý nó như thế nào.
Thứ hai, thông qua tiếp cận với người xung quanh họ. Thăm người thân và bạn bè hoặc trò chuyện với một số người có liên quan đến họ thông qua mạng xã hội.
Thứ ba, phương pháp thử nghiệm. Là những người trẻ, đừng dễ dàng bị lừa dối bởi những lời ngọt ngào. Bạn nên lý trí một chút và thỉnh thoảng hỏi một số câu hỏi khó. Chẳng hạn như đưa đối phương về gặp bố mẹ, hỏi vay tiền, nêu những khó khăn hiện tại của họ.
Bất kỳ ai cũng vậy, trước khi bước vào hôn nhân, cả hai đều phải dành thời gian để củng cố niềm tin, mối quan hệ. Trong hôn nhân, tiền không có, cả hai vẫn có thể kiếm được nhưng nếu đối phương hoặc cả 2 đều thiếu đi 3 phẩm chất trên, đây mới là nỗi buồn thực sự. Những bậc cha mẹ có tầm nhìn, họ thấu suốt được những điều trên, thay vì khuyên con mình chọn người có nhà, có xe để kết hôn, họ sẽ khuyên con mình chọn bạn đời dựa trên 3 phẩm chất trên.
Những bà mẹ kiếm tiền từ con đau ốm: Hành vi bóc lột hay tìm nơi san sẻ?
Tài khoản của Kyla Thomson là một trong những tài khoản lớn nhất trong thế giới #medicoms trên TikTok -nơi các bà mẹ có con khuyết tật và bệnh mãn tính chia sẻ hành trình làm cha mẹ của họ.
Khi Bella chào đời vào năm 2013, cô bé "làm bạn" với giường bệnh trong suốt 2 năm đầu đời vì chứng bệnh bệnh lùn hiếm gặp, bệnh đường ruột và bệnh tự miễn (bệnh xảy ra do bộ máy miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên).
Kyla Thomson, mẹ của Bella, bắt đầu lưu lại những hình ảnh của con gái nhỏ tội nghiệp và liên tục viết những dòng chia sẻ lên trang blog cá nhân như một cách để cập nhật thông tin về tình hình của Bella cho các thành viên khác trong gia đình.
Khi Bella lớn lên và thay đổi, xu hướng mạng xã hội cũng đổi thay. Kyla chuyển các cập nhật của mình từ blog sang Facebook và cả Instagram, cuối cùng "cập bến" ở TikTok, nơi cô thu hút được 5,7 triệu người theo dõi.
Cư dân mạng xem Bella và Kyla khiêu vũ, đùa giỡn và theo dõi quá trình Bella nằm viện điều trị bệnh, đi xe cấp cứu và thậm chí cả "nghi thức" tiêm thuốc vào tĩnh mạch hàng đêm.
Kiếm tiền từ chính đứa con đang đau ốm?
Tài khoản của Kyla Thomson là một trong những tài khoản lớn nhất trong thế giới #medicoms, một góc của TikTok nơi các bà mẹ có con khuyết tật và bệnh mãn tính chia sẻ hành trình làm cha mẹ của họ.
Trong đó có một đứa trẻ bị xơ nang khó thở, một đứa trẻ sinh non được phẫu thuật mở khí quản và cả một bà mẹ nhảy theo một bài hát đang thịnh hành trong khi những dòng chú thích nổi bật hiện lên giải thích về tình trạng khuyết tật của em bé.
Các bậc cha mẹ sở hữu những tài khoản này cho biết họ đang chia sẻ nội dung để nâng cao nhận thức về thực tế khuyết tật, chống lại sự kỳ thị của xã hội và thúc đẩy phát triển một cộng đồng cho những người khác cùng hoàn cảnh như họ.
2 mẹ con Kyla Thomson (40 tuổi) và Bella (9 tuổi) sống ở Canada, nơi họ không có quyền được hưởng quỹ người sáng tạo TikTok - một quỹ trả tiền cho người sáng tạo nội dung trên TikTok để có lượt xem.
Ảnh minh họa.
Thay vào đó, Kyla kiếm được tiền từ tài khoản của mình bằng cách đăng bài quảng cáo cho các đối tác có thương hiệu và thông qua những món hàng hóa có biểu tượng Bella BRAVE.
