Chả cua – món ăn “kỳ lạ” của người dân Thạch Hà
Có tên là chả cua, hoặc cua, nhưng món ăn dân dã này của người dân các xã Thạch Tiến, Thạch Thanh, Thạch Ngọc, Thạch Vĩnh… (Thạch Hà, Hà Tĩnh) lại không hề sử dụng thịt cua làm nguyên liệu chế biến.
Chả cua – món ăn dân dã của người dân huyện Thạch Hà
Nhiều cụ cao niên ở huyện Thạch Hà cũng không còn nhớ món chả cua có từ khi nào, tuy nhiên lại biết rõ nguồn gốc của tên món ăn này.
Theo họ, ngày xưa, khi giá cua biển vẫn còn chưa đắt đỏ như bây giờ, thi thoảng người dân các vùng trung du và đồi núi của huyện Thạch Hà vẫn có thể mua được chút ít loại hải sản này về để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Cua biển sau khi lược hết phần thịt, người dân giữ lại phần mai cua, đem rửa sạch, để ráo rồi cất, chờ đến ngày lễ, tết mới đem ra làm món chả cua.
Nguyên liệu để làm món chả cua gồm thịt lợn nạc, miến gạo, lá nghệ, tỏi và các loại gia vị. Một vài người còn bỏ thêm rễ củ kiệu vào để dậy mùi thơm. Các bước chế biến món ăn này cũng rất đơn giản. Thịt nạc được bằm nhỏ, trộn đều với tỏi bằm, lá nghệ thái nhỏ, miến gạo khô vò nát rồi cho thêm chút hạt tiêu, mì chính, nước mắm hoặc bột canh. Chờ khoảng 10 phút để gia vị ngấm vào thịt rồi vắt thành từng viên bằng nắm tay cho vào mai cua, đặt lên xửng hấp cách thủy khoảng 20 phút là chín.
Thịt nạc, tỏi và lá nghệ là 3 nguyên liệu không thể thiếu trong món chả cua
Ông Lê Phi Sơn (57 tuổi, trú xã Thạch Thanh) cho biết: “Gia đình tôi nhiều đời làm nông. Ngày xưa phải đến ngày tết, giỗ, hoặc báo hỷ, cả nhà mới có ít thịt để ăn. Trong mâm cơm những dịp này thường có món chả cua, nhưng miến và lá nghệ luôn nhiều hơn thịt. Sau này, cũng vì giá cua đã cao hơn rất nhiều lần, người dân nông thôn ít khi được thưởng thức, nên không có mai cua cất trữ. Họ nghĩ ra cách dùng lá chuối tươi để thay thế cho thuận tiện”.
Video đang HOT
Các viên thịt được gói trong lá chuối
Để lá chuối mềm, dễ gói hơn, sau khi được chặt từ trên cây xuống, người dân đem cả tàu lá rửa sạch, để ráo, rồi hơ qua lửa, đến khi nào thấy lá chuyển sang màu xanh đậm là có thể gói thịt vào. Ở một số vùng khác, chả cua có thể không có lá nghệ nhưng được gói kèm với lá bưởi, khi hấp có mùi thơm rất đặc biệt. Ngày nay, người dân Thạch Hà vẫn giữ truyền thống làm món chả cua trên mâm cỗ ngày giỗ, tết..
Tên gọi độc đáo của món ăn này đôi khi cũng là khởi nguồn của những câu chuyện vui. Ông Sơn kể, có hôm bạn ở xa đến chơi, ông hào hứng giới thiệu về món chả cua “đặc sản” quê nhà. Cứ nghĩ là sẽ được thưởng thức món hải sản, nào ngờ đến bữa ăn không thấy cua đâu, người bạn thắc mắc liền hỏi: “ Sao ông nói mời tôi ăn cua mà giờ không thấy con cua nào cả”. Sau khi nghe chủ nhà giải thích tường tận, cả hai ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Sức hấp dẫn của món chả cua đến từ vị ngọt tự nhiên của nhân thịt hòa cùng vị thơm của tỏi, lá nghệ, nước mắm kết hợp với vị cay nồng của tiêu. Nhiều người chia sẻ, tuy đây là một món ăn dân dã nhưng là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu trong cách chế biến, rất hấp dẫn, khó có ai có thể cưỡng lại.
Bánh vo - vị ngon khó quên của người Hà Tĩnh
Mấy ai về mảnh đất Hà Tĩnh mà khi ra đi không nhớ miếng kẹo cu đơ, bánh đa vừng, bưởi Phúc Trạch hay mực nhảy Vũng Áng.
