Cha dượng làm việc đến đột quỵ để nuôi cô bé mồ côi từ trường làng đến sinh viên du học Mỹ
Năm sinh nhật tròn 10 tuổi thì bố cô đột ngột bỏ hai mẹ con cô ra đi. Do áp lực cuộc sống, mẹ cô đành nhắm mắt đi bước nữa.
Lần đầu tiên nhìn thấy người đàn ông đó, cô bất ngờ lắm. “Người gì mà vừa già vừa xấu, so với bố, chắc ông ấy phải nhiều hơn bố ít nhất 10 tuổi, mắt thì nhỏ, mặt thì toàn nếp nhăn, chắc phải đến 50 tuổi mất”, cô nghĩ mà mặt buồn rười rượi.
Ông là người quản lý mỏ than, sau khi lấy mẹ cô, ông này vẫn đến mỏ than làm việc, ngày phát lương, ông đưa cho mẹ cô không thiếu một đồng, về đến nhà là mua kẹo cho cô, mong cô gọi một tiếng bố. Nhưng cô nhất quyết không gọi. Mẹ bắt gọi thì cô cứng đầu bảo: “Mẹ dựa vào đâu mà bắt con gọi người ấy là bố, bố chết rồi”. Người đàn ông đứng bên cạnh cười ngượng ngùng: “Vậy thì gọi là chú vậy”. Bảo gọi chú cô cũng không chịu, luôn mồm chê ông là bẩn, là xấu.
Tình yêu thương vô điều kiện của cha dượng đã giúp cô bé trường làng thành sinh viên du học Mỹ (Ảnh minh họa)
Năm 14 tuổi cô xuống huyện học cấp 2. Cuối tuần nào người đàn ông ấy cũng đến đón cô, trên đường đi ông trò chuyện với cô rất nhiều nhưng cô trả lời rất ít bởi cô cho rằng không cần thiết phải nói chuyện với người đàn ông này. Các bạn trong lớp hỏi cô: “Người hay đón cậu là ai vậy?” thì cô trả lời: “Là một người họ hàng xa”. Nhưng lần nào đến đón cô, ông cũng mang theo rất nhiều đồ ăn, ông bảo đó là đồ mẹ cô gửi.
Một lần tình cờ cô mới phát hiện ra rằng, hóa ra không phải mẹ cô gửi đồ cho cô bởi mẹ cô bảo, ăn quà vặt hư người, hơn nữa chi tiêu cũng rất ngặt nghèo, tháng này không gửi gì cho cô được. Tuy vậy, cô vẫn đều đặn nhận được bánh quy và sữa bột. Ông bảo: “Mẹ con nói, con đang tuổi ăn tuổi lớn nên phải ăn nhiều đồ có chất một chút”. Mặc dù đến từ nông thôn nhưng khoản ăn uống của cô không kém gì so với những đứa trẻ ở thành phố. Cô biết chính người đàn ông đó đã quan tâm đến cô. Trái tim nhỏ bé của cô khi đó có đôi chút ấm áp nhưng cô vẫn không sao gọi ông được một tiếng bố.
Ngày cô thi vào cấp 3, ông bàn với mẹ cô: “Hay là chúng ta chuyển lên thành phố ở”. Mẹ cô liền phản đối: “Lên thành phố thì làm gì chứ? Làm sao mà sống nổi?”. Ông bảo: “Vì con. Đằng nào con cũng phải ra ngoài thuê nhà, như vậy thì sao chúng ta yên tâm được, hơn nữa, ở thành phố kiếm tiền dễ hơn ở đây, mỏ than cũng sắp hết việc rồi, tôi phải kiếm tiền nuôi hai mẹ con, con cũng phải học đại học nữa”.
Hồi đó cô 17 tuổi. Đứng trong góc nhà, cô xắn tay áo như muốn khóc. Vì tiền đóng học phí cấp 3 rất nhiều, tiền tích góp không đủ nên ông đã phải đi bán máu. Trong ngăn kéo có hóa đơn bán máu của ông mà một lần tình cờ cô đã nhìn thấy. Cầm tập hóa đơn trên tay cô rất muốn khóc. “Chú, cảm ơn chú rất nhiều”. Ông ngượng ngùng xoa hai tay vào nhau và cười: “Đều là người một nhà, có gì mà phải cảm ơn”. Mặc dù ông không sành khoản ăn nói nhưng lại luôn tìm cách bắt chuyện với cô.
