Cha đẻ của penalty – người thay đổi bản chất môn thể thao vua
Penalty được phát minh bởi William McCrum, thủ môn người Ireland, là hình phạt chống lại những cầu thủ cố tình chơi thô bạo trên sân cỏ.
Nếu có một bộ phim tài liệu nào đó được làm trong tuần này với chủ đề sự hấp dẫn, tinh tế của những quả đá phạt đền (penalty), phần mở đầu của nó có thể diễn ra như thế này:
Cảnh đầu tiên tái hiện loạt sút luân lưu giữa tuyển Morocco với Tây Ban Nha tại World Cup 2022: Achraf Hakimi, hậu vệ của Morocco, bước lên phía trước một cách tự tin để thực hiện những quả penalty táo bạo nhất và giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu lịch sử trong vòng 16 đội.
Máy quay lia đến tiền vệ Sergio Busquets của Tây Ban Nha ở cách đó 50 m, tay chống nạnh, cố gắng hiểu xem anh đã bỏ lỡ điều gì trước cú sút của Hakimi.
Xung quanh hai người đàn ông là tiếng reo hò rộn rã của những người hâm mộ cuồng nhiệt, chúc mừng Morocco bước tiếp tại World Cup.
Phân cảnh thứ hai là sự im lặng bao trùm, hình ảnh trên màn hình chiếu đến vùng nông thôn Ireland. Một ngôi mộ với hàng rào trắng bao xung quanh khu đất, ở giữa là phiên bản quả bóng đen trắng cổ điển của mùa World Cup 1970. Ngôi mộ thuộc về gia đình McCrum, ở vùng Milford gần đó.
Điều kết nối hai phân cảnh khác xa nhau này chính là câu chuyện về người đàn ông được chôn cất ở góc này.
Tên ông là William McCrum – người phát minh quả đá phạt penalty. Quả phạt đền được sáng tạo từ người thủ môn này đã thay đổi mãi mãi bản chất của môn thể thao phổ biến nhất thế giới, theo The Athletic.
Hình phạt chống lại sự thô bạo
McCrum lớn lên ở một ngôi làng, xuôi theo Monaghan Road, nơi mà ngay lối vào của người ta sẽ nhìn thấy dòng thông báo bạn đang ở “Milford: Ngôi nhà của những cú sút luân lưu”.
Vùng đất nằm rất xa Doha, Qatar này là nơi bắt đầu câu chuyện về chàng trai trẻ đấu tranh chống lại sự thô bạo trong lối chơi của bóng đá nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp.
Hakimi ăn mừng chiến thắng trước tuyển Tây Ban Nha sau khi thực hiện thành công cú sút thứ 5 trong loạt đá luân lưu. Ảnh: AP.
McCrum sinh năm 1865 trong một gia đình giàu có, kinh doanh ngành vải lanh. Gia đình ông đã xây dựng nên Milford, một ngôi làng kiểu mẫu, để những người lao động của họ sinh sống.
Là một chàng trai đam mê thể thao và yêu thích sân khấu, ông rời quê hương đi học đại học ở Dublin và khi trở về, ông gia nhập Milford FC, được thành lập vào năm 1885.
Bóng đá khi đó vẫn là môn thể thao mới lạ và Irish League, nơi Milford FC sẽ thi đấu, vẫn chưa hình thành. Câu lạc bộ của McCrum tuy nhỏ nhưng đầy tham vọng và đã được chấp nhận tham gia giải đấu ngay mùa đầu tiên, 1890-1891. Irish League là giải đấu quốc gia lâu đời thứ hai thế giới, chỉ sau giải đấu của nước Anh.
Là một cầu thủ, William McCrum tận mắt chứng kiến thực tế đầy bức xúc. Ông thấy mình không được bảo vệ trong môn thể thao này.
Đội Milford đã phải vật lộn rất nhiều. Họ chơi 14 trận và thua tất cả; trong những trận đó, họ để lọt lưới 62 bàn (trung bình hơn 4 bàn/trận). Những số liệu này đã khiến McCrum, thủ môn 25 tuổi khi đó, rất thất vọng.
Nhưng một nỗi buồn lớn hơn của ông xuất phát từ nỗi bức xúc trước sự thô bạo nói chung trong các cuộc đấu, các cầu thủ thiếu sự bảo vệ, đặc biệt là ông và các thủ môn khác.
