‘Cha đẻ’ tàu ngầm xuất sang Malaysia: ‘Chế tạo tàu ngầm chẳng có gì to tát’
“Cha đẻ” tàu ngầm du lịch xuất sang Malaysia chia sẻ, việc chế tạo tàu ngầm xem ra xa lạ ở Việt Nam, nhưng với các nước phát triển trên thế giới, họ chế tạo, phát minh ra bất cứ điều gì mà họ xem là có thể.
Chế tạo tàu ngầm không có gì to tát
Sau nhiều năm nỗ lực, vượt qua bao khó khăn, ông Phan Bội Trân (60 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng đã phần nào an lòng sau khi một công ty du lịch Malaysia mua 5 chiếc tàu ngầm du lịch do ông sản xuất. Điều đó, cũng có nghĩa thành quả lao động của ông đã được ghi nhận, chứng minh được điều ông làm không phải là dở hơi, gàn dở.
“Sau khi có được hợp đồng chính thức bán lô tàu ngầm du lịch cho công ty Malaysia tôi mới báo cho mọi người biết. Còn trước đó, mặc dù đã sản xuất và thử nghiệm thành công một chiếc tàu mẫu nhưng tôi chưa dám công bố, bởi chưa chắc mọi người đã tin. Ngược lại có người còn cười cho rằng tôi là kẻ khùng, dở hơi, hoang tưởng” – ông Trân bộc bạch.
Nhà khoa học Phan Bội Trân – “cha đẻ” tàu ngầm made in Việt Nam. Ảnh: Huy Cường
Ông Trân tâm sự, việc ông làm tàu ngầm không chỉ người ngoài mà còn cả những người thân trong gia đình ông cũng lên tiếng phản đối.
“Họ cũng có lý của họ, bởi từ trước giờ có ai là cá nhân, tư nhân ở Việt Nam chế tạo tàu ngầm đâu. Chỉ mới gọi tên thôi chứ chưa cần phải chế tạo cũng thấy xa lạ rồi” – ông Trân nói.
Theo “cha đẻ” tàu ngầm, điều này xem ra xa lạ ở Việt Nam, nhưng với các nước phát triển trên thế giới, họ chế tạo, phát minh ra bất cứ điều gì mà họ xem là có thể. Nhiều vấn đề, nhiều sản phẩm còn “quái dị” hơn, còn việc chế tạo tàu ngầm chỉ là dạng bình thường, chẳng có gì to tát cả.
Ông Trân lý giải, người dân sinh sống ở những nước phát triển họ đã quen với những việc làm như vậy nên họ thấy chẳng có gì quan trọng. Riêng tại Việt Nam thì lại khác, cái gì “mới”, “lạ” cũng có thể soi mói, bình luận, mặc dù việc đó không phải của họ.
Ông Trân cho rằng, khó khăn lớn nhất của ông chính là dư luận, những người luôn đưa ra ý kiến trái chiều, phản bác, thậm chí phản đối, ngăn cản việc làm của ông.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, tôi không xem đó là trở ngại mà xem đó là động lực để phấn đấu và cố gắng hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm của mình làm ra. Đến nay có thể nói tôi đã có thành công bước đầu, đây cũng là đà thuận lợi để tiếp tục chế tạo các sản phẩm khác” – ông Trân chia sẻ.
Tàu ngầm Yết Kiêu 1 có thời gian dài nằm xếp xó, nó chỉ được “hồi sinh” khi ông Trân ký hợp đồng thành công 5 chiếc tàu ngầm du lịch mini mang tên “Người cá” bán cho Malaysia. Ảnh: Huy Cường
Ông Trân cho rằng, tàu ngầm du lịch bán sang Malaysia chỉ là dạng lấy ngắn nuôi dài. Cái chính ông hướng đến là sản phẩm tàu ngầm Yết Kiêu 2, dạng quân sự có trang bị vũ khí, chiến đấu được trên biển. Còn mô hình tàu ngầm Yết Kiêu 1 (báo chí đăng tải nhiều – PV) thì ông tặng trường Hải quân để phục vụ mục tiêu giảng dạy cho sinh viên, học viên hàng hải, cái này cũng không phải là mục tiêu dài hơi của ông.
Tự tay ông bỏ tiền túi ra đầu tư nên ông nghĩ cái nào có tính khả thi mới làm, tuy nhiên đôi khi cũng có những rủi ro không như mong muốn. Theo đó, ông Trân đang chờ khoản tiền thừa kế từ gia đình, cộng với các khoản khác, sau đó mới đi vào chế tạo, sản xuất, thử nghiệm tàu ngầm Yết Kiêu 2.
Một điều ít ai biết đến, hợp đồng ký thành công với công ty du lịch Malaysia được thông qua những người bạn bên Pháp giới thiệu ra thế giới bằng cách chụp lại hình ảnh gửi sang những nơi có nhu cầu, đăng tải trên mạng.