Một hôm cô nghe thấy ông và mẹ cô nói chuyện: “Con bé thật tội nghiệp, mới 10 tuổi đã không còn bố, nếu tôi không đối xử tốt với nó, thật tình tôi không biết phải ăn nói với ông ấy thế nào. Ngày mai là sinh nhật con bé, em thử hỏi xem con thích gì để chúng ta tặng”. Đó là lần đầu tiên có người tổ chức sinh nhật cho cô. Tự tay ông làm cơm và vì cô tuổi ngựa nên ông đã tặng cô một con ngựa bằng vải mua tận dưới thị trấn. Gắp miếng thức ăn đưa miệng mà trái tim cô cảm giác thật nghẹn ngào.
Vì cô, cả gia đình đã chuyển lên thành phố. Ông thì làm thợ sửa giày trên vỉa hè còn mẹ cô thì mở một sạp hoa quả. Ngày nào cô cũng dạo qua hai nơi này. Công việc của ông khá bận bịu, lúc nào đến cũng thấy ông luôn chân luôn tay, nhìn thấy cô, ông luôn mồm: “Cháu đợi chút nhé”. Bên cạnh chỗ ông ngồi sửa giày có một quán bánh bao và một quán bán khoai lang nướng. Có lúc ông mua bánh bao cho cô, có lúc thì mua khoai lang nướng.. Ông cười mắt ông trông càng nhỏ, cô đứng như trời trồng đón lấy chiếc bánh. Cô biết, tuy là ngồi ngay cạnh quán bánh bao nhưng chắc chắn chưa một lần ông dám mua bánh để ăn. Lúc đó cô mới cảm nhận được sự tồn tại lẫn nhau giữa cô và ông.
Và chuyện không vui đã lại ập đến khi cô đang học lớp 11. Mẹ cô tự nhiên ngất xỉu ngay tại sạp bán hàng và không bao giờ tỉnh lại nữa. Cô nghĩ mình là một đứa trẻ bất hạnh. “Không còn bố, giờ mẹ cũng không còn, từ nay về sau, con sẽ dựa vào ai đây?”. Ông liền bảo: “Con gái, đừng khóc nữa, vẫn còn chú mà”. Liệu cô và người đàn ông không cùng quan hệ huyết thống này sẽ sống thế nào đây? Ông không nói không rằng, ngày nào cũng sáng đi sớm tối về muộn, nấu cơm cho cô ăn, chăm sóc cô. Những lúc cô học hành bận rộn, quần áo của cô cũng do một tay ông giặt giũ. Một năm sau cô thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Cầm tờ giấy báo trúng tuyển trên tay, ông đã không cầm nổi nước mắt, ông bảo: “Chú đã chuẩn bị sẵn mấy món để chúc mừng cháu đây”. Lúc đó cô đã rất muốn gọi ông là bố nhưng chẳng hiểu sao vẫn không thể cất lên thành lời. Cô bảo: “Chú, để cháu làm thêm mấy món nữa cho hoành tráng”.
Lên đại học, tiền học phí càng nhiều hơn. Ông quyết định về quê bán nhà. Ông bảo: “Vốn dĩ định sau này sẽ về quê sống nhưng giờ thì không muốn nữa, bán đi để lo tiền học cho cháu, chỉ cần cháu được đi học là chú yên tâm rồi”. Và cô đã dùng số tiền đó để trang trải học phí suốt 4 năm đại học.
Cô biết tiền sinh hoạt phí mà ông gửi hàng tháng là do ông ki cóp từng tí một của những ngày dầm mưa giãi nắng, mái đầu bạc phơ, nước da đen sạm. Sau đó, do thành tích học tập suất sắc, cô đã dành được học bổng sang Mỹ học. Trước khi đi cô đã về nhà chào ông. Đó là lần đầu tiên cô tận mắt nhìn thấy ông khóc.
Video đang HOT
Ông bảo: “Con gái, nếu sang đó cháu thấy không sống được thì hãy về nhà nhé, cháu không phải lo cho chú, chú tự lo cho mình được”. Và cô cũng đã khóc. Cô bảo: “Chú, cháu lo chú ở nhà một mình…”. Đang nói thì ông nghẹn ngào ngắt lời cô: “Chú là người sắt, cháu không phải lo cho chú đâu”. Hôm cô đi ông cũng đi tiễn cô, mái tóc bạc phơ của ông bay phất phơ trong gió. Trước khi đi ông đã đưa cho cô một chiếc túi giấy. Ngồi trên tàu mở túi ra xem, cô sững sờ, đó là một gói tiền với đủ các mệnh giá, to có, nhỏ có, cũ có, mới có… Cầm gói tiền trên tay, cô khóc nức nở.