Người dân Cẩm Xuyên cũng vậy, dù có đi đâu xa, làm gì cũng nhớ mãi hương vị dân dã như chứa đựng cả một bầu trời tuổi thơ của món quà quê mang tên bánh vo.
Bánh vo là thức quà xuất hiện từ rất lâu đời ở khắp các vùng quê ở huyện Cẩm Xuyên. Món bánh được làm từ bột gạo trắng dân dã, mộc mạc, thấm đượm hồn quê này đã gắn bó với nhiều người dân nơi đây. Gạo phải được ngâm từ đêm hôm trước rồi xay mịn, sau đó quấy liên tục để bột dẻo, quánh, mịn.
Có đến hơn 30 năm làm bánh Vo, bà Nguyễn Thị Vân (57 tuổi, thôn 5, xã Cẩm Thăng) chia sẻ: Món bánh vo tuy đơn giản, dễ làm nhưng cũng mất 4 tiếng cho tất cả các công đoạn.
Nếu giáo bột là công đoạn khó nhất vì đòi hỏi người làm bánh phải đánh đều tay, bột được đều, sánh và không bị cháy, thì vắt bánh lại là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo. Mẻ bột sau khi để nguội sẽ được vắt tròn, tạo nên những chiếc bánh nhỏ nhắn, có màu trắng tinh của bột.
Bánh sau khi được vắt xong sẽ được cho vào nồi để hấp, thời gian hấp mỗi mẻ bánh từ 30-45 phút. Muốn bánh được chín đều, giữ được mùi thơm của gạo, người làm bánh phải cho đều lửa để bánh không bị chín quá. Như vậy sẽ giữ được mùi thơm của gạo quê đặc trưng vùng đất Cẩm Xuyên.
Để có thể hấp chín những chiếc bánh, những người làm bánh vo như bà Vân phải dùng chiếc nồi cỡ lớn mới có thể đựng hết được. Công đoạn này yêu cầu lửa phải to, vì vậy người nấu cũng phải theo dõi thường xuyên để tránh bánh bị cháy.
Gia vị đi kèm với bánh vo thường được sử dụng gồm bột canh, hành lá, mỡ lợn (dùng mỡ lợn sẽ có mùi thơm hơn, béo hơn). Sau khi bánh chín nóng, người ta sẽ dùng hành lá rắc lên những chiếc bánh để tạo hương vị thơm ngon, không có cảm giác ngấy của bột và thêm nữa là màu xanh của hành lá sẽ làm nên nét hấp dẫn cho từng chiếc bánh
Người ta khoái ăn bánh vo với bát nước mắm đủ vị. Ăn miếng bánh mềm dẻo, người ta cảm nhận được hương vị thân quen của bột gạo ngon, vị thơm, bùi của gia vị.
Món quà quê này thường được bán ở các chợ quê của Cẩm Xuyên như chợ Trường (xã Cẩm Thăng), chợ Gon (xã Cẩm Phúc), chợ Gọ (xã Cẩm Nam) với giá 10 chiếc/ 5.000 đồng. Bình dị, dân dã lại thơm ngon, bổ dưỡng, những chiếc bánh vo đã trở thành một phần ấu thơ của nhiều đứa trẻ sống tại mảnh đất này.
Bên những chiếc bánh vo, mỗi người trong gia đình, trong thôn xóm thật đầm ấm tình thân trong những câu chuyện làm ăn, chuyện gia đình, trồng trọt. "Nhiều khi chúng tôi ăn bánh vo thay cơm, không đòi hỏi phải có nhiều thức ăn mà cũng ngon, no bụng, rẻ tiền. Chả thế mà nhiều khi đi đâu xa quê, thứ quà bánh khiến lòng day dứt muốn về chỉ có thể là món bánh vo này mà thôi" - chị Đặng Nguyệt Nga (xã Cẩm Thăng) chia sẻ.
7 món Huế hút tín đồ sành ăn tại TP.HCM Ẩm thực cố đô hấp dẫn thực khách bởi cách chế biến và hương vị độc đáo. Giữa lòng Sài thành, bạn có thể thưởng thức nhiều món ngon như bún bò, bánh khoái, bún mắm nêm... Bún bò Huế là món sợi được lòng các tín đồ ẩm thực ở Sài thành. Tại TP.HCM, bún bò được biến tấu với sợi bún...