Cha mẹ cần biết: 40% học sinh bị rối loạn lo âu do thi cử
Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 40% số học sinh sinh viên bị ảnh hưởng bởi rối loạn lo âu do thi cử, đặc biệt là trong các kỳ thi quan trọng.
Cho đến nay, không thể không thừa nhận thực tế là có áp lực rất lớn từ các kỳ thi đối với đa số học sinh, sinh viên. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như sợ học, rối loạn lo âu… Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 40% số học sinh sinh viên bị ảnh hưởng bởi rối loạn lo âu do thi cử, đặc biệt là trong các kỳ thi quan trọng.
Áp lực từ các kỳ thi
Những kỳ thi căng thẳng thường dẫn đến áp lực và lo lắng. Các triệu chứng thể chất như đau bụng, buồn nôn, tăng nhịp tim, đổ mồ hôi quá mức và nhức đầu nặng là rất phổ biến, cũng như các triệu chứng về nhận thức và tình cảm như thiếu tập trung, không có khả năng tổ chức, lo âu, sợ thất bại và mất lòng tự trọng là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu không được điều chỉnh đúng cách, chúng sẽ dẫn đến tâm trạng buồn bã, giận dữ, trầm cảm, lo âu và các cơn hoảng loạn.
Do tâm lý căng thẳng, lo lắng, nhiều học sinh, sinh viên bị suy nhược về cơ thể, biểu hiện ban đầu có thể là choáng váng, đau đầu mất ngủ, lo âu, chán chường, không thiết tha ăn uống, không vệ sinh tắm rửa, những trường hợp nặng hơn thì thường sợ hãi, khóc lóc, hoang tưởng…, thậm chí còn tự tử. Sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè vô hình đã trở thành áp lực đối với các em. Nhiều năm gần đây, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cứ sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng đều có khoảng 2-3 vụ học sinh tự tử vì trượt đại học. Bên cạnh đó, con số các bệnh nhân đến khám tâm thần vì sốc, hay trầm cảm do trượt đại học cũng tăng đáng kể. Những vụ học sinh tự tử chỉ vì bị mắng do không chuyên tâm học hành, mải chơi, thi không đạt được kết quả như mong đợi…
Việc ôn thi khiến hiều học sinh mắc chứng rối loạn lo âu (Ảnh minh họa)
Trước và sau kỳ thi THPT rất nhiều bệnh nhân tâm thần là các em học sinh đến khám và điều trị bệnh về tâm thần do gặp phải áp lực thi cử, chủ yếu là các em nữ, vì các em vốn có tinh thần, thể chất nhạy cảm, yếu đuối hơn các em nam.
Muốn phát hiện ra bệnh sớm thì gia đình thường phải có một thời gian dài quan sát con em mình, thông qua các biểu hiện ban đầu. Nếu thấy có nhiều triệu chứng bất thường thì cần đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để có những chẩn đoán, từ đó can thiệp, điều trị sớm. Tuy nhiên, kiến thức y tế của nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn còn thiếu, họ không thường xuyên theo dõi tâm sinh lý cũng như ít khi hướng dẫn con cái đi kiểm tra sức khỏe và thường kỳ vọng quá lớn, luôn coi con mình là “ngôi sao sáng”. Chính điều này đã vô tình khiến con cái bị bệnh lúc nào không hay.
Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu là sự sợ hãi quá mức, không có nguyên nhân, do chủ quan của người bệnh và không thể giải thích được do một bệnh tâm thần khác hoặc do một bệnh cơ thể. Rối loạn lo âu là rối loạn mà bệnh nhân không thể kiểm soát, được biểu hiện vững chắc, mạn tính và khuyếch tán dưới dạng kịch phát. Bệnh nhân có rối loạn lo âu, đặc biệt hoảng sợ, thường kèm theo các rối loạn chức năng xã hội và có nguy cơ lạm dụng thuốc cao hơn người bình thường.