Kyla Thomson cho biết Bella hiện đang ở độ tuổi mà hai mẹ con có thể thảo luận về những gì họ đăng tải trên mạng xã hội và họ sẽ được hưởng những lợi nhuận gì từ các bài đăng có thương hiệu. (Canada, giống như Mỹ, không có luật bảo vệ thu nhập của những đứa trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội).
Kyla cho biết cô đã xin phép Bella trước khi chụp ảnh hoặc quay video. Bà mẹ này nói: "Bella và tôi thường có thảo luận rõ ràng, chẳng hạn: "Số tiền kiếm được sau quảng cáo này sẽ chuyển vào khoản tiết kiệm của con để học đại học" hoặc "Điều này sẽ giúp ích cho đợt điều trị sắp tới của con". Kyla khẳng định: "Con bé đã 9 tuổi. Con hoàn toàn hiểu điều đó".
Mặc dù Kyla và Bella nổi tiếng trên TikTok vì bắt kịp xu hướng và thực hiện những bước nhảy vui vẻ, nhưng xen kẽ với chúng là những video nghiêm túc hơn, chẳng hạn như video mô tả chi tiết ca cấy ghép ruột bị hủy bỏ.
Bella được nhìn thấy với vẻ mặt vui mừng, với Kyla cười toe toét ở phía sau. Trong video tiếp theo, Kyla nói chuyện với Bella về ca cấy ghép bị hủy bỏ, Bella nói rằng việc đi máy bay đến bệnh viện khiến cô bé cảm thấy mệt mỏi và cô bé không hề lo lắng về ca phẫu thuật bởi vì "nó cũng giống như mọi ca phẫu thuật khác mà con từng trải qua - thuốc ngủ rồi không còn nhớ gì".
Khi chia sẻ câu chuyện của Bella, Kyla cho biết cô hy vọng sẽ nâng cao nhận thức về căn bệnh của Bella đồng thời bảo vệ con gái mình trong thế giới thực.
"Tôi thực sự muốn bảo vệ con bé bằng cách chia sẻ trực tuyến để mọi người có thể hiểu câu chuyện của con trước khi họ gặp con", Kyla nói. "Và sau đó con bé sẽ không phải đối mặt với quá nhiều câu hỏi".
Kyla không lo lắng rằng Bella sẽ đến độ tuổi mà cô bé không hài lòng với lịch sử điều trị y tế của mình được chia sẻ rộng rãi và chi tiết trên mạng.
Hành vi bóc lột hay tìm nơi san sẻ?
Đối với trường hợp của hai mẹ con Kyla và nhiều người mẹ có con mắc bệnh hiểm ngheo khác, trong khi một số người nhìn thấy sự trao quyền cho những đứa trẻ trong việc chia sẻ thông tin cá nhân và cuộc sống riêng tư của chúng trên mạng xã hội, thì một số nhà sáng tạo nội dung khác lại thấy ở đó "sự bóc lột".
Cam, một người sáng tạo TikTok bị bệnh mãn tính có tên softscorpio, hiểu rằng thông tin y tế của con được phụ huynh đăng trực tuyến sẽ như thế nào. Chính Cam là người đã đứng ra làm nhân chứng vào tháng 2 đầu năm nay để ủng hộ dự luật của tiểu bang Washington nhằm bảo vệ nhiều hơn cho những đứa trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Ảnh minh họa.
Cam cho biết mẹ cô từng đăng hàng ngàn bài đăng trên Facebook, bao gồm cả những bức ảnh Cam đeo nẹp cổ ngay sau một tai nạn xe hơi hoặc những mô tả về việc cô chuẩn bị cho cuộc nội soi sắp tới. Những bài đăng chi tiết mà Cam cho là xâm phạm quyền riêng tư của bản thân cô và điều đó rất đáng lo ngại.
Cam nghĩ một phần của sự mất kết nối có thể là do cha mẹ khỏe mạnh không trải qua những điều mà một người khuyết tật hoặc mắc bệnh mãn tính phải trải qua. Họ chỉ chứng kiến điều đó. Và mặc dù cô hiểu sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, nhưng Cam không thích ý tưởng rằng nên lấy một đứa trẻ ra làm ví dụ cụ thể cho việc đó.