Khoảng 1 tháng sau, một công ty du lịch Malaysia cử người đến tận xưởng ông Trân xem hàng và đồng ý mua 5 chiếc. Mặc dù sản phẩm chưa được kiểm định chính thức tại Việt Nam nhưng trước khi đặt bút ký hợp đồng, phía Malaysia cũng đã cùng ông Trân thử nghiệm thành công tại một hồ bơi đóng trên địa bàn TP.HCM.
“Cái tiếp đến công ty Malaysia mang tàu ngầm về nước họ kiểm định, cấp phép hoạt động, và không loại trừ họ có thể nhái bản quyền, sản xuất ra sản phẩm tương tự, cho dù mình biết nhưng cũng không thể kiện họ được. Sau đó, cũng có thể họ xuất sang bán ngược lại cho Việt Nam, lúc đó giá thành cao hơn nhiều” – ông Trân trăn trở.
Đánh giá các tiêu chuẩn của tàu ngầm, theo ông Trân là tính thẩm mỹ, kỹ thuật, cơ tính cao, tàu du lịch của ông có thể sánh ngang các nước như Anh, Pháp.
Khát khao đóng góp cho đất nước
Những ai mới tiếp xúc với ông Trân sẽ nhầm tưởng ông là một nông dân nhà quê chính hiệu, bởi quần áo xộc xệch, đi dép lê, đầu tóc rối bù, dễ gần gũi.
Ở lứa tuổi 60 nhưng trông ông Trân vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, đặc biệt trí nhớ rất tốt. Ông có thể tiếp chuyện với khách liên tục nhiều giờ liền khi trao đổi đúng chủ đề ông thích thú.
Người đối diện với ông Trân dễ bị thu hút bởi cách nói chuyện mộc mạc, chân chất, giản dị, khiêm tốn. Cảm nhận trong ông sự khát khao cống hiến cho khoa học, trách nhiệm của công dân đối với tổ quốc, mong muốn đóng góp chút ít công sức cho nước nhà, nhất là an ninh quốc phòng.
Các vật dụng, đồ dùng… chiếm gần hết lối đi căn nhà. Ảnh: Huy Cường
Ông Trân là anh cả trong 5 anh em (2 trai, 3 gái), xuất thân quê ở Bình Dương. Ông là cựu học sinh trường THPT La San Taberd (bây giờ là trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM), đi du học tự túc tại Pháp từ năm 20 tuổi sau khi thi đỗ trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Ông tốt nghiệp ngành hóa học chuyên ngành vật liệu tổng hợp composite tại Pháp
Sau khi tốt nghiệp, ông vào làm việc tại một vài nhà máy đóng tàu ngầm và máy bay trực thăng của Pháp với vai trò điều phối viên, nghiên cứu, chế tạo vật liệu composite (nhựa tổng hợp). Bên cạnh đó, ông cần mẫn học hỏi về vật lý, chế tạo động cơ, điện và các chuyên môn khác liên quan đến công nghệ đóng tàu ngầm.
Thời gian ông Trân dành cho niềm đam mê khoa học từ 12 – 14 giờ/ngày. Ông luôn ấp ủ các ý tưởng mới lạ, cải tiến sản phẩm đã có như tàu thuyền, xe đạp điện, ván trượt nước có buồm và đặc biệt là quân khí, cải tiến súng AK; “bắt sống” xe tăng; “phong tỏa” đường biên giới…
Ông đã từng cộng tác cho nhà nước Lybia về sáng chế tàu ngầm hạng trung, cho một số nước về mô hình máy bay không người lái.
Năm 1981 ông về Việt Nam thăm quê hương lần đầu tiên. Đến năm 2006, ông chuyển về ở Việt Nam, kinh doanh, làm ăn sinh sống, lấy vợ lần thứ hai kém hơn ông 30 tuổi và có hai con, một trai, một gái.
Ngoài nghiên cứu khoa học, ông Trân còn mở công ty sản xuất sản phẩm tóc giả và mặt hàng này công ty ông độc quyền sản xuất cho đối tác tại Pháp.
Nguyên vật liệu hạt nhựa được ông nhập từ Nhật Bản rồi về Việt Nam sản xuất, tạo mẫu, ra thành phẩm rồi xuất sang Pháp. Thời điểm thịnh có thể xuất được từ 30.000 USD – 40.000USD/lần. Tuy nhiên, sau này do suy thoái kinh tế thế giới nên công ty ông cũng không nằm ngoại lệ, số lượng hàng giảm xuống, buộc ông tính toán, chuyển sang mặt hàng khác.