Rối loạn lo âu thường có biểu hiện bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên, vã mồ hôi, run tay chân, ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau dạ dày, căng đau ở cơ, cảm xúc không ổn định: khóc lóc, lo lắng và phản ứng quá căng thẳng trước những sự việc thường nhật hàng ngày và không thể nào chấm dứt được sự lo lắng đó. Biểu hiện chậm chạp, thường xuyên vắng mặt ở lớp học, ít tham gia vào các hoạt động giao lưu với bạn bè ở lớp. Trẻ lo lắng quá mức để làm thế nào có thể thành công khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ở trường, lớp, luôn luôn mong muốn việc mình làm phải hoàn hảo.
Bệnh nhân rối loạn lo âu có nhịp tim nhanh, cảm giác tim mình đập rất nhanh, đập thình thịch hoặc nhịp tim tăng rất nhanh, vã mồ hôi, run rẩy chân tay hoặc rung tay, cảm giác khó thở, thở rất nông hoặc cảm giác ngột ngạt, sắp chết, cảm giác như là có người bóp cổ mình; cảm giác đau ở ngực, không thoải mái vùng ngực; buồn nôn hoặc đau ở vùng bụng, cảm giác như muốn ngất, đi không vững, đầu nhẹ bẫng hoặc như sắp sửa đột quỵ. Người bệnh có thể có cảm giác như là mình không còn ở môi trường mà mình đang sống nữa, họ thường mất kiểm soát bản thân mình và cảm tưởng như là mình sắp bị điên. Bệnh nhân có cảm giác rất sợ chết, có những cảm giác bất thường ví dụ như cảm thấy trong người mình tê cóng… cảm giác rùng mình, hoặc nóng bừng người. Bệnh nhân có kèm theo những biểu hiện buồn chán bi quan về tương lai, những mặc cảm tự ti…
Video đang HOT
Làm sao điều trị?
Bệnh rối loạn lo âu là một rối loạn về tâm thần diễn biến dai dẳng và khó điều trị dứt điểm. Hiện nay đang áp dụng hai phương pháp là dùng thuốc và trị liệu về hành vi nhận thức.
Vật lý trị liệu bằng hành vi nhận thức
Việc trị liệu bằng các liệu pháp hành vi nhận thức bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cho bệnh nhân cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ như là tập thư giãn, tập hít thở sâu, hoặc có những liệu pháp phơi nhiễm với những yếu tố gây cho bệnh nhân lo âu và từ đó bệnh nhân sẽ dần dần thích nghi được với những hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu làm cho các triệu chứng sẽ hết dần.
Số học sinh, sinh viên đến phòng khám tâm lý trước và sau kỳ thi ngày càng tăng. (Ảnh minh họa)
Để không bỏ lỡ các kỳ thi các chuyên gia khuyên các bạn học sinh, sinh viên nên:
Học vừa đủ, đúng thời gian, thời điểm.
Tìm cách thư giãn trước kỳ thi.
Ăn nhiều trái cây và rau quả, uống nhiều nước, tránh thức ăn ngọt, tập thể dục thường xuyên.
Hãy thử hít thở sâu, thiền, yoga… để đối phó với sự căng thẳng của kỳ thi.
Dành thời gian hàng ngày để thư giãn và tạo sự hài hước, vui vẻ, tìm cho mình sự chia sẻ về cảm xúc, chăm sóc cơ thể bạn về chế độ ăn, ngủ.
Giảm bớt áp lực học tập, tìm sự giúp đỡ của mọi người.
Có thời gian biểu, kế hoạch học tập một cách hợp lý, đặc biệt là giai đoạn cuối của những kỳ thi, học dồn ép nhiều, dễ gây ra nhiều bệnh lý do căng thẳng, mất ngủ.
Không nên sử dụng những chất kích thích như chè, café, rượu, các chất kích thích tâm thần để học vì rất dễ gây hưng phấn dẫn đến bệnh lý tâm thần.
Với các bạn học sinh khi có các biểu hiện trên cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được điều trị kịp thời hiệu quả, tránh những ảnh hưởng tiêu cực của căn bệnh này.
Cuối cùng, các bậc cha mẹ nên thông cảm với con em mình, cần từ bỏ những suy nghĩ áp đặt lên chúng. Cha mẹ cũng không nên đánh giá các em dựa trên điểm số trong các kỳ thi, mà nên nhìn vào tổng thể của đứa trẻ, xem xét những mặt giỏi, tiến bộ của con mình. Tuyệt đối, không bao giờ được chỉ trích, so sánh hoặc bêu xấu một đứa trẻ.