Mấy năm sau cô trở về, lần trở về này là để lo chuyện hậu sự cho ông. Cách đây ít lâu ông đã bị đột quỵ ngay trước quầy sửa giày của mình. Cô đã đặt cho ông một chiếc áo quan tốt nhất, còn tốt hơn cả cái của mẹ cô. Theo tục lệ ở đó thì cô phải đội mũ rơm để tỏ lòng hiếu thảo, đó là việc mà con gái nên làm. Rất nhiều người truyền tai nhau khen cô: “Đang du học bên Mỹ mà cũng về lo việc cho bố dượng cơ đấy, thật là có hiếu quá”. Nhưng cô biết cô nợ ông rất nhiều, có lẽ không có gì có thể bù đắp được những tình cảm và sự quan tâm mà ông đã dành cho cô. Cô luôn muốn ông được sống tốt hơn, muốn đền đáp ân tình suốt bao năm qua ông dành cho cô. Nhưng giờ cô biết rất rõ rằng, ông đã trở thành người thân của cô từ rất lâu rồi và trong trái tim ông, cô chính là cô con gái mà ông thương yêu nhất.
Mọi người có mặt ở đó đều nghĩ rằng cô sẽ gọi ông là chú như bao năm qua cô vẫn gọi, nhưng không, từ sâu trong đáy lòng mình cô đã chân thành gọi ông bằng tiếng bố. Một tiếng bố khiến cô vỡ òa trong nước mắt.
Theo GĐVN
Mẹ mất sớm, cha dượng 1 mình cực khổ nuôi anh ăn học thành tài, đến ngày cưới anh mới biết được sự thật bàng hoàng đến đau lòng
Hùng hiện là trưởng phòng kinh doanh của một công ty lớn ở Hà Nội. Anh chuẩn bị làm đám cưới với Mai, cô bạn gái từ hồi đại học. Dù là tiểu thư nhà giàu nhưng Mai cư xử rất thân thiện và dễ gần, lại là người dịu dàng, hiểu biết. Những tưởng hạnh phúc của hai người sẽ được trọn vẹn, nào ngờ...
Sinh ra ở một làng quê nghèo, mồ côi cha từ khi mới 5 tuổi, Hùng đã trải qua một tuổi thơ cơ cực, khốn khó vô cùng. Mẹ của anh góa chồng từ năm 26 tuổi, bà bị mang tiếng là số sát phu nên cả ba mẹ con bị đuổi ra khỏi nhà nội chẳng bao lâu sau khi cha mất, khi ấy cậu em trai mới vừa 1 tuổi. Một mình mẹ gồng gánh nuôi hai anh em còn quá nhỏ, làm đủ thứ việc trên đời từ cấy thuê đến cả việc bốc vác vốn chỉ dành cho đàn ông, cứ có tiền thì vất vả mấy mẹ cũng nhận làm.
Ba mẹ con Hùng bị đuổi ra khỏi nhà nội chẳng bao lâu sau khi cha mất, khi ấy cậu em trai mới vừa 1 tuổi. (ảnh minh họa: dongcam)
Trong làng có người đàn ông, tuổi đã ngoài 30, do di chứng của quai bị mà chưa kết hôn với ai. Thấy mẹ Hùng vất vả nên muốn xin được cưu mang ba mẹ con. Mặc cho những lời chê bai, dè bỉu của hàng xóm, bè bạn, người đàn ông ấy vẫn yêu thương vợ và chăm sóc hai đứa trẻ như chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra, trước sau chưa từng một lần quát mắng.
Gia đình 4 người yên ấm chưa được 3 năm thì mẹ Hùng sinh bệnh nặng rồi qua đời. Cha nuôi của anh đành nén đau thương nuôi hai đứa con thơ dại của người vợ quá cố nên người. Với ông, hai đứa trẻ ấy là món quà quý giá nhất mà bà đã để lại, cũng là đặc ân mà ông trời dành cho ông.
Với ông, hai đứa trẻ ấy là món quà quý giá nhất mà bà đã để lại, cũng là đặc ân mà ông trời dành cho ông. (Ảnh minh họa: twitter)
Ở cái xã nghèo ấy, lo cho ba miệng ăn vốn đã chẳng dễ dàng, nói gì đến ăn học thành tài. Thế nhưng, bố Hùng chưa một lần để hai anh em phải nhịn đói, cũng không để chúng phải nghỉ học buổi nào. Ông nhận tất cả công việc có thể, từ đóng gạch ba banh thuê, làm củ sứ điện, làm thợ phụ hồ... nhưng tuyệt nhiên không bao giờ đi làm ăn xa.