Hiện tại ông đang mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, vẫn đi về qua lại giữa hai nước. Dự định trong tương lai, ông Trân về Việt Nam sinh sống lâu dài, đến cuối đời.
Theo VTC News
Tàu ngầm Yết Kiêu sẽ được xuất khẩu sang Malaysia
Cha đẻ tàu ngầm Yết Kiêu cho biết là công ty của ông đã có hợp đồng đầu tiên với các của Malaysia.
Tổ hợp tàu ngầm mini phiên bản du lịch Trao đổi với phóng viên sáng ngày 14/7/2014, chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu, cũng là hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu - ông Phan Bội Trân cho biết, tàu ngầm của ông đã có thể xuất khẩu sang nước ngoài. "Từ phiên bản Yết Kiêu đầu tiên một người lái, tôi đã có những cải tiến thuận tiện hơn, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng để phục vụ du lịch, hiện tại, công ty của tôi đã có hợp đồng đầu tiên với các đối tác của Malaysia, ông Phan Bội Trân nói.
"Cha đẻ" tàu ngầm Yết Kiêu - Phan Bội Trân.
Chia sẻ về bản hợp đồng này, ông Phan Bội Trân nêu chi tiết: "So với phiên bản đầu tiên được thử nghiệm trước đây thì phiên bản xuất khẩu này được thay đổi nhiều thứ. Ví dụ như trước cửa vào phải luồn từ dưới bụng tàu, nhưng nay có thể đi từ nắp tàu xuống. Tàu cũng có kích thước lớn hơn để hai người ngồi. Cửa kính, kính tiềm vọng của con tàu cũng được thay đổi. Khả năng lặn và hoạt động dưới nước cũng được cải tiến rất nhiều. Tàu được sơn màu vàng. Nhìn chung phiên bản này được cải tiến để có thể phục vụ du khách một cách hiệu quả nhất". "Hiện tại công ty du lịch của Malaysia đã đặt mua của tôi 4 chiếc tàu 2 người ngồi, ngoài ra còn một tàu mẹ đang được sản xuất. Tàu mẹ có khả năng chứa bốn tàu ngầm mini. Nó sẽ chở 4 tàu này từ cầu cảng ra bãi san hô là địa điểm du lịch, sau đó hệ thống thang máy của tàu mẹ sẽ đưa 4 tàu con xuống nước, du khách bắt đầu điều khiển tàu đi thăm quan rặng san hô đó. Khi kết thúc chuyến thăm quan, du khách được các tời của tàu mẹ kéo về định vị tại các vị trí cố định rồi được kéo lên tàu như trước", ông Phan Bội Trân miêu tả cụ thể. Chủ nhân của sáng chế này cho biết thêm, ông đang chuẩn bị thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ với mô hình tổ hợp tàu mẹ - tàu ngầm mini du lịch này nên không thể công bố được hình ảnh của chúng. Nỗi buồn của chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu Dù chủ nhân của con tàu đã có được lợi nhuận từ sản phẩm chất xám của mình, nhưng ông Phan Bội Trân vẫn còn đó những nỗi buồn. Ông chia sẻ:"Trước khi chào hàng tới các đối tác nước ngoài, tôi đã bắt đầu với các công ty của Việt Nam trước. Lợi thế du lịch của Việt Nam là không hề nhỏ, từ những bải biển đẹp nổi tiếng như Nha Trang, Mũi Né, Cù Lao Chàm... và các rặng san hô gần bờ, đều có thể áp dụng được. Các công ty của Việt Nam cũng rất thích thú với ý tưởng này, nhưng họ còn rất nhiều thứ phải e ngại".
Tàu ngầm của ông Trân thử nghiệm tại hồ bơi của Học viện Hải quân.
"Tôi ví dụ, ở Malaysia, các rặng san hô của họ được quy hoạch chỉ để phục vụ du lịch và được bảo tồn rất tốt, nhưng Việt Nam không có những quy hoạch như thế, tàu ngầm bơi dưới nước sợ va phải tàu nổi đi trên mặt nước là chuyện đương nhiên. Chưa kể Việt Nam chưa có cơ chế đăng kiểm đăng ký cho tàu ngầm mini du lịch, vì thế phát triển loại hình này còn là một điều cực kỳ khó khan ở nước ta. Chúng ta đã bỏ lỡ một lơi thế", ông Trân chia sẻ. Ông Phan Bội Trân bày tỏ: "Tôi buộc phải đưa tàu ngầm của mình bán ở nước ngoài, dù đối mặt với nguy cơ bị sao chép công nghệ rất cao, nhưng không còn cách nào khác, phải nói rằng từ chính phủ cho đến tư nhân của họ, họ nhìn nhận rất nhạy những vấn đề mang lại lợi ích kinh tế ngay lập tức". Theo báo Đất Việt
Theo_Kiến Thức