Không chỉ tận mắt chứng kiến các vụ việc tại Milford, nam thủ thành còn nghe những câu chuyện về sự tàn bạo ở Leicester, Anh – một cầu thủ đã tử vong sau pha tranh chấp bạo lực có chủ ý. Thủ phạm bị buộc tội ngộ sát.
Lo ngại về những tội phạm thể thao này, McCrum đã suy nghĩ về hình phạt có thể áp dụng cho những cầu thủ chơi ác ý thông qua đá “penalty” và trình lên hiệp hội Irish Football Association (IFA).
McCrum đã tìm được đồng minh là Jack Reid, tổng thư ký của IFA. Reid là một cầu thủ, đồng thời là nhà quản lý chủ chốt, chơi ở vị trí tiền đạo trung tâm của câu lạc bộ Belfast Cliftonville.
Điều quan trọng, vị trí của Reid tại IFA đã cho anh một ghế trong Hội đồng Hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB), nhóm hành chính giám sát Luật thi đấu.
Năm 1890, Reid đưa ý tưởng về penalty của McCrum đến cuộc họp thường niên của IFAB ở London, Anh. Nhưng nó đã không được đón nhận nồng nhiệt.
Đã có những lo lắng về diễn biến trận đấu và đường biên trên sân. Nhiều người gọi đó là “hình phạt tử hình”.
CB Fry, vận động viên nổi bật nhất thời đại, đội trưởng của tuyển cricket Anh và Corinthians FC nổi tiếng, phàn nàn về nhận thức cho rằng các cầu thủ cố tình phạm lỗi với nhau, nói rằng penalty là “một sự xúc phạm đến những người chơi thể thao”.
Do đó, đề xuất của McCrum đã bị bác bỏ, bị gọi theo một cách mỉa mai là “the Irishman’s Motion” (tạm dịch: Kiến nghị của người Ireland).
Luật 14 thay đổi ngôn ngữ bóng đá
Tuy nhiên, McCrum và Reid vẫn tin vào quan điểm của mình. Một năm sau, tại cuộc họp thường niên tiếp theo của IFAB, kiến nghị của McCrum một lần nữa được đặt lên bàn trao đổi.
Cuộc họp lần này tổ chức tại khách sạn Alexandra trên đường Bath ở thành phố Glasgow, Scotland. Lần này, ý tưởng của McCrum đã được đưa ra mổ xẻ để hiểu rõ hơn và kiến nghị của anh cuối cùng được thông qua.
Penalty trở thành Luật 14 của bóng đá.
Khi luật này được ra mắt năm 1891, người thực hiện quả phạt đền có thể đặt bóng ở bất kỳ đâu trên đường kẻ ngang cách khung thành 11 m, thủ môn có thể tiến đến cách 5,5 m so với vạch vôi khung thành.
Đến năm 1902, quy định về “chấm phạt đền” được đưa ra. Đồng thời vòng cấm địa (vòng 16,50 m) ra đời thay thế cho đường 11 m. Tới năm 1905, thủ môn được yêu cầu đứng trên vạch vôi của khung thành khi bắt đá phạt đền.
Năm 1930, Manuel Rosas trở thành người đầu tiên thực hiện quả phạt đền tại World Cup, cho tuyển Mexico trong trận gặp Argentina.
Như vậy, có thể nói, McCrum là người đã thay đổi hình ảnh và ngôn ngữ của thể thao.
Cú phạt đền, loạt sút luân lưu ra đời đã thay đổi môn thể thao vua. Ảnh: Reuters.
Sau đó, khái niệm về loạt sút luân lưu – mỗi đội lần lượt thực hiện 5 cú sút từ chấm phạt đền, áp dụng nếu tỉ số cân bằng sau thời gian đá chính kết thúc – cũng xuất hiện. Ban đầu, nó được sử dụng trong một số trận đấu nhỏ và cúp quốc nội những năm 1950-1960.
Tuy nhiên, một số thay đổi đã diễn ra sau trận đấu trong khuôn khổ European Championship 1968, giữa Italy và Liên Xô cũ. Trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0 sau hiệp phụ, hai đội tung đồng xu để phân thắng bại. Kết quả, Italy giành chiến thắng.
Trận đấu đã cho thấy sự thiếu công bằng trong thể thao.
Bức tượng tưởng niệm McCrum tại quê nhà của ông.