Có lần, đoàn thợ nhận công trình lớn nhưng phải xa nhà 1 tháng, ông cũng muốn đi lắm để kiếm nhiều tiền nhưng lại lo hai con ở nhà không có ai chăm nom nên đành từ chối. Sau lần ấy, họ không cho ông làm thợ phụ nữa, ông đành chuyển sang nghề bốc vác thuê, cứ ai gọi là đi, bốc vác cả ngày lẫn đêm để lo tiền cho con đi học. Nhiều đêm không phải đi làm, đợi các con đi ngủ rồi, ông lại đem cặp sách, quần áo của chúng ra xem có chỗ nào sờn chỉ để khâu lại, sợ các con đến trường bị chúng bạn chê cười.
Bố Hùng không quản ngại việc gì từ đóng gạch ba banh thuê, làm củ sứ điện, làm thợ phụ hồ... để kiếm tiền nuôi hai con. (ảnh minh họa: pinterest)
Thời gian thấm thoát trôi, chẳng mấy chốc mà đến ngày Hùng vào đại học. Cầm giấy báo trúng tuyển của con trên tay, bố Hùng run rẩy không nói nên lời. Ông để lên bàn thờ người vợ quá cố thắp hương rồi cứ thế mà khóc, khóc không ngừng. Đó là lần đầu tiên ông khóc kể từ ngày vợ mất.
Suốt thời gian Hùng nằm viện, ban ngày bố anh ra cầu Long Biên chờ người ta gọi việc bốc vác, tối lại vào viện chăm con. (Ảnh minh họa: saigon102)
Suốt những năm đại học, tháng nào bố cũng gửi tiền cho Hùng đều đặn, chưa bao giờ chậm dù chỉ 1 ngày. Ở nhà vất vả thế nào không biết, nhưng cứ đến mùng 1 đầu tháng là ông lại đưa tiền cho cậu em trai ra ngân hàng gửi tiền cho anh. Đến năm 2 đại học, Hùng bị tai nạn giao thông phải nhập viện gần 1 tháng, bố anh lại khăn gói lên Hà Nội chăm con. Suốt thời gian ấy, ban ngày ông ra cầu Long Biên chờ người ta gọi việc bốc vác, tối lại vào viện chăm con...
***
Ngày cưới của Hùng đã được ấn định, hai bên gia đình cũng đã gặp mặt thưa chuyện. Hơn ai hết, bố là người hạnh phúc hơn cả. Ông vui mừng đi mời xóm làng, anh em họ hàng, tự hào giới thiệu về cô con dâu dịu dàng, nết na, được ăn học đàng hoàng, tử tế.
Ngày cưới đã được ấn định, cha Hùng vui mừng đi mời xóm làng, anh em họ hàng, tự hào giới thiệu về cô con dâu dịu dàng, nết na. (ảnh minh họa: ngoisao.net)
Hôm đi thử áo cưới, khi Hùng đang ngồi bên ngoài đợi bạn gái ướm đồ thì điện thoại của cô có tin nhắn zalo của người bạn thân gửi đến. Nghĩ cô bạn nhắn tin chúc mừng hai vợ chồng, Hùng mở điện thoại ra trả lời. Anh như không tin vào mắt mình khi nhìn đoạn tin nhắn vợ sắp cưới chat với bạn:
"Ông ấy có đẻ ra chồng tao đâu mà tao phải chăm? Cưới rồi thì cứ để ông ấy ở quê với thằng em thôi ..."
Hùng không dám đọc tiếp. Anh đi vội ra khỏi tiệm váy cưới, nước mắt cứ nhòe đi...
Cô ấy từng hứa sẽ chăm bố, yêu thương bố anh như bố của cô ấy. Hơn ai hết cô ấy biết ông đã dành cho anh tình yêu lớn lao, vĩ đại như thế nào. Cô ấy có thể yêu anh ít cũng được, nhưng anh không thể chấp nhận việc cô xem thường bố anh, Người bố ấy dù không thân sinh ra anh nhưng ông đã mang đến cho anh cuộc đời này, cho một đứa trẻ mồ côi như anh tình yêu thương và mái ấm gia đình, chỉ cho đi mà không bao giờ nhận lại...