Theo giadinhvietnam
Các sĩ tử cần làm gì để giữ sức khỏe trong mùa nắng nóng?
Mùa hè tới cũng là mùa thi của các em học sinh. Nhưng mùa hè với thời tiết nóng bức và độ ẩm cao - là yếu tố thuận lợi cho bệnh truyền nhiễm, tiêu chảy, cảm nắng...
Những bệnh này đều ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là đối với các em học sinh đang phải chịu nhiều áp lực từ việc thi cử. Vậy các em cần làm gì để bảo vệ sức khỏe trước mùa nắng nóng để bước vào kỳ thi thật tốt?
Mùa thi - mùa của say nắng
Khi thời tiết nắng nóng, những người làm việc ngoài trời nóng, đặc biệt là các em học sinh phải học với cường độ cao, thường phải đi học về giữa trưa nếu không có biện pháp phòng hộ rất dễ bị say nắng. Khi bị say nắng với các biểu hiện như buồn nôn, mất nước, kiệt sức thậm chí là ngất xỉu... sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe dẫn tới kết quả học tập cũng bị giảm sút. Thậm chí, say nắng có thể dẫn tới tình trạng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Vậy đứng trước một người bị say nắng, cần xử trí như thế nào? Theo BS. Trần Minh Thiệu - Bệnh viện Trưng Vương - TP. Hồ Chí Minh, cho biết, một người bị say nắng, quan trọng nhất là biện pháp giảm thân nhiệt bằng cách chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ, cho uống nước mát có pha muối hoặc nước orezol pha đúng liều lượng. Trong trường hợp nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển cơ sở y tế gần nhất, nhưng trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên phải chườm mát.
Biến chứng nguy hiểm của say nắng là sốc do mất đột ngột lưu lượng máu. Sốc có thể gây tổn thương các bộ phận cơ thể nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, say nắng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách: Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức, đặc biệt thời điểm từ 10-14 giờ hàng ngày. Khi các em học sinh phải đi học vào những giờ cao điểm đó, cần lưu ý trang bị đầy đủ mũ, quần áo dài tay, kính... Cần phải uống nhiều nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Các em học sinh lưu ý rằng luôn mang theo chai nước bên mình để có thể uống nước thường xuyên. Khi bị say nắng, không nên cạo gió, không xức dầu nóng... Sau khi đã xử trí xong thì nên ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn thêm rau quả tươi...
Bệnh truyền nhiễm mùa hè ảnh hưởng đến sức khỏe thí sinh
Theo ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mùa hè là mùa mưa, thuận lợi cho muỗi sinh sôi nên thường có sự gia tăng của những bệnh lý do muỗi truyền như sốt xuất huyết. Trong mùa hè, nhiệt độ môi trường tăng cao, thức ăn dễ ôi thiu, nên nguy cơ bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn cũng có thể gia tăng, đặc biệt đối với thức ăn đường phố nếu không đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời các bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn cũng thường gia tăng trong mùa hè. Hoặc khi ra ngoài trời nắng nóng, đột ngột vào phòng điều hòa mát, uống nước đá... sẽ dễ bị cảm cúm, sốt virus... Tất cả những bệnh truyền nhiễm này đều ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của các em học sinh nếu không may mắc phải. Nếu mắc bệnh nhẹ thì cũng phải nghỉ học mất một thời gian. Nếu bệnh nặng có thể dẫn tới những biến chứng và việc điều trị sẽ phải kéo dài. Đặc biệt nguy hiểm như bệnh sốt xuất huyết, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những trường hợp sốt xuất huyết có biến chứng sẽ rất nguy hiểm và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Các trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn khiến bệnh nhân bị đau bụng, sốt, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy trong vài ngày... cũng ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng học tập.
Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Trung Cấp thì các bệnh này cũng có thể dự phòng được bằng cách chủ động phòng muỗi đốt, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở và nơi làm việc. Cần đảm bảo vệ sinh ăn uống và nguồn nước. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Không tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh...