IFAB sau đó đã thông qua đề xuất đá luân lưu vào năm 1970, sau World Cup ở Brazil. Luật mới được giới thiệu tại Watney Cup, diễn ra ở Anh trong cùng năm.
Manchester United đã thắng trong loạt luân lưu đầu tiên và George Best, đồng hương của McCrum, là người ghi bàn thắng ở loạt luân lưu đầu tiên.
Năm 1976, giải đấu lớn đầu tiên được quyết định trên chấm phạt đền là European Championship. Khi đó, Đức đối mặt với Cộng hòa Czech ở Belgrade (Serbia). Đội tuyển Czech đã giành chiến thắng khi cầu thủ Antonin Panenka ghi bàn ở quả sút luân lưu thứ 5, một pha lập công khó quên vào lưới Sepp Maier.
Sau này, “Panenka” được dùng để đặt tên cho một kỹ thuật đá penalty, trong đó người thực hiện cú sút đánh lừa thủ môn và nhẹ nhàng đưa bóng bay vào giữa khung thành.
Về phần William McCrum, ông đã tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình nhưng cuối cùng phá sản. Ông qua đời năm 1932 ở Milford, không một xu dính túi. Trong khi phát minh của McCrum ngày càng mang nhiều ý nghĩa cho thể thao, tên tuổi của ông dường như chìm vào quên lãng.
Năm 1997, không gian xanh ở Milford, nơi McCrum đá bóng lần đầu tiên, bị đe dọa phá bỏ bởi một dự án phát triển nhà ở. Người dân địa phương đã chiến đấu chống lại dự án đó và ngày nay, họ dựng một tượng bán thân của McCrum ở đó.
Phản ứng của Mbappe khi Kane đá hỏng phạt đền
Tiền đạo người Pháp cười lớn khi chứng kiến đồng nghiệp người Anh sút phạt đền vọt xà ở phút 82 trận tứ kết World Cup rạng sáng 11/12 (giờ Hà Nội).
Mbappe cười lớn khi đối thủ đá hỏng phạt đền.
Phút 82, tuyển Anh có cơ hội ngon ăn để gỡ hòa trước Pháp khi Mason Mount bị đẩy ngã trong vùng cấm. Như thường lệ, Harry Kane vẫn là cái tên được tin tưởng thực hiện quả phạt đền.
Trước đó, Kane đã dễ dàng đánh bại Lloris nhưng ở lần thứ hai được thực hiện penalty, tiền đạo sinh năm 1993 đá bóng lên trời. Từ phía sau, Kylian Mbappe không giấu nổi niềm vui. "Ninja Rùa" cười lớn khi chứng kiến đội nhà thoát thua trong gang tấc.
Kane đá hỏng phạt đền lần thứ 4 trong sự nghiệp ở cấp tuyển.
Sau trận, Kane gục ngã và không kìm được nước mắt. Thủ môn Jordan Pickford đã nhanh chóng chạy tới để động viên đội trưởng. Pha hỏng ăn của tiền đạo 29 tuổi trực tiếp đẩy tuyển Anh rời World Cup. Trong suốt 32 năm qua, thành tích tốt nhất của "Tam sư" tại đấu trường thế giới chỉ là vị trí thứ 4.
Kỳ World Cup đầy bất ngờ
World Cup 2022 đang được giới chuyên môn đánh giá là một trong những kỳ Cúp Thế giới đáng xem nhất lịch sử với dấu ấn đậm nét từ các đại diện châu Á và nhất là châu Phi. Một trong những bất ngờ tương tự từng được viết trong cuốn The official history of FIFA World Cup, xuất bản năm 2019
Highlights Anh 1-2 Pháp .Aurelien Tchouameni và Olivier Giroud ghi bàn trong chiến thắng 2-1 của tuyển Pháp trước Anh ở tứ kết World Cup 2022 diễn ra vào rạng sáng 11/12 (giờ Hà Nội).
Trọng tài người Argentina gây tranh cãi ở trận đấu của Bồ Đào Nha Đêm 10/12 (giờ Hà Nội), ông Tello từ chối cho Bồ Đào Nha hưởng phạt đền sau 2 lần cầu thủ của đội tuyển châu Âu ngã trong vùng cấm Morocco. Phút 45 2, Bruno Fernandes đột phá vào vùng cấm Morocco và bị ngã sau tác động từ Achraf Hakimi. Cầu thủ Bồ Đào Nha cho rằng họ phải được hưởng phạt...