***
Trong quán cafe, Hùng không dám nhìn vào mắt em trai. Anh không biết bắt đầu nói từ đâu cho cậu ấy hiểu, mà chính anh cũng không hiểu mình đang nghĩ gì, lòng anh rối như tơ vò.
- Anh không biết có nên kết hôn nữa hay không...
- Anh vừa nói gì thế? Có chuyện gì khiến anh suy nghĩ như vậy? Bố đã rất mong chờ ngày anh đón cô dâu về nhà đó anh có biết không?
Vội gạt đi giọt nước mắt lăn dài trên má, Hùng kể hết mọi chuyện cho em trai.
- Có một chuyện bố không cho em được nói với anh nhưng hôm nay đã đến lúc em phải kể cho anh nghe. Ngày anh lên trường nhập học, em và bố lên Hà Nội cùng anh, anh còn nhớ chứ? Lúc trở về, nhà nội ruột gồm ông bà và hai chú sang bảo bố: "Thằng Hùng có phải con mày đâu mà mày khoe nó ầm làng ầm xóm, nó đỗ đại học là do gen nhà tao thông minh có sẵn, còn gen mày chỉ có làm cửu vạn thôi". Hôm ấy em bực quá đã lao vào ẩu đả với 2 người chú ruột vì dám xúc phạm bố.
Em cứ lao vào vừa khóc, vừa quơ tay đấm đá liên hồi. Em không ý thức được việc em làm, em chỉ thấy đau vì họ sỉ nhục bố. Bố đã lôi em ra và ôm giữ tay em, bố xin lỗi bên nhà nội và hứa sẽ giữ lời ăn tiếng nói. Đêm đó bố ngồi trâm ngâm suốt đêm không ngủ. Sáng hôm sau bố bắt em quì gối và vụt em 3 roi. Đó là lần đầu tiên em bị bố đánh, bố bảo em dù có như thế nào cũng không được hỗn với nhà nội ruột...Sau lần đó mỗi khi ai hỏi về anh, mắt bố chỉ long lanh và khoe anh thông minh giống bố ruột chúng mình, chứ người như bố chỉ biết lao động thôi.
"Anh tuyệt đối không bao giờ làm bất cứ chuyện gì có lỗi với bố, người đàn ông bao dung, vĩ đại nhất trên thế gian này". (Ảnh minh họa: dailymotion)
Em trai Hùng tiếp lời, giọng đã lạc hẳn đi:
- Suốt những năm anh học đại học, chưa lần nào bố gửi chậm tiền cho anh nhưng cũng chưa ngày nào bố ăn sáng cả anh biết không? Một nồi cháo đậu đen bố nấu hôm trước, sáng hôm sau bố ăn đi làm. Bố vẫn bảo người Trung Quốc họ toàn ăn cháo buổi sáng mới thọ, bố muốn thọ để chăm sóc tụi bay. Vậy mà chưa ngày nào bố để em nhịn đói đi học, dù chỉ nắm xôi hay bát mì nhưng em vẫn không phải ăn cháo. Rồi ngày anh nhận bằng tốt nghiệp, bố mua cho anh bộ vest mà bố phải đi làm gần 4 tháng mới trả hết số tiền bộ quần áo đó, anh biết không ? Bây giờ anh quyết định sao cũng được, em sẽ không có ý kiến. Nhưng em cần nói ra điều này: "Vợ anh chỉ có thể có quyền làm khổ anh nhưng không có quyền làm khổ bố em, càng không có quyền xúc phạm bố của chúng ta".
Hùng chợt xiết tay em trai thật chặt rồi bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh không biết tiếp theo tương lai sẽ xảy ra chuyện gì, nhưng có một điều anh có thể chắc chắn: "Anh tuyệt đối không bao giờ làm bất cứ chuyện gì có lỗi với bố, người đàn ông bao dung, vĩ đại nhất trên thế gian này".
* Bài viết dựa trên một câu chuyện có thật, tên nhân vật đã được thay đổi.
Hạ An/dkn.tv
Tử huyệt mang tên 'con chồng' Ba không đánh chị, quay sang tát mẹ vì tội không quan tâm dạy dỗ chị. Chị hả hê nhìn mẹ ôm khuôn mặt hằn rõ vệt ngón tay. Ngày dắt tôi về ở với cha dượng, mẹ dặn: "Con phải ngoan, nghe lời ba và chị, đừng để ba và chị phiền lòng". Mới 6 tuổi, nhưng tôi hiểu rõ trong nhà...