Những điều nên làm để giữ sức khỏe mùa nắng nóng
BS. Nguyễn Trung Cấp cũng cho rằng, cách để bảo vệ sức khỏe tốt nhất chính là tăng cường sức đề kháng. Sức đề kháng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Nó chính là "vũ khí" giúp kháng lại các virus, tác nhân gây bệnh. Khi sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch của cơ thể trở nên rệu rã, mệt mỏi, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Cách tăng cường sức đề kháng cũng không phải là khó thực hiện. Trước hết, các em cần phải có các thói quen như sau:
Uống nhiều nước: Nên uống các loại nước không cồn, không có gas, uống các loại nước trái cây... để bù đắp sự mất nước và duy trì lượng nước trong cơ thể. Không nên uống nhiều nước lạnh.
Hạn chế ra ngoài: Khi thời tiết nóng bức, không nên ra ngoài đường khi không có việc. Khi buộc phải ra ngoài đường thì cần có biện pháp bảo hộ trước sức nóng nắng của mùa hè.
Sinh hoạt điều độ: Nên ăn đủ ba bữa chính và bữa phụ giữa các bữa chính. Cân đối thời gian học và ngủ, giải trí, không nên học liên tục nhiều giờ. Sau 45 phút học thì thư giãn bằng cách nghe nhạc, nhìn ra xa, đi lại... hoặc tắm nước mát. Các em cũng nên tham gia hoạt động thể chất vì sẽ giúp máu lưu thông tốt, mang oxy và dưỡng chất đến cho não nhiều hơn, nhờ đó các em sẽ sáng suốt hơn khi học tập. Chỉ bằng vài động tác thể dục hoặc đi bộ một vòng giữa các tiết học cũng giúp máu lưu thông. Đặc biệt là các em không nên uống cà phê vì cà phê chứa các chất kích thích, có hại cho sức khỏe chứ không giúp cho các bạn tỉnh táo hơn.
Hình thành thói quen ngủ tốt: Mặc dù việc học trước kỳ thi đã gấp gáp, đòi hỏi các em học sinh phải tập trung cao độ và dành nhiều thời gian. Tuy nhiên, giấc ngủ rất quan trọng tới sức khỏe và khả năng tập trung của não bộ. Do vậy các em cần phải ngủ đủ thời gian, tránh thức khuya quá sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Cố gắng đảm bảo ngủ đủ giấc với tối thiểu 7 giờ/ngày. Nếu thời gian học nhiều quá, nên cân nhắc tranh thủ ngủ trưa, cố gắng ngủ trước 11h đêm và dậy lúc 5h sáng.
Dinh dưỡng đầy đủ: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin khiến cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng. Cần ăn đủ chất bột đường, tuy nhiên, cần chọn loại thực phẩm có dạng bột đường hấp thu chậm như ngũ cốc thô, bánh mì đen. Tránh các đường hấp thu nhanh như nước ngọt, bánh kẹo... Ăn đầy đủ cá, thịt, trứng, rau, trái cây... để cung cấp đủ chất béo vitamin và khoáng chất... Cũng nên ăn thực phẩm giàu chất sắt, vì sắt là chất cần thiết để tạo máu. Thiếu máu do thiếu sắt dẫn đến tình trạng hay mệt mỏi, học kém tập trung và dễ buồn ngủ trong giờ học.
Không lạm dụng thuốc khi mắc bệnh: Khi bị cảm cúm hoặc có dấu hiệu mắc bệnh, các em cần đi gặp bác sĩ để khám bệnh, tuyệt đối không nên tự mua thuốc về dùng, đặc biệt là kháng sinh. Việc lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng và kéo dài hơn.
Minh Châu
Theo suckhoedoisong.vn
Sĩ tử dễ bị rối loạn tâm thần trước mùa thi Áp lực trước kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, Ngọc ở TP HCM luôn lo lắng, căng thẳng, nhiều lúc nghĩ quẩn muốn chết. Ngọc chia sẻ học hơn 12 giờ mỗi ngày, bao gồm học chính khóa, học thêm ở trung tâm và ôn bài tại nhà. Nhiều lúc em phải uống cà phê để chống lại cơn buồn ngủ mỗi...