Cha cờ bạc, mẹ đi bước nữa, con ở với ngoại
Chị lớn mới 1 tuổi chập chững tập đi, đứa em trai mới ra đời cũng không biết mặt cha mình.
Hai chị em là Lâm Quốc Ái (12 tuổi) và em trai Lâm Quốc Thái (11 tuổi) phải sống nương nhờ cùng ông bà ngoại từ nhỏ. Trong căn nhà nhỏ khoảng 20m2 xếp nhiều đồ đạc có hai ông bà và hai đứa cháu ngoại, ông bà còn cưu mang thêm hai đứa cháu từ quê vào ở nhờ đi học.
“Ông bà có mệnh hệ gì tụi nó tựa vào đâu”
Ông Trần Kim Thời, trú tại 273/56 Lạc Long Quân, quận 11 (TPHCM) là ông ngoại hai cháu Ái và Thái chậm rãi kể: Tôi từ ngoài Phan Thiết vào đây làm ăn sinh sống, nhà có hai đứa con gái thôi. Cách đây hơn chục năm con gái lớn đi lấy chồng, tưởng là con gặp được người chồng tâm đầu ý hợp để lo làm ăn, ai ngờ cưới về mới vài tháng thì thằng rể lại sinh ra cờ bạc, rượu chè, có hôm say bí tỉ về lại gây sự đánh vợ. Lúc đầu tôi cũng dùng lời lẽ khuyên răn tha thứ vì nghĩ rằng tuổi trẻ bồng bột nhưng sau đó vẫn chứng nào tật nấy.
Gia đình quá nghèo khổ, làm thuê làm mướn cật lực mới đủ nuôi năm sáu miệng ăn, giờ lại nảy ra tính hư nết xấu, suốt ngày làm biếng rồi vay nợ. Đã vậy đứa cháu thứ hai lại sắp chào đời, gia cảnh càng túng quẫn hơn, làm thì ít phá thì nhiều nên cuộc sống gia đình càng thêm bế tắc. Cùng vì cảnh này mà con rể tôi nói sẽ bỏ vợ, bỏ gia đình này ra đi và không bao giờ quay lại. Nói thế rồi ngày hôm sau bỏ đi luôn, đến nay đã hơn chục năm, chưa bao giờ gọi điện thoại hay hỏi thăm con mình, nhà nội cũng không nhìn nhận nên tụi nó ở với ông bà ngoại từ nhỏ đến giờ.
Sau sự đổ vỡ đó thì con gái tôi cũng tái hôn với người khác, cuộc sống cũng khổ quá và đi làm ăn ở xa nên năm khi mười họa mới về thăm con một lần. Mỗi lần về cũng không có gì cho con, nhìn cảnh này đau xé lòng nhưng phải nuốt nước mắt vào trong. Nhiều khi tự nói với lòng, nuôi con lớn rồi đến giờ nuôi cháu, làm mẹ gì mà giao hết cho ông bà, chưa bao giờ mua được cho con cuốn tập, nếu chẳng may ông bà có mệnh hệ gì tụi nó tựa vào đâu. Nói đến đây ông mím môi lại, mắt đỏ hoe và vội quay nhìn đi hướng khác.
Ông Trần Kim Thời bên hai đứa cháu ngoại của mình.
Không có cha mẹ bên cạnh
Cháu Ái buồn rầu khi nói về người cha bỏ mình ra đi: “Cháu hứa với lòng sẽ không bao giờ nhận cha vì đã bỏ chị em cháu mồ côi từ nhỏ, sống không có cha mẹ thiệt thòi lắm. Mỗi bữa chiều tan học, thấy bạn bè ai cũng có cha mẹ đến đón còn chị em cháu thì lủi thủi dắt nhau ra về, những lúc đó cháu thấy tủi thân và hận cha lắm. Thà đừng sinh ra mình để không bị bỏ rơi, nếu không có ông bà ngoại thì không biết giờ hai chị em cháu sẽ sống ra sao và có được đi học như hôm nay”.
Bác Thời nói thêm: tôi đi làm kỹ thuật điện, còn bà xã thì buôn bán quán nước vỉa hè để kiếm thêm tiền chợ, ngày nào cũng bán đến 1 – 2 giờ sáng. Hai chị em Ái và Thái hằng ngày đi học về mỗi đêm còn phụ bà ngoại bán hàng nước tới khuya và chỉ bảo nhau học, hôm nào trời mưa thì mất trắng rồi phải chạy vay mượn tiền trả góp.
Gia đình tôi thuộc hộ nghèo ở phường nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn nên phường hỗ trợ cho mượn hơn chục triệu đồng từ nguồn quỹ công đoàn thành phố. Mỗi năm học tôi phải xin giấy xác nhận của cán bộ khu vực rồi nộp vào trường để hai cháu được miễn giảm học phí, đỡ được khoản nào hay khoản đó. Ngoài việc thay cha mẹ nuôi nấng tôi phải dạy cho chúng nhân cách sống ở đời, ý thức bản thân mình để sống tốt. Tôi không dạy cho chúng nuôi sự thù hận trong lòng mà nên biết chấp nhận hoàn cảnh để sống tốt. Nên chăng do hoàn cảnh những đứa trẻ thiếu tình thương cha mẹ nó sẽ tự khôn hơn thì phải.
Bác Thời tâm sự: “Dù không có cha lẫn mẹ những tôi quyết tâm sẽ nuôi dạy hai đứa cháu nên người, sống tốt với mọi người và biết tha thứ cho những người làm mình tổn thương. Đó là cách tôi vượt qua mọi trở ngại và không buông xuôi để tiếp tục đến bây giờ”.
Theo VNE