Cô nói: "Tôi không cảm thấy như thể bạn cần phải đăng ảnh con mình vào những thời điểm dễ bị tổn thương nhất của chúng. Thay vào đó, cha mẹ có thể chia sẻ sự thật về các triệu chứng và tỷ lệ mắc bệnh, không để lại ảnh và video về con cái họ".
Katriel Nopoulos, một người sáng tạo nội dung (34 tuổi) với 118.000 người theo dõi TikTok bằng thứ ngôn ngữ ký hiệu (có phiên dịch), cho biết nhận thức có thể đến từ những tài khoản TikTok này là không đáng giá: quyền riêng tư của trẻ khuyết tật.
Nopoulos nói: "Là một đứa trẻ khuyết tật, tôi luôn chịu tổn thương về tâm lý. Cơ thể tôi luôn bị người lớn tác động. Và những người có ảnh hưởng này... đang tác động lên con cái của họ".
Mức độ phổ biến của những video có hình ảnh trẻ khuyết tật khiến Nopoulos nhớ đến lịch sử của các buổi trình diễn kỳ dị ở thế kỷ 19 , khi những người khỏe mạnh trả tiền để được... nhìn chằm chằm vào những người khuyết tật. Họ vốn đã thiệt thòi rồi lại trở thành "món đồ" mua vui cho người khác.
Ảnh minh họa.
Nopoulos cho biết, một chiến thuật tốt hơn là chia sẻ nội dung của những người sáng tạo bị khuyết tật. Họ nói: "Mỗi khi có bậc cha mẹ muốn đăng bài về tình trạng khuyết tật của con mình, tôi sẽ yêu cầu họ hãy đi tìm một người sáng tạo nội dung khuyết tật cũng có dạng khuyết tật tương tự đó để giúp họ nói lên nỗi niềm của bản thân".
Caitlin Nichols chia sẻ video về 3 cô con gái 5 tuổi của mình với 792.000 người theo dõi trên TikTok.
Nichols đăng bài tại bệnh viện lúc 2:30 sáng, nơi cô ôm một trong những đứa con gái của mình và nói về việc nhớ 2 đứa con còn lại. Cô chia sẻ video các bé gái tập thể dục dụng cụ và những bức ảnh khi chúng sinh non. Một video có cảnh con gái cô đang ngủ trên giường bệnh với mặt nạ thở, trên đó có dòng chữ "Con mệt quá".
Chia sẻ về hành trình chữa bệnh của các con gái, Nichols cho biết, đây là cách cô đảm bảo rằng chúng không cảm thấy kém cỏi hơn.
"Tôi muốn các con đứng vững và tự hào về chúng", cô nói. "Vì vậy, tôi sẽ không bao giờ né tránh, giảm thiểu hoặc che giấu bất cứ điều gì các con đang đối mặt. Tôi hy vọng khi chúng lớn hơn, chúng sẽ hiểu tại sao tôi lại chia sẻ điều này, nhưng hiểu không phải là việc của chúng".
Nichols cho biết cô sẽ xóa bất cứ thứ gì các con muốn xóa. Thông qua tài khoản của mình, Nichols đã thành lập một cộng đồng bao gồm các bậc cha mẹ khác có con khuyết tật và mắc bệnh mãn tính.
Nichols nói: "Chỉ cần tìm được một cộng đồng thấu hiểu... thì bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng để trở thành cha mẹ của một đứa trẻ khuyết tật. Và bằng cách chia sẻ hành trình của các con gái mình, cô cho biết hy vọng của cô là tạo ra một thế giới ít phân biệt đối xử hơn đối với người khuyết tật và hiểu biết nhiều hơn về những căn bệnh có thể làm phức tạp cuộc sống".
Chiến lược giúp mẹ đơn thân nuôi dạy con thành công Nuôi dạy con vốn là công việc vô cùng khó khăn đối với các bậc cha mẹ. Mức độ khó khăn sẽ tăng lên gấp đôi nếu bạn là mẹ đơn thân. Mẹ đơn thân đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh: ITN). Bất kể lý do là gì, việc làm mẹ đơn thân đang gia tăng ở nhiều nơi...